Đến đảo Điệp Sơn ngắm đường đi trên biển

Điệp Sơn không chỉ có nắng vàng, cát trắng, biển xanh mà còn là nơi bình yên, trong lành như chốn thiên đường. Hòn đảo nhỏ nhắn, quyến rũ này được nhiều người lưu vào danh bạ du lịch chỉ chừng một năm nay.

Độc đáo đường đi trên biển

Điệp Sơn (hay còn gọi Hòn Bịp) là một dãy đảo gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Để đến được đảo Điệp Sơn, cần phải ra bến tàu Vạn Giã, nằm trên đường bờ kè ven biển. Bến tàu này lúc nào cũng nhộn nhịp ngư dân vào đất liền trao đổi hải sản (hoặc mua nhu yếu phẩm ra đảo), trong khi du khách hối hả lên tàu ra đảo Điệp Sơn để ngắm đường đi trên biển. Nếu đi ca nô, chỉ mất từ 7 – 10 phút là tới nơi, còn đi tàu thì mất cả tiếng đồng hồ vì phải đợi đủ khách và tùa chạy rất chậm. Tùy vào tài chính hoặc thích cá nhân mà khách chọn lựa phương tiện giao thông đường biển thích hợp.

Ở đảo Điệp Sơn, có một đường đi trên biển độc đáo, là điểm nhấn mà từ Bắc tới Nam ai cũng mê mẩn, nô nức ra đây thưởng ngoạn. Từ tháng Giêng đến tháng Sáu trong năm là thời gian lý tưởng để ra đây vì biển êm dịu, không có sóng to. Đứng trên tháp canh ngay bến tàu, mọi người có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp về đảo, nhất là đường đi trên biển. Chẳng biết từ khi nào xuất hiện đường đi độc đáo này. Nhưng khoảng 1 năm nay, nhiều công ty du lịch đã nắm bắt cơ hội , tổ chức tour đi trong ngày để du khách thưởng ngoạn. Một nhân viên phục vụ quán ăn trên đảo cho biết, thực ra đường đi trên biển đã có từ lâu nhưng những năm gần đây mới hấp dẫn du khách. Đó là một đường đi dài chừng 1km, uốn lượn như hình chữ S, lộ rõ hơn vào lúc 12 giờ trưa. Người ta đến đây chụp ảnh và tắm biển rất đông. Đường đi này nối liền từ đảo Điệp Sơn ra hai đảo nhỏ, hòn Qua và hòn Ớ.  Lô nhô trên đảo là những lều trại của dân đi phượt (đa phần là người trẻ) đến để tìm cảm giác lạ.

Những cư dân thích sống bình yên

Trên đảo có hơn 90 hộ dân, đa phần đều làm nghề đi biển hoặc liên quan đến biển. Trên chuyến hành trình từ bến Vạn Giã ra đảo Điệp Sơn, có nhiều bè cá bốp, tôm nằm san sát nhau. Đó là tài sản, kinh tế của cư dân trên đảo Điệp Sơn. Họ nuôi trồng, đánh bắt trên biển và đến đảo Điệp Sơn cư trú, dần dần định cư luôn tại đây. Theo anh Việt, người chuyên kinh doanh mô-tô nước cho biết: “Tôi thấy sống ở đây thoải mái hơn trong đất liền. Không khói bụi, không ồn ào, không bon chen. Nói chung, nơi đây rất tuyệt để gia đình tôi định cư”. Quả thật, Điệp Sơn bình yên đến mức thời gian như ngừng trôi, chỉ có tiếng sóng biển vỗ rì rào và tiếng chim biển ríu rít. Trên bãi biển hầu như không có rác. Đây đó không thiếu những bọc nylon để cho du khách bỏ rác vào. Những thùng rác thải công nghiệp được đưa vào đất liền trong khi rác hữu cơ thì người dân tự hủy trong rừng cây.

Dọc theo triền gò có nhiều ngôi nhà xây cất đơn sơ nhưng chắc chắn để tránh bão và cái lạnh cứa da cứa thịt của gió biển. Hầu như nhà nào cũng xây vài túp lều có gác để du khách thuê nghỉ qua đêm, dạng homestay. Không có hotel nhưng thật tuyệt vời khi du khách sống cùng bà con ở đây. Họ sẽ được trải nghiệm cuộc sống miền biển. Nơi đây chỉ sử dụng máy phát điện, nhưng quy định mỗi gia đình không được dùng quá 3 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại, mọi người sinh hoạt bằng đèn dầu. Những trường hợp khẩn cấp mới được ưu tiên dùng máy phát điện. Anh Bình, một cư dân bản xứ cho biết: “Tuy không có điện nhưng chúng tôi sống rất vui vẻ, chẳng ai phàn nàn gì. Làm mệt cả ngày nên ai cũng đi ngủ sớm, không cần đến điện nhiều”. Khi được hỏi nếu như có người bệnh nặng trong đêm thì phải tính sao, anh Bình cho biết: “Đành chịu! Phải chờ đến sáng mới có tàu từ đất liền ra đảo. Cũng có thể gọi điện cho ca nô ra trong đêm nhưng giá khá cao và tùy sự mạo hiểm của chủ tàu vì ban đêm biển động mạnh. Song cũng may là từ trước đến nay chẳng ai mắc phải trường hợp xấu đó”. Có lẽ vì cuộc sống quá thanh bình, không khí trong lành nên cư dân ở đây đều khỏe mạnh. Một bữa ăn  mà họ cho là đạm bạc (hải sản đắt tiền trên đất liền) thì cũng rất sạch, tươi. Ở đây, có cả trại nuôi gà để đáp ứng nhu cầu của du khách và dành cho những bữa tiệc của người dân địa phương vì giá gà khá cao.

Nước ngọt trên đảo Điệp Sơn đắt và hiếm. Nước sinh hoạt được lấy từ giếng  và dự trữ nước mưa. Còn nước uống phải mua người  từ đất liền mang ra. Nhiều gia đình không đủ tiền mua hoặc xây bồn trữ nước, phải tiết kiệm nước đến mức tối đa, mọi lúc. Có nhiều hộ dùng nước tắm hứng dưới thau để tưới rau hoặc giặt giũ. Giáo dục nơi đây cũng là vấn đề nan giải. Theo anh Việt, trên đảo cũng có trường tiểu học nhưng các bé học cho biết chữ là chính chứ không tiếp thu được gì thêm. “Không biết là bọn trẻ tối dạ hay giáo viên yếu tay nghề mà tôi thấy đứa nào học cũng chậm hiểu, có đứa ngồi lại lớp vài năm”, anh Việt vừa nói vừa cười. Những gia đình khá giả hoặc có người thân trong đất liền đều gửi con vào đấy học. Trẻ sẽ được về thăm nhà mỗi tháng một lần hoặc ba mẹ vào thăm, viện trợ tài chính.

Dù còn nhiều mặt hạn chế nhưng Điệp Sơn vẫn được ngư dân chọn để sống, bám trụ ở đây lâu dài. Từ một ngôi làng chỉ chừng 30  hộ dân giờ đã lên 86 hộ. Có người sống đến cuối đời và yên nghỉ tại đây. Những gò cát cao lẫn trong những lùm cây xương rồng,  là những nấm mồ vô danh. Họ bám biển, bám đảo và ra đi yên bình nơi đây, truyền nghề đi biển lại cho con cháu.

Tác giả: Đặng Trung Thành

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

 

;