Gần sáng, trời trở lạnh. Có tiếng chuông nhà thờ ngân nga, đồng vọng, luênh loang trong không gian vô cùng yên tĩnh của khu phố. Thiện với tay lấy điện thoại. Những dòng status của Lan làm Thiện nhớ vô cùng người con gái anh yêu đang công tác trong một bệnh viện dã chiến. Từ hôm ấy đến nay, Lan vẫn chưa về nhà.
“Bệnh viện DC số ...ngày ....tháng ...năm...
Mấy bữa nay có vài người không may mắn đã “đi”! Bệnh bùng phát nhiều quá làm sao tránh khỏi! Mình và các bạn cố gắng làm hết sức để cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Biết bao người đang trông chờ, hy vọng nơi bọn mình!
Mấy hôm nay ngủ “bụi”. Chỗ nào cũng có thể ngả lưng đánh một giấc. Ngủ trên ghế. Ngủ dọc hành lang. Ngủ trong thùng giấy! Thay nhau thức! Thay nhau ngủ! Thay nhau đón, chăm sóc bệnh nhân. Điệp khúc buồn này chưa thấy có hồi kết... Nhưng cố lên. Cố lên! Cơn bão nào rồi cũng phải dứt tạnh. Có ngày mai, có hy vọng, con người mới sống nổi, yêu thương nhau... Có khổ đau, bĩ cực mới thấy được giá trị của bình yên, đời thường.
... Hôm qua, bệnh viện gặp một trường hợp đặc biệt. Có một bé 10 tháng tuổi bị cách ly. Cháu đói, khóc đòi bú. Phải tìm sữa cho bé. May thay, có bác sĩ T đang còn cho con bú! Chị T đã vắt sữa của mình cho bé. Bé được đút, uống bằng muỗng. Bởi lạ hơi người nên bé nhất quyết không chịu bú vú thật!. Bây giờ tình hình ổn rồi! Cháu được mấy cô điều dưỡng cho uống thêm sữa bình. Cháu có vẻ vui và không quấy nữa! Bé này mới được cha mẹ gửi cho bà ngoại chăm. Cha mẹ cháu làm công nhân ở xa bị dính “phong tỏa”. Hai bà cháu FO vào trại cùng một lúc! Bà có bệnh nền nên đã được điều trị chỗ khác. Chưa biết thế nào... Tội quá!
*
“Này...Con ở đâu. Đi đâu mà lang thang vậy?”- Thiện gọi cậu bé chừng mười tuổi ngoài đang lơ ngơ, ngó nhìn chăm chú những cửa hiệu đã đóng kín cửa!
“Dạ...Con tìm chỗ bán đồ ăn!”- Cậu bé có vẻ hơi rụt rè khi thấy Thiện mặc sắc phục.
“Bây giờ tối rồi! Đâu có ai mua bán... Con có ăn gì chưa?”
“Dạ thưa chú... Mấy ngày nay, ăn mì tôm hoài con ngán quá... Con .. con trốn mẹ đi kiếm bánh mì thịt ăn! Từ sáng tới giờ con chưa ăn gì hết. Con đi tìm mãi chẳng thấy ai bán đồ ăn...”
“Ôi... Trời ơi. Tội nghiệp con quá!”. Thiện nhìn kỹ thằng bé. Nó trạc tuổi cháu anh. Cậu bé có vẻ xuất thân ở một gia đình không được khá giả! Cu cậu hơi ốm, mặc áo thun có in chi chít chữ với quần short cũ. Đôi chân gầy, đen đi dép tổ ong trắng ố màu. Tóc cậu thưa, vàng cháy. Đôi mắt sáng trong, ngây thơ như một chú dê con đi lạc. Thiện bỗng thấy trong lòng dâng lên niềm cảm xúc. Anh mở cốp xe, lấy phần cơm hộp có cái đùi gà công nghiệp và một túi ni lông nhỏ canh cải đưa cho cậu ta…
“Nè... Con ăn đi. Rồi về nhà ngay nghe. Tối lắm rồi! Gần 10h rồi!”
“Con cảm ơn chú!”. Thằng bé nhận phần cơm, cúi nhẹ đầu tỏ vẻ biết ơn Thiện. Cậu ta ngồi bên vệ đường dưới gốc cây me già ăn ngon lành một hơi. Thiện đem lại chai nước lọc cho cậu bé uống...
“Thưa chú con về…”
“Nhà con ở đâu?”
“Dạ… dạ bên kia cầu chữ Y…”
“Trời ơi... Bên kia cầu chữ Y. Con đi hồi nào mà tới đây?”
“Dạ, hồi sáng. Lúc trời còn tối thui... Con đi hoài... đi hoài theo lộ cái!”
“Thôi lên xe. Chú đưa về nhà cho. Từ đây tới đó hơn 15 cây số. Đi bộ biết chừng nào tới! Mai mốt không được đi như vầy nghe...”
Thiện chở cậu bé “lang thang” về nhà. Đường phố heo hút không bóng người. Ánh đèn vàng nhạt chiếu sáng lên mặt đường, thấy rõ cả những đường len, vạch ngăn cách thẳng tắp. Những bóng cây tối âm âm. Những ngôi nhà cao tầng có những ô cửa sáng lung linh... Tiếng xe máy rì rì, êm tai. Cậu bé ngồi sau ôm chặt Thiện, im thin thít. Hồi đó giờ nó đâu có đi chiếc xe máy nào “to đùng” như chiếc xe này đâu! Thật đã… Hi! Mai mốt, nó sẽ kể lại cho bạn bè nghe, chuyện mình đã từng đi xe mô tô của Cảnh sát! Bọn con nít trong xóm sẽ tròn xoe mắt, vô cùng ngưỡng mộ cu Bi. Thật hấp dẫn, ly kỳ như trong truyện tranh…
Xe chạy vào một hẻm lớn, rồi rẽ vô một ngõ nhỏ chừng non trăm mét. Chiếc mô tô dùng lại trước một căn nhà tuềnh toàng. Thiện khẽ pha đèn, rồi tắt máy. Có một phụ nữ đứng bên bậu cửa. Chị ta giật mình khi thấy cu Bi bước xuống từ xe cảnh sát:
“Trời ơi! Con đi đâu, làm gì suốt ngày nay. Mẹ kiếm con cùng khắp hả cu Bi?” - người phụ nữ reo lên nửa mừng, nửa lo.
“Con... Con có làm gì dại dột không... mà bị mấy chú công an bắt đưa về đây!?…”
“Không có gì đâu chị ạ... Nó đi lang thang. Tôi gặp nên chở nó về thôi!”
“Ôi… Cảm ơn chú quá... Làm phiền chú quá!
“À. Xin lỗi... Chị làm nghề gì vậy?”
“Dạ… Tôi ở dưới quê, lên đây thuê nhà trọ, bán vé số!”
“Ba của thằng bé đâu không thấy? - Thiện ái ngại nhìn thoáng vô căn nhà.
“Dạ . Ba nó làm công nhân thời vụ ở B.D. Ảnh bị nhiễm COVID-19. Nhà nước cho cách ly điều trị nay hơn mười bữa nay rồi!”
“Cũng rối thật!”
“Tôi không đi bán vé số được. Không có tiền thăm nuôi, gởi đồ cho ảnh!”
“Không sao đâu... Đã có chính quyền và các nhà hảo tâm lo. Đã có rất nhiều người hết bệnh về nhà. Không tốn chi phí gì cả…” - Thiện trấn an.
“Dạ... Mang ơn Nhà nước quá!”
“Chị đừng cho thằng nhỏ đi lang thang nữa nhé...Không tốt đâu”- Thiện dặn dò
“Dạ... cám ơn chú... Thiện nhiều!”- người phụ nữ nhìn vào bảng tên Thiện.
“Thôi. Chị vô nghỉ đi…”
“Dạ”
Thiện nổ máy xe, nhích nhẹ ga. Chiếc xe vừa chồm lên một chút. Thiện hơi chần chừ. Rồi anh hãm thắng lại.
“À. Này chị ơi!... Cầm lấy cái này”- Thiện móc trong túi áo một phong bì gọi chị bán vé số lại.
“Tặng chị chút ít tiền... Cứ nhận đi, đừng ngại!”
“Chú tốt quá... Cầu trời Phật phù hộ chú”- Chị bán vé số cầm phong bì rưng rưng cảm động!
Thuận tặng cho mẹ cu Bi số tiền bồi dưỡng cuối tuần của anh. Cũng chẳng là bao! Vài trăm ngàn. Nhưng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn hẳn là cũng giúp ích cho họ được phần nào.
Thiện bỗng nhìn quanh quất. Con hẻm này có vẻ quen quá! Hình như anh đã có vài lần qua đây.
“Đây có phải là hẻm “Thiên Kiều” không chị?
“Đúng rồi... Cậu có quen ai ở đây không?”
“Chị có biết cô Lan bác sĩ, cô Hân đài truyền hình không? Nhà ở cuối đường”
“Ui...Hai cô đó, xóm này ai chẳng biết. Nhất là cô Lan bác sĩ. Khám bệnh cho dân nghèo tử tế lắm. Có nhiều khi không lấy tiền công... Ai cũng thương quý!”
Thiện trở về nhà sau ca trực gần nửa đêm ở chốt kiểm dịch. Anh mở toang cửa sổ tầng trên nhìn ra đường. Phố dài hoang vắng, thinh lặng đến mênh mông. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe cấp cứu chớp đèn veo véo, xe tuần tra mui trần lù lù, lầm lũi chạy qua rồi mất hút sau những hàng me xao xác gió. Cái từ “COVID-19” được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, mọi nơi, mọi lúc! Chính quyền đã kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID - 19. Thiện nhìn trong gương. Tóc anh dài ra. Râu thì có thể cạo được. Nhưng tóc dài không thể cắt. Chịu! Anh chợt nhớ đến Lan. Cô nàng có mái tóc huyền óng ả, lưng lửng ngang vai: “Qua dịch, chắc tóc Lan dài tới lưng... Ái chà! Đẹp thêm chứ đâu như cánh mày râu bọn mình... hic!”- Thiện cười vu vơ. Bất chợt, một ý nghỉ hay hay xuất hiện trong đầu anh: “Sẽ mua tặng Lan một chai dầu gội “xịn”, hàng hiệu... hi!”
*
Dịch COVID-19 dần lụi tàn do những cố gắng, giải pháp quyết liệt của chính quyền cùng với sự ủng hộ, chấp hành của dân chúng. Thành phố đã tiêm vắc-xin bao phủ trên 70% dân số, đang dần tạo ra miễn dịch cộng đồng! Những sinh hoạt xã hội từng bước trở lại bình thường.
Thật bất ngờ! Thiện và các bạn của Lan không thể hình dung ra Lan bị nhiễm COVID-19 trong lúc gần gũi, chăm sóc bệnh nhân. Theo các chuyên gia dịch tễ cho biết, dẫu đã tiêm vắc-xin thì những người tiếp xúc thường xuyên với các F0 vẫn có thể bị nhiễm virus Corona. Vắc-xin không thể bảo vệ con người 100%. Nhưng những ca như kể trên thường nhẹ và khó gây nguy hiểm cho người nhiễm, bởi vì trong người họ đã có kháng thể làm hạn chế đi lượng virus. Họ sẽ hồi phục sớm. Hầu như tất cả đều ổn sau một thời gian điều trị. Thiện cũng cảm thấy bớt lo sau khi đã tìm hiểu cặn kẽ về trường hợp của Lan.
“Em đã khỏe nhiều chưa? Anh lo quá!”
“Không sao đâu anh. Em đã tiêm Vắc-xin rồi. Chỉ là trường hợp hi hữu thôi”- Lan mỉm cười tươi qua màn hình. Lan đang bị cách ly theo đúng quy trình và cô đang điều trị theo phác đồ tích cực nhất. Đã có dấu hiệu thuyên giảm. Mọi người cũng bớt lo lắng, thương cảm về Lan. Một bác sĩ trẻ, xinh đẹp, giỏi giang, yêu nghề! Lan đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2. Vài hôm nữa, nếu như xét nghiệm lần 3 âm tính, cô sẽ được cho về cách ly tại nhà thêm một thời gian, đúng theo quy định phòng dịch.
“Có lẽ em là một trong những bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau cùng của Thành phố cũng nên…hi”
“Anh cũng mong là như vậy! Rồi đây, chúng ta, anh và em và mọi người phải “sống chung với lũ”. Cô - vy sẽ không mất đi hoàn toàn. Đó là một thực tế phải chấp nhận! Chúng trở thành bệnh “cúm mùa”. Việc điều trị sẽ dễ dàng như những bệnh thông thường khác”.
“Đại dịch đã cho con người những bài học vô cùng đắt giá!”
“Nhưng cũng phần nào đã đánh thức sự thiện lương, làm cho con người đoàn kết, cảm thông, và biết yêu thương nhau hơn!”
“Em… em nghỉ khỏe nhé... Bình thường lại, mình sẽ đi du lịch”- Thiện động viên, an ủi Lan. Lan có vẻ hài lòng, cảm động vì bên Lan luôn có những người thân thực sự quan tâm đến với cô trong những lúc khó khăn, hoạn nạn!
*
Lan về nhà. Đã qua thời hạn cách ly, Thiện nôn nao đến thăm Lan. Mấy hôm trước, chiều nào anh cũng đến nhà Lan nhưng chỉ đứng ngoài cổng nhìn lên tầng áp mái. Lan phục hồi nhanh, xinh đẹp, hồng hào. Đặc biệt, mái tóc dài đen mượt mà, óng ả của cô, giờ đã dài tới lưng như dòng suối. Đúng như điều Thiện đã tưởng tượng trước kia! Hai người đứng nhìn nhau lòng tràn đầy những cảm xúc yêu thương, hạnh phúc.
“Chúc mừng em đã bình phục”
Ngày Lan hết hạn cách ly. Thiện ôm bó hoa hồng đỏ thắm đến nhà tặng Lan. Cô gái trẻ cảm động tựa vào vai chàng trai không nói nên lời. Thuận vuốt nhẹ mái tóc người yêu: “Anh có mua cho em một chai gội tóc... hàng xịn đó nghe!”- Thuận cười. “Anh chu đáo quá... Bữa nay ở lại ăn cơm với em và Hân nghe? ”- “ Ok... còn gì bằng”. Hân nãy giờ chứng kiến cảnh thân mật của chị mình với người yêu. Cô nhủ thầm: “Đã đến lúc rút lui để cho hai người tâm sự”. Hân đi về phía nhà bếp.
Bỗng có tiếng gọi trước cổng, giọng phụ nữ:
“Cô Lan ơi!... Bác sĩ Lan ơi!”
“A... Chị Tám... Để em ra mở cổng cho”
Người phụ nữ tên “chị Tám” bước vào nhà. Chợt chị sững người nhìn Thiện”
“A… Chú Thiện phải không? Ôi... sao mà gặp lại chú ở đây?”
“Anh Thiện... Bạn thân của em đó chị Tám!”
Chị Tám giọng run run cảm động nhìn Thiện:
“Trời ơi! Làm sao tôi quên được chú. Chú đã cho cu Bi ăn, chở nó về nhà lúc đêm hôm khuya khoắt. Nó đi lạc... may mà gặp chú...! Chú còn giúp đỡ tôi nữa!”
“Không có gì chị Tám ơi! Những người khác cũng sẽ làm như tôi thôi!” - Thiện cười vui vẻ - “Cu Bi thế nào rồi chị?
“Cu Bi đã về dưới quê ở với nội. Tựu trường nó phải đi học lại. Tôi với cha nó trên này đi làm, gửi tiền về…”
Chị Tám thân mật nắm tay Lan:
“Có chút quà quê gởi cô ăn lấy thảo…”
“Thôi... Chị ơi. Chị đến thăm em là quý rồi. Quà cáp gì cho em khó xử!”
“Cô nhận đi... Chút tình người quê…”. Chị Tám nói rồi bỏ cái giỏ có mươi quả trứng gà ta, vài nải chuối cau chín ở góc bàn nước.
“Thôi tôi về... Đi bán... Chúc cô Lan với chú Thiện vui vẻ!”- Chị Tám vội vã đi ra cổng. Lan và Thiện nhìn theo bóng chị, trong lòng dâng lên nhiều thương cảm. “Em thường hay khám chữa bệnh, cho thuốc chị ấy!”- Lan nắm tay Thiện khẽ nói... Ngoài sân, nắng vàng, gió xôn xao trên những hàng me xanh biếc. Trên không, mây trắng bàng bạc, thênh thang, lênh đênh chầm chậm trôi đến tận cuối chân trời... Đâu đây, hình như bên nhà hàng xóm, có tiếng nhạc vang lên thiết tha, truyền cảm: “Cuối trời mây trắng bay. Lá vàng thưa thớt quá...Chỉ còn anh và em. Cùng tình yêu ở lại... Chỉ còn anh và em...”
ĐẶNG HOÀNG THÁM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021