Là thể loại phim có biên độ sáng tạo cao nhất từ cốt truyện, nhân vật, tình huống đến bối cảnh… nhưng hoạt hình Việt Nam lại khó để bứt phá khi dung lượng vẫn là điểm yếu chí tử của thể loại này.
Poster phim Bạch Đằng nổi sóng
Nói riêng về thể loại thì hoạt hình thế giới với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, kỹ thuật đã có những bước tiến dài cả về dung lượng, câu chuyện, kỹ xảo… Nhiều bom tấn hoạt hình có sự cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí vượt qua cả phim truyện tại một số thời điểm. Đã từ lâu, phim hoạt hình thế giới không còn bó hẹp trong vùng sáng tạo dành cho thiếu nhi mà đã vươn tới mọi tầng lớp khán giả với độ tuổi, trình độ, gu thưởng thức khác nhau.
Khác với thế giới, hoạt hình Việt Nam dù đã có hơn 60 năm phát triển nhưng các khó khăn về kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật, đội ngũ… đã khiến bao năm qua hoạt hình vẫn khó để cất cánh. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tổ chức tại Đà Lạt có tới 34 bộ phim đến từ các hãng như Công ty cổ phần hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Công ty cổ phần phim Giải Phóng, Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ và Dịch vụ SCONNECT Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ Văn hoá Truyền thông Sáng Ý.
Poster phim Đại hành hoàng đế
Mặc dù ghi nhận sự tham gia của một số công ty tư nhân vào lĩnh vực phim hoạt hình nhưng phần lớn các bộ phim tham dự vào hai hạng mục phim dự thi và phim toàn cảnh tại LHP lần này vẫn đến từ hai hãng phim truyền thống. Công ty cổ phần hãng phim Hoạt hình Việt Nam có 15 trên tổng số 16 phim được tuyển chọn vào vòng dự thi và chiếm 9 trên tổng số 18 bộ phim hoạt hình được chọn chiếu trong chương trình toàn cảnh. Công ty cổ phần phim Giải Phóng xếp vị trí thứ 2 với một phim được chọn vào vòng dự thi và 4 phim được chiếu trong chương trình toàn cảnh. Đáng tiếc là không có phim nào của các hãng tư nhân được chọn vào vòng dự thi tại LHP Việt Nam năm nay.
Với sự áp đảo 15 trên tổng số 16 bộ phim được tuyển chọn vào vòng dự thi thì có đến 13 trên 15 bộ phim gói gọn trong dung lượng 10 phút một phim. Chỉ có 2 bộ phim Nữ tướng Mê Linh và Đại Hành Hoàng Đế là có độ dài 30 phút. Tại chương trình toàn cảnh trong số 18 bộ phim được tuyển chọn có 13 trên tổng số 18 phim có độ dài là 10 phút một phim. 5 bộ phim còn lại có độ dài lần lượt là 8, 13, 30, 38 và 97 phút. Trong số 24 phim của Công ty cổ phần hãng phim Hoạt hình Việt Nam thì có đến 21 bộ phim có dung lượng 10 phút và chỉ có 3 phim với độ dài 30 phút.
Phim Giấc mơ làm mẹ
Ngoài các lý do về kinh phí, điều kiện sản xuất thì xét về dung lượng một bộ phim 10 phút không có nhiều đất để sáng tạo. Chính dung lượng hạn hẹp cũng khiến các câu chuyện phải tự bó hẹp, giới hạn nội dung trong các bối cảnh, tình huống và cản trở sự mở rộng đề tài, cốt truyện cũng như phát triển tính cách đầy đặn hơn cho các nhân vật. Với khuôn khổ có hạn, phần lớn các bộ phim hoạt hình Việt Nam là những tác phẩm nhỏ, xinh, đơn giản và khó đứng độc lập khi phát hành tại rạp hay trên các nền tảng trực tuyến. Thực tế, nhiều chương trình phim hè, Công ty cổ phần hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã bắt tay cùng Trung tâm chiếu phim quốc gia mở những đợt chiếu miễn phí cho trẻ em. Nhưng do dung lượng ngắn nên thường một buổi chiếu sẽ phải ghép từ 6 - 9 bộ phim cho đủ một xuất chiếu từ 60 - 90 phút.
Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm tháo gỡ cho hoạt hình Việt Nam trong đó có vấn đề về dung lượng, độ dài của một bộ phim. Cục Điện ảnh cũng đã có những cuộc thi kịch bản phim tài liệu và hoạt hình dài nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phim dài. Tuy nhiên, theo một số nghệ sĩ, ngoài yếu tố kinh phí, kỹ thuật, đội ngũ thì các kịch bản hoạt hình dài hơi vẫn chưa có được các câu chuyện, nhân vật, tình huống đủ hấp dẫn, kết nối và tạo “bột” cho các bộ phim dài hơi.
Phim Cô bé tóc xù
Trong lịch sử phát triển hơn 60 năm của mình, Hãng phim hoạt hình Việt Nam nay là Công ty cổ phần hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng mới chỉ có duy nhất bộ phim hoạt hình Người con của rồng với độ dài 100 phút được ra rạp nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Một phim khác có độ dài 60 phút là Vào hang kiến và khoảng chục phim có độ dài từ 20 đến 30 phút. Một số lượng quá khiêm tốn khi so với bề dầy hoạt động cũng như tính trên tổng số phim mà hãng đã sản xuất.
Trong số các bộ phim được gọi là dài hơi (20, 30 phút) so với mặt bằng chung thì phần lớn là các phim có yếu tố lịch sử hoặc tựa vào các câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử như Trần Quốc Toản, Cậu bé cờ lau, Kim Đồng, Người anh hùng áo vải… Ngay tại LHP Việt Nam lần này, 3 bộ phim có độ dài 30 phút của Công ty cổ phần hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng tựa vào yếu tố lịch sử là Nữ tướng Mê Linh, Đại Hành Hoàng Đế và Bạch Đằng nổi sóng. Có thể thấy, yếu tố kịch bản, cốt truyện, nhân vật… vẫn đang là điểm yếu trong việc xây dựng những bộ phim hoạt hình dài hơi của Việt Nam bên cạnh những hạn chế về kinh phí, kỹ thuật hay đội ngũ.
Poster phim Sương mù
Thiếu độ dài, phần lớn các bộ phim hoạt hình của Việt Nam vẫn là những suất chiếu gộp với một nhóm các phim để đủ dung lượng cho một buổi chiếu. Những câu chuyện phim như Cái đuôi của cậu ấm, Bà của Đỗ Đỏ, Chuột xám lắm mưu, Sương mù, Nguồn cội… dù có nhiều sáng tạo về mặt nội dung, cấu tứ, mầu sắc, chuyển động nhưng do dung lượng ngắn nên chưa kịp ngấm đã hết. Các bộ phim dài hơi hơn như Nữ tướng Mê Linh, Đại Hành Hoàng Đế, Bạch Đằng nổi sóng dù chưa phải là dài (30 phút) nhưng câu chuyện, các sự kiện, tình tiết đủ khiến khán giả chú ý vào những gì đang diễn ra trên màn ảnh.
Cũng tại LHP lần này, có 2 bộ phim đến từ Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ và Dịch vụ SCONNECT Việt Nam có độ dài tương đối là Học viện cổ tích (38 phút) và Wolfoo và hòn đảo kỳ bí (97 phút). Đây là 2 trong số 4 bộ phim của công ty này tham dự LHP Việt Nam lần thứ XXIII. Với tiềm lực mạnh, vốn đầu tư lớn và sự quy tụ đội ngũ trong và ngoài nước, hoạt hình Việt Nam bên cạnh các hãng phim truyền thống có thể “trông cậy” vào những công ty tư nhân để cùng phát triển mảng phim này trong thời gian tới.
Phim Wolfoo và hòn đảo kỳ bí
Sản xuất phim vốn là ngành công nghiệp xa hoa và tốn kém. Với phim hoạt hình, sự đầu tư là vô cùng lớn khi ngoài hệ thống trang thiết bị, các phần mềm chuyên dụng còn là lực lượng đông đảo các nghệ sĩ, hoạ sĩ cùng làm việc trong một dây chuyền chung từ phác thảo bối cảnh, nhân vật, đi nét, tô mầu, tạo chuyển động… Ngoài đào tạo trong nước, hoạt hình Việt Nam hiện còn một lượng lớn nghệ sĩ đến với bộ môn này bằng niềm yêu thích, sự tự học, một số được đào tạo tại nước ngoài và đã tham gia vào các êkip sản xuất lớn. Một vài bom tấn hoạt hình của thế giới đã có những công đoạn được gia công tại Việt Nam với đội ngũ những nghệ sĩ, hoạ sĩ phim hoạt hình. Nếu đội ngũ này được tập hợp thì sẽ có thêm sự chung tay về thiết bị, nguồn vốn để cùng phát triển hoạt hình Việt Nam. Về lâu dài thì để hoạt hình Việt Nam phát triển, ra rạp, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế thì dung lượng, độ dài của một bộ phim cần phải tháo gỡ, tạo đất cho câu chuyện, nhân vật, bối cảnh, tình huống có thêm đất để sáng tạo. Cần tháo điểm nghẽn về giới hạn, sự bó hẹp của khung thời gian thì hoạt hình Việt Nam mới có thể cất cánh.
THANH DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023