Là ngành nghệ thuật có khả năng phổ biến rộng rãi, có sức lan tỏa nhanh, hướng đến đa dạng đối tượng khán giả, điện ảnh đã trở thành phương tiện nổi trội trong việc kết nối, lan tỏa, truyền đi thông điệp về văn hóa, giá trị nhân văn. Trên thực tế, điện ảnh đã trở thành đại sứ góp phần quảng bá văn hóa, thành công của nhiều bộ phim đã dẫn đến các địa danh trong phim cũng trở nên nổi tiếng và trở thành điểm du lịch của nhiều khán giả điện ảnh. Có thể thấy điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh quốc gia, thúc đẩy du khách cả trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, khám phá đất nước và con người, góp phần tăng trưởng du lịch, qua đó, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước.
Nhiều bộ phim đã góp phần đưa Đà Lạt trở thành một phim trường lớn, qua đó thúc đẩy du lịch và dịch vụ phát triển - Ảnh: Trần Huấn
Điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hóa và xúc tiến hình ảnh quốc gia
Trong Điều 3, chương I, Luật Du lịch, Luật số: 09/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, mục thứ 13 quy định: “Xúc tiến du lịch là hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch” (1).
Một trong những nội dung của hoạt động xúc tiến du lịch chính là: quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình lao động sáng tạo của con người, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm tăng cường thu hút khách du lịch.
Là một đất nước giàu tiềm năng du lịch, Việt Nam có vị trí thuận lợi về địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên, bao gồm cả một đường bờ biển dài hơn 3.000 km, hơn 125 bãi biển, nằm trong danh sách 12 quốc gia hàng đầu cho những vịnh đẹp nhất trên thế giới, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việt Nam còn có hơn 3.000 cảnh quan và di tích lịch sử là di sản quốc gia, 8 di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, 9 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (2).
Du lịch đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%. Khu vực dịch vụ trong quý I năm 2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15-3-2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh (3).
Sang đến quý II năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021 (4).
Có thể thấy, du lịch có đóng góp lớn trong phục hồi hoạt động dịch vụ, tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, muốn thúc đẩy du lịch, đặc biệt là tăng lượng du khách quốc tế, việc sử dụng hiệu quả cầu nối “đại sứ phim ảnh” là một hướng đi rất khả thi. Hiện nay, bên cạnh nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy việc xúc tiến du lịch, các chuyên gia đã chỉ ra rằng: điện ảnh là một trong số kênh tuyên truyền quảng bá hữu hiệu nhất để quảng bá văn hóa và xúc tiến hình ảnh quốc gia, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển.
Câu slogan đầu tiên đã trở nên rất quen thuộc của ngành Du lịch, được sử dụng trong giai đoạn 2001-2004, đó là: Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới. Câu slogan này được đánh giá thực sự thành công khi khơi gợi sự tò mò và thu hút du khách đến Việt Nam. Trong điện ảnh, việc những địa danh, con người và văn hóa xuất hiện trong nội dung phim cũng chính là việc xây dựng điểm đến với hình ảnh điểm đến thường được mô tả đơn giản là “ấn tượng về một địa điểm” hoặc “nhận thức về một vùng”. Hình ảnh điểm đến càng trực quan, hiện rõ cùng với một câu chuyện, thường là những câu chuyện tình cảm lay động tâm can khán giả, sẽ tác động lên suy nghĩ của họ dẫn đến những quyết định lựa chọn điểm đến du lịch như là một địa danh.
Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch thông qua điện ảnh có thể coi là một kênh quảng bá hữu hiệu trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Bằng cách kể các câu chuyện trên nền thiên nhiên, phong tục, truyền thống, lễ hội và sự kiện lịch sử địa phương… điện ảnh giúp khán giả khám phá truyền thống văn hóa của một quốc gia. Đây cũng chính là cầu nối cho các hoạt động trao đổi văn hóa. Phong cảnh thiên nhiên mang đặc trưng riêng của mỗi vùng đất, mỗi quốc gia nhiều khi không chỉ làm nền cho câu chuyện mà còn trở thành một nhân vật. Điều này khuyến khích du khách khám phá các địa điểm thực tế, tương tác với cộng đồng địa phương và đắm mình trong văn hóa được miêu tả trên màn ảnh. Những bối cảnh đẹp còn phản ánh giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân tộc... cùng với câu chuyện cuốn hút sẽ tác động tới tâm trí và tình cảm người xem, thúc đẩy họ lên đường đến tận nơi, xem tận chốn.
Những dự án phim lớn là phim Hollywood thường dẫn đến tăng trưởng du lịch tại địa điểm làm phim. Du lịch sau khi xem phim được coi là một hình thức du lịch độc đáo, do xuất hiện trong một bộ phim hoặc loạt phim truyền hình nào đó, một địa điểm bình thường với du khách địa phương cũng có thể trở thành một biểu tượng đối với du khách từ nơi khác.
Chính vì các lý do đó, nhiều quốc gia đã nhìn nhận sản xuất phim như một hoạt động quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương. Bên cạnh việc tham quan thiên nhiên, di tích... là bối cảnh quay phim còn có hoạt động trải nghiệm, tham quan khác, như: công viên chủ đề phim điện ảnh/truyền hình, các địa điểm đang diễn ra hoạt động quay phim… Ngoài việc phát triển du lịch, quá trình quay phim liên quan đến nhiều hoạt động đa dạng còn góp phần kích thích nền kinh tế địa phương, tạo ra cơ hội việc làm và khuyến khích sự phát triển của các ngành hỗ trợ như dịch vụ và vận tải.
Những bộ phim đánh thức tiềm năng du lịch
Mô hình du lịch theo phim ảnh tác động vào trí tò mò của công chúng bởi hình ảnh các điểm đến (phim trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích...) và nhân vật trên màn ảnh. Hiệu ứng từ điện ảnh gắn với du lịch rất lớn, mang lại hiệu quả bất ngờ và mạnh mẽ, tạo ra những xu hướng dịch chuyển của khách đến với những địa điểm quay phim như là những tour du lịch trải nghiệm văn hóa. Nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp thế giới đến tham quan.
Tại Việt Nam, vào cuối năm 1980 đầu những năm 1990, sau ba bộ phim Pháp quay tại Việt Nam là Người tình (L’amant), Điện Biên Phủ và Đông Dương (Indochine), số lượng du khách đến Việt Nam gia tăng đáng kể, trong đó có những đoàn khách đến từ những thị trường du lịch còn xa lạ như Israel, Trung Đông... Đó là nhờ những cảnh đẹp xuất hiện trên phim cùng với các minh tinh điện ảnh nổi tiếng thế giới như Catherine Deneuve hay Lương Gia Huy.
Sau khi bộ phim Hollywood Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island) chọn Việt Nam làm bối cảnh quay phim bởi “bối cảnh đẹp siêu thực” (như lời đạo diễn Jorrdan Vogt- Roberts), những điểm đến tiềm năng của du lịch Việt như Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Tràng An (Ninh Bình) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã trở thành điểm đến của hàng loạt tour du lịch mới, thu hút khách trong và ngoài nước.
Không chỉ các dự án quốc tế lớn, những bộ phim hợp tác sản xuất hoặc phim nội địa thành công về mặt nghệ thuật cũng có thể trở thành “đại sứ” quảng bá rộng rãi những nét văn hóa đậm đà bản sắc của một vùng đất. Đó là vùng cao nguyên đá Hà Giang trong Chuyện của Pao; vùng đất Ninh Bình đẹp nên thơ trong Thiên mệnh anh hùng; cố đô Huế thâm trầm trong Trăng nơi đáy giếng, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu...; Hội An trầm mặc cổ kính trong Ngọc Viễn Đông, Áo lụa Hà Đông…; Miền Tây hào sảng trong Đất phương Nam, Cánh đồng bất tận, Tro tàn rực rỡ… hay mùa nước nổi độc đáo Nam Bộ trong Mùa len trâu…
Không chỉ đánh thức giấc mơ khám phá của du khách nội địa, những bộ phim này còn thu hút một lượng khách quốc tế. Dù đã ra mắt khán giả từ năm 2006, cho đến nay, bối cảnh phim Chuyện của Pao vẫn là một điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách tới Hà Giang. Lượng khách tới Huế tăng vọt sau khi Mắt biếc lập kỷ lục doanh thu, nhiều công ty du lịch đã tổ chức các chương trình du lịch trong ngày, giới thiệu các điểm tour khởi hành dọc theo những bối cảnh từng xuất hiện trong phim. Sau thành công của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, vùng đất Phú Yên như được đánh thức tiềm năng du lịch. Rất nhiều tour du lịch với tựa đề “khám phá xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” giúp du lịch Phú Yên tăng trưởng nhảy vọt.
Mới đây nhất, Hành trình tình yêu của một du khách (A Tourist’s Guide to Love) của đạo diễn Steven K. Tsuchida - bộ phim đầu tiên được Bộ VHTTDL cấp phép quay tại Việt Nam kể từ sau khi nước ta khống chế thành công dịch COVID-19 được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá “vẻ đẹp bất tận” của Việt Nam đến với du khách quốc tế sau những khó khăn “hậu” đại dịch. Với bối cảnh là những địa danh nổi tiếng, trải dài từ Nam ra Bắc, sau khi ra mắt trên nền tảng phim trực tuyến Netflix, phim đã xếp thứ ba trong top 10 phim hàng đầu được khán giả toàn cầu xem nhiều nhất sau hơn một tuần công chiếu.
Để điện ảnh và du lịch cùng đồng hành phát triển
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu chung: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam. Trong đó, mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch (5).
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, cũng xác định: “ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa một số sản phẩm văn hóa chủ lực có tiềm năng, lợi thế như: điện ảnh…, du lịch văn hóa (6).
Việc kết hợp quảng bá du lịch qua điện ảnh nếu được làm chuyên nghiệp sẽ đem lại hiệu quả để phát triển du lịch ở Việt Nam, hoàn thành được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch quốc tế hấp dẫn và có vị thế trong khu vực ASEAN và trên thế giới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ thực tế của những bộ phim kể trên cho thấy, sức ảnh hưởng của điện ảnh đã góp phần thúc đẩy nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ, làm phong phú thêm sự lựa chọn của du khách. Thành công này cũng cho thấy cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà sản xuất phim và ngành Du lịch nhằm tận dụng nguồn lực sẵn có trong hành trình phát triển, tiến tới xây dựng công nghiệp điện ảnh và phát triển du lịch.
Giải pháp kết hợp với điện ảnh để phát triển du lịch được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nhưng lại là vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ngành Du lịch Việt Nam hiện đang có những bước phát triển vượt bậc, cũng như điện ảnh Việt Nam là một ngành công nghiệp đang trên đà phát triển. Dù mới chỉ là những bước đầu tiên, hiện nay điện ảnh và du lịch đã bắt đầu có những chiến lược để đồng hành và cùng phát triển.
Nhận thức rõ điều đó, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 vào tháng 6-2023. Điểm nhấn của chương trình là diễn đàn Du lịch và điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ VHTTDL chia sẻ về tổng quan công tác quảng bá điện ảnh của Việt Nam ra thế giới. Các chuyên gia điện ảnh quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc quảng bá điện ảnh kết nối với du lịch để cùng nhau phát triển… Trong khuôn khổ chương trình còn có hội nghị quốc tế Xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023. Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, từ vị trí địa lý, khí hậu phong phú, thuận lợi, di sản văn hóa đặc sắc, nhiều địa danh đáp ứng làm bối cảnh phim trường, lợi thế về nhân công… Nếu khai thác tốt, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà có tiềm năng trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh mẽ.
Đây là những hoạt động thiết thực nhằm xúc tiến, quảng bá, kích cầu, đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó phương châm phát triển ngành Du lịch giai đoạn tới là: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” (7). Tại hội nghị này, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để đạt được các mục tiêu: Phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng, lợi thế của các doanh nghiệp - nhà đầu tư và địa phương - điểm đến du lịch, các đơn vị sản xuất phim trong việc liên kết phát triển điện ảnh, du lịch và thương hiệu Việt Nam nói chung, sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam nói riêng. Tạo dựng mối liên kết giữa các bên: Doanh nghiệp - Nhà hoạt động điện ảnh - Địa phương, qua đó góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam nói chung và quảng bá danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch, tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Truyền thông xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời thu hút khách du lịch và nâng cao hình ảnh thương hiệu sản phẩm của Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh. Đồng thời góp phần thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong việc thông qua điện ảnh để phát triển du lịch, thương hiệu Việt Nam.
Đề xuất những giải pháp cụ thể
Việc tạo dựng thương hiệu du lịch từ việc khai thác bối cảnh phim tuy đã có một số bộ phim rất thành công nhưng vẫn luôn là một thách thức. Ngành Điện ảnh và Du lịch cần có một chiến lược phối hợp phát triển giữa hai ngành với cơ chế và chính sách rõ ràng. Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý ở cấp trung ương và địa phương để có những giải pháp cụ thể và thiết thực.
Cơ chế chính sách
Trong bối cảnh hiện nay, cần hoàn thiện và đưa vào thực tế các cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Có thể kể đến công tác tạo lập cơ sở vật chất hiện đại, chính sách ưu đãi hỗ trợ địa điểm, lưu trú, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, ưu đãi các đoàn làm phim vay vốn với lãi suất thấp… Những định hướng này đều đã được thể hiện trong Luật Ðiện ảnh năm 2022.
Tích cực quảng bá
Biến phim ảnh trở thành “đại sứ du lịch” là điều mà các cấp quản lý của Bộ VHTTDL và ngành Điện ảnh đã nhận thức và chủ động triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng trong những năm qua. Nhiều triển lãm giới thiệu bối cảnh cùng các cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm giới thiệu và quảng bá điểm đến hấp dẫn cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế là những hoạt động được tổ chức liên tục, bên lề các sự kiện điện ảnh... Có thể kể tới một vài sự kiện tiêu biểu như hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI; triển lãm Di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam trong khuôn khổ hội nghị Hiệp hội các Viện lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương; hội thảo Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI; triển lãm ảnh với chủ đề Không gian giới thiệu du lịch qua những thước phim tại Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 với hơn 300 hình ảnh bối cảnh đẹp trong phim được quay tại 12 tỉnh, thành của Việt Nam: Hà Nội, Hà Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, TP.HCM, Đồng Tháp.
Ngoài ra, tại các liên hoan phim quốc tế lớn như Cannes, Berlin… Bộ VHTTDL và ngành Điện ảnh cũng tổ chức nhiều chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng của Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ làm phim, các danh lam thắng cảnh đẹp thu hút các nhà làm phim quốc tế…
Ðể không lãng phí tiềm năng, cần tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và các chiến dịch quảng bá, thu hút các đoàn làm phim quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà làm phim trong nước cho ra đời nhiều hơn những tác phẩm điện ảnh chất lượng.
Phát triển cơ sở hạ tầng
Từ kinh nghiệm phát triển điện ảnh song hành cùng du lịch tại nhiều địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng. Nhiều địa danh không nằm trong các tuyến du lịch hay đô thị, chưa thuận lợi về giao thông, không có nhiều dịch vụ dừng nghỉ, các hàng quán phục vụ khách đều do người dân dựng lên tự phát. Cảnh quan xung quanh không được đầu tư để phục vụ du lịch, chưa đủ khả năng đón tiếp một lượng lớn khách đến nên có thể tạo ra hiệu ứng ngược, khiến du khách có những trải nghiệm không vui.
Vì vậy, ngành Du lịch các địa phương cần có đầu tư về cơ sở hạ tầng, có thể qua xã hội hóa. Cần ưu tiên lựa chọn phát triển những điểm du lịch có nhiều và đủ cơ sở lưu trú và cơ sở hạ tầng tốt phục vụ một lượng lớn khách du lịch. Ngoài ra cũng cần tính toán để đón lượng khách, cũng như dự báo lượng khách nước ngoài tìm đến các thắng cảnh trong phim để khám phá, trải nghiệm với những bộ phim tạo được dư luận xã hội.
Chủ động tìm kiếm đầu tư
Kinh phí hạn hẹp đã và đang là rào cản đối với các đoàn làm phim khi thực hiện những mục tiêu phối hợp nêu trên. Điều này không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước mà còn cả ở sự chủ động tìm kiếm của các nhà làm phim. Bên cạnh việc tìm vốn đầu tư từ các hội chợ phim, quỹ điện ảnh… cần huy động các nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa, từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch và các cấp chính quyền tùy theo mục tiêu quảng bá du lịch quốc gia, vùng, miền hay điểm đến
Cùng liên kết để tạo nên tác phẩm
Cần đầu tư có chiều sâu để có được những kịch bản phim giàu bản sắc riêng, phù hợp với tiềm năng và văn hóa, lịch sử Việt Nam. Từ đó mới có được một tác phẩm điện ảnh chất lượng làm “bệ phóng” cho du lịch. Nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa ngành Điện ảnh và Du lịch trong thời gian tới, cần lựa chọn những địa điểm du lịch phù hợp định hướng phát triển của ngành Du lịch và phù hợp nội dung phim. Để ngày càng có nhiều tác phẩm điện ảnh tạo hiệu ứng tốt cho du lịch, đã đến lúc các nhà sản xuất phim nên tham khảo ý kiến của các công ty du lịch trước khi tiến hành quay một tác phẩm để lựa chọn bối cảnh phù hợp cũng như loại hình du lịch nào có thể lồng ghép trong phim. Mục đích để có được những bối cảnh hỗ trợ tốt nhất cho nội dung phim cũng như tạo được một tác phẩm điện ảnh có thể biến nhiều khán giả trở thành khách du lịch tìm đến địa điểm trên để tự mình trải nghiệm.
Đặc biệt, để phát triển bền vững, cả lãnh đạo địa phương, ban ngành và doanh nghiệp lữ hành cần ý thức rằng không chỉ dựa theo thành công của bộ phim để bán tour cho khách mà quan trọng nhất là phải cùng liên kết, xây dựng nên những sản phẩm du lịch vừa có cảnh đẹp mang đậm bản sắc địa phương, vừa có dịch vụ đảm bảo chất lượng. Có như vậy thì các địa điểm nổi tiếng từ phim mới giữ chân khách một cách lâu dài.
Lồng ghép nhiều hoạt động trải nghiệm
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu lồng ghép các hoạt động du lịch khác đưa vào phim tạo hiệu ứng sau khi xem phim như: các tour du lịch, ẩm thực, thời trang, sản phẩm truyền thống, lễ hội, các nhà hàng, khách sạn...
Bên cạnh việc tham quan các bối cảnh quay phim, cần có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm, tham quan khác, như: công viên chủ đề phim điện ảnh/truyền hình… Các địa phương cũng cần chung tay phát triển ý tưởng sử dụng các hiện vật đóng phim và phim trường trở thành những điểm đến thu hút khách du lịch.
Cải tiến các thủ tục hành chính
Một điểm đặc biệt quan trọng, nhất là với các nhà làm phim quốc tế, đó là việc cải thiện điều kiện, thủ tục cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo hướng tinh giản, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Áp dụng chế độ ưu đãi về thuế đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam vừa được cập nhật trong Luật Điện ảnh 2022.
Tại Hội nghị quốc tế Xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 trong khuôn khổ Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo cần giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp để tăng tính cạnh tranh như tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục cho các đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam; chính sách ưu đãi về thuế, phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí; miễn giảm chi phí lưu trú, vé vào danh lam thắng cảnh; thu hút đầu tư xây dựng phim trường chuyên nghiệp…
Việc cho phép các đoàn làm phim quốc tế thực hiện cảnh quay tại Việt Nam là một hướng đi đúng đắn để kết hợp quảng bá cho du lịch nước nhà. Cũng chính nhờ những hoạt động quảng bá kiên trì, những nỗ lực trải thảm mời gọi đầu tư đó, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm ngày một lớn từ nhiều nhà sản xuất tên tuổi quốc tế. Qua, đó mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước khu vực và quốc tế nhằm khuyến khích xuất khẩu sản phẩm điện ảnh.
NGÔ HỒNG VÂN
Phó Trưởng Ban Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
____________________
1. vbpl.vn
2. vnembassy-warsaw.mofa.gov.vn
3, 4. gso.gov.vn
5. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bvhttdl.gov.vn, 3-10-2016.
6. chinhphu.vn
7. vanban.chinhphu.vn
*Tham luận tại Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)