1. Điện ảnh - con đường phải bước tới
Nữ đạo diễn, NSND Nhuệ Giang sinh ra trong gia đình nghệ thuật với cha là đạo diễn nổi tiếng Phạm Văn Khoa (một trong những đạo diễn đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam) và mẹ là diễn viên Bích Châu. Sống trong một môi trường thấm đẫm không khí nghệ thuật từ nhỏ nên Nhuệ Giang say mê điện ảnh và rất ham đọc sách. Sở thích này từng ngày ngấm vào chị như bản năng tự nhiên. Chính sự say mê văn học đó đã trang bị những kiến thức phong phú khi tìm hiểu tâm lý, cá tính nhân vật trong từng hoàn cảnh riêng biệt, hỗ trợ Nhuệ Giang rất nhiều trong sự nghiệp điện ảnh rạng rỡ sau này. Không ít ý tứ xuất hiện đâu đó trong sách đã theo chị rất nhiều năm, ám ảnh, lặp đi lặp lại và khi đến thời điểm thuận lợi, nó trở thành nguồn cảm hứng, khởi đầu cho kịch bản của những bộ phim mang dấu ấn Nhuệ Giang. Khả năng tuyển chọn, tìm kiếm những gương mặt diễn viên nghiệp dư phù hợp với vai diễn và đưa họ đến thành công cũng chính nhờ tư duy tưởng tượng nhạy bén, cảm quan sâu sắc của Nhuệ Giang khi được tiếp xúc với kịch bản văn học. Chị cho rằng: sở dĩ chọn diễn viên chuẩn là do chị đã nắm bắt được tinh thần của nhân vật và đi tìm những gương mặt cine trong đời thường có được tinh thần đó.
Với những điều kiện thuận lợi từ gia đình, môi trường sống và tình yêu nghệ thuật được ươm mầm từ rất sớm, tưởng rằng khi trưởng thành, Nhuệ Giang sẽ bước chân vào một ngôi trường nghệ thuật liên quan đến điện ảnh hoặc văn học ngay từ những tháng năm đầu đời. Nhưng không, cuộc đời đẩy chị tới một ngã rẽ khác: trở thành sinh viên Đại học Kiến trúc và có hai năm làm việc cho Công ty xây dựng số 1, trước khi quyết tâm nộp đơn vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, làm lại từ đầu và trở thành một trong những sinh viên khoa đạo diễn đầu tiên của trường. Là một trong những nữ sinh viên hiếm hoi của khoa đạo diễn, Nhuệ Giang luôn được cha mình cảnh báo về những vất vả, khó khăn, áp lực và trách nhiệm của nghề đạo diễn, đặc biệt đối với phụ nữ. Nhưng với quyết tâm theo đuổi tới cùng bộ môn nghệ thuật yêu thích, chị không những thuyết phục được cha mà còn tiếp nối thành tích điện ảnh của ông bằng nhiều bộ phim đầy suy tư, day dứt về số phận những con người bé nhỏ, lưu lạc và lam lũ. Bỏ trốn, Thung lũng hoang vắng, Tâm hồn mẹ, Lạc lối… lần lượt ra đời đã thể hiện sự chiêm nghiệm, suy ngẫm, quan điểm về cái đẹp và cuộc sống, giàu lòng trắc ẩn và đầy nữ tính của Nhuệ Giang. Và chính quyết định lựa chọn điện ảnh là con đường tất yếu phải bước đi trong cuộc đời mình mà Nhuệ Giang đã gặp Thanh Vân, để rồi trở thành cặp vợ chồng đạo diễn nổi tiếng ăn ý, cùng đồng hành, nâng đỡ, gắn tên nhau trên những bộ phim chất lượng, có giá trị riêng của màn ảnh Việt. Những bộ phim của cả hai lần lượt ra đời thể hiện sự trưởng thành ngày càng rõ nét và rồi mỗi người đều tự khẳng định cá tính riêng ở các bộ phim xuất sắc nhất trong sự nghiệp cá nhân cũng như tạo dấu ấn trong dòng chảy chung của điện ảnh Việt Nam.
2. Những phận người nhỏ bé, lưu lạc
Phim nào của Nhuệ Giang cũng tưởng như giản dị với những câu chuyện, nhân vật bé nhỏ mang màu sắc u buồn, nhưng ẩn sau nó hàm chứa ý nghĩa nhân văn, một cách nhìn tinh tế, sâu sắc đối với con người, hiện thực xã hội. Chị thừa nhận: đối tượng quan tâm hướng tới là những con người cơ cực, lưu lạc và lam lũ. Đó là đôi vợ chồng lao động từ tỉnh xa lên Hà Nội như Thắm, Quỳ trong Lạc lối, mẹ con Thu trong Tâm hồn mẹ, những đứa trẻ kiếm sống trong nghĩa trang của Bỏ trốn, hay những giáo viên trẻ ở vùng cao như Giao, Tành, Minh trong Thung lũng hoang vắng... Tất cả đều là những người lao động nghèo khổ, hoặc có môi trường làm việc chật vật, thiếu thốn, vất vả kiếm sống nhưng trong guồng quay nghiệt ngã để sinh tồn, những con người nhỏ bé ấy vẫn biết yêu thương, tha thứ và vươn lên.
Cô bé Thu trong Tâm hồn mẹ đã sớm trở nên già dặn, cứng cỏi khi sống cùng người mẹ lam lũ nhưng rất bản năng và nông nổi. Cuộc sống phức tạp, khắc nghiệt và xô bồ của chợ đầu mối hoa quả Long Biên đã khiến cô bé phải quan tâm tới việc cạnh tranh để kiếm sống hơn là việc học hành. Và khi những khao khát được mẹ yêu thương, quan tâm bị xao nhãng, cô bé đã chia sẻ, bao bọc cậu bạn trai cùng lớp bị mất mẹ bằng bản năng của một người mẹ. Cái hay và độc đáo của phim không phải đề cập tới tinh thần làm mẹ của một người trưởng thành, mà ý nghĩa thiêng liêng này lại tràn ngập trong suy nghĩ của một bé gái. Tính nữ, sự bao dung và hy sinh đã thể hiện rất mạnh mẽ trong nhân vật bé Thu. Và Quỳ, người chồng cục mịch thật thà đã bao dung và tha thứ cho vợ sau khi cô phản bội chạy theo gã trai bao thành phố trong Lạc lối. Không ít lần Quỳ bị bạn mắng là ngu ngốc khi cứ mãi dõi theo người vợ bội bạc chỉ để xem “nó sống ra sao”, và cũng không ít lần đau xót, lo lắng khi cảm thấy Thắm gặp nguy hiểm. Hình ảnh Quỳ ngơ ngác, thất thần khi phát hiện sự giàu có giả tạo của gã trai bao và những cố gắng muốn cứu thoát vợ khi bị thương, hay cuống cuồng vay mượn tiền để trả viện phí cho vợ khi bị nhân tình bỏ rơi, đã không ít lần gợi lên sự thương cảm, đau xót... Là những đứa trẻ sống trong nghĩa trang dẫu có cay nghiệt, từng trải khi cạnh tranh kiếm sống thì sau đó vẫn lấp lánh tâm hồn trong trẻo, nhân hậu khi bao bọc và giúp đỡ bé Thi - cô bé mất mẹ và bị ruồng bỏ trong Bỏ trốn...
Việc Nhuệ Giang hướng sự quan tâm của mình vào số phận từng nhân vật người nghèo khổ một cách sâu sắc đã thể hiện phong cách làm phim rất nữ tính và nhân hậu. Không xác định rõ đối tượng miêu tả là trẻ em hay những thân phận lam lũ, rất tự nhiên, chỉ có câu chuyện về họ mới thu hút sự chú ý của Nhuệ Giang và để từ đó nhen nhóm ý tưởng làm phim. Nói về việc các nhân vật trẻ em thường xuất hiện trong phim, Nhuệ Giang thừa nhận: làm việc với trẻ em rất thú vị. Bọn trẻ không nghĩ gì cao siêu đâu, mình bảo nó nhăn mặt thì nó nhăn mặt bắt chước thôi, nhưng có những đứa bắt chước rất giỏi. Và khi chúng yêu thích, say mê thì cũng không kém gì người lớn. Chính nhờ linh cảm nhạy bén khi lựa chọn những gương mặt diễn viên nhí nghiệp dư, nhờ sự kiên nhẫn vô cùng khi hướng dẫn diễn xuất cho họ mà Nhuệ Giang đã phát hiện cho điện ảnh Việt Nam những gương mặt mới: Lan Hà trong Đời cát, Trái tim bé bỏng (hai phim của Thanh Vân, Nhuệ Giang làm phó đạo diễn); Phùng Hoa Hoài Linh trong Tâm hồn mẹ. Cả hai diễn viên này đều đoạt giải diễn xuất tại các kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế.
3. Thung lũng hoang vắng - bức tranh chân thực, xúc động về giáo viên vùng cao
Trên con đường điện ảnh mà Nhuệ Giang đã dũng cảm lựa chọn, Thung lũng hoang vắng là bộ phim thành công và ra đời trong khoảng thời gian rực rỡ nhất trong sự nghiệp của chị. Còn nhớ tại Liên hoan phim lần thứ XIII - 2001, cả Thung lũng hoang vắng và Đời cát đều thắng lớn với những giải thưởng danh giá. Ngoài giải thưởng Bông sen vàng cho Đời cát, Bông sen bạc cho Thung lũng hoang vắng, diễn viên Hồng Ánh đã nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho cả hai phim, nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng dành giải Biên kịch xuất sắc nhất ở hai phim trên. Đây là thời kỳ êkip làm phim ăn ý gồm vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang; quay phim Lý Thái Dũng, Nguyễn Đức Việt, biên kịch, nhà văn Nguyễn Quang Lập liên tiếp cho ra đời những tác phẩm điện ảnh đặc sắc.
Ngay từ khi trình chiếu, bộ phim đã thu hút sự chú ý của dư luận khi đề cập tới cuộc sống và môi trường làm việc của các giáo viên tình nguyện tại vùng cao, khi phải đối mặt với những khó khăn thiếu thốn về trường lớp, phải vận động giúp đỡ các em nhỏ đến trường và đặc biệt hơn phải chống chọi với nỗi cô đơn, buồn tẻ và những khao khát yêu đương của tuổi trẻ. Trong nền điện ảnh Việt Nam những năm trước đây, đề tài giáo viên với hình ảnh thày cô giáo trên bục giảng luôn xuất hiện khuôn mẫu, an toàn và đáng kính, thì tới Thung lũng hoang vắng, lần đầu tiên đã có nhiều thước phim chạm tới vấn đề nhạy cảm, kín đáo, nhu cầu tinh thần, tâm sinh lý của những con người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết tại một vùng núi heo hút, hoang sơ đến tận cùng.
Chọn Tả Giàng Phình, Sapa - một nơi có địa hình trắc trở, giao thông vô cùng khó khăn làm bối cảnh cho Thung lũng hoang vắng, Nhuệ Giang và êkip đã rất vất vả khi di chuyển trong quá trình làm phim. Đổi lại, cảnh vùng núi phía Bắc đẹp nao lòng hiện lên đầy ắp trong những khuôn hình đã trở thành một bối cảnh hoàn hảo nhưng khắc nghiệt, làm nổi bật câu chuyện về ba giáo viên trong ngôi trường nhỏ cùng đám trẻ dân tộc thiểu số. Họ thường xuyên đối mặt với nỗi cô đơn của chính mình với những yêu thương, khao khát phải giấu kín. Giao, Minh, Tành những giáo viên miền xuôi từng ngày bám trụ, cố gắng thuyết phục, giúp đỡ đám trẻ con dân tộc quen việc lao động hơn việc học “cái chữ”, đến trường, đến lớp. Nhưng sau giờ đứng lớp, họ lại trở về là con người bình thường với những ao ước đời thường. Tình yêu đơn phương của hiệu trưởng Tành giành cho Giao nhưng cô giáo trẻ lại say mê anh kỹ sư địa chất, hay nỗi khao khát Tành của cô giáo Minh khiến câu chuyện yêu đương của họ chồng chéo, đầy mâu thuẫn. Câu chuyện phức tạp hơn khi cô bé Mỵ vô tình phát hiện cảnh ân ái bên bờ suối của Giao với anh chàng kỹ sư mà Mỵ đem lòng yêu thích. Mỵ bỏ học, Giao phát hiện mình có thai, Minh bị Tành cự tuyệt, lớp học, ngôi trường đứng trước nguy cơ tan rã. Nhưng trong cái nền rắc rối và ảm đạm ấy, trong phim lại lấp lánh nét đáng yêu của thày Tành hiệu trưởng - người đàn ông duy nhất của ngôi trường vô cùng chất phác, nhiệt thành và nhân hậu. Tành là sợi dây liên kết và níu giữ những đau đớn, thất vọng của Giao, là phần trong sáng, tử tế kêu gọi Minh trở lại. Chính nhờ có Tành an ủi mà Giao vượt qua nỗi xấu hổ để tiếp tục dạy học, cũng vì sự chân thành của Tành mà Minh đã quay trở lại đứng lớp. Câu chuyện đã khép lại nhưng vẫn để lại nhiều ám ảnh khi hình ảnh cuối phim là Giao với cái bụng bầu vượt mặt cùng Minh xách đèn đi trong đêm, trên cái nền trời trập trùng núi cao, phủ kín mây chiều một màu tím sẫm, họ lại tiếp tục bước tiếp trong sự nhọc nhằn đi “gieo cái chữ”.
Khi bộ phim ra đời mặc dù vấp phải một số ý kiến phản đối khi xây dựng hình ảnh người giáo viên với những chi tiết yêu đương nhạy cảm, nhưng đạo diễn Nhuệ Giang vẫn giữ vững quan điểm sáng tác. Chị cho rằng: chính điều đó đã lột tả rất chân thực sự thật khắc nghiệt mà các giáo viên vùng cao phải gánh chịu. Thậm chí trên thực tế, ngôi trường mà họ khảo sát khi đi làm phim chỉ có duy nhất một giáo viên và phải chịu đựng cuộc sống còn khắc nghiệt, buồn tẻ hơn bộ phim tái hiện gấp nhiều lần.
Nhìn lại toàn bộ những bộ phim truyện điện ảnh của Nhuệ Giang, một tinh thần bao trùm lên các tác phẩm là tấm lòng nhân hậu, hướng thiện khi đối tượng hướng tới là những thân phận nhỏ bé, đặc biệt là bóng dáng của phụ nữ và trẻ em gần như chiếm vị trí quan trọng trong phim của chị. Lối thể hiện đầy nữ tính và nhân văn của chị đã tạo một dấu ấn riêng trong muôn vàn chân dung các đạo diễn có phong cách của điện ảnh Việt Nam: người nữ đạo diễn luôn biết suy tư với những phận người nhỏ bé.
Tác giả: Tạ Hoàng Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019