Cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc 2022: Cần nhận biết chính xác về đặc trưng thể loại

Cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc 2022 diễn ra từ ngày 21/8 đến 25/8/2023 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam với sự tham gia của 20 diễn viên đến từ 5 đoàn nghệ thuật. Nằm trong kế hoạch hoạt động mang tính định kỳ từ năm 2022, nhưng vì nhiều lý do, mãi tới tháng 8/2023 mới được tổ chức và nhận được sự hào hứng từ các đơn vị múa rối chuyên nghiệp là Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Công ty TNHH Lê Vân.

Ảnh: Nhà hát Múa rối Thăng Long tham dự với trích đoạn Thị Màu lên chùa, Xã trưởng - mẹ Đốp trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính

Trong những ngày diễn ra cuộc thi tài, rất nhiều hình thức: rối cạn, rối nước, rối bóng… đã được khoe sắc. Con rối vô hồn bằng gỗ, bằng mặt nạ, lụa… dưới sự lao động sáng tạo của các nghệ sĩ bỗng chốc thăng hoa, sinh động, tràn đầy sức sống để “kể” về cuộc đời, về những bài học nhân tình thế thái, những câu chuyện cổ tích cũng như những nét đẹp cuộc sống đương đại. Các trích đoạn đều lấy từ các vở diễn dài, do yêu cầu về thời lượng nên các nghệ sĩ đã rất vất vả để rút gọn mà vẫn trọn vẹn cốt truyện, đủ mở đầu, triển khai và kết thúc.

Khác với các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, Múa rối sử dụng tới sự khéo léo, hóa trang, đài từ, nhập tâm vào nhân vật và điều khiển những con rối, mô hình rối… để thể hiện nội dung. Chỉ toàn tâm toàn ý, linh hoạt, tài năng và vận dụng tới hơn 100% năng lượng, sức lao động mới giúp con rối vốn vô hồn trở thành nhân vật sống động. Con rối vốn nặng nề, vô tri, người nghệ sĩ lại phải giấu mình sau những tấm màn đen, trang phục tối… biến mình thành vô hình để con rối được tỏa sáng, sinh động và đầy màu sắc trên sàn diễn. Ở nhiều tiết mục, có đến hai nghệ sĩ điều khiển một con rối, sự kết hợp này đòi hỏi phải thật nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, ăn ý từ bước chân, đôi tay, những động tác cúi, lắc đầu... trở thành “nhất thể” mới có thể đưa tới sự uyển chuyển, sống động cho con rối. Các nghệ sĩ đổ mồ hôi, công sức rất nhiều cho mỗi cảnh diễn, thậm chí công sức (theo nghĩa đen: sức lực, công lao động) phải nhiều hơn rất nhiều các nghệ sĩ của các hình thức biểu diễn khác. Làm múa rối trong thời công nghệ, cũng có được sự hỗ trợ không nhỏ từ thành tựu của khoa học hiện đại nên sân khấu múa rối trở nên lung linh, đẹp đẽ, đa sắc và rất thú vị. Các trích đoạn rối cạn của Nhà hát Múa rối Việt Nam như Gau Dự hóa hổ trong vở Bản tình ca trên núi, trích đoạn trong vở Nghêu Sò Ốc Hến… hay những trích đoạn rối nước kết hợp rối cạn trong các vở Chú lính chì dũng cảm, Câu chuyện những chiếc rìu đều do NSND Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn, được công chúng rất thích thú vì sự biến ảo của con rối, của cảnh trí thật linh động và đều đem tới những thông điệp nhân văn. Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng trở thành “thầy phù thủy” trong nghề rối khi đầu tư và có những cảnh diễn đẹp mắt với sự biến hóa linh hoạt của mỗi con rối mà đôi khi chỉ cần một cái mặt nạ và tấm lụa nhưng đã làm nổi bật được sở trường của rối khi thân rối và đầu rối được tung tẩy theo cách rất riêng biệt. Người xem đặc biệt thích thú với trích đoạn thầy Nghêu khi ông thầy mù của sân khấu kịch hát truyền thống bỗng trở thành người sáng tỏ chân lý nhất, đứng trên các quan tham để phán định về một cuộc sống mà luật pháp, sự công minh phải được thượng tôn.

. Trích đoạn rối cạn Gau Dự hóa hổ trong vở Bản tình ca trên núi của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Các đơn vị khác như: Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Công ty TNHH Lê Vân, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng đưa tới những trích đoạn đặc sắc nhất của mình để khẳng định tài năng cá nhân nghệ sĩ. Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng có các trích đoạn Ông già với tuổi thơ, Con rối đấu vật, Xuân về trên bản trình diễn khả năng điều khiển nhiều con rối của nghệ sĩ. Công ty TNHH Lê Vân là đơn vị tư nhân phía Nam dự thi với tiểu phẩm Đổi vai. Nhà hát Múa rối Thăng Long đưa tới hai trích đoạn: Thị Màu lên chùa, Xã trưởng - mẹ Đốp trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính và trích đoạn Ám ảnh kinh hoàng trong kịch bản kinh điển Mác - Bét tới dự thi. Người xem như trở về thời thơ ấu với những con rối đủ kích thước, nhiều chất liệu, có lúc lại là diễn viên thật… để đem tới hiệu quả tốt nhất cho đêm diễn. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam lại có những trích đoạn rất mới mẻ trong các vở diễn rối cạn thường xuyên được diễn tại đơn vị như Lời nguyền của tình yêu đưa người xem trở về với thế giới Ai Cập cổ đại, Trái tim kỳ diệu ca ngợi tình mẫu tử vĩ đại và trích đoạn của vở rối que Công chúa tóc mây với sự lung linh, kỳ ảo từ sự biến hóa của cảnh trí, con rối… 

Tiết mục của Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn trong đêm trao giải 3 cuộc thi Tài năng Múa rối - Múa và Kịch nói 2023

Sự tìm tòi, sáng tạo dường như vô tận của các nghệ sĩ đã đem tới một thế giới phong phú với nhiều cách thức thể hiện độc đáo của các con rối. Tuy nhiên, vẫn còn đôi chỗ lấn cấn bởi biểu diễn múa rối phải là tài năng điều khiển linh hoạt, nhập tâm vào con rối thông qua bàn tay, cơ thể, giọng nói. Vậy mà ở cuộc thi này, nhiều đoạn, diễn viên chỉ buộc một bộ quần áo bên ngoài bộ đồ đen truyền thống, thêm chiếc mặt nạ rồi vô tư dùng tay chân mình thể hiện con rối cho uyển chuyển. Trong Từ điển tiếng Việt có định nghĩa: “Múa rối là loại hình nghệ thuật sân khấu biểu diễn bằng cách điều khiển các hình mẫu giống như người, vật” (Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng năm 1997, trang 627). Còn Từ điển mở, Wikipedia thì cụ thể hơn: “Múa rối là một hình thức sân khấu hay trình diễn liên quan đến việc thao tác với các con rối. Đây là một nghệ thuật cổ xưa, và được xem có nguồn gốc từ 3000 năm trước Công nguyên. Múa rối có nhiều dạng khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là điều khiển các vật thể rối vô tri vô giác. Múa rối có mặt trong hầu hết xã hội loài người như là dạng giải trí, trình diễn và trong lễ nghi hay dịp ăn mừng như các lễ hội Carnival”. Như vậy, Múa rối có đặc trưng là điều khiển các vật thể rối vô tri vô giác, hoàn toàn không phải là tự mình thể hiện nhân vật qua cơ thể mình. Trong bản tổng kết tại đêm Bế mạc cuộc thi, NSND Vương Duy Biên sau khi khẳng định thành công của Cuộc thi tài năng Múa rối toàn quốc 2022 cũng nhắc nhở, đặc trưng của bất kỳ thể loại rối nào thì vẫn chính là sự điều khiển con rối. Diễn viên ngày càng phải đa dạng hóa khả năng của mình, ngoài giọng thoại còn cần khả năng hát, kết hợp nhuần nhuyễn với khả năng điều khiển con rối và hình thể cũng cần phải đẹp để diễn cùng rối… Thêm nữa, nhiều đơn vị rất chú trọng vào trang trí khiến phần mỹ thuật sân khấu nặng nề, chưa tận dụng được yếu tố mỹ thuật cho diễn xuất, kể chuyện của tiết mục, gây cảm giác tiếc nuối cho khán giả.

 Trích đoạn Ám ảnh kinh hoàng trong vở Mác - Bét của Nhà hát Múa rối Thăng Long

Cũng còn điều đáng tiếc khi số đơn vị dự thi, do cách thức dành cho chuyên nghiệp nên chưa có nhiều tổ chức nghệ thuật ngoài công lập tham gia.

Tại Lễ Bế mạc, Ban Tổ chức đã trao 7 giải thưởng, gồm 2 giải Nhất, 5 giải Nhì cho các tiết mục xuất sắc. Trong đó, 2 giải Nhất được trao cho diễn viên Ngô Doãn Thịnh (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và Hà Bình Minh (Nhà hát Múa rối Thăng Long).

Trích đoạn Câu chuyện những chiếc rìu của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;