Nguyễn Linh (sinh năm 1961) từng được giới “nghệ” ở Hà Nội biết đến bởi anh là một sinh viên giỏi và là một tài năng trẻ tiềm ẩn của thế hệ mình.
Ra trường năm 1984 khi trào lưu “Hội họa đổi mới” ra đời và phát triển sôi động, anh làm bạn bè hụt hẫng vì buông tay bút để chuyển sang kinh doanh. Tất nhiên Cơm Phố, một địa điểm ẩm thực nổi tiếng Hà thành và bộ sưu tập gốm Lý - Trần tinh lọc của anh cũng đã đủ làm nên một danh xưng. Song có lẽ dưới lớp đất bồi hỗn độn của đời sống đô thị tất bật, những hạt mầm nghệ thuật bẩm sinh không chịu ngủ yên để bị vùi vào quên lãng. Từ 5 năm nay chúng đã trỗi dậy, vươn lên khỏi mặt đất mạnh mẽ thành cả một vườn cây um tùm, tựu thành một khối lượng tác phẩm bề bộn, đầy ẩn ức và khát vọng.
Chân dung nhà thơ Dương Tường, tranh của Nguyễn Linh
Nghệ thuật phải sinh ra từ những lăn lộn, vất vả, đau đớn và hoan hỉ của cuộc đời. Nhiều người cho là phải như thế. Giàu rồi có làm nghệ thuật được không? Nhiều người không tin điều đó. Song nhà văn nữ quyền nổi tiếng Virginia Woolf và nhiều người khác lại cho rằng để tài năng phát triển, một tác giả cần “500 bảng và một căn phòng riêng” - ý là phải có một đời sống vật chất tương đối ổn định và sự độc lập, riêng tư về tinh thần. Còn Nguyễn Linh cho rằng “những kinh nghiệm bể dâu” trong quãng đời làm ăn cũng có thể là chất liệu quý cho sáng tạo nhân bản. Và sự giàu có vật chất, theo anh, không đáng sợ bằng sự nghèo nàn tinh thần, nghèo đói tự do. Có điều Nguyễn Linh đã không đi con đường “nước đôi” mà không ít nghệ sĩ theo đuổi (và thất bại về nghệ thuật) là vừa vẽ tranh du lịch, chiều thị trường để kiếm tiền vừa “sáng tác nghệ thuật chân chính” riêng cho mình.
Chân dung hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, tranh của Nguyễn Linh
“Tự do cá nhân” mà người họa sĩ dành cho mình cho phép Nguyễn Linh trong vài năm qua xông xáo vào bốn năm đường huớng, phong cách, chủ đề khác nhau để thử sức thì ít nhưng để tự khám phá mình nhiều hơn: những phong cảnh xơ xác nhưng nhiều màu sắc của phái điểm họa, những lùm cây âm u đầy ánh sáng cài dắt tế nhị nhiều chất ấn tượng, những chân dung tả thực khổ lớn khiêu khích, những biến hóa hình thể và tự họa có chất dã thú, lập thể pha cả chút siêu thực hay biểu hiện... Rồi đến những tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này, một phần nhỏ trong các sáng tác “điên rồ” của anh hai năm trở lại đây.
Nguyễn Linh, Cánh đồng, chất liệu tổng hợp
Đứng trước những hình thể nam nữ xoắn vặn, trồi sụt, biến dạng vì bị giăng ra hay bó lại, kết hợp và chia lìa, tung ném hay bị đè bẹp gí..., ta có cảm tưởng người vẽ cũng vật lộn với hội họa như thế. Cảm giác nặng nề, những ẩn ức đòi được giải phóng nhưng chưa được thỏa thuê. Những thân thể đồ sộ trần trụi, không có gương mặt rõ ràng, vật vã trong không gian tăm tối nhiều sắc độ ma mị hay trên một nền hoa văn sặc sỡ nhiều chỉ dấu tính dục làm ta sẽ nhớ tới một Nguyễn Linh hội họa. Song xem tranh rồi còn lại trong tâm tưởng tôi lại là những đám mây nặng, sũng ướt lơ lửng trên trời buồn. Cuộc vui dù cố tận hưởng mấy rồi cũng đi qua. Nỗi buồn ở lại. Phải chăng đó là cái nghệ thuật cần mà họa sĩ sắp chạm tới? Họa sĩ gấp gáp vội vàng, “cào cấu” tìm lại thời gian đã mất của mình không phải trong tờ lịch năm tháng mà trong cảm thức nhân bản, trong tiềm thức hơn là trong “chương trình nghị sự” của đời người.
Nguyễn Linh, Biển, chất liệu tổng hợp
Một triển lãm đáng xem không vì họa sĩ đáng xem mà vì ta được xem xem “con tạo” xoay vần ra sao. Những tác phẩm trong triển lãm Nguyễn Linh 5 lần này là thành quả lao động nghệ thuật tại CLB Mỹ thuật ATENA thuộc Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô. Triển lãm từ ngày 20/11 đến 5/12/2023, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt- Xô, 96 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nguyễn Linh, Những khuôn mặt, chất liệu tổng hợp
Nguyễn Linh, Chèo, chất liệu tổng hợp
Nguyễn Linh, Chèo, chất liệu tổng hợp
NGUYỄN QUÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023