Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là một danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam. Sinh thời ông là một nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ tài giỏi. Ông đồng thời là một tác giả lớn của nghệ thuật Ca trù đặc sắc của Việt Nam, là cha đẻ của khoảng gần trăm bài ở thể cách hát nói.
Chân dung Nguyễn Công Trứ - Nguồn Báo Hà Tĩnh
1. Tác giả bài viết rất ấn tượng với hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Công Trứ kể từ cách đây gần hai thập niên, khi nó được NSƯT Văn Ty khai thác để đưa vào phần mở đầu cho một bài hát văn theo lối cổ mà nghệ sĩ gọi tên là Xá thượng.
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Đây là hai câu thơ rất nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ nằm trong bài thơ Chí làm trai. Bài thơ này được viết cho Ca trù theo thể cách hát nói, là một trong những tác phẩm nổi bật của nghệ thuật vốn được coi là mang tính bác học của nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Cái hay ở hai câu thơ trên là nó thật “nhuyễn” với hát Văn, một lối hát ngợi ca những bậc hiền tài có công lớn đối với nước với dân và được người dân tôn vinh là các vị thánh hiền tạo, nên một chỗ dựa vững chắc cho người dân về tinh thần.
Ngay câu mở đầu bài thơ đã mở ra một không gian rộng lớn và như khẳng định một lẽ tự nhiên của tạo hóa. Ở đây nhắc đến trời và đất, đầy đủ là “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc”. Dường như cái phạm vi của không gian còn rộng hơn cả trái đất, nó như thể một thành tố của vũ trụ.
Trong khi câu thơ thứ hai “Nợ tang bồng vay trả trả vay” như sự tăng cường, sự nhấn mạnh cho câu thơ đầu tiên. Về hình thức, tác giả tạo nên sự đối xứng với câu thơ thứ nhất. Về mặt thủ pháp, tác giả sử dụng láy âm, điệp từ: “dọc ngang ngang dọc” - “vay trả trả vay”. Nó còn gợi cho người đọc/nghe tới sự bổ trợ, tăng cường sự khẳng định cho cái “vòng trời đất” kia và cũng từ đó câu “nợ tang bồng” lại càng trở nên quan trọng. Về mặt ngữ nghĩa, “tang bồng” tựa như chí lớn. “Nợ tang bồng” là nợ chí lớn. Đấng nam nhi sinh ra ở trên đời đã mang nợ lớn thì phải trả.
Ngoài hai câu thơ trên, trọn vẹn khổ thơ đầu trong Chí làm trai có 4 câu, 2 câu thơ tiếp theo là: Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể. Tức là tác giả đã nói từ xa đến gần, từ những bao la của vũ trụ và sự xoay vần của tạo hóa tự nhiên cho đến sứ mênh của đấng nam nhi, là phải “Nam Bắc Đông Tây”, “vẫy vùng trong bốn bể”.
Như vậy, ý tứ của khổ thơ thể hiện đấng nam nhi sinh ra ở trên đời là phải có chí lớn, dọc ngang tung hoành giữa trời đất, để trả món nợ nhân sinh: phụng sự đất nước, trả ơn vua, trả nợ cuộc đời. Và như thế, những câu thơ này là cách ví von đầy hình tượng về khí phách của người đàn ông khi sinh ra trên cuộc đời này của Nguyễn Công Trứ. Nó cũng thể hiện tư tưởng và tầm vóc của ông.
2. Nguyễn Công Trứ có nhiều câu thơ hay nói về khí phách đấng nam nhi khi được sinh ra ở cuộc đời này. Trong bài thơ Đi thi tự vịnh, ông có những câu thơ như tuyên ngôn về sứ mệnh: Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông.
Điểm đáng chú ý ở đây vẫn là vị thế của con người ở trong một không gian rất rộng lớn, thênh thang, bát ngát đó là “ở trong trời đất”. “Trời đất” ở đây có nghĩa là thiên hạ. Trong khi “núi sông” ở câu thơ sau là ẩn ý chỉ đất nước. Đáng nói, ở đây là cụm từ “mang tiếng”, không phải từ nhẹ hơn là “mang danh” hay một từ gì khác. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, “mang tiếng” nghĩa là mang tiếng làm người. Làm người thì phải có “danh gì” mới xứng đáng. Hai chữ “danh gì” đầy hàm ý: Đó là danh tiếng, là công danh, đủ để lưu danh hậu thế.
NSƯT Nguyễn Văn Khuê - đàn đáy bên phải
Trong một đời người, nhất là đấng nam nhi ở thời kỳ phong kiến, chí lớn là học hành, ôn luyện rồi đi thi cử, đỗ đạt các khóa thi để rồi phụng sự đất nước. Như thế mới xứng đấng nam nhi. Đối với Nguyễn Công Trứ, con đường công danh sự nghiệp của ông “nở” muộn. Nguyễn Công Trứ sinh ra ở đất Quỳnh Côi, Thái Bình (ngày nay) mất năm 1858 ở quê gốc Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sinh thời ông sống trong nghèo khó nhưng luôn là một người tài giỏi, có chí lớn, song lại lận đận đường thi cử. Mãi năm 1819 khi đã 41 tuổi ông mới thi đỗ Giải nguyên, 42 tuổi ông mới ra làm quan khi được bổ nhiệm nhiệm chức Hành tẩu ở Quốc Sứ quán1. Chưa được chín năm ông được thăng Hình bộ2 Tham tri3 Thự Tổng đốc.
Sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ lắm thăng trầm. Vì thành tích trong quân sự và kinh tế, ông được thăng quan nhiều lần, lên tới chức Thượng thư, Tổng đốc. Nhưng chính ông cũng bị giáng phạt nhiều lần, có lần giáng liền 3 - 4 cấp. Như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị giáng làm lính thú… Đến cuối sự nghiệp làm quan ông về hưu với hàm Thừa Thiên Phủ doãn (Tam phẩm). Dẫu thế, thông qua thơ, người ta vẫn thấy Nguyễn Công Trứ luôn thể hiện tinh thần quyết tâm, lạc quan, kiên định với quan điểm, kiên trung với đất nước.
Hai câu thơ kết bài thơ Đi thi tự vịnh giọng thơ chắc nịch, đầy tự tin, luôn hướng về phía trước, đó cũng là một trong những đặc trưng tính cách của Nguyễn Công Trứ: Trong cuộc trần ai, ai dễ biết?/ Rồi ra mới rõ mặt anh hùng.
Có điều khá thú vị, 4 câu thơ trích dẫn trên đây nằm trong bài thơ Đi thi tự vịnh, chỉ nhìn tiêu đề thôi chúng ta đã có thể biết được ông viết từ thời kỳ còn đèn sách, trước khi chính thức bước vào các kỳ thi. Điều này góp thêm cho chúng ta thấy rõ hơn, hiểu rõ hơn về tinh thần và khí phách cũng như tính cách của Nguyễn Công Trứ.
3. Trong nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc, ngay từ xưa kia, cả hai bài thơ Chí làm trai và Đi thi tự vịnh cùng với 8 câu thơ chúng tôi trích dẫn đều là những bài quen thuộc, là những câu thơ nằm lòng đối với những sĩ phu, tầng lớp trí thức, những người am tường thơ ca, những người yêu nước và có khát khao cống hiến mạnh mẽ.
Giáo phường Ca trù Thái Hà
Trong đó, Chí làm trai là một bài Ca trù ở thể cách hát nói rất quen thuộc. Trong khi với Đi thi tự vịnh cũng có thể coi là một tác phẩm thơ lẫn âm nhạc. “Vịnh” ở đây có thể đồng nghĩa với từ “ca”, cũng có thể biểu hiện cho thể loại “ngâm vịnh”. Nếu như thế, nó giống như một bài thơ được giọng hát của con người cất lên theo thể ngâm vịnh. Nhưng cũng có khi, vịnh chỉ đơn thuần bao hàm một ý nghĩa trong văn học, chỉ việc làm thơ. Dù như thế nào thì Đi thi tự vịnh cũng là một bài thơ hay, rất phù hợp với lối ngâm thơ cổ và có lẽ xưa kia được các ca nương, kép đàn sử dụng nhiều trong các cuộc chơi thơ nhạc để ngẫm nghĩ sự đời.
Nói về thơ văn Nguyễn Công Trứ, nhà nghiên cứu văn học, đồng thời là nhà giáo dục Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) nhận xét rằng nó có “ý tứ mạnh mẽ, từ điệu rắn rỏi, khiến cho người đọc cũng thấy phấn khởi, hăng hái lên”. Cũng vì thế, khi những tác phẩm thơ ca của Nguyễn Công Trứ được truyền tải qua ngôn ngữ âm nhạc, tinh thần chung đó cũng phải được coi là hồn cốt. Điều này là không hề dễ với thể loại âm nhạc đầy chất ngâm ngợi, tinh thần thư thái như ngâm thơ cổ, hay như Ca trù.
NSƯT Nguyễn Văn Khuê, Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thái Hà cho biết đối với thơ ca Nguyễn Công Trứ đọc nghe thì rất hay, nghĩa của thơ rất rộng, càng đọc càng thấm, càng nghe càng thấy hay. Những bài thơ của ông rất phù hợp với nghệ thuật Ca trù nhưng để thể hiện được ra khí chất, ra phần hồn của thơ ông là điều không đơn giản. Được biết, ngay cả với những nghệ nhân, nghệ sĩ gắn bó cả cuộc đời với Ca trù như các thành viên trong giáo phường Ca trù Thái Hà thì mỗi khi thể hiện một bài của Nguyễn Công Trứ họ cũng sẽ phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu cách thể hiện cho hiệu quả nhất, vừa ngập tràn màu sắc âm nhạc, sự khoan thai của Ca trù, lại ra được cái hối thúc bên trong, lan tỏa được tinh thần phấn chấn, hăng hái, ý chí quyết tâm, thể hiện yếu tố nam tính mạnh mẽ một cách rõ nét.
NSƯT Nguyễn Văn Khuê chia sẻ thêm, việc thể hiện ấy thường là tạo điểm nhấn trong giọng hát, tiếng phách, tiếng đàn đáy cũng như trống chầu. Tạo nên cách dồn sao cho người nghe tưởng chừng như âm nhạc căng lên, được đẩy nhanh hơn, rất hối thúc. Nhưng trên thực tế nó vẫn nằm trong quỹ đạo của tổng thể âm nhạc xuyên suốt trong toàn bài.
Tất nhiên, trên đây chỉ là vài câu thơ, nó là rất ít ỏi so với một kho tàng đồ sộ các tác phẩm thơ ca của Nguyễn Công Trứ, nhưng chỉ qua đó thôi, cũng có thể cho chúng ta thấy một trong những nét đặc trưng Nguyễn Công Trứ. Có thể nói, khí phách nam nhi, hay cụ thể hơn, khí phách Nguyễn Công Trứ là một góc riêng, là đóng góp của ông giúp tăng thêm sự phong phú cho nghệ thuật Ca trù và ngâm thơ cổ độc đáo trong kho tàng văn học nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
_____________
Chú thích
(1) Một chức quan nhỏ chuyên về văn thư.
(2) Hình bộ hay bộ Hình là một cơ quan nhà nước thời phong kiến quản lý về luật pháp. Quan đứng đầu bộ Hình là Hình bộ thượng thư (Thượng thư bộ Hình).
(3) Tham tri ở thời Nguyễn, là chức triều đình bổ nhiệm để giúp các quan Thượng thư tại Lục bộ và vì vậy, là chức quan cao cấp thứ 2 trong một bộ, dưới Thượng thư, và trên Thị lang.
NGUYỄN QUANG LONG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023