Con người tha hóa là một đề tài mới, gắn liền với quá trình đô thị hóa ở nước ta sau cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đã được phản ánh trong nhiều tiểu thuyết đầu TK XX. Qua một số tác phẩm tiêu biểu, có thể thấy, mặc dù trong buổi bình minh của thể loại, đề tài này đã được thể hiện một cách chân thực, sinh động và khá sâu sắc. Nó không chỉ có ý nghĩa làm phong phú thêm nội dung phản ánh của văn học giai đoạn đầu TK XX, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn học dân tộc theo hướng hiện đại.
Trong thời phong kiến, ở nước ta và một số nước phương Đông, đô thị chủ yếu là thủ phủ về chính trị, văn hóa. Cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp cuối TK XIX đầu TK XX đã hình thành trên đất nước ta nhiều đô thị kiểu tư bản chủ nghĩa. Không chỉ là trung tâm chính trị và văn hóa, đô thị kiểu mới này còn là nơi tập trung của các nhà máy, xí nghiệp, trường học, nhà hát, bệnh viện, trung tâm giải trí, cửa hàng buôn bán, trụ sở các công ty tư bản, bến tàu, bến xe... Môi trường có rất nhiều cơ hội kiếm sống đó đã cất tiếng gọi người nông dân - những người lao động không còn tư liệu sản xuất – bỏ làng quê lên thành thị. Cuộc sống đô thị hấp dẫn nhưng cũng rất phức tạp và nhiều cạm bẫy khiến con người dễ dàng thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Hiện thực đó đã mở ra một phạm vi mới cho văn học, nhất là tiểu thuyết quốc ngữ. Bởi vì, tiểu thuyết, do những đặc trưng thể loại, bản thân nó đã có khả năng phản ánh nhiều vấn đề khác nhau của xã hội. Tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ còn có phạm vi phản ánh và khả năng diễn đạt phong phú hơn. Con người tha hóa trong môi trường đô thị không chỉ là đối tượng mới lạ hấp dẫn tiểu thuyết, mà đến lượt mình, tiểu thuyết về đề tài này có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người đọc.
Trong tiểu thuyết giai đoạn 1900-1930, số lượng tác phẩm đề cập đến chủ đề này khá nhiều. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chỉ xin phép đề cập đến một số tác phẩm tiêu biểu. Cụ thể là Cành hoa điểm tuyết, Cuộc tang thương (Đặng Trần Phất), Kim Anh lệ sử (Trọng Khiêm), Phồn hoa mộng tỉnh (Dương Tự Giáp), Cô Ba Tràh (Nguyễn Ý Bửu), Mồ cô Phượng (Trứ Giả).
Trong Cuộc tang thương, nhân vật Ngô Tòng do gia cảnh éo le, từ bỏ vùng quê Thái Bình cùng mẹ lên Hà Nội sinh sống là bước ra một không gian rộng lớn hơn, tự đặt mình trong nhiều mối quan hệ phức tạp hơn. Thay vì các mối quan hệ họ hàng (một giọt máu đào hơn ao nước lã), làng xóm (bán anh em xa mua láng giềng gần) như trước đây, trong môi trường sống mới, Ngô Tòng phải làm quen với nhiều mối quan hệ mới: quan hệ làm ăn buôn bán (với bà Lang C), quan hệ bạn bè cùng học (với Lê Cần), quan hệ đồng nghiệp (trong sở Kho bạc)... Dường như nhận thức được sự phức tạp của cuộc sống nơi phố phường, Ngô Tòng không muốn quảng giao, chỉ thân thiết với mình Lê Cần - người bạn học có cùng cảnh ngộ. Tưởng thế là được yên ổn trong cuộc đời đầy bất trắc, nào ngờ chính Lê Cần - người bạn thân thiết và Ngọc Lan - người vợ yêu quý đã phản bội Ngô Tòng, dan díu với nhau. Một kết cục bi thảm ngoài sức tưởng tượng xảy ra đã khiến Ngô Tòng không sao chịu đựng nổi, đã chết trên đường tìm đến cửa Phật: “Cậu đã như con chim bị tên bay lạc, thấy cây cong càng thêm giật mình. Bây giờ cậu chỉ còn tìm chỗ nào vắng vẻ, sống qua ngày làm bạn với cái đau đớn mà thôi, chớ sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi? Tư tưởng cậu quay về cả cõi tôn giáo siêu việt; tinh thần cậu như muốn quy y mà tín ngưỡng một đấng đại từ đại bi, để cầu sự an ủi trong lòng” (1)... Từ bi kịch gia đình (cha theo gái trẻ bỏ rơi hai mẹ con) đến bi kịch cá nhân (vợ ngoại tình) của Ngô Tòng, cũng là sự vận động của cốt truyện trong Cuộc tang thương, tác giả đã làm hiện lên một môi trường sống mà ở đó con người chỉ mải mê chạy theo cám dỗ, thỏa mãn những dục vọng riêng tư thấp hèn, trà đạp lên luân thường đạo lý. Chứng kiến xã hội điên đảo, quay cuồng trong lối sống cá nhân ích kỷ, con người trong sáng mà yếu đuối của Ngô Tòng như một cây non bị giông gió cuộc đời quăng quật và cái chết đến với anh ta thật khó tránh khỏi.
Cuộc đời của Bạch Thủy trong Cành hoa điểm tuyết cũng bắt đầu trở nên truân chuyên kể từ lúc đặt chân đến chốn Hà thành. Mười tám tuổi với nhan sắc nức tiếng gần xa, Bạch Thủy là đối tượng cho nhiều chàng trai nhòm ngó, theo đuổi. Kết duyên cùng Liễu Oanh - con quan phủ Nguyễn - khôi ngô học giỏi, những tưởng cuộc đời Bạch Thủy sẽ trở nên sung sướng. Nào ngờ Liễu Oanh trong thời gian làm việc xa nhà, bị bạn bè rủ rê, đã trở thành kẻ nghiện hút, cờ bạc, mê đắm tửu sắc, dẫn đến nợ nần chồng chất. Rời bỏ Liễu Oanh, Bạch Thủy lại gặp phải một Bạc Sở. Bị Bạc Sở bỏ rơi, Bạch Thủy phải chấp nhận vào sống trong xóm cô đầu Bình Khang... Cuộc đời của người con gái một thời nhan sắc cứ thế trượt dài trên đường vào ngõ cụt bế tắc. Xã hội đầy cạm bẫy, lòng người đầy toan tính, số phận con người được giao phó cho những sự tình cờ, may rủi. Qua hai tiểu thuyết làm nên tên tuổi là Cành hoa điểm tuyết và Cuộc tang thương, Đặng Trần Phất đã thể hiện rõ thiên hướng ngòi bút của mình. Ông có xu hướng đưa nhân vật từ môi trường nông thôn ra thành thị để thử thách, qua đó chứng tỏ một sự đổi thay không cưỡng nổi của con người trước làn sóng văn minh của cuộc Âu hóa. Số phận của những người như Ngô Tòng, Bạch Thủy với đầy những bước ngoặt ngoài dự định và mong muốn chỉ có thể xảy ra trong một môi trường đô thị đa đoan và rất phức tạp. Trong môi trường ấy, con người thật khó giữ cho mình một cuộc sống bình lặng, thuần hậu, chất phác như cuộc sống yên bình trong tình làng nghĩa xóm trước đây.
Nếu Ngô Tòng chết trên đường tới cửa Phật, nghĩa là trong thâm tâm vẫn còn niềm tin có một chốn nương náu giữa thời buổi đầy bất trắc, thì Kim Anh (Kim Anh lệ sử) vào đến cửa Phật rồi vẫn không sống nổi. Chùa Hoa Lĩnh, nơi Kim Anh tìm đến làm chốn nương thân sau một chuỗi những cay đắng cuộc đời mà cô phải nếm trải, thực chất là một ổ sư hổ mang, một ổ mại dâm trá hình. Trong hoàn cảnh đó, con đường duy nhất mà Kim Anh có thể lựa chọn là tìm đến cái chết. Qua cuộc đời gian truân, bất hạnh của Kim Anh, Trọng Khiêm không chỉ dừng lại ở mức độ mô tả một bức tranh toàn cảnh xã hội, mà còn vạch trần bản chất của xã hội thuộc địa bấy giờ, một xã hội nửa Tây nửa ta đầy bất công, tàn nhẫn đã dồn ép, truy đuổi con người tới tận bước đường cùng, không lối thoát.
Bên cạnh hiện tượng con người bất lực và gục ngã trước hoàn cảnh, thực trạng con người bị cám dỗ, trở thành kẻ đồng lõa với hoàn cảnh, tự hủy hoại mình cũng ám ảnh nhiều người viết. Phồn hoa mộng tỉnh kể về chuyện Văn Sinh, một chàng trai hai mươi tuổi, sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, có học hành, đang làm viên chức trong phủ toàn quyền. Văn Sinh là người “thích nghe cô đầu hay, thích uống rượu sâm banh tốt”. Và sở thích ấy của Văn Sinh đã được xã hội đáp ứng một cách đầy đủ. Hà Nội bấy giờ chen chúc các xóm bình khang: “Thôi thì hàng Giấy, Bạch Mai, Thái Hà, Hàng Mã, Vạn Thái, Khâm Thiên, các xóm chị em không mấy nhà là tôi không biết cả” (2). Tại một xóm cô đầu ở ấp, Văn Sinh đã đắm đuối với cô đào Chinh. Mới buổi đầu gặp mặt mà Văn Sinh đã chơi thâu đêm, về đến nhà vừa đúng giờ đi làm nên ngày hôm ấy rất mệt mỏi, vừa viết vừa ngủ gà ngủ gật. Nhưng từ đó, đêm nào cũng vậy, “dù mưa dầm gió bấc, dù bão táp phong ba”, Văn Sinh đều xuống phố ấp chơi. Tiền lương mỗi tháng 45$ không phải tiêu đến mà cũng hết, Văn Sinh còn phải vay nặng lãi đến ngót hai nghìn bạc. Cùng chơi với Văn Sinh còn có một người bạn là Cốc Nhân. Ông này đã có vợ con, “là người rất điềm đạm, về đằng học thức thì trước đã nổi danh ở vùng Hải Dương ta”. Cũng giống Văn Sinh, ông Cốc Nhân chỉ yêu quý một cô đào tên là Tỉnh. Trong cuộc mê đắm tửu sắc, họ không phải không có lúc sực tỉnh để nhận ra sai lầm của mình: “Người ta có tài tất có tình, sự đó tôi không trách, tôi chỉ trách ông sao cũng như tôi mà chọn lấy một cái tình rất đáng khinh bỉ, là cái tình đối với những bọn Bình khang vậy!” (3). Đó là những suy nghĩ rất thật của Văn Sinh trong một lần tỉnh ngộ. Mặc dù vậy, như là ma đưa lối, quỷ dẫn đường, họ không tài nào cưỡng nổi đam mê. Cuối cùng Văn Sinh phát ốm, đi khám bệnh, thày thuốc kết luận là do tửu sắc quá độ. Giữa lúc ấy, người đến đòi nợ om xòm. Không tiền trả nợ, không tiền mua thuốc, không thể ở lại Hà Nội được nữa, Văn Sinh nghe theo lời ông Cốc Nhân về Hải Dương để trốn nợ. Trước khi đi Hải Dương, hai ông còn chơi với hai cô đào một đêm nữa. Một đêm trong cảm giác ngắn ngủi của Văn Sinh đã khiến anh ta mệt mỏi rã rời, trên tàu nằm ngủ lúc nào không biết. Đến lúc này, Văn Sinh mới thấy hối hận. Viết Phồn hoa mộng tỉnh dưới dạng chép lại một câu chuyện tự thuật của Văn Sinh, Dương Tự Giáp mong muốn cuốn sách của mình sẽ trở thành một lời cảnh tỉnh cho những ai cứ “đắm đuối trong bể tình, mơ màng trên bến đục”, khi tỉnh ra thì sự đã rồi, không thể cứu vãn được nữa. Văn Sinh cũng như Ả Cẩu (Mồ cô Phượng), Liễu Oanh (Cành hoa điểm tuyết)... đều trở nên hư hỏng vì không thể làm chủ được mình trước những cám dỗ của một lối sống thành thị nhiều cạm bẫy. Lối sống buông thả đó sớm muộn gì cũng dẫn đến những bi kịch cho con người.
Không chỉ những người đàn ông nhẹ dạ bị hoàn cảnh dụ dỗ, nhiều người phụ nữ cũng không thoát khỏi cạm bẫy của một lối sống thành thị chạy theo thị hiếu vật chất tầm thường. Phượng (Mồ cô Phượng) vốn là người phụ nữ nết na, sống an phận, nhưng vì tiếng gọi của một cuộc sống tự do yêu đương và hưởng thụ, đã bỏ lại gia đình với ba đứa con thơ dại để chạy theo Hoàng Hồ - một anh trai tân con nhà giàu có. Cố nhiên, trước đó Phượng cũng là nạn nhân của một người chồng có thói trăng hoa là Ả Cẩu, nhưng ngay cả khi đã tìm được chốn nương thân nơi cửa Phật, Phượng vẫn không thể nào từ bỏ được những dục vọng nơi cõi phàm tục. Có ông Tham Bách làm quan ở tòa sứ Hưng Yên vào vãn cảnh chùa, thấy Phượng mặt hoa da phấn, muốn lấy làm vợ bé, Phượng đã bằng lòng: “Thị Phượng vì tục căn chưa tĩnh, không chịu nổi được khổ hạnh, thấy quan Tham bóng giáng, cũng có tình đeo đai” (4). Kết cục, Phượng bị vợ cả ông Tham đánh ghen, ăn phải bùa của thày mo nên hóa dại, chết trong cô độc ở một nhà thương thí. Cùng chung số phận như Thị Phượng, trong tiểu thuyết giai đoạn này còn có Liên Tử Tâm (Cô Ba Tràh). Trải qua nhiều cay đắng (mối tình đầu trong sáng với Cao Sĩ Quý tan vỡ, bị Đặng Huỳnh Kim cưỡng đoạt, khi gặp lại người yêu thì Cao Sĩ Quý lại bị Đặng Huỳnh Kim đánh trọng thương rồi chết, sau đó cha cô cũng qua đời, bỏ lại cô bơ vơ một mình), Liên Tử Tâm mang tâm trạng chán nản, hoài nghi tất cả. Để trả thù cho những gì mình đã phải chịu đựng, nàng tìm mọi cách moi tiền của những tên háo sắc khiến nhiều kẻ khuynh gia bại sản. Mải mê với những chiến công báo thù, Liên Tử Tâm (sau này đổi tên thành Ba Tràh) ngày càng lao sâu vào con đường trụy lạc, ban ngày thì cờ bạc, đêm xuống trở thành gái giang hồ. Cuối cùng, nàng mắc bệnh phải vào nằm trong nhà thương làm phúc và qua đời mà không có người thân nào bên cạnh.
Được biết, cả hai tác phẩm Mồ cô Phượng và Cô Ba Tràh đều xây dựng dựa trên những cứ liệu về cuộc đời thật của hai người con gái, một trên đất Bắc (cô Phượng) và một trên đất Sài Gòn (cô Ba Tràh). Điểm gặp gỡ giữa họ là từ những đau khổ của cuộc đời, thay vì phải vượt lên để sống cho có ý nghĩa, họ lại để cuộc đời mình trôi theo những xô đẩy của hoàn cảnh sống, một hoàn cảnh sống luôn sẵn chứa những mầm mống tội lỗi. Ở đó đầy rẫy những sòng bạc, những ổ mại dâm, những Sở Khanh, Bạc Bà... Chúng vuốt ve, nuôi dưỡng để cái ác phát triển, làm biến dạng những bản tính tốt đẹp của con người.
Không chỉ gắn liền với quá trình đô thị hóa, đề tài con người tha hóa trong môi trường đô thị còn gắn liền với quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc đầu TK XX. Những tác phẩm kể trên đều xuất hiện trong giai đoạn giao thời văn học, giai đoạn mà sự cạnh tranh ảnh hưởng Đông - Tây vẫn còn khá gay gắt. Sự lấn át của nghệ thuật tự sự truyền thống so với lối viết hiện đại phương Tây khiến cho tiểu thuyết giai đoạn này chưa có những tác phẩm hoàn chỉnh, đỉnh cao. Bằng bút pháp tả thực với nội hàm chưa được xác định cụ thể, các nhà tiểu thuyết trước 1930 chưa thể sáng tạo được những điển hình nghệ thuật bất hủ như trong tiểu thuyết của các nhà văn hiện thực chủ nghĩa sau này. Mặt dù vậy, với việc thể hiện sinh động và khá sâu sắc đề tài con người tha hóa trong môi trường đô thị, tiểu thuyết đầu TK XX đã góp phần tạo nên bước khởi đầu quan trọng, đầy ý nghĩa trong quá trình vận động và phát triển của nền văn học theo hướng hiện đại.
Lần đầu tiên xuất hiện trong văn học, đề tài này chứng tỏ sự thay đổi trong quan niệm về đối tượng phản ánh của người viết. Đó là việc tăng cường chất liệu của đời sống hiện thực cho tác phẩm văn học, làm cho văn học thoát ly dần tính chất ước lệ, điển phạm - một đặc điểm khá nổi bật của văn học thời trung đại có nguồn gốc ảnh hưởng từ văn học Trung Quốc. Quan niệm “có tích mới dịch nên tuồng” do đó, dần dần bị loại bỏ, thủ tiêu. Tăng cường chất liệu hiện thực, hướng vào cuộc sống đang nóng hổi, tác phẩm văn học nói chung, tiểu thuyết về đề tài này nói riêng đã trở nên phong phú, đa dạng, sinh động hơn về nội dung phản ánh. Cùng với đó, một quan niệm mới về cách viết, quan niệm tả thực đã hình thành trong tư duy của người sáng tác. Khi tả thực được hiểu là lối tả chi tiết, cụ thể, đối lập với bút pháp ước lệ, tượng trưng, thì một kiểu nhân vật mới cũng xuất hiện. Đó là những con người sống động, đời thường với tính cách và số phận riêng, trong một hoàn cảnh sống cụ thể. Những thay đổi về quan niệm và cách viết này sẽ mở đường cho sự phát triển đến đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực giai đoạn sau (1930-1945), mà tiêu biểu là thành tựu sáng tác của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao.
Nhìn chung, đề tài con người tha hóa trong môi trường đô thị gắn liền với quá trình tư sản hóa, đô thị hóa ở nước ta đầu TK XX, cũng có nghĩa là gắn liền với buổi đầu của nền văn xuôi quốc ngữ. Qua những tác phẩm kể trên, có thể thấy, mặc dù còn trong buổi phôi thai của thể loại nhưng đề tài mới mẻ này đã được phản ánh một cách khá sinh động và sâu sắc. Chúng không chỉ có ý nghĩa làm phong phú thêm nội dung phản ánh của văn học giai đoạn đầu TK XX, trở thành những tư liệu mang giá trị văn hóa, lịch sử; mà còn đem lại nhiều đổi mới quan trọng trong quan niệm về chất liệu phản ánh, về kiểu nhân vật và cách viết... Từ đó, nó góp phần tạo tiền đề cho những bước tiến của mảng đề tài này trong văn xuôi các giai đoạn sau, đồng thời thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền văn học dân tộc theo hướng hiện đại.
_______________
1. Đặng Trần Phất, Cuộc tang thương, Vĩnh Thành, Hà Nội, 1923, in trong Văn học Việt
2, 3. Dương Tự Giáp, Phồn hoa mộng tỉnh, Imp. Kim Đức Giang, Hà Nội, 1929, tr.35, 36.
4. Trứ Giả, Mồ cô Phượng, Công Nông Thương báo, Hà Nội, 1926.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Lê Tú Anh