CÁC LÝ THUYẾT CHUYỂN ĐỔI TÔN GIÁO

Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại. Sự chuyển đổi tôn giáo có thể phản ánh cả một thời đại, gắn liền với các quy luật vận động xã hội. Bản chất thực sự của chuyển đổi tôn giáo đặt ra những nhiệm vụ lịch sử, hay tìm thấy những nhu cầu của thời đại. Lý thuyết chuyển đổi tôn giáo là một chủ đề khá mới mẻ, được các học giả tập trung nghiên cứu vào khoảng những năm cuối TK XX. Các công trình nghiên cứu về lý thuyết chuyển đổi tôn giáo hiện nay phần lớn là của các học giả Âu - Mỹ.

Trong Bách khoa toàn thư về tôn giáo xuất bản năm 2005 tại New York, 2 học giả L.R.Rambo và C.E.Farhadian đã khái quát 3 lý thuyết chính khi nghiên cứu về sự chuyển đổi tôn giáo: lý thuyết nhân vị; lý thuyết văn hóa - xã hội; lý thuyết tôn giáo, tâm linh.

Lý thuyết nhân vị bao gồm thuyết phân tâm học, thuyết nguyên mẫu, thuyết trung thành và thuyết quy kết.

Đối với các học giả theo hướng phân tâm học, các hiện tượng chuyển đổi tôn giáo được thúc đẩy và định hình bởi tính cách con người.  Theo Freud, quá trình chuyển đổi tôn giáo là sự thỏa hiệp trong cuộc xung đột đang diễn ra của cuộc sống và cái chết. Những nhà nghiên cứu theo lý thuyết phân tâm học giải thích sự chuyển đổi tôn giáo như là một dạng bệnh lý, một phương tiện để vượt qua nỗi sợ và sự xung đột bắt nguồn từ trong tính cách.

C.G.Jung đưa ra thuyết nguyên mẫu, cho rằng những mô hình mang tính phổ quát trong tâm hồn, chính là những nguyên mẫu ảnh hưởng đến sự trải nghiệm của con người. Các học giả theo lý thuyết nguyên mẫu cho rằng sự chuyển đổi tôn giáo diễn ra khi con người bị quyến rũ bởi một biểu tượng tôn giáo đầy quyền năng hoặc trải qua những kinh nghiệm tôn giáo đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người đó.

Trong khi đó, các học giả theo thuyết trung thành lại khẳng định con người hình thành các mối quan hệ tình cảm ràng buộc với nhau, phản ánh sự kết nối của một cá nhân với người đầu tiên chăm sóc họ. Dựa trên một số các khái niệm nền tảng của Freud và học thuyết tiến hóa, J.Bowlby cho rằng, sự chuyển đổi tôn giáo chính là phần đền bù cho sự thiếu thốn tình cảm từ thuở nhỏ, xảy ra ở những người bị thiếu hụt sự chăm sóc từ khi mới chào đời.

Thuyết quy kết dựa trên lý thuyết con người cần phải tạo ra hoặc tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, giải thích vai trò của sự đau khổ và cái chết trong cuộc đời con người. Lý thuyết này cho rằng tôn giáo cung cấp ý nghĩa và mục đích cho những vấn đề gây ám ảnh trong tâm thức con người, nhấn mạnh lĩnh vực nhận thức và trí tuệ của quá trình chuyển đổi tôn giáo.

Lý thuyết văn hóa - xã hội bao gồm lý thuyết đa văn hóa, lý thuyết hậu thuộc địa, lý thuyết nhận dạng, lý thuyết duy lý, lý thuyết trình thuật và lý thuyết toàn cầu hóa.

Lý thuyết đa văn hóa ra đời trong bối cảnh ngày càng có nhiều học giả nhận ra tầm quan trọng của chiều kích văn hóa của quá trình chuyển đổi tôn giáo. Trước đây, phần lớn các nghiên cứu lý thuyết về chuyển đổi tôn giáo tập trung vào những di sản văn hóa châu Âu. Nhưng ngày nay, hều hết các học giả Âu - Mỹ lại có xu hướng quan tâm, nghiên cứu các nền văn hóa ngoài phương Tây, những dân tộc châu Á, Mỹ La tinh, Phi hay khu vực đảo Thái Bình Dương.

Những nhà nghiên cứu theo lý thuyết đa văn hóa cho rằng một lý thuyết về chuyển đổi tôn giáo chỉ có thể đứng vững khi có sự thừa nhận các hình thức khác nhau của bản ngã trong mỗi cá nhân và trong một nhóm người với việc chuyển đổi tôn giáo. Các lý thuyết chuyển đổi sẽ được củng cố đáng kể khi nó phản ánh và phù hợp với nền văn hóa và tôn giáo bản địa.

Lý thuyết hậu thuộc địa quan tâm đến việc nghiên cứu những trải nghiệm của người châu Phi, Á và Mỹ Latinh với chủ nghĩa đế quốc và sự đô hộ. Các học giả nghiên cứu về mặt lý thuyết sự ảnh hưởng của sức mạnh quân sự, kinh tế và văn hóa của dân tộc thống trị đối với việc hình thành cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của xã hội thuộc địa. Việc chuyển đổi sang một tôn giáo thế giới, chẳng hạn như Islam giáo hay Kitô giáo, được xem như là một phần của việc “thực dân hóa tâm trí và tinh thần” của các dân tộc thống trị. Quá trình bị ảnh hưởng và sức đề kháng của thuộc địa trong quá trình chuyển đổi tôn giáo là những chủ đề quan trọng đối với các nhà nghiên cứu đi theo lý thuyết hậu thuộc địa. 

Lý thuyết nhận dạng xuất hiện trong bối cảnh gia tăng đô thị hóa và hiện đại hóa, cùng với chủ nghĩa đa nguyên về tôn giáo và sắc tộc, các khái niệm về bản thân, cộng đồng, các mối quan hệ và niềm tin xưa cũ đang thay đổi. Lý thuyết nhận dạng cho rằng, sự chuyển đổi tôn giáo là một quá trình giúp con người đạt được niềm tin và các giá trị, giúp tăng cường sự hiểu biết của bản thân để tạo dựng các mối quan hệ với người khác. Trong ý nghĩa này, sự chuyển đổi tôn giáo giúp củng cố bản sắc hay sự nhận dạng cá nhân và giúp duy trì nó qua thời gian. Từ đó, mang lại cho con người cảm giác có ý nghĩa trong một thế giới đang chuyển động không ngừng và cũng đang thiếu đi những chuẩn mực đạo đức chung.

Một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng theo đuổi lý thuyết duy lý là R.Horton. Theo ông, con người luôn tìm hiểu, dự đoán và kiểm soát các sự kiện theo thời gian và không gian. Horton đưa ra lý thuyết về thế giới vi mô và thế giới vĩ mô dựa trên nghiên cứu ở châu Phi. Thế giới vi mô chính là thế giới hàng ngày đang diễn ra hầu hết các hoạt động thường nhật của cộng đồng. Đời sống tôn giáo của họ gắn liền với việc giải thích, dự đoán và kiểm soát thế giới cụ thể của họ. Tuy nhiên, theo Horton hầu như tất cả các nhóm người đều đã có sẵn một thế giới vĩ mô rộng lớn hơn, nhưng không được phát huy, do năng lực tiềm tàng của họ đã quá tập trung vào thế giới vi mô. Với sự gia tăng tính biến đổi ở các cộng đồng có quy mô nhỏ ở châu Phi, người ta có sự tương tác với những người đến từ một thế giới khác hay một xã hội khác, rộng lớn hơn. Từ đó, nó giúp mở rộng những huyền thoại, nghi lễ và biểu tượng của các xã hội quy mô nhỏ. Lý thuyết Horton phản ánh các môtíp tiến hóa, từ lý thuyết giả định việc chuyển đổi tôn giáo dẫn đến một sự chuyển đổi từ thế giới vi mô sang thế giới vĩ mô.

Một số học giả theo lý thuyết trình thuật lại khẳng định việc chuyển đổi tôn giáo liên quan đến một câu chuyện mới được xây dựng lại, dựa trên tiểu sử của một nhân vật tôn giáo với một đức tin, một nền thần học, một hệ thống nghi lễ mới, có ý nghĩa mới trong các mối quan hệ cộng đồng và trên thế giới. Họ cho rằng con người qua sự trải nghiệm cá nhân, có sự thông linh với thế lực siêu nhiên (như chúa Jesus hay đức phật), từ đó họ viết lại cuộc đời của các nhân vật tôn giáo với một góc nhìn mới. Sự chuyển đổi tôn giáo ở đây bắt nguồn từ việc giải thích các kinh sách theo một góc nhìn mới phù hợp với nhu cầu hiện tại của con người.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu theo lý thuyết toàn cầu hóa cho rằng, quá trình toàn cầu hóa chính là nguyên nhân của sự chuyển đổi tôn giáo. Với sự liên kết ngày càng tăng của hệ thống thông tin toàn cầu, chẳng hạn như truyền hình, đài phát thanh, internet, giao thông (hàng không, ô tô, xe lửa...), người ta dễ dàng kết nối với nhau trực tiếp hoặc gián tiếp. Từ đó, các tôn giáo có được điều kiện phát huy sức ảnh hưởng của mình đến các vùng đất xa lạ. Thông qua các phương tiện truyền thông toàn cầu, người ta dễ dàng tiếp cận với các chương trình tôn giáo, xem hình ảnh các cuộc hành hương Islam giáo, các lễ hội Kitô giáo, Hindu giáo,… Từ những yếu tố hấp dẫn đến từ truyền thông, người ta tìm hiểu các tôn giáo mới, khác với các tôn giáo địa phương. Nếu các tôn giáo xa lạ đó đáp ứng được cả nhu cầu vật chất lẫn tinh thần, người ta sẵn sàng đi theo tôn giáo mới đó. Đối với các nhà nghiên cứu theo lý thuyết toàn cầu hóa, việc chuyển đổi tôn giáo là một bước đi tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa.

Lý thuyết tôn giáo, tâm linh bao gồm các lý thuyết thần họcthông diễn học.

Các học giả nghiên cứu sự chuyển đổi tôn giáo theo lý thuyết thần học chú ý đặc biệt đến thay đổi trong cấu trúc các lý thuyết thần học ở tôn giáo, yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển đổi tôn giáo. Các cuộc tranh cãi về thần học đã góp phần hình thành các giáo phái Tin lành hoặc làm cho Giáo hội Công giáo La Mã xem xét lại cách nhìn nhận về các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi tôn giáo sau Công đồng Vatican II (1962-1965).

Về mặt lịch sử, Phật giáo, Kitô giáo và Hồi giáo được xem là những tôn giáo truyền giáo, bằng những triết thuyết, lôi kéo mọi người chuyển đổi tôn giáo theo họ. Bằng sự trải nghiệm cá nhân cùng với các lý thuyết thần học, người truyền giáo nhấn mạnh vai trò của kinh sách như kim chỉ nam dẫn đắt con người theo một lộ trình mới, nhằm thỏa mãn những mong ước, nguyện vọng của các tín đồ, giúp họ vượt qua khó khăn và định hướng cho tương lai. Các lý thuyết thần học giải thích về cấu trúc tâm sinh lý bên trong, ý nghĩa cuộc sống con người và từ đó đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Các tín đồ xem đó là một sự cứu rỗi.

Trong khi đó, các học giả theo lý thuyết thông diễn học cho rằng, có sự liên hệ giữa các văn bản kinh sách và sự chuyển đổi tôn giáo. Mối liên hệ này nằm ở sự diễn giải các ý nghĩa của kinh sách. Khi người ta thay đổi cách diễn giải các văn bản kinh sách, tức là người ta thay đổi ý nghĩa của chúng, từ đó quá trình chuyển đổi tôn giáo sẽ diễn ra tương ứng với cách hiểu mới về đối tượng niềm tin cũ.

Khi nghiên cứu về các kiểu thức chuyển đổi tôn giáo, Rambo đã đưa ra mô hình chuyển đổi tôn giáo bao gồm 7 giai đoạn. Ông nhấn mạnh có sự tương tác giữa các giai đoạn chứ chúng không hoàn toàn tách biệt nhau: giai đoạn xác định điều kiện, bối cảnh của chuyển đổi tôn giáo; giai đoạn khủng hoảng niềm tin, tạo tiền đề cho chuyển đổi tôn giáo; giai đoạn ứng phó với khủng hoảng niềm tin bằng nhiều cách thức khác nhau; giai đoạn lựa chọn một tôn giáo mới, một niềm tin mới; giai đoạn tương tác, các cá nhân tiếp xúc với các nghi lễ, triết thuyết về tôn giáo mới, xây dựng ở mỗi người những quan hệ phù hợp với niềm tin mới; giai đoạn ủy thác niềm tin, gắn bó chính thức với tôn giáo mới; giai đoạn hoàn tất, đoạn tuyệt hẳn với niềm tin cũ, hoàn toàn tin tưởng, gắn bó hoàn toàn với tôn giáo mới về tinh thần và tham gia sâu vào thể chế tôn giáo mới.

Có thể thấy các lý thuyết chuyển đổi tôn giáo của phương Tây nhìn chung có sự tương đồng nhất định với quan điểm lịch sử cụ thể của triết học Mác - Lênin. Thể hiện rõ nhất là lý thuyết của Rambo. Thực chất giai đoạn đầu trong lý thuyết Rambo là nghiên cứu những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tác động đến chuyển đổi tôn giáo. Chuyển đổi tôn giáo chỉ xảy ra trong sự thay đổi của kinh tế, thể chế kinh tế hoặc sự đứt gãy về văn hóa. Quá trình chuyển đổi tôn giáo có thể ngắn, dài khác nhau tùy vào điều kiện cụ thể ở mỗi cộng đồng, sự biến đổi môi trường, kinh tế, chính trị và đời sống văn hóa. Môi trường sống thay đổi có thể dẫn đến sự khủng hoảng, niềm tin tôn giáo của các cá nhân, cụ thể là hình ảnh các vị thần trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của họ. Sự chuyển đổi tôn giáo diễn ra trong bối cảnh kinh tế, chính trị không tĩnh mà là động, nó chỉ diễn ra khi môi trường kinh tế, thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội thay đổi.

Có thể thấy các học giả Âu - Mỹ thường nghiên cứu sự chuyển đổi tôn giáo theo hướng nhân học tôn giáo, dưới chiều kích không gian và thời gian, ở từng cộng đồng cụ thể, chứ không nghiên cứu sự chuyển đổi tôn giáo nói chung. Họ thường có cái nhìn liên ngành đối với sự chuyển đổi tôn giáo. Nhìn chung, họ cho rằng sự chuyển đổi tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức tạp, các nghiên cứu thường chỉ nhấn mạnh ở một khía cạnh nào đó. Đối với họ, nguyên nhân của việc chuyển đổi tôn giáo thường là do sự thay đổi môi trường kinh tế, xã hội, kết hợp với việc thỏa mãn nhu cầu bản thân phản ánh sự thay đổi kinh tế, xã hội, văn hóa và cả tâm lý của con người ở từng thời kỳ lịch sử.

Có thể nhận thấy, không có lý thuyết chuyển đổi nào được coi là đúng và duy nhất cho tất cả, được sử dụng cho mọi trường hợp. Việc xây dựng lý thuyết chuyển đổi tôn giáo phải phù hợp với từng đối tượng nghiên cứu cụ thể.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : NGUYỄN THANH TÙNG

;