Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức đúng dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 19-5. Trước thềm lễ trao tặng, phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật đã ghi nhận những cảm xúc, suy nghĩ của các nghệ sĩ.
NSND Lê Văn Khình (Lê Khình): Tác phẩm là dấu ấn của người nghệ sĩ
Những bông đỏ của rừng và Những cô gái Phiêng Hào là hai tiết mục múa đậm chất dân gian của NSND Lê Văn Khình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022. Hai tiết mục đều được nghệ sĩ lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt của người thiểu số để sáng tác. Những bông đỏ của rừng không chỉ phản ánh đời sống tinh thần của dân tộc Pà Thẻn với những nét đặc sắc trong đêm nhảy lửa, lễ cưới, lễ hội mùa xuân… mà còn là vẻ đẹp rực rỡ trong trang phục của người dân thiểu số vùng đất Hà Giang – nơi địa đầu của Tổ quốc; Còn với tác phẩm Những cô gái Phiêng Hào là sự ngợi ca vẻ đẹp của những cô gái dân tộc Lự trong trang phục cổ truyền với màu đen và hoa văn trắng...
NSND Lê Văn Khình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Múa
Chia sẻ về hai tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, NSND Lê Văn Khình cho biết: “Trong cuộc đời sáng tác, tôi đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm, trong đó Những bông đỏ của rừng và Những cô gái Phiêng Hào là hai tiết mục dấu ấn trong cuộc đời làm nghệ sĩ của tôi. Đó là các tác phẩm nói lên được một phần tính cách, đời sống của người dân tộc thiểu số. Không chỉ khắc họa thành công trên sân khấu, hai tác phẩm còn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh nên tôi rất vui, tự hào và rất vinh dự”.
Sinh năm 1934, dù tuổi đã cao nhưng NSND Lê Văn Khình vẫn tham gia sinh hoạt tại Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Với bề dày kinh nghiệm, nghệ sĩ đã đóng góp ý kiến trong hoạt động sáng tác. “Tôi luôn động viên và mong muốn đội ngũ nghệ sĩ trẻ không chỉ đi theo hướng hiện đại mà cần phải phát huy múa dân gian. Với sức trẻ và sự đầu tư sáng tạo, tôi hy vọng các nghệ sĩ sẽ có những tác phẩm múa dân gian sống mãi với dân tộc được giới thiệu với người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế” - NSND Lê Văn Khình chia sẻ.
NSND Nguyễn Thước: Giải thưởng mang ý nghĩa rất lớn, đã động viên, khích lệ kịp thời đối với những người sáng tác văn học, nghệ thuật
Nguyễn Thước là một đạo diễn phim tài liệu Việt Nam nổi tiếng, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2001 và Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2012. Cũng sau mốc 11 năm tiếp theo, ông tiếp tục được trao tặng Giải thưởng Nhà nước với ba bộ phim Đất lạnh, Cỏ xanh im lặng và Không chỉ là thương hiệu.
Đạo diễn phim Tài liệu, NSND Nguyễn Thước được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2022
Chia sẻ về niềm vui này, NSND Nguyễn Thước cho biết: Tôi rất vui, cách đây đúng 11 năm tôi nhận được danh hiệu NSND, đến thời điểm hiện tại tôi lại vinh dự được đón nhận Giải thưởng Nhà nước. Mốc son đó là sự đánh dấu và tổng kết toàn bộ quá trình, cuộc đời làm phim tài liệu của tôi. Tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc và niềm vui của gia đình tôi được nhân đôi khi anh trai tôi là nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng được trao Giải thưởng Nhà nước đợt này. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi cũng như những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Ba bộ phim của đạo diễn, NSND Nguyễn Thước đều tập trung khai thác về những đề tài “nóng” trong đời sống xã hội. Phim Đất lạnh được làm về đề tài nông thôn, nông nghiệp Việt Nam, cụ thể là những mâu thuẫn về sản xuất nông nghiệp tại vùng đất nông thôn Thái Bình; Không chỉ là thương hiệu là một bộ phim khi khai thác về đề tài khó là thương hiệu của Việt Nam đang đứng ở đâu; Cỏ xanh im lặng là bộ phim được đạo diễn làm trước khi nghỉ hưu. Phim kể về người anh hùng Hồ Giáo, một nhân vật rất đặc biệt, cả đời làm những công việc dung dị như nuôi bò, nuôi trâu, chăm cỏ nhưng anh đã được 2 lần phong tặng Anh Hùng, 3 kỳ làm Đại biểu Quốc hội.
NSND Nguyễn Thước làm phim "Đất lạnh"
Không ngừng cống hiến cho lĩnh vực điện ảnh tài liệu, NSND Nguyễn Thước vẫn đang tiếp tục truyền lại kiến thức cho các bạn trẻ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội trong vai trò thỉnh giảng. Ông chia sẻ: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà nói chung, trong đó có đội ngũ các nghệ sĩ điện ảnh nói riêng. Sự động viên, khích lệ chúng tôi được trải qua các chặng đường làm nghề, từ vinh danh nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân đến Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Giờ đây, trong vai trò là người đứng trước bục giảng, tôi cảm thấy tự tin và tự hào hơn để truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm của cả cuộc đời làm nghề cho đội ngũ sinh viên và các thế hệ kế cận.
NSND Phạm Ngọc Tuấn: Giải thưởng là nguồn động lực cho mỗi nghệ sĩ có đích để vươn tới
Là Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, NSND Phạm Ngọc Tuấn được vinh danh Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm phim hoạt hình: Mỵ Châu - Trọng Thủy, Bước nhảy của Châu Chấu, Chiếc lông Công, Mèo trắng và Mèo mun.
Mỗi bộ phim là những bài học thú vị được truyền tải một cách dễ hiểu theo cách thức của phim hoạt hình. Mèo trắng và Mèo mun là thông điệp về tình bạn với cách sống chan hòa, không phân biệt, kỳ thị người khác qua vẻ bề ngoài; Bước nhảy của Châu Chấu là sự cố gắng với những nghị lực vươn lên trong cuộc sống…
Đạo diễn phim Hoạt hình, NSND Phạm Ngọc Tuấn: Giải thưởng là nguồn động lực lớn lao, là đích đến đến các nghệ sĩ vươn tới
“Với tôi, đây là giải thưởng cao quý mà tất cả các nghệ sĩ đều mong muốn, đó là những ghi nhận công lao, đóng góp của Đảng, Nhà nước đối với những người làm nghề. Giải thưởng là nguồn động lực lớn lao, là đích đến để các nghệ sĩ vươn tới và cũng là hướng đi mà các thế hệ tiếp nối sẽ phấn đấu” – NSND Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Là người lãnh đạo Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, cùng với việc hoàn thành công tác chuyên môn, chính trị của Hãng, để đội ngũ những người làm nghề nói chung, nghệ sĩ trẻ nói riêng ngày càng gắn bó với Hãng phim, chia sẻ về vấn đề này NSND Phạm Ngọc Tuấn cho biết: Vừa qua tôi đã tham dự LHP châu Á lần thứ nhất do Thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh - VFDA tổ chức. Có những bạn trẻ Việt Nam đạt được giải thưởng cao tại Liên hoan này. Để các nghệ sĩ trẻ cho ra đời các tác phẩm hay thì cũng rất cần có các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Đồng thời, Nhà nước nên có những động viên kịp thời và có những chính sách giúp đỡ để các nghệ sĩ có điều kiện làm phim tốt hơn. Cùng với vai trò động viên, khích lệ đội ngũ những người làm nghề thì Nhà nước nên có định hướng lâu dài để phim hoạt hình nói riêng, điện ảnh nước nhà nói chung ngày càng phát triển.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Văn Á (Nguyễn Á): Tác phẩm mang dấu ấn riêng và đậm chất nhân văn sẽ được người xem đón nhận
Tác phẩm của NSNA Nguyễn Á được trao tặng Giải thưởng Nhà nước 2022 là Sách ảnh mang tên Họ đã sống như thế, đây cũng là cuốn sách ảnh đầu tiên của nghệ sĩ. Tác phẩm được NSNA Nguyễn Văn Á thực hiện trong 2 năm, là hình ảnh về 100 nhân vật khuyết tật của Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc. Họ là những tấm gương truyền cảm hứng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
NSNA Nguyễn Á và Sách ảnh "Họ đã sống như thế"
Nói về quá trình sáng tác cũng như bộ sách được trao giải, NSNA Nguyễn Á cho biết: Hiện giờ, con đường sáng tác nghệ thuật của những người nghệ sĩ trong giới văn hóa nghệ thuật nói chung, nhiếp ảnh nói riêng ngày càng được mở rộng. Các nghệ sĩ có thể phát triển, sáng tạo theo tư duy và những đường lối riêng. Các tác phẩm đó, không đi theo lối mòn, trùng lặp mà mang hơi thở cuộc sống, có dấu ấn riêng, mang đậm chất nhân văn sẽ được người xem và cả xã hội đón nhận và ủng hộ. Chính vì thế, tôi luôn nỗ lực tìm ra những cách thức riêng để phản ánh vào các tác phẩm của mình. Với việc được vinh danh trao Giải thưởng Nhà nước, bản thân tôi rất vui, hạnh phúc vì đó là thành quả mà tôi đã nỗ lực, cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Tuy nhiên, tôi cũng có một tâm nguyện là mong rằng sẽ có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh hơn nữa được vinh danh trong các đợt kế tiếp.
NGỌC BÍCH thực hiện