Hơn 60 tuổi, gần như cả cuộc đời mình, nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến gắn bó với Hà Nội. Ông cũng dành nhiều trang viết của mình cho mảnh đất quê hương. Ông vừa cho ra mắt độc giả tập tản văn Hà Nội còn một chút này và cuốn sách nghiên cứu Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn bộc lộ những trải nghiệm và suy tư sâu sắc về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.
Một Hà Nội - Từ làng đến phố...
Sinh năm 1958 tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến đã có gần 30 năm làm phóng viên Báo Hà Nội mới. Rong ruổi khắp mọi miền đất nước, Nguyễn Ngọc Tiến đã để lại một khối lượng tác phẩm dày dặn, phong phú về thể loại. Ông từng cho ra mắt tản văn, khảo cứu lẫn sáng tác văn học. Điều thú vị khi đọc sách của Nguyễn Ngọc Tiến là tác phẩm của ông luôn mang phong vị của cả khảo cứu lẫn tùy bút. Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét, Nguyễn Ngọc Tiến là người mê nghiên cứu sâu rộng nhiều đề tài. Sách của Nguyễn Ngọc Tiến luôn mang phong vị của cả khảo cứu lẫn tùy bút, có cái khách quan của người làm báo, nhưng cũng có cả cái đa tình của người viết văn.
Ở tuổi 65, ông vừa cho ra mắt hai cuốn sách Hà Nội còn một chút này và Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn đều do Nxb Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành. Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, ông ra mắt cuốn Dọc ngang Ba Vì với nhiều khảo cứu công phu, thú vị. Xuất bản liền ba tác phẩm cùng hàng loạt những dự án, đề tài đang thực hiện, Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ chứng tỏ một sức viết đáng nể mà còn cho thấy độ chín về tài năng.
Đất nước Việt Nam, qua trang văn của Nguyễn Ngọc Tiến, vừa nhọc nhằn qua những thăng trầm của lịch sử, vừa phong tình, quyến rũ trong những vẻ đẹp lấp lánh. Đặc biệt, ông luôn dành những trang viết tâm huyết cho Hà Nội với những câu chuyện thú vị không bao giờ vơi. Hà Nội luôn mang đến nguồn cảm hứng bất tận để nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến say sưa lao vào các đề tài nghiên cứu văn hóa, trong đó Hà Nội là mảng đề tài mà ông dành nhiều tâm huyết. Nối tiếp sau mạch viết về Hà Nội với 5678 bước quanh hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm, Chuyện Thăng Long Kẻ - Hà Nội Hàng, Me Tư Hồng..., cuốn Hà Nội còn một chút này tiếp tục là những khảo cứu xen lẫn những cảm nhận và suy tư của Nguyễn Ngọc Tiến về Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và nhà văn Trương Quý trò chuyện trong buổi giao lưu “Làng làng phố phố” nhân Hội sách Hà Nội lần thứ VIII năm 2023
Trong buổi giao lưu “Làng làng phố phố” nhân Hội sách Hà Nội lần thứ VIII năm 2023, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ với độc giả của mình: Mỗi khi cầm bút viết về Hà Nội, ông luôn tâm niệm: phải viết điều gì độc đáo, kể những câu chuyện khiến người khác muốn nghe. Vẫn là những phố ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không bao giờ viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm. Trong Hà Nội còn một chút này, ông tiếp tục đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi thú vị về đất và người Hà Nội: Tên Kẻ Chợ có từ bao giờ? Tại sao trong trường học lại trồng cây phượng, tại sao lại gọi là Bờ Hồ, Trang phục Tết của người giàu xưa ra sao? Vì sao nước hồ Gươm xanh? Từ bao giờ và làm thế nào mà giọng pha tạp của người tứ chiếng đến Hà Nội dần trở thành giọng chuẩn của phương ngữ Bắc? Vì sao nhà ở Hà Nội ôm hết vỉa hè? Văn hóa trà đá vỉa hè có từ khi nào?... Bên cạnh đó còn đề cập đến những thói quen, những câu nói cửa miệng của người Hà Nội một số thời kỳ, trong đó có những thói quen rất gần gũi và còn tồn tại cho đến ngày nay…Qua đó, Hà Nội xưa hiện lên vừa gần gũi vừa mới lạ và có mối quan hệ mật thiết với Hà Nội ngày hôm nay. Bởi sự am hiểu sâu rộng về Hà Nội - nơi ông đã sinh ra và lớn lên, gắn bó cả đời mình, nhà văn Nguyễn Trương Quý gọi Nguyễn Ngọc Tiến là “sử nhân của Hà Nội”.
Viết về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến thường có góc nhìn bao quát từ lịch sử, địa lý, văn hóa cho đến những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, nếp sống của dân thị thành. Quan sát ở cả bề rộng lẫn chiều sâu, kết hợp những trải nghiệm thực tế của một người hằng ngày gắn bó với Hà Nội với những điều tra, khảo tả trong thư tịch, sách vở, ông đã cho ta thấy một Hà Nội thú vị và phong phú. Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ, Hà Nội hôm nay cũng thú vị, hấp dẫn lôi cuốn chẳng kém gì Hà Nội ngày hôm qua, không có lý gì không viết về nó.
Ông bộc bạch: “Đầu tiên tôi viết là để thỏa mãn bản thân mình nhưng rất may mắn là được nhiều người đồng cảm nên cuốn sách cũng nhận được sự quan tâm của những người yêu Hà Nội. Ngoài việc phát hiện các đề tài mới, lạ, đưa ra thông tin mà ít người biết, viết sao cho dễ đọc và để người ta nhìn được nhiều chiều thì cũng phải rất kỳ công khi viết cuốn sách này”.
Nhờ những tác phẩm lan tỏa tình yêu Hà Nội tới đông đảo công chúng và góp sức để Hà Nội trong quá trình phát triển vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến, Nguyễn Ngọc Tiến đã được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012. Ông còn là 1 trong 10 người vừa được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023. Nhà văn cho biết cảm tưởng khi được nhận danh hiệu cao quý này đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô: “Khi nhận được giải, tôi thấy vui vì việc mình làm nhỏ nhoi thôi, nhưng cũng được thành phố ghi nhận”. Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến trong việc giới thiệu những nét đặc sắc của lịch sử - văn hóa Thủ đô tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Con số gần 2.000 bài viết và xuất bản 11 đầu sách về đề tài Hà Nội là một minh chứng sinh động cho quá trình lao động miệt mài và tình yêu sâu đậm của ông với Hà Nội.
Đến Việt Nam trong quá khứ và hiện tại
Không chỉ nặng lòng với Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến còn đi nhiều. Ông tự nhận là “khách phong trần” vì ông “đi và lăn lộn với đời không hề ít”. Ông đi khắp mọi miền đất nước, lang thang dọc sông Hồng tìm hiểu về các xóm chài và viết về cộng đồng người Đãn rất hiếm gặp hay theo chân những nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu đi khắp các sân khấu Nam Bộ vì trót say mê tiếng hò sông Hậu, nhờ thế mà ông có tư liệu dày dặn để viết về lịch sử của cải lương Việt Nam. Nguyễn Ngọc Tiến đi để viết về những vẻ đẹp phong tình quyến rũ của đất nước với những “mắm Nghệ, lòng giòn, rượu ngon, cơm trắng”. Ông cũng từng đi để viết nên nỗi đau buồn của dân nghèo kiệt quệ chạy dịch COVID-19 trong những ngày đại dịch.
Sau chuyến trải nghiệm ngủ lại trong hoàng thành Huế, qua một đêm ở nơi từng là nhà của các vua thời Nguyễn, ông cho ra mắt tập khảo cứu Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn. Cuốn sách này cho thấy biên độ mở rộng đề tài của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, trong đó ông bộc lộ những trải nghiệm và suy tư sâu sắc về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến ký tặng sách cho bạn đọc
Vẫn với lối viết quen thuộc, Nguyễn Ngọc Tiến trình hiện những con người và sự kiện đó trước mắt độc giả qua những chi tiết chân thực và độc đáo nhất. Ông rất kiệm lời nhận xét, không ngợi ca cũng không phê phán nhưng người đọc vẫn thấy ở đó một thái độ rõ ràng, một niềm trăn trở khôn nguôi của tác giả. Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, ông từng rất mong mỏi được một lần ở lại qua đêm trong kinh thành Huế, nơi từng là nhà của các vua triều Nguyễn. Chỉ đến khi có một người bạn thực hiện bộ phim tài liệu bên trong Tử Cấm Thành, mong ước đó của tác giả mới trở thành hiện thực. Và khi đã được ở lại một đêm tại nơi từng là nhà của các vị vua, ý nghĩ lớn nhất của ông lúc đó là dù có làm vua đứng trên muôn người, nhưng nếu không làm được gì ý nghĩa cho đất nước cũng đều là vô nghĩa.
Trong buổi giao lưu ra mắt sách, Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ với độc giả, những câu chuyện trong Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn từng được ông viết và đăng rải rác trên các báo. Nhưng ở lần ra sách này, các câu chuyện đã được mở rộng hơn, viết sâu và kỹ lưỡng hơn. Đối với ông, lịch sử chứa đựng những câu chuyện gợi cho ta nhiều suy ngẫm về thực tại hôm nay. Đó có thể là cảm xúc tự hào, say mê nhưng cũng có thể là nỗi trăn trở, ngậm ngùi về những giá trị vang bóng và suy tàn. Ông may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều tài liệu và nhân vật lịch sử, qua đó tái hiện những câu chuyện ít người biết. Với Nguyễn Ngọc Tiến, đọc lịch sử, viết về lịch sử không đơn thuần chỉ để biết về quá khứ, mà quan trọng hơn, là để biết cho hôm nay, biết trăn trở với cuộc đời và đất nước hôm nay.
Nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại làng Vọng (nay thuộc phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội). Ông là tác giả của những tác phẩm: 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Chuyện quanh hồ Dâm Đàm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Lính Hà, Mong manh, Me Tư Hồng, Chuyện Thăng Long Kẻ - Hà Nội Hàng, Hà Nội còn một chút này, Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn... Trong đó, Đi ngang Hà Nội và Đi dọc Hà Nội từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012. Ngày 9/10/2023, ông vừa nhận danh hiệu một trong số 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023.
HOÀNG MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023