1. Khái niệm về chính sách và chính sách về Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó” (1). Tác giả Vũ Cao Đàm định nghĩa: “Chính sách là một tập hợp biện pháp được thể chế hóa, mà một chủ thể quyền lực, hoặc chủ thể quản lý đưa ra, trong đó tạo ra sự ưu đãi một hoặc một số nhóm xã hội, kích thích vào động cơ hoạt động của họ, định hướng hoạt động của họ nhằm thực hiện một mục tiêu nào đó trong chiến lược phát triển của một hệ thống xã hội” (2). Các tác giả Nguyễn Hữu Hải - Lê Văn Hòa đưa ra khái niệm: “Chính sách công là một tập hợp các quyết định có liên quan với nhau do Nhà nước ban hành, bao gồm các mục tiêu và giải pháp để giải quyết một vấn đề công nhằm thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng nhất định” (3).
Chính sách về Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số là chính sách công nhằm động viên tinh thần, quy định thời gian nghỉ Tết, chúc Tết, tổ chức các hoạt động vui chơi trong ngày Tết… được thể chế hóa dưới dạng các văn bản mang tính quy phạm pháp luật, tác động vào động cơ hoạt động của cá nhân và cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đây là loại hình chính sách mềm, không nặng tính chất can thiệp thô bạo, răn đe, ép buộc, trừng phạt mà mang tính bảo trợ, hỗ trợ, thúc đẩy. Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số mang tính chất nhạy cảm, gắn liền với truyền thống, bản sắc văn hóa tộc người. Do đó, quá trình hoạch định, thực thi chính sách luôn mang tính vận động, hướng dẫn chứ không mang tính ép buộc, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp trong cộng đồng, đề cao giá trị bản sắc của Tết truyền thống.
Chính sách về ngày Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số thể hiện thái độ ứng xử của chính quyền trước vấn đề tổ chức Tết, đón Tết, thời điểm ăn Tết… có vai trò định hướng cho các thực thể xã hội trong cộng đồng tộc người. Đi kèm với chế độ nghỉ Tết, chính sách về ngày Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số còn có các giải pháp cứu trợ, hỗ trợ về mặt vật chất (kinh phí, lương thực, thực phẩm…), một giải pháp hiệu quả đối với miền núi, góp phần thực thi chính sách thành công.
Chính sách về ngày Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam gồm: mục tiêu là chế độ nghỉ Tết, thời gian nghỉ tết, các biện pháp hỗ trợ về vật chất và tinh thần với đồng bào các dân tộc thiểu số và các giải pháp thực hiện mục tiêu, gồm các hoạt động vận động tuyên truyền của các cơ quan đoàn thể, các hoạt động cung ứng nhu yếu phẩm, trợ cấp khó khăn, các hoạt động về bố trí thời gian nghỉ cho những người lao động…
2. Thực trạng tổ chức Tết mừng năm mới của các dân tộc thiểu số
Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay có bốn hình thức đón Tết theo thời gian cụ thể, theo lịch cổ truyền của các dân tộc (4).
Thứ nhất, các dân tộc đón Tết năm mới là Tết Nguyên đán. Đó là các dân tộc Mường, Thổ, Chứt, Mảng, Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú (vùng Tây Bắc), dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An; các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Sán Chay (Cao Lan - Sán Chỉ), Giáy, Lào, Lự, Bố Y, La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo, Dao, Pà Thẻn, Mông (vùng Đông Bắc), các dân tộc Hoa, Ngái, Sán Dìu, Phù Lá, Hà Nhì ở Lào Cai…
Thứ hai, các dân tộc đón Tết năm mới theo lịch riêng. Đó là các dân tộc Mông ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với Tết Nào Pồ Trầu, người Hà Nhì Hoa ở Lai Châu, Điện Biên với Tết Hồ Sự Chà, người Cống ở Điện Biên với Tết Ủy la lóng, người La Hủ ở Lai Châu với Tết Khộ xớ, người Si La ở Lai Châu, Điện Biên với Tết Ồ Xị Già; người Chăm đón Tết Rija nưgar; người Khơ me Nam Bộ đón Tết Bon Chôl Chnam Thmây…
Thứ ba, các dân tộc ở Trường Sơn Tây Nguyên như Gia rai, Ê đê, Ba na, Xơ đăng, Cơ ho, Hrê, Mnông, Raglai, Xtiêng, Cơ tu, Gié Triên, Mạ, Co, Chơ ro, Chu ru, Brâu, Rơ măm không quan niệm ngày Tết mà đón Tết một thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 3.
Thứ tư, người Tà Ôi, người Bru Vân Kiều trước kia ăn Tết vào mùa khô, nhưng gần đây đã chuyển sang ăn hai Tết, cả Tết Nguyên đán theo lịch chung của người Kinh, cả Tết cổ truyền.
Như vậy, số dân tộc ăn Tết theo Nguyên đán chỉ khoảng hơn một nửa (28/54), còn lại vẫn ăn Tết theo lịch riêng. Các dân tộc ở Tây Nguyên và Bắc Trường Sơn không có ngày ăn Tết cụ thể mà cả một mùa Tết, mùa lễ hội, mùa vui chơi (ninh nơng). Hiện nay, chính quyền địa phương ở một số tỉnh như Trà Vinh, Hậu Giang, Ninh Thuận, An Giang… đã công nhận ngày Tết của người Chăm, người Khơme; đồng thời cho công chức, viên chức, học sinh nghỉ Tết theo lịch cổ truyền. Nhưng ở các tỉnh vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, chính quyền chưa công nhận những ngày Tết cổ truyền của các dân tộc Mông, Hà nhì, Cống, La hủ, Si la.
Việc tổ chức Tết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, có dân tộc ở nhiều địa phương công nhận ngày Tết đón năm mới truyền thống, có chính sách cho học sinh, sinh viên, cán bộ người dân tộc thiểu số nghỉ việc đón Tết, nhưng cũng có tộc người (nhất là người Mông, các tộc người nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến ở vùng Tây Bắc) còn bị vận động bỏ Tết cổ truyền, đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là Nhà nước chưa có chính sách về việc nghỉ Tết đối với người dân tộc thiểu số; chính quyền địa phương ở một số tỉnh vùng Tây Bắc thì quan niệm nghỉ Tết cổ truyền là lạc hậu, lãng phí thời gian lao động sản xuất, cần gộp với Tết Nguyên đán để tiết kiệm… Quan niệm này bắt nguồn từ cái nhìn tiến hóa luận coi một số yếu tố văn hóa của các dân tộc thiểu số là lạc hậu, coi dân tộc thiểu số là chậm tiến, cần phải được hướng dẫn để miền núi tiến kịp miền xuôi.
3. Kinh nghiệm xây dựng chính sách tổ chức Tết tại một số quốc gia
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hệ thống pháp luật quy định danh sách ngày lễ Tết truyền thống và biện pháp bảo tồn; xếp một số ngày lễ Tết nổi bật của một số dân tộc thiểu số vào danh mục các di sản phi vật thể cấp quốc gia như: ngày Tết té nước của dân tộc Thái, Tết Bàn Vương của dân tộc Dao, Tết cổ truyền các dân tộc Khương, Miêu, Thổ Gia, Di, Đồng, Tạng…(Lý Ngân Binh, 2015). Đồng thời, ban hành hệ thống văn bản pháp quy nhằm quy chuẩn hóa các hoạt động nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, quảng bá và truyền thừa ngày lễ Tết truyền thống các dân tộc thiểu số (Tiêu Đông Phát, 2014, Từ Vạn Bang, 1999)… Đặc biệt, Quốc hội Trung Quốc đã ban hành quy định về thời gian nghỉ trong các dịp Tết cả nước, nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương khu vực dân tộc thiểu số tập trung đông sẽ căn cứ vào tập quán của từng dân tộc ở địa phương để quy định thời gian nghỉ trong các dịp lễ Tết truyền thống của họ” (Lý Thành Thiên, 2011). Vì thế, các chính quyền các tỉnh thành trong cả nước đều căn cứ vào quy định này và tình hình thực tế của địa phương để ban hành thời gian nghỉ riêng trong các dịp lễ Tết truyền thống của từng dân tộc thiểu số trong địa phương mình (Phạm Ngọc Mai, 2013).
Chính quyền một số châu, huyện tự trị quy định thời gian nghỉ lễ Tết truyền thống dân tộc thiểu số trong Điều lệ tự trị. Như, Điều lệ tự trị châu tự trị dân tộc Di Sở Hùng tỉnh Vân Nam quy định hằng năm vào ngày 24-6 âm lịch người dân toàn châu được nghỉ 3 ngày trong dịp Tết lửa của dân tộc Di; Điều lệ tự trị của châu tự trị dân tộc Cảnh Ba, dân tộc Thái Đức Hồng tỉnh Vân Nam quy định nhân dân các dân tộc trong toàn châu được nghỉ 2 ngày vào dịp Tết té nước của dân tộc Thái, Đức Ngang và tết Mục Não Tòng Ca của dân tộc A Sương (Lệ Văn Thanh, Lý Kế Phúc 2015, Vương Tử Hoa 2011). Điều lệ tự trị của châu tự trị dân tộc Tạng Địch Khánh tỉnh Vân Nam quy định nhân dân các dân tộc được nghỉ 3 ngày trong dịp Tết truyền thống của dân tộc Tạng (Hoàng Trạch, 1995)... Hiện nay, toàn Trung Quốc có khoảng 38 ngày lễ Tết truyền thống dân tộc được chính quyền địa phương đưa vào quy định thời gian nghỉ lễ Tết trong năm cho địa phương mình (Phó Huyên Tông, 2017).
Từ xa xưa, người Nhật Bản đã sử dụng lịch âm của Trung Quốc. Từ năm 1844, đến năm 1872, Nhật Bản tổ chức đón Tết theo lịch Thiên Bảo nhưng ngày 3-12-1872 (năm Minh Trị thứ 5), Chính phủ Nhật Bản quyết định sửa thành ngày 1-1-1873 giống như dương lịch của châu Âu. Như vậy, từ năm 1873, Nhật Bản chính thức đón năm mới theo dương lịch. Tuy thời gian đón Tết theo dương lịch nhưng văn hóa tết của người Nhật Bản với bản sắc và đặc trưng riêng luôn được bảo tồn và duy trì thực hành trong toàn quốc. Tết cổ truyền người Nhật được nghỉ 4 ngày, từ ngày 30-12 đến hết ngày 3-1. Ngoài ra, người Nhật còn được nghỉ 15 ngày Tết (trong đó có nhiều ngày Tết cổ truyền như ngày lễ thành niên, ngày xuân phân, ngày lễ dân tộc, ngày kính lão, ngày thu phân, ngày cảm tạ người lao động...). Nhiều ngày nghỉ đều được chọn vào ngày thứ hai nhằm tăng thời gian nghỉ cho người dân. Chính phủ Nhật cũng đưa nội dung văn hóa Tết vào trong chương trình giáo dục phổ thông và đại học; có chính sách khuyến khích việc tôn trọng người dân ở một số vùng như đảo Kago, Okinawoa, Amani, và người Ai Nu... tổ chức đón Tết theo âm lịch. Như vậy, người Nhật tuy đón Tết theo dương lịch nhưng vẫn bảo tồn các nghi thức, nghi lễ trong văn hóa Tết cổ truyền. Đặc biệt, chính phủ Nhật tôn trọng các địa phương tổ chức các hình thức lễ Tết truyền thống theo lịch cổ truyền.
Người Australia có đến 49% số dân được sinh ra ở nước ngoài hoặc có ít nhất một phụ huynh - công dân có nguồn gốc ở nước ngoài. Australia cũng có hơn 7,5 triệu người đã di cư đến. Vì vậy, Chính phủ Australia đề cao chính sách đa văn hóa và có 85% người Úc đồng ý chủ nghĩa đa văn hóa. Ngoài tiếng Anh, các ngôn ngữ khác như Ả rập, Quan thoại, Việt, Italia, Hy Lạp, Tagalog, Philippines, Hin đu, Punjabi... đều được phổ biến ở Úc; đồng thời hơn 70 ngôn ngữ bản địa được bảo tồn và sử dụng trong các cộng đồng thổ dân ở Úc. Chính sách đa văn hóa đã được Chính phủ liên bang thực thi từ năm 1973 gồm 4 nguyên tắc cốt lõi là quyền bình đẳng, quyền tiếp cận dịch vụ, quyền duy trì di sản văn hóa, xây dựng các chương trình tư vấn giúp đỡ cộng đồng. Chính phủ đã ban hành chính sách về các ngày nghỉ cho người dân. Đặc biệt, các bang có một số ngày lễ của bang như bang Canberra có thêm ngày Canberra, ngày hòa giải, bang Northren Teritory có thêm ngày Picnic.. Các bang có nhiều ngày lễ như South Australia, New South Wales cũng lên đến 13 ngày lễ trong năm. Các bang có đông cộng đồng các dân tộc như Việt, Hoa, Philippines... thì chính phủ đều cho các cộng đồng này được nghỉ Tết. Năm 2018, Chính phủ Úc đã cho người Việt nghỉ Tết của Việt Nam vào ngày 15-2-2018 (tức ngày 30 Tết). Chính phủ xây dựng chế độ nghỉ ngày lễ có trả lương cho người lao động hoặc chính sách tăng lương cho người lao động làm việc trong ngày lễ. Như vậy, Chính phủ Australia xây dựng một số chính sách tôn trọng văn hóa Tết các dân tộc; xây dựng chế độ nghỉ Tết cho nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, có nhiều công trình nghiên cứu về Tết của các dân tộc thiểu số được xuất bản, công bố, góp phần xây dựng chính sách đa văn hóa. Chính phủ liên bang đã phân cấp cho Chính phủ các bang, địa phương có quyền cho người lao động ở các cộng đồng dân tộc thiểu số được nghỉ Tết.
4. Xây dựng chính sách tổ chức Tết năm mới cho các dân tộc thiểu số
Trong văn hóa tộc người, không có nền văn hóa cao và nền văn hóa thấp, không có tộc người văn minh và tộc người lạc hậu. Khi nghiên cứu Tết, cần đặt trong môi trường sản sinh thực hành văn hóa. Tết đón năm mới hàm chứa giá trị truyền thống của từng tộc người. Đồng thời, ngày Tết còn mang dấu ấn, bản sắc văn hóa phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của các tộc người. Ngày Tết không chỉ được xem xét đánh giá dưới góc độ kinh tế đơn thuần, mà cần được đánh giá dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc.
Hiện nay, đời sống của người dân các dân tộc thiểu số được nâng cao, việc cố kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhu cầu quan trọng. Người dân ở cơ sở đề có nguyện vọng được ăn Tết truyền thống của dân tộc mình. Ngày Tết luôn gắn liền với đời sống tâm linh, đời sống văn hóa khó có thể bỏ qua. Vì vậy, cần tôn trọng việc tổ chức đón Tết truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Mặt khác, chính sách là “tập hợp biện pháp được thể chế hóa (về mặt pháp lý) để phân biệt đối xử giữa các nhóm xã hội, điều chỉnh động cơ hoạt động của các nhóm hướng theo mục tiêu phát triển xã hội” (5). Các chính sách đều được công bố dưới dạng một văn bản pháp lý. Các văn bản pháp lý cũng đảm bảo cho chính sách tuân theo khuôn khổ pháp luật, không vi phạm pháp luật. Vì vậy, chính sách tổ chức Tết mừng năm mới của đồng bào các dân tộc thiểu số được xây dựng đều căn cứ vào Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Luật Di sản văn hóa.
Chính sách tổ chức Tết truyền thống mừng năm mới của đồng bào dân tộc thiểu số cần đảm bảo các nội dung cụ thể như sau:
Về quyền nghỉ Tết truyền thống của các dân tộc thiểu số: với các tộc người ăn Tết truyền thống, cần tôn trọng di sản văn hóa Tết của đồng bào, xác định rõ đồng bào có quyền được tổ chức Tết truyền thống với thời gian, hình thức cụ thể với các dân tộc đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán, cần tôn trọng nguyện vọng của đồng bào, không xáo trộn về thời gian nghỉ Tết. Như vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số ăn Tết cổ truyền theo lịch riêng của tộc người mình đều có quyền được ăn hai Tết (Tết truyền thống và Tết Nguyên đán).
Về thời gian nghỉ Tết: Các công chức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên… tùy theo điều kiện cụ thể ở từng địa phương sẽ được nghỉ từ 2-3 ngày. Thời gian nghỉ Tết Nhà nước trung ương phân cấp cho chính quyền của tỉnh hoặc huyện có đồng bào dân tộc thiểu số quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn.
Về các chính sách khác liên quan đến việc tổ chức Tết như chế độ thăm hỏi, nghi lễ chúc Tết của lãnh đạo, vấn đề hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các vùng khó khăn, về bố trí ngân sách địa phương chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống cộng đồng…cần xây dựng cụ thể theo quy định của chính quyền các cấp.
Như vậy, chính sách về Tết mang tính chất tổng hợp gồm nhiều bộ phận khác nhau, nhưng đều thống nhất ở sự tôn trọng quyền tổ chức Tết truyền thống của đồng bào dân tộc ít người. Chính sách về tổ chức Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành là sự thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng cũng như các điều trong Hiến pháp và Luật của Nhà nước Việt Nam.
__________
1. Viện Khoa học xã hội, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.475.
2, 5. Vũ Cao Đàm, Giáo trình Khoa học chính sách, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr.29, 28.
3. Nguyễn Hữu Hải - Lê Văn Hòa đồng chủ biên, Đại cương về phân tích chính sách công, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.15.
4. Các Chi hội Văn nghệ dân gian ở các địa phương đã sưu tầm được 17 lịch cổ truyền (hoặc lịch nông nghiệp).
Tác giả: Trần Hữu Sơn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019