Chuyến xe miền ký ức

 

“Xe đò” ngày xưa là danh từ chung chỉ những chiếc xe chở hành khách đi từ nơi này đến một nơi khác. Xe đò có nhiều loại lớn, nhỏ khác nhau, tùy theo sức chứa của xe mà người ta phân loại.

Vào những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, ở quê tôi nói riêng và các nơi khác nói chung đều rất khan hiếm xe đò. Cả xã chỉ có hai chiếc xe đò luân phiên nhau xếp tài chở khách. Xe tài nhất bắt đầu chạy lúc 4 giờ 30 sáng, xe tài nhì bắt đầu chạy lúc 5 giờ 30 sáng. Xe chạy từ dưới quê lên tỉnh mất khoảng bốn đến năm tiếng đồng hồ, chạy cả đi lẫn về mất khoảng chín đến mười tiếng đồng hồ.

Ở vào thời điểm đó, đi xe đò rất gian nan nhưng cũng chứa nhiều kỷ niệm. Hồi bấy giờ, làm gì có xe của nhà xe đi đón khách như bây giờ, khách muốn đi thì phải tranh thủ dậy sớm, cuốc bộ ra chỗ đậu xe, thường là trong khu vực chợ. Khách các ấp đi bộ khoảng ba, bốn cây số mới đến nơi. Ai đến sớm thì giành được chỗ ngồi mà mình thích, ai đến trễ thì ngồi ở ghế phía sau, trễ nữa thì trải bao ngồi bẹp xuống sàn xe hàng giữa (nơi dùng để đi). Còn ai thích cảm giác mạnh thì lên mui xe, ngồi chung với hàng hóa được buộc ngang, dọc đầy kín mui xe. Cả nhà xe (chủ xe, tài xế, lơ xe) đều thức trước giờ xe chạy ít nhất là hơn nửa tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho hành trình. Họ bơm nước vào thùng dự trữ (dành làm mát máy xe), rồi mồi hơi (đốt nóng máy xe cho dễ nổ máy). Xong xuôi, tài xế bắt đầu đề máy. Nếu máy nổ thì vọt luôn còn máy không chịu nổ thì họ năn nỉ khách xuống cùng đẩy xe. Cũng có nhiều khi bị “xe vật”, cả chủ lẫn khách đẩy cả tiếng đồng hồ, đổ mồ hôi hột xe mới chịu nổ máy!

Xe đò ngày xưa bao giờ cũng chở một lượng khách khủng. Nhà xe cho khách ngồi kín cả mọi nơi trên xe và đứng chật ních trên tấm ván được nhà xe đóng thêm ở cửa lên xuống phía sau xe. Đường xá vào thời điểm đó thì đâu có được bằng phẳng và láng nhựa như bây giờ: có rất nhiều ổ gà, ổ voi, xe chạy ngả nghiêng như đưa võng. Tội cho các anh, các chú ngồi trên mui xe thân hình cứ lắc lư như múa, có nhiều khi mặt mũi trầy, xước, rớm máu vì bị nhánh cây bên đường quẹt trúng. Cũng có nhiều khi xe bị “mắc lầy”, đẩy không lên vì bánh xe  thụt vào những “ổ voi” sâu và to, nằm ì cả tiếng đồng hồ, phải chờ xe kéo đến kéo lên.

Lịch trình xe chạy mỗi ngày ít khi thay đổi, cứ theo khung giờ mà chạy. Xe nổ máy và bắt đầu chuyển bánh lúc 4 giờ 30 sáng. Xe chạy từ từ, đến đâu có khách thì dừng cho khách lên xe, rồi chạy tiếp. Chốc chốc, tài xế cho xe nghỉ để lơ xe xối nước vào máy, bôi mỡ bò vào các cốt xe, ốc bánh… cho nó bớt kêu trước khi chạy tiếp. Xe chạy đến trung tâm huyện thì dừng lại nghỉ ngơi khoảng một tiếng đồng hồ cho khách xuống xe đi vệ sinh hoặc ăn uống và cũng là để nhà xe có thể vớt thêm khách bộ hành.

Xe đò ngày xưa rất “hoàn cảnh”: bánh bị thủng thì cặp thêm bánh khác vào; thùng xe cứ bị sét rỉ, mục bể thì đem vào thợ hàn lại; máy thường xuyên không nổ thì kéo nhau xuống đẩy cho máy nổ. Nghỉ ngơi ở trung tâm huyện xong, xe lại tiếp tục cuộc hành trình. Xe chạy đến trạm xét hỏi thì tài xế cho xe dừng lại để cán bộ trạm lên xe kiểm soát coi có ai đem “đồ lậu” (ở thời điểm đó như: rượu, gạo, gà, vịt…) đi nơi khác bán hay không, nếu có thì cán bộ trạm sẽ bắt và xử lý, còn không có thì xe được phép tiếp tục chạy. Nhưng được phép chạy thì nhà xe và dân bạn hàng cũng kèn cựa, vì làm sao mà tránh khỏi chuyện các chị, các cô bạn hàng đem đồ “hàng lậu” lên tỉnh bán.

Đến tỉnh, nhà xe thường bỏ bớt khách ở đầu đường, ít khi dám chở hết khách vào bến vì xe lúc nào cũng chở quá tải, nhà xe sợ bị phạt. Lâu rồi cũng thành nếp, khách cũng ít khi phàn nàn, ai cũng hiểu và thông cảm cho sự khó khăn của nhà xe. Hành khách kéo nhau lội bộ vào chợ tỉnh hoặc kêu xe đạp ôm, xe lôi chở đến nơi cần đến. Các chị, các cô bạn hàng thì túa ra các tiệm buôn, mua hàng hóa về bán. Cánh nhà xe thì tìm chỗ mát nào đó dưới bóng cây, dưới thùng xe giăng võng ngủ. Đến xế trưa chút, cánh nhà xe thức dậy thăm khám xe, chuẩn bị cho chuyến hành trình trở về (quy trình chuẩn bị y chang lúc đi). Lúc này, các chị, các cô bạn hàng cũng mua đồ xong, cho xe chở hàng vào bến, chất lên xe để chở về. Chuyến xe về cũng giống như chuyến xe đi, cũng lắc lư như đưa võng, cũng có lúc rồ máy to, đạp số mạnh để vượt qua đoạn đường đầy cát bủng hoặc vượt qua ổ gà, ổ voi trong mùa mưa. Thật là gian nan, khó nhọc!

Ngày nay, xã hội phát triển, kinh tế được nâng cao, cơ sở hạ tầng được nhà nước quan tâm. Xe chở khách ngày nay là các loại xe giường nằm cao cấp. Xe chạy tốc hành, đi từ quê lên tỉnh chỉ mất khoảng tiếng đồng hồ và không còn cảnh chạy lắc lư như đưa võng nữa. Bạn hàng ngày nay cũng không cần phải lên tận trung tâm tỉnh mua hàng mà chỉ cần ngồi nhà “Alo” là mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng, gọn nhẹ. Nhưng dù sao đi nữa, bản thân tôi vẫn không quên được những chuyến xe đò xưa, những chuyến xe đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một giai đoạn đất nước còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại, ký ức ấy như một cuốn phim chầm chậm, hiện về theo những kỷ niệm đầy xúc động, rưng rưng…

 

NGÔ TRỌNG NGHĨA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;