Vào cuối tháng 9/2023, bộ phim Đào, phở và piano (kịch bản và đạo diễn Phi Tiến Sơn) do Công ty cổ phần phim truyện I sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ VHTTDL đã ra mắt khán giả Thủ đô. Ngay khi ra mắt, nhiều khán giả đã bày tỏ tình cảm yêu mến dành cho bộ phim bởi Đào, phở và piano không chỉ làm tròn vai trò của một phim về đề tài chiến tranh cách mạng được Nhà nước đặt hàng mà còn là một tác phẩm điện ảnh đích thực.
NSUT Trần Lực trong vai ông họa sĩ già hiên ngang trước họng súng quân thù
Một Hà Nội hào hoa trong khói lửa chiến tranh
Đào, phở và piano đặt trong một bối cảnh lịch sử rất đặc biệt, đó là thời điểm hai tháng sau ngày kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đêm 19/12/1946.
Chuyện phim xoay quanh 20 giờ trước ngày 17/2/1947, trong bối cảnh những trận đánh cuối cùng ở Thủ đô trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội để lên chiến khu, bước vào công cuộc trường kỳ kháng chiến. Với cách kể chuyện phi tuyến tính, đan cài hiện thực và ký ức, cuộc chiến của người Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa được mô tả qua những lát cắt thật sinh động và giàu cảm xúc. Câu chuyện tuy chỉ diễn ra trong một ngày đêm nhưng có thể khẳng định, đạo diễn đã thành công trong việc khắc họa tinh thần của người Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Đó là một Hà Nội hào hùng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một Hà Nội mạnh mẽ, can trường. Càng trong khó khăn, gian khổ, hình ảnh những người dân thủ đô lại càng ngời sáng với nét đẹp giản dị, tinh thần yêu nước đầy nghĩa cử, quả cảm và sẵn sàng tận hiến để gìn giữ Hà Nội yêu dấu, để sống chết với niềm đam mê của riêng mình.
Một đôi tình nhân thất lạc nhau trong cuộc chiến, lúc tìm lại được nhau bên chiến lũy, họ chỉ còn vài tiếng đồng hồ để làm đám cưới, để chơi bản nhạc tình yêu và tận hưởng đêm tân hôn. Vun vén cho mối tình ấy là những người Hà Nội cũng lãng mạn không kém.
Đoàn làm phim Đào, phở và piano ra mắt khán giả Thủ đô
Đó là một ông họa sĩ già tài hoa cả đời chỉ đi tìm bản chất của cái đẹp. Vào đêm cuối cùng của 60 ngày đêm khói lửa ấy, được chứng kiến những lằn ranh giữa sự sống và cái chết, ông đã ngộ ra một điều cốt tử: Nghệ thuật không phải là thứ cao siêu, lơ lửng trên mây xanh mà hiện hữu trong cuộc đời, trong mỗi phận người bình dị, khiêm nhường, trong mỗi phút giây quý giá còn được sống. Bức tranh của ông miệt mài vẽ suốt đêm được tô bằng máu và ông đã ngã xuống sau khi nâng niu sự sống, vun vén cho đêm tân hôn của hai tự vệ thành trẻ tuổi. Ngã xuống còn để bảo vệ Cái đẹp nghệ thuật mà ông vừa khám phá.
Đó là vợ chồng ông bán phở bình dị, yêu gánh phở gia truyền đến mức nâng lên thành một nghệ thuật ẩm thực. Mặc khói lửa đạn bom, vợ chồng hàng phở vẫn nấn ná ở lại chỉ bởi có miếng thịt bò ngon quá, muốn nấu cho anh em tự vệ cùng thưởng thức. Giữa lúc loạn lạc, họ vẫn chờ một nắm hành thơm Nhật Tân cho đủ vị, thong thả xay bột bằng cối đá, tráng bánh phở, chờ miếng nạm nhừ. Dù hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, cả hai vẫn nâng niu thú thưởng thức phở như là một nghi thức, thịt phải thái đúng điệu, nước dùng phải bỏng rẫy nhưng nóng quá ăn mất ngọt, nguội quá lại mất thơm...
Đó còn là một ông phán Tây học - chàng trai Hà Nội gốc có lối sống phóng khoáng, lịch lãm, biết hưởng thụ cái đẹp. Vào vai “me-xừ” Phán 30 tuổi, từng được học tập tại Paris, ca sĩ Tuấn Hưng đã thể hiện sâu sắc tình yêu Hà Nội của một trí thức không muốn gót giày xâm lăng vấy bẩn Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nổi bật trên tất cả là câu chuyện tình yêu của cặp uyên ương Hà Nội trên nền bối cảnh cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô
Những chân dung Hà Nội còn là một cậu bé đánh giày lanh lợi mà hồn nhiên trong sáng. Luôn hoài nhớ những ngày an vui cũ, căm thù quân xâm lược, cậu bé rong ruổi khắp nơi cùng anh tự vệ Dân trong suốt đêm khói lửa cuối cùng ấy. Theo bước chân của hai anh em, một Hà Nội dựng chiến lũy trong khói lửa hiện ra với những con người kiên cường. Nhưng dù trong bom đạn hiểm nguy, những phẩm chất Hà Nội ấy vẫn lấp lánh tỏa sáng trong tinh thần nồng nàn yêu nước của cậu bé đánh giày thần tượng các anh tự vệ sao vuông đến độ chỉ có ước mong duy nhất là được sở hữu một chiếc mũ ca nô. Phẩm chất Hà Nội còn thể hiện ở chi tiết cậu bé đánh giày vừa đi tìm nắm hành thơm mang về cho ông hàng phở vừa mơ đến phút giây được thưởng thức một bát phở “đúng điệu” với đủ hành mùi. Chất Hà Nội lãng mạn mà hào hoa còn khiến người xem rưng rưng khi hai anh em đi qua làng Nhật Tân vẫn tìm mọi cách kiếm được một cành đào để mang về cắm bởi “ngoài chiến lũy cũng thèm một cành đào đẹp”.
Những cái chết hiên ngang chặn trước họng súng quân thù của ông họa sĩ hay ông cha xứ yêu hòa bình, ghét chiến tranh, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, trân trọng tình yêu và hạnh phúc lứa đôi đã làm nổi bật vẻ đẹp của những người Hà Nội hào hoa mà dũng cảm. Các nhân vật trong phim, mỗi người một vẻ, mỗi người là một lát cắt số phận nhưng đều cộng hưởng cho phẩm chất Hà Nội sáng trong.
Nguyệt Hằng và Anh Tuấn trong vai ông bà chủ quán phở
Nổi bật trên tất cả là câu chuyện tình yêu của cặp uyên ương Hà Nội trên nền bối cảnh cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. Đôi bạn trẻ bên nhau vào thời điểm đối mặt với sự khốc liệt của chiến tranh, số phận dân tộc ngàn cân treo sợi tóc, giây phút ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mỏng manh... Thế nhưng đạn bom không thể làm nhụt ý chí yêu nước, không thể ngăn cản sự sống ươm mầm. Mặc dù chỉ còn vài tiếng đồng hồ bên nhau, đôi bạn vẫn phải làm đủ thủ tục trước khi dâng hiến, tận hưởng hạnh phúc lứa đôi ngọt ngào. Căn phòng hạnh phúc trên toa tàu, giữa chiến lũy đã được dựng lên trong những khuôn hình đậm chất điện ảnh. Giữa tan hoang đổ nát, hình ảnh chiếc giường cưới có màn che bập bùng trong ánh sáng vàng của ngọn nến ấm áp, vang lên giai điệu của bản tình ca êm ái đã vượt lên tất cả, mặc cái chết bủa vây, mặc đạn bom rình rập... Không biết ngày mai, lúc bình minh lên ai sẽ còn, ai mất? Nhưng đêm nay, có những người Hà Nội vẫn tận hiến đến cùng, người tận hiến với tình yêu, người tận hiến với đức tin, người thì tận hiến với nghệ thuật. Tất cả họ đã khắc họa những phẩm chất Hà Nội, mỗi người là một mảnh ghép nhỏ tạo nên không khí, diện mạo, tinh thần của người Hà Nội trong một hoàn cảnh lịch sử thật đặc biệt.
Những vai diễn thăng hoa cảm xúc
Diễn viên Doãn Quốc Đam vốn quen thuộc với khán giả truyền hình và lần này, anh đã chứng minh sự tài hoa và khả năng diễn xuất đa dạng. Vai Dân do anh đóng là một chiến sĩ tự vệ Hà thành chân chất, giản dị, yêu cái đẹp, yêu tha thiết yêu cuộc sống, trân trọng hạnh phúc lứa đôi... Giữa cuộc chiến ác liệt, cảnh Dân vượt qua bao hiểm nguy để mang cành đào Nhật Tân về chiến lũy là một hình tượng đẹp. Khi phải đứng trước sự lựa chọn của lịch sử, chiến sĩ tự vệ đã anh dũng chống lại cả một đội quân thiện chiến để trả thù cho đồng bào của mình bị sát hại. Cái chết lẫm liệt của Dân cuối bộ phim đã gây xúc động mãnh liệt về sự tận hiến cho dân tộc.
Diễn viên Thùy Linh tạo nên ấn tượng đẹp trong vai Thục Hương - một tiểu thư phố cổ đài các, lãng mạn, ngoan đạo, dũng cảm dấn thân vào cuộc chiến. Có thể an toàn trong đoàn quân rời Hà Nội lên chiến khu, nhưng vì tình yêu, khát vọng hạnh phúc lứa đôi, Hương đã bất chấp hiểm nguy quay trở lại chiến lũy gặp người yêu. Yêu và tận hiến cho nhau dẫu biết cái chết sẽ ập xuống trong vài khắc giờ sau đó, khi cô gái Hà Nội cầm bom ba càng, thay chồng lao vào xe tăng quân xâm lược. Hình ảnh tà áo dài trắng bay lên sau tiếng nổ lớn vừa đau thương mà vô cùng lãng mạn đã mang đến một cái kết phim thật bi tráng.
"Ngoài chiến lũy cũng thèm một cành đào đẹp"
Dù ở phút giây cuối cùng với gánh phở rong trên chiến lũy, ông bán phở vẫn như một nghệ nhân “tử vì đạo”. Cái chết của ông khiến người xem xúc động không chỉ vì lòng quả cảm của một người dân thủ đô yêu nước, mà còn bởi giây phút viên đạn xuyên thủng chiếc thùng, mùi thơm của phở tỏa ra trong từng chi tiết, sắc lẹm như một lát cắt về cái thú ẩm thực tinh tế của người Hà Nội. Cặp vợ chồng nghệ sĩ Anh Tuấn - Nguyệt Hằng đã khắc họa thành công chân dung những người Hà Nội đam mê món ngon Hà thành, bảo vệ văn hóa ẩm thực dân tộc.
Làm nên thành công cho bộ phim còn là sự cộng hưởng của cả ê kíp, từ kịch bản, âm nhạc, âm thanh, diễn xuất, dựng phim... đặc biệt là tạo hình mỹ thuật. Âm nhạc cũng góp phần mang đến cảm xúc cho phim, khi âm nhạc Việt Nam với các bản ca trù Chí làm trai và Đời đáng chán của Nguyễn Công Trứ, ca khúc Hồn tử sĩ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Suối mơ của Văn Cao được đặt bên cạnh những bản nhạc Tây phương (Lavie En Rose của Édith Piaf, bản Liebestraum của Franz Liszt, bản Bridal Chorus của Richard Wagner…) thật hòa hợp, đồng điệu đưa khán giả vào một không gian vừa bi hùng vừa thâm trầm, lãng mạn của người Hà Nội xưa.
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023