Thừa Thiên Huế xây dựng Nông thôn mới: Hiệu quả việc phát huy văn hóa làng xã và sự đồng thuận của người dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân, lấy đoàn kết để phát huy sức mạnh của mọi tổ chức và cá nhân, lấy việc thực hiện dân chủ và công khai ở cộng đồng dân cư làm động lực phát triển” - điều đó đã được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) thời gian qua ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm hướng tới một nền kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày một khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường sống xanh - sạch - đẹp hơn. 

Vai trò văn hóa làng xã trong xây dựng NTM

Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày của làng, xã chính là những nét văn hóa đã được hình thành, định hình trong đời sống nông thôn hàng trăm năm nay. Đó cũng chính là yếu tố gắn kết cộng đồng, cùng nhau gìn giữ, xây dựng làng, xã ngày càng đẹp hơn. Trong mọi phong trào, chương trình, nội dung xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn là nền tảng, cốt lõi, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, phát huy nét đẹp văn hóa đặc trưng của làng, xã... từ đó xây dựng xã hội văn minh hơn, phát triển hơn theo văn hóa đẹp và riêng của người Việt Nam. Vì vậy, trong xây dựng NTM, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình, văn hóa làng xã là yếu tố không thể bỏ qua.

Mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trong xây dựng NTM không chỉ là câu chuyện của cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển mô hình, nâng cao thu nhập... mà còn khơi gợi, bồi đắp, lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và cộng đồng.

Ở phương diện khác, xây dựng NTM không có nghĩa là biến nông thôn trở thành thành thị, mà song song với phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế thì bản sắc văn hóa riêng, đặc trưng văn hóa từng vùng, miền đã được hình thành trong lịch sử cũng phải được bảo tồn và phát huy. Vì vậy, Thừa Thiên Huế luôn chú trọng xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa làng, xã nhằm phát huy tối đa nội lực từ sức dân.

Văn hóa làng, xã là những vốn quý, là nét đặc trưng rất riêng của nông thôn, là  cốt lõi của sự phát triển xã hội. Văn hóa truyền thống gia đình, làng, xã, thôn, xóm... là sợi dây gắn kết cộng đồng, từ đó xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Chính văn hóa làng, xã tạo nên khối đại đoàn kết để chung tay vì sự phát triển của quê hương, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các tiêu chí trong việc xây dựng NTM ở Thừa Thiên Huế thời gian qua.

Chủ trương đúng của Đảng, thuận với lòng dân

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, những kết quả mà chương trình NTM đem lại là sự phát triển đồng bộ từ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Để có được kết quả đó, sự đồng thuận, chung sức của nhân dân vô cùng quan trọng.

Trong xây dựng NTM, người dân giữ vai trò chủ thể vừa làm, vừa thụ hưởng, do đó việc phát huy sự chủ động, tích cực tham gia của người dân luôn được coi trọng. Công tác tuyên truyền trở thành cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện, bám sát phương châm dan biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Chủ trương đúng, hợp với lòng dân trong xây dựng NTM đã vận động được ý thức tự giác, sự đồng lòng cùng với Đảng và Nhà nước của người dân. Rõ ràng, xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, đem lại những hiệu quả tích cực từ đời sống tinh thần đến cơ sở vật chất của người dân. Sự đồng lòng đó thể hiện qua việc người dân hưởng ứng nhiều việc làm thiết thực như: hiến đất mở rộng công trình giao thông, xây trường, công trình văn hóa, tham gia tích cực các cuộc vận động “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”, "Ngày Chủ nhật xanh”..., bà con tự nguyện đóng góp sức và tiền của xây dựng quê hương, xóm làng.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thừa Thiên Huế, ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, tính đến cuối năm 2019, tỉnh đã huy động hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có nguồn lực đáng kể từ nhân dân và doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, thực hiện Bộ tiêu chí NTM.

Xây dựng NTM đã, đang có những phát triển vượt bậc so với chỉ tiêu đề ra. Với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận của người dân, công cuộc xây dựng NTM trên toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, tạo nên diện mạo nông thôn mới, đi vào chiều sâu, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm sống vì cộng đồng. Để đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa song song với phát triển kinh tế. Bởi mỗi con người văn hóa, mỗi khu dân cư văn hóa sẽ tạo nên một xã hội văn hóa.

Tác giả: Nguyễn Thúy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

 

;