Nguyễn Thu Hương, Hương 6, lụa, 2023
Bốn họa sĩ là những người bạn thân thiết từ khi còn theo học Trường ĐHMT Việt Nam, mỗi người một hoàn cảnh riêng, thuận lợi hoặc khó khăn khi theo đuổi sáng tạo hội họa. Họ từng trưng bày chung với nhau tại Art Space, Trường ĐHMT Việt Nam trong triển lãm nhóm có tên “Lacameo” năm 2022. Năm nay và dự định tương lai của họ là định kỳ giới thiệu các sáng tác của mình, vừa là nỗ lực riêng, đồng thời như một cách duy trì và cùng động viên nhau trên con đường nghệ thuật đầy thử thách gian truân. Và ngày 11 tháng 11 năm 2023 họ lại cùng nhau trưng bày những sáng tác mới nhất mang tên Lacameo 4 x 4* tại Mai Gallery, 113 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Họ là những nghệ sĩ:
Phan Minh Bạch sáng tác hội họa chuyên nghiệp từ 2018, trước đó cô là họa sĩ thiết kế báo chí, tự nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật cổ, kỹ thuật vẽ và sử dụng chất màu trên giấy dó, giấy tuyên, trên vải lụa và làm sách mỹ thuật. Cùng năm 2023 Phan Minh Bạch có triển lãm cá nhân mang tên “Mây ngỏ” tại Hà Nội - triển lãm trưng bày những tìm tòi của cô về kỹ thuật vẽ màu, mực trên lụa cũng như cách trình bày tranh lụa mới mẻ. Kế thừa di sản từ cha cô, họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Phan Bảo, Phan Minh Bạch ưa thích nghiên cứu, thể nghiệm những kỹ thuật và chất màu mới trong thực hành tranh lụa. Trong triển lãm chung lần này, 16 bức tranh của cô có sự kết hợp giữa màu (lỏng /liquid) vẽ vải lụa chuyên dụng và vàng lá kim loại (gold leaf) - một tương phản tối đa về thể chất và yếu tính thị giác. Chủ đích sáng tác loạt tranh của Phan Minh Bạch là hướng tới thế giới tự nhiên nhưng dưới hình thức hội họa trừu tượng sinh học (abstract biology art), tới bản chất nguyên thủy của sự cấu thành thế giới tự nhiên để từ đó tạo không gian cho suy tưởng /diễn dịch về quy luật Thành, Trụ, Hoại, Không của chân lý Vô thường.
Nguyễn Mai Loan, Nhất Chi Mai, sơn mài, 2023
Từng có ba triển lãm cá nhân thành công tại Hà Nội và TP. HCM cũng như nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước, Nguyễn Thu Hương - họa sĩ chuyên vẽ lụa và đề tài hình thể nữ giới (nude) tham gia trưng bày 8 bức lụa trong triển lãm chung lần này. Điểm mới đáng chú ý trong loạt tranh của cô là các thao tác kỹ thuật cải tạo bề mặt nền lụa, cụ thể, cô tỉ mẩn tách từng sợi lụa rồi bện, tết, thắt chúng lại ở vị trí có chủ đích trong ý đồ bố cục và điểm nhấn (có tính) nội dung. Những thể nghiệm này của Nguyễn Thu Hương không chỉ tạo một bề mặt mới mẻ cho tranh lụa, nó còn là sự bứt phá khỏi không gian hai chiều cố hữu, tăng cảm nhận về chất liệu và tính cá nhân của nghệ sĩ. Với hai bức tranh sử dụng kỹ thuật tách /bện sợi, lụa đã trở thành vật liệu để Hương khám phá các khía cạnh thẩm mỹ mới, cả trên phương diện thị giác và vật chất.
Phan Minh Bạch, Ráng chiều
Nguyễn Mai Loan có trên 20 năm hoạt động nghiên cứu, phê bình mỹ thuật tại Viện Mỹ thuật - Trường ĐHMT Việt Nam. Nhiều năm nay, cô vẫn đều đặn tham dự các triển lãm chung do Trường ĐHMT Việt Nam tổ chức, thường xuyên thực hành sáng tác tại xưởng vẽ của họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Sơn mài là chất liệu Mai Loan theo đuổi và sáng tác nhiều hơn cả, cô yêu thích chất liệu truyền thống này từ khi còn học hệ Đại học, tuy nhiên vài năm trở lại đây mới có điều kiện liên tục khám phá và sáng tác. Về phương pháp làm việc của mình, Mai Loan nói “Tôi không có chủ đích cho việc sáng tác, mỗi khi cầm bút và nhìn ngắm thiên nhiên, con người tôi sẽ lên ý tưởng ngay khoảnh khắc đó hoặc triển khai những ý tưởng đã có, chăm chút thể hiện trên những tấm vóc phù hợp với bản thân. Từ những bức chủ đề tĩnh vật, con người hay tiến tới trừu tượng, tôi đều thể hiện trên những tấm vóc với son, sơn ta, vàng bạc… bằng tình cảm và sự yêu thích chân thành nghệ thuật sơn mài.”
Ngô Bình Nhi, Âm không, acrylic trên giấy gạo, 2022
Ngô Bình Nhi theo đuổi sáng tác chuyên nghiệp từ 2013, tới nay đã tròn mười năm với ba cuộc triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm nhóm. Bình Nhi ưa thích lối vẽ phóng khoáng và giàu tính biểu hiện dù tranh của cô hầu hết xoay quanh chủ đề Phật giáo - tôn giáo cô đã thực hành tu tập nhiều năm. Tranh của Bình Nhi thường xuyên xuất hiện các motif hoa sen, côn trùng, thảo mộc trộn trong các tổ hợp nét, mảng màu giàu tính chuyển động. Trong triển lãm chung lần này, Bình Nhi bày 15 bức tranh trên giấy gạo (một loại giấy thủ công màu trắng ngà có bề mặt xốp, hút nước mạnh) cô vẽ trong thời gian tìm hiểu và thực hành Phật giáo tại Nepal. Hầu hết các bức tranh đều thấp thoáng hình bóng nhà tu hành nhưng vẫn phong cách riêng, cô cho những hình đó ẩn hiện trong các chuyển động nét màu ngẫu hứng biến hóa vô định, như ý thức về triết lý hình tướng vô thường trong từng sát na của Phật giáo. Về loạt tranh này Bình Nhi tự bạch “Chất giấy gạo ở Nepal lôi cuốn tôi bằng trải nghiệm mới mẻ, khiến tôi thoái mái trải tâm tư về không gian và thời gian ở một nơi tràn đầy năng lượng an lành. Tôi thấy sự đổi thay của mình trong cách nhìn và thể hiện chân thật nội tâm, bộ tranh này sẽ là tiền đề mới mẻ cho dự định vẽ trên khổ lớn thời gian tới.”
VŨ HUY THÔNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023