Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Nghệ thuật Hát Then và những nỗ lực bảo tồn

Then vừa là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian, vừa là một loại hình văn nghệ dân gian truyền thống. Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái các tỉnh vùng núi phía Bắc. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Then vẫn luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống, đồng thời cũng là niềm tự hào của đồng bào.

Câu lạc bộ Hát Then đàn Tính tỉnh Thái Nguyên

Thực hành Then - tín ngưỡng dân gian 

Hát Then là loại hình thực hành tín ngưỡng đã có từ lâu đời. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nghiên cứu nào khẳng định thời điểm ra đời của then. Trong quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (có nơi gọi là “Tiên” hay “Sliên”) tức là “Trời”, vì thế “Then” được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc... do những người làm nghề then thực hiện.  

 Chỉ biết rằng, hát Then và cây đàn tính diệu kỳ bắt nguồn từ cuộc sống lao động tập thể cộng đồng người Tày cổ. Hát Then xưa kia chủ yếu để phục vụ cho tầng lớp vua, quan trong triều đình, phục vụ cho việc cúng lễ. Đồng thời, trong điều kiện khoa học chưa phát triển, người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, số phận, Then là một nghi lễ thuộc về tâm linh tín ngưỡng. Những điệu Then ẩn chứa, phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của cư dân bản địa, có vai trò là cầu nối giữa con người với thế giới thần linh. Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Nhiều du khách muốn tìm hiểu kỹ hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này

Then xuất hiện trong các sự kiện quan trọng như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc...Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Đàn tính được coi là nhạc cụ “hồn cốt” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm...

Từ những lễ Then, có thể thấy được nhiều giá trị về đạo đức, lối sống gắn với những truyền thống văn hóa lâu đời của người Tày, Nùng. Chẳng hạn như truyền thống kính già yêu trẻ được thể hiện trong Lễ Mừng thọ với then Pủ lường (Bù lương) hay những đoạn Then cầu mong Mẹ Hoa (bà Mụ) chở che, ban phúc cho những đứa trẻ trong Lễ đầy tháng (thôi nôi)…   

Một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc 

Then là sự tập trung cao độ nghệ thuật nguyên hợp của người Tày, Nùng, Thái với sự tham gia của nhiều thành tố nghệ thuật khác nhau mà tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với môi trường diễn xướng mang đậm màu sắc tâm linh. Sự phối kết hợp của các thành tố trong nghệ thuật biểu diễn như hát, đàn tính, xóc nhạc, múa... một cách đan xen, hòa nhập đã tạo nên một hình thức nghệ thuật biểu diễn then khá đặc trưng. Có thể tìm thấy sự phong phú đa dạng từ ngay trong mỗi thành tố của nghệ thuật biểu diễn. Âm nhạc trong then là sự hội tụ các làn điệu dân ca của từng địa phương. Vì vậy, then là sự phản ánh những sắc thái và phong cách biểu diễn của từng địa phương. Thông qua diễn xướng then, người thưởng thức sẽ dễ dàng nắm bắt được đặc trưng cũng như phong cách biểu diễn của từng dòng then.  

 NNND Hoàng Thị Bích Hồng biểu diễn nghi lễ hát Then tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Hiện, có 16 địa phương sở hữu hát then nhưng trọng tâm hát then ở 13 tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Hiện tại đã xuất hiện hát then ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh khi người Tày và người Nùng di cư đến. Mỗi vùng, làn điệu then lại có những nét độc đáo riêng: Then Cao Bằng dìu dặt tha thiết, Then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng, Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận, Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một, Then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì…

  Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo, có âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Đàn được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm. Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế...  

Trong cuộc sống hôm nay, hát Then, đàn Tính còn được sân khấu hóa, được đưa vào các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, du lịch, phục vụ nhân dân, trở thành phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương. Nội dung các bài then được các nghệ nhân đặt lời mới để ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, ca ngợi những đổi thay của quê hương, đất nước. Không chỉ người Tày, Nùng, Thái mà hát then còn được cả các dân tộc khác cũng yêu thích, coi đây là món ăn tinh thần trong đời sống của họ.    

Hát Then từ lâu đã được lưu giữ và phát triển thành một không gian văn hóa đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn. Hệ thống bài bản của Then bao gồm khoảng 4.000 câu với nội dung phong phú, phản ánh đa dạng các mặt của đời sống xã hội…

Nỗ lực bảo tồn di sản Hát Then 

Mặc dù có sức lan tỏa mạnh mẽ, song hát Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác ở nước ta đang đứng trước nguy cơ mai một. Để Then đến gần hơn với công chúng đương đại, cần phải đa dạng hóa phương thức bảo tồn Then trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc.

Di sản Hát Then chủ yếu được trao truyền bằng hình thức truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then và các thầy Then đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy kỹ năng. Điều này cũng thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ. Muốn làm được điều đó, bên cạnh công tác sưu tầm, phục dựng các điệu Then cổ, cần dành sự quan tâm đặc biệt tới các nghệ nhân hát Then - những “báu vật sống” có khả năng truyền đạt cả giai điệu lẫn tình yêu, niềm say mê Then tới giới trẻ. Tôn vinh những người giữ Then như giữ lửa, đồng thời có sự lựa chọn để hạn chế những sắc thái mê tín không còn phù hợp.

NNND Bích Hồng cùng CLB dày công sưu tầm các bài Then cổ, đi nhiều nơi để tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu Then và dân ca để tìm ra nét riêng của Then Thái Nguyên

Ngoài ra, một trong những tiêu chí quan trọng khác là sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng. Từ năm 2001, Chính phủ đầu tư kinh phí từ các Chương trình quốc gia về văn hóa để bảo vệ di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có nghi lễ Then. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; triển khai các hoạt động nhận diện, kiểm kê và tư liệu hóa; nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến thức bằng cách kết hợp đưa hát Then và tính tẩu vào chương trình giảng dạy ở trường… Các cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản.

Tại Việt Nam, di sản Then của 11 tỉnh lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012 và thường xuyên được kiểm kê, cập nhật. Từ năm 2005 đến nay, Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn tính toàn quốc thường xuyên được tổ chức, góp phần tôn vinh nghệ nhân, quảng bá, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về những nét độc đáo của di sản này. Ngoài ra, việc xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của những câu lạc bộ hát Then tại các địa phương cũng là cách để di sản gần gũi, gắn bó với đời sống người dân. 

Trải qua thời gian dài, hát Then vẫn được lưu giữ và phát triển đến nay nhờ sự đam mê, gắn bó của các nghệ nhân và những người dân yêu thích hát Then, đàn tính tại các bản, làng.

Một ngày cuối thu, trong ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lời then, tiếng tính được Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Hoàng Thị Bích Hồng thể hiện lúc dặt dìu tha thiết, khi tươi vui rộn ràng quyện hòa như suối chảy, gió reo, tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, như chào mời du khách, níu chân người nghe không muốn dứt.

NNND Bích Hồng cùng với một số đồng bào dân tộc Tày, Nùng của tỉnh Thái Nguyên về Làng được gần ba năm nay, vừa sinh sống, vừa thực hành các nghi lễ truyền thống, trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc... để phục vụ người dân và du khách.  

Sinh ra ở quê hương ATK Định Hóa, 17 tuổi, cô thiếu nữ Hoàng Thị Hồng được tuyển vào Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc. Sau 34 năm phục vụ lời ca trên sân khấu, NNND Bích Hồng nghỉ hưu, nhưng với tâm nguyện muốn giữ gìn vốn quý của dân tộc, bà truyền dạy Then cho lớp trẻ ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương và thành phố Thái Nguyên. Năm 2007, Câu lạc bộ Đàn tính hát Then tỉnh Thái Nguyên được thành lập và nghệ nhân Bích Hồng được bầu làm chủ nhiệm. Ngoài việc truyền dạy, bà còn cùng thành viên CLB dày công sưu tầm các bài then cổ, đi nhiều nơi để tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu then và dân ca để tìm ra nét riêng của then Thái Nguyên. Không có địa điểm sinh hoạt nên các thành viên trong CLB thường tập trung ở nhà bà Bích Hồng tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên để sinh hoạt từ 2 đến 4 lần/tháng. Mọi chi phí đi lại, ăn ở các thành viên đều tự túc.  

Hát Then vẫn được lưu giữ và phát triển đến nay nhờ sự đam mê, gắn bó của các nghệ nhân và những người dân yêu thích hát Then, đàn tính

Trước khi chia tay, NNND Bích Hồng bùi ngùi chia sẻ: “Đời không biết Then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa, lá; như cá không suối, sông... Mình đang làm một công việc giống như khơi lại mạch ngầm con suối, hay trồng một rừng cây, cho chim đàn về đậu... Mình phải tuyên truyền làm sao để cho các bạn trẻ biết đến giá trị của hát then, đàn tính trong văn hóa dân tộc Tày, Nùng, từ đó sẽ nối tiếp và giữ gìn giá trị văn hóa này trường tồn”. 

Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản Hát Then đàn Tính là việc làm hết sức cần thiết, qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch tại mỗi địa phương.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;