Phim truyền hình kinh dị cổ trang Việt Nam đầu tiên

Lần đầu tiên tại Việt Nam có một tác phẩm kinh dị cổ trang phát sóng truyền hình mang tên Tết ở làng Địa ngục. Phim có sự tham gia của dàn sao đa thế hệ từ hai miền Bắc - Nam như Quang Tuấn, Nguyên Thảo, Võ Tấn Phát, Lan Phương, NSND Ngọc Thư, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Văn Báu…

Phim xây dựng một bầu không khí vừa quen vừa lạ với cảnh núi rừng Đông Bắc âm u, hùng vĩ

“Món lạ" cho khán giả truyền hình 

Tết ở làng địa ngục được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên từng gây sốt trong năm 2022 của nhà văn Thảo Trang. Phim xoay quanh những vụ án xảy ra tại làng Địa ngục, nơi tương truyền là điểm cư ngụ của hậu duệ băng cướp khét tiếng một thời. Sau khi gây ra hàng loạt tội ác, những kẻ cướp chọn mai danh ẩn tích ở một ngôi làng xa vắng, nằm ẩn mình giữa vùng núi non hiểm trở. Thời gian dần trôi, những hậu duệ của băng cướp năm xưa ra đời, sống êm đềm trong ngôi làng nhỏ. Bỗng một ngày nọ, những cái chết lần lượt xảy ra, gây ám ảnh người dân làng. Liệu có phải đây chính là sự trả giá cho nghiệp chướng từ tội ác tổ tiên họ để lại từ năm xưa, hay là âm mưu thâm độc của một kẻ phản bội trong làng?

Xuyên suốt 12 tập phim là những vụ án khiến khán giả “nhức não” đi tìm câu trả lời về hung thủ thật sự, đan xen những yếu tố kỳ bí đầy kịch tính. Những bí mật thật giả trong quá khứ của các thành viên ngôi làng Địa ngục cuốn người xem vào một câu chuyện không thể đoán trước hồi kết. Với nội dung kịch tính và nhiều nút thắt, hai yếu tố trinh thám và kinh dị được đạo diễn tập trung sử dụng để tạo ra không gian hoang vu cùng các tình tiết bí ẩn, gây tò mò. 

Đạo diễn và nhà sản xuất vô cùng hài lòng với diễn xuất điềm đạm, gần gũi nhưng tinh tế của Quang Tuấn

 Đây cũng là bộ phim hiếm hoi khai thác chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam theo cách độc lạ với nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Phim xây dựng một bầu không khí vừa quen vừa lạ với cảnh núi rừng Đông Bắc âm u, hùng vĩ. Sự tương quan giữa bối cảnh và chuyện phim càng góp phần củng cố chất ly kỳ, rùng rợn đặc biệt của series kinh dị dài tập này.

 Bối cảnh dân gian đậm chất ma mị 

Đại diện nhà sản xuất khẳng định, Tết ở làng địa ngục phiên bản truyền hình sẽ giữ nguyên tinh thần của bộ truyện gốc. Thử thách khó nhất chính là chọn một bối cảnh có thể tái hiện lại không khí âm u và rùng rợn của bộ tiểu thuyết gốc. Ê kíp đã mất thời gian dài khảo sát, đi qua 14 ngôi làng để tìm kiếm nhưng không thu được kết quả nào. 

Trong nỗ lực cuối cùng, cả đoàn làm phim đã vô cùng bất ngờ khi ghé thăm làng Sảo Há (Hà Giang) và bất ngờ khi nơi này giống với làng Địa ngục trong sách đến 99%. Với khung cảnh hoàn toàn nguyên sơ, ngôi làng không có điện, nước và sóng điện thoại cũng không phủ tới. Để có nước sinh hoạt, ê kíp phải vận chuyển từ thị trấn cách điểm quay tới 15km. Sau đó, phải tải đường nước lên gần 3.000m, đi qua 2 ngọn đồi, độ cao 2.000m.

 NSUT Chiều Xuân trong phim Tết ở làng Địa ngục

Điều kiện thiếu thốn, thời gian bấm máy ngay vào đầu năm ở nơi có địa lý khắc nghiệt khiến cả ê kíp càng vất vả hơn. Đoàn phim đã phải cùng nhau sinh hoạt và làm việc dưới những chiếc lều bằng bạt được dựng tạm bợ giữa thời tiết giá rét. Độ ẩm không khí cao làm lều bạt cũng như chỗ ngủ của ê kíp gần như bị đọng nước, một số thiết bị thậm chí không thể chạy được. 

Vì trang phục của nhân vật trong phim không đủ giữ ấm, rất nhiều túi chườm nước nóng, thau than nhóm lửa liên tục được chuẩn bị và tiếp tế tới diễn viên để đảm bảo thân nhiệt cho tất cả. Các diễn viên miền Nam hầu hết đều thấy choáng váng vì mức độ khắc nghiệt ở Hà Giang. Quang Tuấn kể ngay cả khi phải tập trung hết sức cho cảnh quay, anh vẫn không ngừng run cầm cập. Còn Nguyên Thảo đã “sốc đến mức không thể nói chuyện hay pha trò như mọi khi, có lúc lạnh đến bật khóc”. Khó khăn là vậy, nhưng tinh thần ai cũng vững vàng. Thậm chí điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt này còn được xem là cảm hứng để tăng thêm trải nghiệm, giúp diễn viên nhập vai trọn vẹn trong từng cảnh quay.

Nhằm tăng tính thuyết phục cho người xem, đồng thời tạo ra trải nghiệm chân thực nhất, ê kíp còn đầu tư mạnh tay cho phần trang phục, hóa trang, giúp mang đến một series dài tập cổ trang có chất lượng như phim chiếu rạp. Yếu tố dân gian không chỉ được đem đến từ những chi tiết, tinh thần trong trang sách, mà còn được làm đậm với những điểm nhấn rõ ràng, mang tính biểu tượng, giúp tạo ra sự độc đáo cho phim. Đối với fan tiểu thuyết, những tình tiết quan trọng nhất của truyện gốc cũng sẽ được chuyển thể và đều là những trích đoạn được mong chờ nhất trong phim. Khi lên phim truyền hình, từng hình ảnh về ngôi làng Địa ngục trong trang sách được chuyển thể sống động qua những chi tiết như làng cổ ma mị, chái bếp vùng cao, hình nhân giấy, rừng tre, ruộng ngô, chợ xưa, con đò chở vong... 

NSND Ngọc Thư trong một cảnh phim

Theo biên kịch của bộ phim - Đào Diệu Loan, có rất nhiều thứ khó trong văn học không thể chuyển thể thành hình ảnh. Cô tiết lộ đã có nhiều chi tiết buộc phải cân nhắc lược bỏ bớt, hoặc thêm thắt những chi tiết mới để tác phẩm đậm tính điện ảnh hơn. Điều này đã khiến tác giả truyện Thảo Trang không ít lần bất đồng quan điểm. 

Diễn xuất đậm tính điện ảnh 

Từ trailer, khán giả có thể thấy diễn xuất hài hòa của các diễn viên nhiều thế hệ đến từ hai miền Bắc - Nam. Tất cả cùng hóa thân thành người dân chung sống dưới một ngôi làng với những bí mật trong quá khứ không muốn bị tiết lộ.

Nam chính Quang Tuấn biến hóa trong lần trở lại với phim kinh dị dài tập, sau loạt vai từ Thất Sơn tâm linh, Bằng chứng vô hình. Nguyên Thảo hóa thành quân bài đầy bí ẩn với diễn xuất biến hóa trong vai Thị Thập. Trong khi đó, Lan Phương làm đạo diễn “nổi da gà” khi nhập vai Thập Nương quái ác trong một vài phân cảnh đỉnh cao của phim. 

Lan Phương hóa thân vào vai Thập Nương với nội tâm phức tạp

 Bằng kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, Quang Tuấn còn khiến Thảo Trang - tác giả truyện gốc cảm thấy như cô đang gặp gỡ chính ông Thập trưởng làng bước ra từ những trang sách trong một lần nữ nhà văn ghé thăm bối cảnh phim. Còn đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ anh và nhà sản xuất đã vô cùng hài lòng với diễn xuất điềm đạm, gần gũi nhưng tinh tế của Quang Tuấn.

Nguyên Thảo gây bất ngờ khi hóa thân xuất thần với một vai diễn đa màu sắc, cùng nhiều bước chuyển tâm lý dữ dội. Từ một người vợ hiền lành, nhẫn nhịn, chỉ biết nghe lời chồng, Thị Thập đã có những bất ngờ, hứa hẹn gây ám ảnh người xem. 

NSƯT Phú Đôn gây tò mò khi lần đầu đóng phim kinh dị. Để nhập vai lão ăn mày cụt chân, nam diễn viên phải giảm cân, nuôi râu tóc, để móng tay dài và mỗi ngày mất rất nhiều thời gian cho khâu hóa trang trước khi vào cảnh quay. Thậm chí, ngoại hình của Phú Đôn trong phim còn được tác giả truyện gốc đánh giá là vô cùng chính xác với hình dung mà cô đã nghĩ khi viết truyện.

Một cây hài khác của màn ảnh góp mặt là Võ Tấn Phát trong vai Tam Quỷ. Lần đầu đóng phim kinh dị, vai diễn của anh có tạo hình ấn tượng, mang lại tiếng cười nhẹ nhàng giữa những câu chuyện căng thẳng. 

Điều kiện thiếu thốn, thời gian bấm máy ngay vào đầu năm ở nơi có địa lý khắc nghiệt khiến cả ê kíp càng vất vả hơn

Người cuối cùng đóng vai trò dẫn dắt chính trong phim là Lan Phương - tắc kè hoa màn ảnh Việt. Vừa rời khỏi vai cô con dâu nhí nhảnh của Gia đình mình vui bất thình lình, Lan Phương hóa thân vào Thập Nương với nội tâm phức tạp, tâm trí vô cùng mưu mô và tư duy sắc sảo. Đây cũng là cột mốc đánh dấu lần đầu cô thử sức với thể loại phim kinh dị. Trên phim trường, khi Lan Phương xuất hiện cùng lớp hóa trang, diễn thử một cảnh, tất cả thành viên đoàn làm phim phải lặng người trong phút chốc, để rồi vỡ oà và vỗ tay thật lớn. 

Ngoài dàn diễn viên chính, phim còn hấp dẫn nhờ sự góp mặt của những diễn viên nổi tiếng như NSƯT Văn Báu, NSƯT Hạnh Thúy, NSND Ngọc Thư, NSƯT Chiều Xuân, nghệ sĩ Viết Liên cùng dàn diễn viên trẻ Hải Nam, Đình Khang, Huỳnh Như Đan.

LÊ MINH CHÂU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;