Các di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn

Tối 21-4, tại Quảng trường Hùng Vương, Việt Trì, Phú Thọ, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ VHTTDL, đã long trọng tổ chức Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ năm 2023, Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước của UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu và các đại biểu tham dự buổi lễ

Tham dự buổi lễ có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Lãnh đạo Bộ VHTTD, lãnh đạo các Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart; đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.

Về phía đại biểu tỉnh Phú Thọ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ qua các thời kỳ; lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể trực thuộc; và các nghệ nhân đại diện cho 15 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa , góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang khẳng định: Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ, có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, là tổ tiên chung của người Việt. Mọi người dân đất Việt đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng”.

Thờ cúng các Vua Hùng, không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu mong Quốc Tổ, phù hộ cho quốc thái dân an; mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thái bình, thịnh vượng; mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó chính là “sợi chỉ đỏ tâm linh”, là động lực tinh thần, gắn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh của truyền thống lịch sử, dựng nước và giữ nước của cha ông ta.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang phát biểu khai mạc tại buổi Lễ

“Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ về Tổ tông; biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khơi mạch nguồn dân tộc, xây nền độc lập, gìn giữ non sông, bồi đắp bản sắc, ý chí dân tộc con người Việt Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang nhấn mạnh.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại. Qua đó, gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào và góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, 2 di sản văn hóa phi vật thể tại Phú Thọ là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cùng với 13 di sản của cả nước được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã tụ hội về miền đất Tổ. Đây cũng là dịp các nghệ nhân dân gian trình diễn, thực hành, tôn vinh các tinh hoa di sản nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.

Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể lần này đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đây là dịp để chúng ta khẳng định những nỗ lực, cố gắng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Đồng thời, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong quá trình thực hiện Công ước.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang nêu rõ, nhằm thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về du lịch, gắn di sản văn hóa với phát triển du lịch, trong không gian của Lễ hội Đền Hùng năm nay, Bộ VHTTDL và tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức các sự kiện trong Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ.

Cũng trong dịp này, Hội thảo quốc tế về phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cùng chuỗi các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm dấu ấn các vùng miền, trải dài từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh; ở mọi miền đất nước từ Bắc - Trung - Nam để chào đón đồng bào và du khách thập phương về đất Tổ Hùng Vương trải nghiệm và khám phá.

"Việt Nam đã đề cao tầm quan trọng của việc phát huy mọi khía cạnh văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế"

Tại buổi lễ, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart chia sẻ niềm vinh dự được khi tham dự lễ kỷ niệm trọng đại này.

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: Di sản hóa phi vật thể là một phần không thể thiếu trong đời sống con người trên toàn thế giới. Di sản văn hóa phi vật thể có tầm quan trọng cả về mặt xã hội lẫn kinh tế vì nó thúc đẩy sự gắn kết xã hội và giúp mỗi chúng ta cảm nhận được mình là một phần của xã hội.

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart chúc mừng Việt Nam vì lần thứ hai trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

UNESCO rất mừng bởi Chính phủ Việt Nam đã đề cao tầm quan trọng của việc phát huy mọi khía cạnh văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Để di sản sống được, chuyển giao cho các thế hệ sau thì di sản cần được coi trọng và cần được đánh giá đúng. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được các quốc gia thành viên UNESCO thông qua tại kỳ họp của Đại hội đồng vào tháng 11/2003 chính là công cụ thể hiện đầy đủ vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam là quốc gia thành viên đã phê chuẩn công ước chưa đầy hai năm sau đó và hiện đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh.

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng Việt Nam vì lần thứ hai trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam vẫn luôn là một trong những thành viên tích cực nhất của UNESCO, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong bối cảnh phức tạp của cộng đồng quốc tế hiện nay.

“Với thành công này, Việt Nam đang đảm nhận những vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của UNESCO và Việt Nam cũng cho thấy có thể chia sẻ bài học thành công của mình với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa” -Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết.

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa là đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương và cộng đồng các dân tộc thiểu số không chỉ trong thực hành mà còn trong quá trình quản lý và ra quyết định về di sản của họ.

Các nghệ nhân trình diễn Hát Xoan Phú Thọ

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ VHTTDL, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cộng đồng địa phương, các nghệ nhân và tất cả những cá nhân, đơn vị đã đóng góp cho việc ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Các di sản văn hoá Việt Nam góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh của thế giới 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà  vinh dự và vui mừng tham dự khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 đúng vào dịp 10 năm UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhắc lại câu ca dao “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, truyền thống đạo hiếu đó đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, để đến ngày nay, triệu triệu con tim Việt Nam trong và ngoài nước cùng hướng về đất Tổ thiêng liêng, nơi khởi nguồn Tổ quốc để thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Với ý nghĩa đó, cùng với 14 giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể thế giới.

Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”, là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, sẽ mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hàohơn  về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Đặc biệt, lễ hội là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường 20 năm, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các Chương trình hành động về bảo vệ di sản văn hóa thế giới theo tinh thần của Công ước. Các di sản văn hoá Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn; góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh của thế giới.

Giữ gìn, xây dựng, và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, như đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong thông điệp tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến tham quan các không gian trưng bày di sản

Với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa trong cộng đồng hết sức độc đáo trên thế giới.

Các di sản văn hóa này cùng với hệ giá trị đậm đà bản sắc đã được hun đúc, định hình nên hồn cốt Dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Tự hào được kế thừa những di sản văn hóa quý báu từ các thế hệ tiền nhân, chúng ta cũng ý thức được rằng trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc; xây dựng thiết chế văn hoá truyền thống cộng đồng, bởi giá trị văn hóa chỉ trường tồn khi trở thành nét truyền thống, một phần không thể thiếu trong đời sống của xã hội Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, phục dựng và trùng tu các di sản văn hóa; kêu gọi con cháu dòng máu Lạc Hồng trên mọi miền Tổ quốc cũng như đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung tay, góp sức phát huy các giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các di sản phi vật thể khác.

Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Phó Thủ tướng chỉ đạo: cần tập trung hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, thu hút các nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế và nguồn lực trong nhân dân, đưa tài nguyên văn hóa trở thành nguồn lực để phát triển đất nước; nghiên cứu, hoàn thiện hệ giá trị văn hoá quốc gia và con người Việt Nam, phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của người Việt cùng với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thế giới; xây dựng và triển khai Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia để chấn hưng và phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam; thực hiện kiểm kê di sản văn hóa và dữ liệu hóa di sản văn hóa; lập bản đồ di sản trên nền tảng số nhằm bảo tồn các giá trị, di sản văn hóa, phục vụ phát triển cho chuyển đổi số; tiếp tục đầu tư nguồn lực nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội để bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, các di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng của nước nhà; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu cơ bản về văn hóa, cán bộ văn hóa tầm chiến lược, văn hóa nghệ thuật đỉnh cao; chương trình giáo dục văn hóa, nghệ thuật trong nhà trường các cấp.

Trình diễn nghệ thuật Xòe Thái

Phó Thủ tướng đánh giá cao và xin được biểu dương tỉnh Phú Thọ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu; đặc biệt đã cùng với Bộ VHTTDL, UNESCO có sáng kiến kết nối các di sản văn hóa phi vật thể nhân dịp Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ hôm nay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ đảm bảo các điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có không gian sáng tạo, biểu diễn; du khách có thời gian trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong muốn UNESCO, các tổ chức quốc tế và đối tác tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong bảo tồn, công nhận, vinh danh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Di sản văn hóa còn góp phần quan trọng cho việc xây dựng hình ảnh quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, với quyết tâm đưa tinh thần nghị quyết, chỉ đạo của Đảng về văn hóa và cuộc sống, thông qua các hoạt động thiết thực, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa, Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ từ ngày 21/4 đến ngày 28/4/ 2023.

Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, cùng nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp và các lực lượng toàn xã hội, các di sản văn hóa Việt Nam lần lượt được nhận diện giá trị xếp hạng, ghi danh để bảo vệ và phát huy, góp phần duy trì, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, di sản văn hóa còn góp phần quan trọng cho việc xây dựng hình ảnh quốc gia, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, vị thế, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ngày càng được khẳng định rõ nét hơn trên trường quốc tế, góp phần tích cực duy trì sự đa dạng của văn hóa nhân loại...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương: Đây thực sự là ngày hội về nguồn của cả dân tộc, để góp sức chung tay khơi sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Tháng 9/2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trong chặng đường kỷ niệm 20 Công ước, 18 năm tham gia Công ước, 2 lần Việt Nam được bầu là thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2022 - 2026). Điều này đã khẳng định rõ vị thế, vai trò của Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003.

Sau 18 năm tham gia Công ước 2003, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Đặc biệt, điều đáng để chúng ta tự hào - sau những nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị, di sản, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên đề nghị và được Ủy ban liên Chính phủ đồng ý đưa di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đối với di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, "Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa- Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam" đã chính thức được khai mạc. Đây thực sự là "Ngày hội về nguồn" của cả dân tộc, để cùng góp sức, chung tay khơi sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", là hoạt động cụ thể, thiết thực đưa tinh thần Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng về văn hóa vào cuộc sống,  góp phần đảm bảo lợi ích của toàn xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế.

Di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc cung đình Huế

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ 

Thay mặt Lãnh đạo Bộ VHTTDL và Ban Tổ chức, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương lĩnh hội và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trần Hồng Hà và ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của đại diện UNESCO tại Paris và đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trong việc phối hợp xây dựng và xét duyệt Hồ sơ ghi danh đối với các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Cùng tại buổi lễ, diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”,  với sự tham gia của 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng cùng đông đảo nghệ nhân dân gian tại địa phương sở hữu di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, với sự hiện diện của các di sản: Hát Xoan, Xòe Thái, Ca Trù, Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài Chòi, Đờn ca tài Tử Nam Bộ, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên…

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 diễn các hoạt động: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Hội nghị - Hội thảo "Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch"; Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam; Liên hoan Văn hoá ẩm thực đất Tổ...

Dưới đây là một số hình ảnh trong chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”.

 

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

 

 

;