Có thể nói, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc xưa nay vẫn được trông đợi nhất bởi nó thực sự là “trận chiến” của những tài năng thuộc hàng “vedette” - sáng giá nhất tại các đơn vị nghệ thuật hiện nay. Được nhà hát chọn mặt gửi vàng đi thi tài năng trẻ cũng đã là niềm tự hào của mỗi diễn viên.
Phạm Thành Phương (Công ty TNHH Khang Entertainment) vai người chồng, vở Tâm thần khuyết, Huy chương Vàng
Không chỉ là sự tranh tài của các cá nhân
Năm nay, Ban Tổ chức đã bỏ chữ “trẻ” để Cuộc thi tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc nới rộng độ tuổi dự thi lên đến 45 nhằm tạo điều kiện cho các diễn viên vì nhiều lý do mà chưa tham gia thi tài ở những lần trước. Bởi vậy, có những diễn viên rất quen thuộc với khán giả qua nhiều vai diễn trong suốt thời gian dài đã xuất hiện với tư cách thí sinh dự thi như Thúy Hà (Nhà hát Kịch Hà Nội), Thanh Nhàn (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), Thân Thanh Giang (Nhà hát Kịch Việt Nam)…Trong số này, Thanh Nhàn đã giành được Huy chương Vàng cho vai diễn Miễn trong trích đoạn Ngàn dặm xa. Kết quả này không bất ngờ bởi những khán giả yêu Kịch Hải Phòng đều biết, Thanh Nhàn là đào chính của Đoàn, đã hóa thân vào nhiều vai diễn nặng ký trước đó.
59 thí sinh với 59 trích đoạn và rất ít tác phẩm trùng nhau khiến các buổi thi cũng đa dạng, hấp dẫn hơn. Chỉ có trích đoạn Chí Phèo, Macbeth, Mê đê và Con kỳ nhông là xuất hiện hai lần trên sân khấu, tuy vậy đều có cách dàn dựng khác nhau nên không gây nhàm chán. Là cuộc thi về diễn xuất của diễn viên, song có thể nhận thấy tầm quan trọng của kịch bản và cách dàn dựng mang tính quyết định kết quả. Lựa chọn hóa thân vào một nhân vật hay trong một trích đoạn hay của một vở diễn hay là yếu tố đầu tiên giúp diễn viên chiến thắng. Chính vì thế, những tác phẩm kinh điển với nhân vật có tâm trạng phức tạp, nội tâm giằng xé thường được các diễn viên lựa chọn thi tài. Và trong hầu hết các cuộc thi, nhân vật bi thường được chọn nhiều hơn nhân vật hài, bởi “diễn để lấy tiếng cười của khán giả không dễ chút nào”. Trong cuộc thi lần này, chỉ vài ba thí sinh chọn thi trích đoạn hài: Minh Thu (Nhà hát Kịch Việt Nam) và Huyền Trang (Nhà hát Kịch quân đội) đóng vai Thị Nở trong Chí Phèo, Huyền Trang (Đoàn Kịch Công an nhân dân) hóa thân thành bà già trong Bà già ra thành phố. Trong đó, Minh Thu đã hoàn thành xuất sắc vai Thị Nở với ngoại hình “xấu đến từng chi tiết” song vẫn đủ thức dậy tính nhân văn trong sâu thẳm con người Chí Phèo - một “thằng không cha không mẹ, chuyên rạch mặt ăn vạ, chỉ biết uống rượu và chửi cả làng”. Thị Nở Minh Thu bước ra sân khác biệt hoàn toàn với bản thân diễn viên qua khả năng nhập vai tài tình đã chinh phục Hội đồng giám khảo và khán giả để giành giải Vàng. Trích đoạn Chí Phèo của Nhà hát Kịch Việt Nam không chỉ hay nhờ diễn xuất của diễn viên mà còn bởi cách dàn dựng cô đọng, súc tích, có thể khai thác tối đa khả năng thể hiện của nghệ sĩ biểu diễn.
. Diễn viên Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) - giải Nhất
Sân khấu là sự cộng hưởng sáng tạo của những cá nhân. Vai trò của biên kịch, đạo diễn giúp khả năng nhập vai của diễn viên thăng hoa. Điều này được thể hiện rõ qua trích đoạn Mê đê với phần dự thi của diễn viên Diễm Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội). Mê đê của Diễm Hương là vở kịch kinh điển đã được cô đọng với thời lượng ngắn hơn để phù hợp với yêu cầu thi diễn, chứ không phải là một trích đoạn được cắt ra từ một vở diễn hoàn chỉnh. Nếu trước đó, khán giả chưa từng biết, chưa từng xem tác phẩm Mê đê thì vẫn có thể hiểu toàn bộ nội dung qua phần trình diễn của Diễm Hương. Bên cạnh việc thu gọn tác phẩm một cách tài tình, thì việc dàn dựng và kết hợp diễn xuất của các diễn viên phụ trợ nhằm làm nổi bật diễn viên chính cũng chứng tỏ tính đoàn kết trong sáng tạo của các nghệ sĩ. Diễm Hương đã giành Huy chương Vàng một cách thuyết phục, trong đó có phần hỗ trợ không nhỏ của các đồng nghiệp ở Nhà hát Kịch Hà Nội.
Cuộc thi Tài năng diễn viên trao giải cho cá nhân và là cuộc thi của các cá nhân với nhau. Thực tế, cũng có diễn viên chọn thể hiện tài năng bằng cách độc diễn trên sân khấu. Thế nhưng, rất hiếm diễn viên thành công với sự lựa chọn này. Đa phần, cá nhân diễn viên thành công là nhờ có sự hỗ trợ của các bạn diễn khác. Hội đồng giám khảo nhận định: “Sự hỗ trợ vô tư, trong sáng của các nghệ sĩ không dự thi với các nghệ sĩ dự thi là ân tình đặc biệt của nghề nghiệp sân khấu”. Qua nhiều cuộc thi tài năng diễn viên, có thể nhận thấy, đây không chỉ là cuộc thi của cá nhân mà còn là sự tranh tài của tập thể. Tuy nhiên: “Mỗi nghệ sĩ cần phải hiểu rõ mình hơn nữa khi chọn vai vì nhiều vai các bạn chọn không phù hợp với sức diễn của mình, trong khi đó có vô vàn sự lựa chọn ở kho tàng nhân vật của lịch sử hàng nghìn năm sân khấu kịch nói. Điều đó sẽ gây bất lợi cho các bạn. Để tốt cho vai diễn, các bạn cần phải biên tập kịch bản một cách kỹ càng, công phu, chọn lựa bạn diễn phù hợp, đạo diễn hiểu bạn thì mới có thể bộc lộ hết khả năng diễn, sẽ tạo được tính chỉnh thể, trọn vẹn của hình thể nhân vật” - đó là lời nhắn nhủ của Hội đồng nghệ thuật đến với các thí sinh.
Diễn viên Phan Thắng (Nhà hát Tuổi trẻ) - giải Nhất
Đa sắc màu vùng, miền
Cuộc thi năm nay có sự tham gia của một số đơn vị đến từ phương Nam như: Sân khấu Kịch Quốc Thảo, Sân khấu Kịch TKC, Công ty cổ phần Sử Việt, Công ty cổ phần truyền thông GoDi, Trung tâm nghệ thuật Việt Star, Công ty TNHH Khang Entertainment. So với những năm trước con số tham dự có tăng lên, song, vẫn còn ít và thiếu vắng những diễn viên đến từ những sân khấu đang hoạt động khá năng nổ ở TP.HCM. Vốn là những sân khấu xã hội hóa, lại đi một chặng đường dài từ Nam ra Bắc, bản thân diễn viên cũng phải tự lo nhiều chi phí như ăn, ở, phục trang…nên những phần thi của các đồng nghiệp phương Nam đơn giản hơn ở khâu thiết kế và phục trang.
Nếu những thí sinh miền Bắc thường chọn diễn các tác phẩm từ kịch cổ điển Hy Lạp, thời kỳ Phục hưng, thời kỳ chủ nghĩa cổ điển Pháp, thời kỳ Kịch ánh sáng, thì thí sinh miền Nam lại thích những vở kịch về đề tài lịch sử, hoặc hiện đại. Theo nhận định của Hội đồng giám khảo: “Sự lao động sáng tạo của các diễn viên khiến nhiều vai diễn đã đạt độ hoàn chỉnh về hình tượng nhân vật, truyền được những cảm xúc và giá trị thẩm mỹ của nhân vật cho người xem. Có hai xu hướng biểu diễn của sân khấu kịch nói nước ta. Sân khấu kịch miền Bắc biểu diễn hướng nội, chú trọng yếu tố hàn lâm và sân khấu phía Nam biểu diễn hướng ngoại với tính giải trí cao. Thật vui mừng, sân khấu miền Nam lần này đã đem ra những vở kịch với những vai diễn mang tính hướng nội như trích đoạn Tìm ánh mặt trời của Công ty cổ phần truyền thông GoDi… Đặc biệt đáng mừng là trích đoạn Tâm thần khuyết của Công ty TNHH Khang Entertainment đã trình bày một lối diễn giản dị, tinh tế, sâu sắc, không màu mè, đem lại hiệu quả cao và hiện đại. Tối giản trong nghệ thuật đó là đỉnh cao. Trích đoạn đáng để sân khấu kịch nói cả nước suy ngẫm”. Các nghệ sĩ sân khấu phía Nam luôn mang đến cuộc thi những luồng gió mới mẻ, lạ lẫm, tiếc là chưa nhiều, chưa mạnh như sức sống sân khấu nơi đây.
Trích đoạn Con kỳ nhông của Nhà hát Kịch Quân đội tham dự cuộc thi
Ngoài những đơn vị nghệ thuật đến từ hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM - hai địa phương có hoạt động sân khấu sôi động nhất nước, Cuộc thi còn thu hút các thí sinh đến từ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Hai thập kỷ nay, tình hình hoạt động sân khấu nói chung có chiều hướng đi xuống, mà thể hiện rõ nhất là ở các địa phương. Nhiều địa phương trước đây có đoàn kịch nói mà nay không còn nữa. Nhiều nghệ sĩ kịch nói ở tỉnh có khi rất lâu rồi chưa được hóa thân vào một vai diễn nặng ký trong một vở diễn chất lượng nên tay nghề bị hao mòn. Thêm nữa, việc sáp nhập cơ học các đoàn nghệ thuật vào làm một khiến diễn viên các chuyên ngành khác nhau phải làm những công việc giống nhau. Vì thế, trong Cuộc thi tài năng diễn viên kịch nói lần này đã xuất hiện các thí sinh có xuất phát điểm là diễn viên tuồng, chèo, thậm chí là ca sĩ. Do vậy, có thể thấy sự chênh lệch khá lớn giữa các thí sinh này với các đồng nghiệp ở các đơn vị kịch nói hàng đầu. Có lẽ, đối với họ, cuộc thi chỉ là sự thử sức. “Thay đổi tư duy nhận thức về xây dựng hình tượng nhân vật, kỹ năng nghề đã được rèn luyện nhiều năm để chuyển sang một ngành nghệ thuật khác hoàn toàn, thậm chí rất khác biệt về phương thức trình diễn là kịch nói thì không thể một sớm một chiều. Những nghệ sĩ này vẫn loay hoay chưa thoát được khỏi ngành nghề cũ” - Hội đồng giám khảo nhận xét.
Trích đoạn Chí Phèo - Thị Nở của Nhà hát Kịch Quân đội tham dự cuộc thi
Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 21 giải thưởng cho các tài năng, trong đó có 7 giải Nhất, 14 giải Nhì cho các diễn viên. 7 giải nhất gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Đoàn Kịch nói Hải Phòng); Lý Chí Huy (Nhà hát Tuổi trẻ); Nguyễn Thị Minh Thu (Nhà hát Kịch Việt Nam); Phạm Thành Phương (Công ty TNHH Khang Entertainment); Trần Thị Diễm Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội); Dương Văn Khánh (Nhà hát Kịch nói Quân đội); Phan Quang Thắng (Nhà hát Tuổi trẻ).
NHẬT HUY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023