Dế mèn phiêu lưu ký - Phiên bản nhạc kịch thành công

Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài từng được nhiều sân khấu dàn dựng thành công, nay càng thêm sống động, lung linh và hấp dẫn khi được lên sân khấu nhạc kịch. Nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký đã công diễn bản sân khấu hoàn chỉnh tại Nhà hát TP. HCM vào trung tuần tháng 9, sau 2 lần diễn bản hòa nhạc vào các năm 2018 và 2019. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP. HCM (HBSO). Vở nhạc kịch lớn này đã có lịch diễn trong tháng 11 này, trong đó có cả kế hoạch sẽ lưu diễn tại Thủ đô Hà Nội nếu đủ điều kiện tài chính.

Tác phẩm nhạc kịch này là tâm huyết, là sự sáng tạo dài hơi của nhạc sĩ Vũ Việt Anh và nhạc trưởng Trần Nhật Minh khi lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Dế Mèn phiêu lưu ký rất được yêu thích, bởi cốt truyện đã trở thành hoài niệm với nhiều thế hệ người Việt. Không uổng công đầu tư sáng tạo tâm huyết, âm nhạc của vở vừa tưng bừng vừa hấp dẫn mà cũng đầy sâu lắng bởi phong cách của nhạc sĩ Việt Anh luôn nghiêng về chất trữ tình. Anh được người yêu nhạc biết đến qua các ca khúc  Không còn mùa Thu, Hoa có vàng nơi ấy, Đêm nằm mơ phố, Mưa phi trường, Người đi xa mãi... và từng nổi tiếng qua các sáng tác âm nhạc cho kịch múa, nhạc kịch và giao hưởng thính phòng, như ballet Kiều, kịch múa Hoàng hôn… Với nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký, nhạc sĩ đã sáng tạo loại hình nhạc kịch hiện đại mang yếu tố âm nhạc đại chúng, kết hợp âm nhạc bác học của nhạc kịch cùng hiệu ứng khi áp dụng công nghệ sân khấu hiện đại. Khán giả thích thú với những giai điệu, ca từ quen thuộc của ca dao, dân ca Việt Nam được thể hiện qua âm nhạc vừa sang trọng, vừa tươi mới. Anh cũng đã tận lực cho tác phẩm khi liên tục phải thay đổi, gần như viết lại hơn phân nửa vở cho phiên bản mới của lần biểu diễn này.

Câu chuyện về anh chàng Dế Mèn, về những chuyến phiêu lưu của chú dế nghị lực, dũng cảm vượt qua bao gian khó và vấp ngã, cùng sự động viên, trợ lực tinh thần từ tình yêu của người mẹ tần tảo, từ những người bạn chân chính… đã dần trưởng thành từng được khai thác ở nhiều phiên bản sân khấu với những khía cạnh khác nhau. Phiên bản nhạc kịch vẫn giữ cốt truyện và thông điệp nhân văn từ bản gốc khi xây dựng hình tượng Dế Mèn với những mất mát, chia ly rồi gặp lại cùng giấc mơ thế giới đại đồng rất ngây thơ… nhưng góp thêm nhiều góc nhìn mới về đời sống xã hội đương đại như sự yêu thích dịch chuyển của lớp người trẻ hiện nay. Những mâu thuẫn, giằng xé trong tâm trí con người cũng như mâu thuẫn trong xã hội, lời cảnh báo từ thiên nhiên đang bị tàn phá, cùng hiệu ứng đám đông, những lời tung hô ảo... 

Với tính trình diễn cao, hấp dẫn, nhân văn với những bài học rõ ràng về tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu với thiên nhiên… được ê kip nghệ sĩ tạo dựng qua một phiên bản tuyệt đẹp, qua một không gian rực rỡ sắc màu, hoàn thiện cả về âm nhạc và dàn dựng, múa… Vở diễn cũng là sự kết hợp khéo léo giữa văn hóa dân tộc với các loại hình nghệ thuật và công nghệ hiện đại. Khán giả cảm nhận được nét thân thuộc của âm nhạc dân tộc với những nhạc cụ thuần Việt như sáo trúc, đàn đáy, hát Ả đào và âm nhạc giao hưởng Tây phương cùng những dòng nhạc hiện đại như Pop, Opera, Rock ‘n Roll… Sự kết hợp Đông Tây còn thể hiện ở những sáng tạo trong nghệ thuật múa khi phối kết hợp giữa ba-lê, múa đương đại với múa rối truyền thống Việt… Vũ đạo lộng lẫy từ chất liệu dân gian dân tộc Việt bay bổng trên nền tảng Cổ điển châu Âu sang trọng để khán giả thấy hình ảnh những nhân vật quen thuộc trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, những Dế Mèn, Dế Trũi, chị Cốc, Nhà Trò, Xiến Tóc, thầy đồ Cóc... được thể hiện qua những màn trình diễn sôi nổi, hài hước mà vẫn sâu sắc. Sàn diễn thể hiện những khung cảnh vừa giản dị, thôn dã lại vừa mang tính trừu tượng rất gần với sân khấu dân tộc, gợi mở và giàu tính liên tưởng để kích thích khán giả tưởng tượng làm giàu thêm cho thời gian, không gian vở diễn.

Không tham lam, sa đà vào kể lại cốt truyện vốn rất thân thuộc với người xem, ê kip sáng tạo ăn nhịp trong ý tưởng là gợi mở, đưa đến cảm xúc chân thật cho người xem, như ý kiến của Tổng đạo diễn, biên đạo Tuyết Minh: “... Vượt qua sự hối hả giữa bộn bề của nhịp sống đương đại, tôi muốn đưa khán giả trở về với những giấc mơ đã chìm sâu trong thế giới nội tâm, thong thả buông lơi trên dòng sông, bờ đê, thư thái, để được đánh thức ký ức của mình và cả phần tâm hồn trong sáng... Tôi muốn gợi lại những cảm thức nếp xưa, qua những thủ pháp nghệ thuật được đẩy vào lúc đậm lúc nhạt qua thanh âm, ca từ, đối thoại, qua hình ảnh trực quan bằng ngôn ngữ múa, có thể chỉ đơn giản như những chiếc lá tre đang bay, cái rét tê tái của mùa đông, cầu treo lắt lẻo, sông nước mênh mang, đôi khi chỉ đơn giản là đưa khán giả cảm giác đang được hít thở trong không gian thanh mát”.

Dư âm của đêm diễn rất đẹp này là sự mượt mà, nhuần nhuyễn giữa các thành phần sáng tạo, khiến khán giả như trở lại với quá khứ đẹp đẽ thanh xuân và luôn mỉm cười để đón nhận tương lai. Nghệ sĩ Tuyết Minh hy vọng, bước ra khỏi nhà hát, những khán giả lớn tuổi có thể cùng trải nghiệm với Dế Mèn sẽ có một cảm giác muốn níu lại chút gì đó, chí ít là những sợi tơ với quá khứ, khi bước ra khỏi không gian của ánh đèn, vở diễn và nhà hát. Đó quả là sự thanh lọc tâm hồn rất đẹp của nghệ thuật dành cho người thưởng thức. Những bạn nhỏ tới xem lại thụ cảm được các nhân vật vốn được nhân cách hóa từ các con vật quen thuộc và hưởng thụ các ca khúc hấp dẫn, phong phú. 

Nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký đã có sự khởi đầu rất tốt đẹp khi ngay đêm mở màn những tràng pháo tay đúng lúc, đúng thời điểm luôn vang lên đã động viên, khích lệ người diễn thêm thăng hoa trong suốt buổi diễn. Sân khấu đẹp, phục trang gợi được tưởng tượng của người xem, nhạc kịch được trình diễn ở trình độ cao, múa được vận dụng nhuần nhuyễn để kết nối các chương, phân đoạn cho vở… Nhạc kịch vẫn bị coi là sản phẩm khó tiếp nhận, đòi hỏi người xem có trình độ, nhưng với Dế Mèn phiêu lưu ký, người ta đủ niềm tin rằng, nếu làm việc nghiêm túc, sáng tạo phong phú, tận hiến cho nghệ thuật thì nhạc kịch sẽ được nhiều tầng lớp khán giả yêu thích, trân trọng và đến với tác phẩm.

Nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký do nghệ sĩ Tuyết Minh viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn, âm nhạc: nhạc sĩ Việt Anh, chỉ đạo nghệ thuật: Lê Ha My, chỉ huy: Trần Nhật Minh, biên đạo múa: Tuyết Minh, Phúc Hùng, Trần Hoàng Yến… Các nghệ sĩ tham gia trình diễn gồm: ca sĩ Đào Mác (vai Dế Mèn), Trung Kiệt (Dế Trũi), Phạm Khánh Ngọc (chị Cốc)… cùng tập thể Đoàn Nhạc kịch, Đoàn Vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng HBSO, đội Sơn Ca nhà thiếu nhi Quận 3…

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023

;