Chúng tôi được một lão ngư ở xã Cẩm Thanh chở đi trên con thuyền nhỏ để tham quan khu vực rừng dừa Bảy Mẫu nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn (Hội An - Quảng Nam). Nơi đây, cách phố cổ Hội An 3 km về phía Đông Nam, là một điểm du lịch sinh thái thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm… Với diện tích lên đến 7ha và là di tích lịch sử - văn hóa, rừng dừa Bảy Mẫu được ví như “sông nước miền Tây giữa lòng xứ Quảng”, luôn là điểm đến nhộn nhịp, đặc sắc nhất ở Hội An.
Rừng dừa hơn 100 năm tuổi
Rừng dừa Bảy Mẫu (thuộc thôn 2 và thôn 3 xã Cẩm Thanh) với lợi thế rừng ngập mặn kín đáo và là nơi giao thoa giữa ba con sông Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng nên trước đây được chọn làm khu căn cứ cách mạng trong những năm kháng chiến. Từng là điểm du lịch tự phát, rừng dừa Bảy Mẫu nay được chính quyền quy hoạch lại và quản lý theo hộ kinh doanh. Nhờ đó, các hoạt động du lịch cộng đồng có trật tự và liên kết hơn, thể hiện được văn hóa và nếp sống của người dân làng Cẩm Thanh. Với 7 ha dừa nước hơn 100 năm tuổi, rừng dừa được chia làm nhiều khu để thuận tiện tổ chức các hoạt động vui chơi: chèo thúng chai (rái) ngắm rừng dừa xanh bạt ngàn, nghe hát dân ca, bài chòi, hò khoan, quăng lưới chài kéo cá, xem ngư dân quay thúng điêu luyện…
Du khách nước ngoài tham quan rừng dừa Bảy Mẫu
Người dân địa phương, các công ty du lịch sinh thái đã khéo léo có những tay chèo để đưa du khách ngắm cảnh sông nước yên bình, dịu mắt với màu xanh tươi mát của những hàng dừa nước… Đặc biệt, mỗi tay chèo là một hướng dẫn viên vui vẻ, thân thiện và hiếu khách. Sông nước hữu tình, dừa xanh bạt ngàn cùng với hệ sinh thái tự nhiên đầy tôm cá, tạo nên một thiên nhiên hài hòa và tươi đẹp nơi làng chài.
Căn cứ cách mạng giữa lòng sông nước
Các vị lão thành cách mạng sinh sống tại xã Cẩm Thanh cho hay, địa danh này trước đây được quân và dân Hội An chọn là nơi nương náu trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thời đó, trong khu rừng dừa nước bạt ngàn còn có cả công sự chiến đấu, bệnh viện dã chiến… Không chỉ thế, rừng dừa còn là sinh kế của người dân địa phương nơi đây vì có rất nhiều công dụng. Lá dừa dùng làm mái nhà, quả dùng uống nước, làm mứt, làm siro hay rượu…
Anh Phạm Mây (50 tuổi), nhân viên chèo thúng chia sẻ: "Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, rừng dừa đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Khi khu du lịch mở cửa lại sau dịch, khách nước ngoài đến tham quan giảm mạnh nên lượng du khách Việt là chính". Chị Tố Trâm - một du khách Gia Lai vui vẻ nói: "Vợ chồng tôi rất thích cảnh quan tự nhiên ở rừng dừa Bảy Mẫu. Tôi vừa được ngồi thúng ngắm cảnh, vừa được trải nghiệm các hoạt động của một ngư dân. Nơi đây thực sự là điểm đến thú vị để mọi người đến tham quan, vui chơi, thư giãn thú vị…".
Ngồi trên thúng chai tròng trành trên sông nước, khách du lịch thả mình bên rặng dừa xanh tươi, lẳng lặng nghe câu hò xứ Quảng. Qua từng lời hát của các nghệ nhân, mọi người sẽ hiểu hơn về rừng dừa, các di tích lịch sử - văn hóa và con người nơi đây. Giá vé tham quan và trải nghiệm tại rừng dừa dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/người/chuyến (45-60 phút), tùy vào số lượng người trên một thúng chai.
Dừa nước là thức uống giải khát tuyệt vời với nhiều hương vị được du khách không thể bỏ qua ở khu vực rừng dừa Bảy Mẫu
Thưởng thức ẩm thực độc đáo
Rừng dừa là vùng sinh thái ngập mặn gần Cửa Đại. Do vậy, ở đây đa dạng các loài động vật như cua, cá, tôm… Trên sông nước, những ngôi nhà chòi bằng lá dừa được dựng lên để du khách dừng chân nghỉ ngơi, thưởng thức những món ngon sau chuỗi thời gian lênh đênh trên sông nước, khám phá vẻ đẹp đặc trưng của rừng dừa nước Cẩm Thanh.
Những món ngon đặc trưng bao gồm những món tôm rang, tôm nướng mộc; lẩu cá, ếch xào sả ớt… nhâm nhi với ly bia hoặc thưởng thức ly nước dừa nước thơm mát giữa trưa hè. Vừa ăn vừa ngắm cảnh vật nơi đây bình yên, hít thở không khí trong lành và thư giãn quả là tuyệt vời. Vào lúc chiều tà, khi hoàng hôn buông xuống, rừng dừa Cẩm Thanh càng thêm phần lung linh, huyền ảo.
Rừng dừa Cẩm Thanh là địa điểm du lịch Hội An đang ngày càng được nhiều du khách tìm tới khám phá và trải nghiệm. Những gam màu xanh, vàng hòa với quyện với màu mây trời “trôi” lững lờ trên mặt nước tạo cho khu rừng một khung cảnh bình yên, thoải mái và dễ chịu, mọi lo âu được tạm gác qua một bên nhường chỗ cho sự lặng yên trong tâm hồn khi tới đây.
Cảnh phơi lá dừa, bẹ dừa nước trong làng nghề dừa nước Cẩm Thanh
Làng nghề dừa nước Cẩm Thanh
Sau khi lênh đênh trên sông nước, chúng tôi lên bờ đi vào làng nghề dừa nước Cẩm Thanh tại tổ 3 và tổ 4 (xã Cẩm Thanh). Nơi đây, nhộn nhịp hẳn lên với cảnh người người phơi lá dừa, cộng (bẹ) dừa hoặc gia công chế biến; rộn ràng hẳn lên với cảnh trên bến dưới thuyền, kẻ mua, người bán các nguyên liệu từ cây dừa nước, tạo nên khung cảnh vừa nhộn nhịp vừa thanh bình của làng nghề dừa nước Cẩm Thanh.
Ông Lê Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết: “Cả xã Cẩm Thanh có khoảng 2.000 hộ, trong đó gần 2/3 có nghề làm “nhà lá dừa nước”. Sản phẩm xây dựng từ dừa nước Cẩm Thanh hiện diện trong nhiều khu resort, khách sạn, nhà hàng sang trọng trên cả nước. Khi nhu cầu làm nhà dừa nước đang ngày một tăng, ngoài việc các gia đình ở đây có thêm thu nhập thì làng nghề truyền thống của Cẩm Thanh cũng được lưu giữ. Trong tương lai, các cơ quan chức năng sẽ triển khai quy hoạch lại cả vùng dừa nước và hình thành một khu tổng hợp tất cả các khâu kỹ thuật của việc làm nhà dừa để du khách tham quan. Chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng một thương hiệu dừa nước Cẩm Thanh.
Tác giả: Tiên Sa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021