Đất lành chim đậu

Sau ngày thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển các vùng kinh tế mới (KTM), gần 600 hộ dân vùng nội thành Đà Nẵng và các khu vực lân cận đã tình nguyện lên khu vực rừng núi Lâm Viên (nay thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) khai hoang, lập nghiệp.

“Ai về Hòa Phú quê tôi

Đường đi bên những cánh rừng  bao la

Lỗ Đông xuôi chảy mượt mà

Quanh co, uốn lượn ven nà bắp xanh

Bao năm “chim đậu đất lành”

Gian nan, vất vả mới thành ấm no

Ngày nay Hòa Phú đẹp, to

Điện, đường, trường, trạm… thật là quy mô…”

Ông Nguyễn Ánh (70 tuổi, thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú) cho hay, lúc ấy, trong xã có 5 thôn kinh tế mới (nay sát nhập chỉ còn 3 thôn) ngoài tuyến đường độc đạo ĐT604 (nay là QL14G) nối liền miền núi với miền xuôi được cấp phối thì các tuyến giao thông còn lại hoàn toàn “nắng bụi, mưa bùn”, làng xóm chỉ là những mái nhà tôn lụp xụp. Cuộc sống người dân tuy được Nhà nước hỗ trợ nhưng vô cùng khó khăn do thiên tai, hạn hán; hoa màu bị thú rừng phá hoại bên cạnh đó kinh nghiệm sản xuất của người dân chưa có.

Trước tình hình đó, lãnh đạo các cấp đã chỉ đạo hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ ở mỗi thôn kinh tế mới khẩn trương cùng với nhân dân từng bước xây dựng, phát triển địa phương. Các cấp chính quyền huy động máy móc, các chương trình khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; huy động người dân làm thủy lợi, tích cực đắp đập dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng trồng lúa nước. Các đập Hố Trảy (thôn Hòa Phước), Đồng Tréo (thôn An Châu), Hố Cau (thôn Hòa Phát)… tiếp tục được xây dựng, tạo nguồn nước sản xuất, cây trồng xanh tốt, năng suất từ đó tăng dần. Có nguồn nước, nhiều hộ dân còn đào thêm ao nuôi cá, chăn nuôi gia súc, trồng cây tái sinh rừng cải thiện đời sống.

Theo ông Võ Sơn - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải, đòn bẩy để phát triển kinh tế hộ trong thôn là từ việc trồng rừng (200 ha) và ươm giống cây lâm nghiệp. Không chỉ đáp ứng đủ cây giống chất lượng cao tại chỗ mà bà con còn xuất bán cho nhiều địa phương ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... Năm 2019, bình quân mỗi hộ ươm giống cây trồng thu lãi khoảng 100 triệu đồng...

Đời sống người dân thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú) ổn định với nghề ươm giống cây trồng, phát triển kinh tế rừng.

Ông Nguyễn Thanh (71 tuổi, Chi hội trưởng Người Cao tuổi thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú)  khẳng định: Có trải qua những tháng ngày gian khó mới càng trân quý hơn những đường làng sạch đẹp, những thôn xóm khang trang, cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Sau 45 năm di dân, nhiều gia đình với 3, 4 thế hệ nhưng cái ăn, cái mặc vẫn đủ đầy, cháu con được học hành đến nơi, đến chốn. Nhà tầng, ô tô tải, xe du dịch ngày càng thêm nhiều. Bây giờ cuộc sống của chúng tôi trên quê hương thứ 2 này đã thực sự thay da, đổi thịt từng ngày. Đúng là “đất lành chim đậu”!

Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay, năm 2011, khi TP triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hòa Phú không có điều kiện thuận lợi như các xã đồng bằng, vùng trung du khác, nhưng khi được lãnh đạo huyện kỳ vọng, địa phương đã có sự bứt phá một cách ngoạn mục và tự hào trở thành xã miền núi đầu tiên của huyện Hòa Vang cán đích NTM vào cuối năm 2014. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ tính theo chuẩn nghèo NTM hiện còn 0%. Hiện xã Hòa Phú đang ra sức xây dựng NTM kiểu mẫu để địa phương ngày càng giàu đẹp hơn.

Có thể nói, đến các thôn kinh tế mới ở xã Hòa Phú hôm nay, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của vùng đất một thời được cho là nghèo nàn, lạc hậu. Hệ thống đường giao thông ở các thôn không những được đầu tư bê-tông, thảm nhựa mà còn mở rộng thênh thang theo hướng đô thị. Các trường học đều được xây dựng kiên cố, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập cho thế hệ trẻ. Người dân đã yên tâm hơn khi tại xã có Trạm y tế khang trang với đầy đủ y, bác sĩ, trang thiết bị khám chữa bệnh khá hiện đại và hài lòng hơn khi chợ Hòa Phú được xây dựng khang trang, rộng đẹp tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc mua, bán, giao thương hàng hóa, nông sản giữa các vùng miền.

Tác giả: Tiên Sa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

 

;