Biến đổi văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc hiện nay

Vùng Đông Bắc nước ta hiện nay có hơn 30 dân tộc sinh sống, hình thành một nền văn hóa đặc sắc và đa dạng. Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nơi đây đã và đang có những biến đổi rõ nét. Điều đó thể hiện qua những giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật, trang phục, ẩm thực…

 

     Lễ hội truyền thống

     Đến với vùng Đông Bắc, chúng ta sẽ được trải nghiệm nhiều lễ hội truyền thống nổi tiếng. Đây là hình thức văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh mang nét đặc trưng riêng của từng dân tộc. Tuy nhiên, cũng có lễ hội mang tính khu vực như: hội hát đình, hội lồng tồng, hội xuân, hội núi (háng pò), hội đầu pháo, hội Nàng Hai, hội Gầu Tào, Sài Sán... Lễ hội vùng Đông Bắc hầu hết đều có lễ. Lễ trước khi hội, cũng có lễ sau khi hội, nhưng đơn giản, do người có am hiểu và uy tín đứng ra thực hiện, không nặng về cầu cúng, mê tín dị đoan. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian, chủ yếu để thanh niên nam, nữ vui chơi.

     Tuy nhiên, các lễ hội ấy nay hầu như không còn mang đậm yếu tố truyền thống. Một số nơi, tổ chức lễ hội nặng về chính trị, ít chú ý đến tính dân gian truyền thống; không có hội, mà chủ yếu lễ. Tại tỉnh Cao Bằng, lễ hội pháo hoa Quảng Uyên đã được khôi phục, được tổ chức vào tháng 2 hằng năm. Tham dự chủ yếu là lớp trẻ, không khí sôi nổi nhưng đã thiếu hẳn đi chất dân gian. Lễ hội nhưng lại không có trò chơi, thanh niên đến lễ hội là để thưởng thức những món ăn mang đậm chất hiện đại như thịt lợn quay, vịt quay… Cũng có nơi biết đưa nội dung mới vào lễ hội truyền thống nhằm phục vụ phát triển sản xuất như hội xuân Ba Bể (Bắc Kạn), có cắm trại và trưng bày những sản vật của địa phương mình. Lại có nơi không tổ chức lễ hội vào đúng ngày truyền thống mà tổ chức vào một ngày mới, dân chưa quen, ít người dự. Thậm chí, có những nơi không tổ chức lễ hội. Thanh niên không còn chơi các chò trơi truyền thống nữa mà ra đường cười đùa tếu táo, thậm chí còn giam mình vào những cuộc chơi cờ bạc, làm mờ nhạt đi giá trị của văn hóa lễ hội truyền thống.

     Âm nhạc dân gian

     Vùng Đông Bắc còn có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Các làn điệu dân ca của cộng đồng dân tộc Đông Bắc mang tính sáng tạo, gắn kết cộng đồng, trở thành nhu cầu hưởng thụ không thể thiếu trong đời sống. Những giá trị này được khơi dậy, duy trì từ đời này qua đời khác, trở thành biểu tượng, dòng chảy tinh túy mang đậm chất văn hóa Đông Bắc. Với điệu hát lượn của người Tày, hai bên nam nữ hát đối đáp về mọi khía cạnh của đời sống xã hội, đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Có nhiều điệu lượn như lượn Sluong, Nàng Hai, Nàng Ới ở Lạng Sơn, Cao Bằng. Bên cạnh đó, người Tày còn có hát then. Nếu then ở Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng, thì then ở Tuyên Quang dồn dập như khúc quân hành, then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một, then Bắc Kạn như chuyện kể thì thầm, then Cao Bằng dìu dặt, tha thiết. Mỗi ca từ của điệu hát then đều được chắt lọc từ lời ăn, tiếng nói trong cuộc sống của người Tày.

     Người Nùng có tiếng sli, mang đậm tính giao duyên, thanh niên thường hát giữa không gian tự nhiên của núi rừng và đất trời. Đặc điểm của sli là hát đối đáp nam nữ. Sli cũng phải có lề, có lối, có thể hát ở hội Lùng tùng, chợ phiên, dọc đường đi.

     Bên cạnh đó, vùng Đông Bắc còn có những điệu múa dân gian rất nổi tiếng. Người Nùng thường múa kỳ lân trong các lễ hội, dịp Tết Nguyên đán. Người Dao có múa khèn, múa ô; người Tày có múa đàn… Nhiều điệu múa uyển chuyển nhịp nhàng, nhiều điệu múa khoẻ khoắn, dứt khoát. Nhạc cụ dân gian như đàn tính, khèn, sáo, nhị, chuông, trống, nhạc xóc, gõ tre nứa, pí lè... tạo nên những âm thanh sôi động, trẻ trung. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên đời sống tinh thần phong phú của các dân tộc vùng cao.

     Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít người biết về những giá trị văn hóa truyền thống, mà say mê âm nhạc hiện đại… Các điệu hát then, hát sli… chỉ được trình diễn trong các dịp lễ hội của dân tộc. Đây là một vấn đề lớn đã và đang được đặt ra đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

     Trang phục truyền thống

     Trang phục của đồng bào các dân tộc Đông Bắc rất đa dạng. Người Tày, Nùng mặc áo chàm, đơn giản nhưng mang chất riêng. Họ không trang trí hoa văn hay thêu thùa gì trên áo quần. Phụ nữ thường mặc năm thân cổ đứng, ống tay rộng, cổ tay được táp thêm một miếng vải khác màu. Họ hầu như không mặc váy, mà mặc quần giống nam giới. Hiện nay, áo chàm không còn làm bằng nguyên liệu tự nhiên của cây chàm mà là vải từ nguyên liệu công nghiệp… Người Dao có trang phục cầu kỳ, nhiều màu sắc hơn: “Áo em thêu chỉ biếc hồng”; “Bắc Kạn đãi cát lấy vàng, có hồ Ba Bể có nàng áo xanh”… Hiện nay, trong các dịp quan trọng, nhiều con em là người dân tộc cũng diện áo tân thời, váy đầm.

     Kiến trúc dân gian

     Nói đến vùng Đông Bắc, nhiều người hình dung ra nếp nhà sàn, bản nhà sàn. Nhà sàn ở khu vực này gắn bó với dân tộc Tày, Nùng từ lâu đời, không chỉ in sâu trong tâm tưởng của đồng bào trong vùng, đó là nét bản sắc văn hóa độc đáo của con người Đông Bắc. Tuy nhiên, hiện nay một số nơi, nhà sàn đã dần được thay bằng nhà đất, nhà xây gạch 2, 3 tầng, nhưng đây đó trong vùng vẫn còn ở nhà sàn. Có nhiều xóm, bản nhà sàn rất đẹp ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) có bản nhà sàn gỗ nghiến. Chúng ta cũng cần đổi mới và cải tiến để phù hợp với điều kiện về tự nhiên, kinh tế và thuận tiện cho sinh hoạt. Ở một số địa phương vùng Đông Bắc vẫn có những công trình văn hóa tâm linh tín ngưỡng, đơn giản về mặt kiến trúc, nhưng có giá trị về mặt tâm linh, có tác dụng cố kết làng bản, dòng họ. Nhưng do thời gian, thời tiết và sự ứng xử của con người với văn hóa truyền thống có nhiều lúc chưa được tôn trọng đúng mức, nên đến nay cơ bản giá trị truyền thống các công trình đó không còn nữa.

     Nghề truyền thống

     Vùng Đông Bắc, nổi bật nhất là nghề dệt thổ cẩm, thêu hoa văn trên vải, dệt vải chàm như ở Cao Bằng (Hòa An, Hà Quảng), Lạng Sơn (Cao Lộc), Hà Giang, Tuyên Quang, nhất là thêu hoa văn trên vải của dân tộc Mông, Dao. Một số nơi có nghề đan lát, chạm khắc trình bày hoa văn làm đồ chơi, lưu niệm khá đẹp. Đồ trang sức của vùng Đông Bắc xưa nay chủ yếu bằng bạc, như vòng tay, vòng chân, vòng cổ, bộ xà tích. Vài nơi làm nghề rèn (Cao Bằng). Tuy nhiên, nghề truyền thống vùng Đông Bắc chưa kịp phát triển thì đã bị lu mờ trước những sản phẩm công nghiệp. Hiện nay, ở Cao Bằng vẫn còn một số nơi làm nghề dệt thổ cẩm, nhưng ít người sử dụng (mặt địu, mặt chăn, túi...), vì thiếu cải tiến mẫu mã và nguyên liệu...

     Văn hóa ẩm thực

     Mỗi dân tộc đều có sự độc đáo trong cách ăn, uống. Có thể cùng một nguyên liệu nhưng khác nhau về cách chế biến và thưởng thức. Người Tày, Nùng thích ăn gà xào gừng, nấu nghệ. Các dân tộc ở Đông Bắc có thịt khô xào chua ngọt, trong khi đó ở Tây Bắc lại tẩm, ướp, sấy khô, khi ăn nướng vùi tro cho nóng và xé ra. Món lạp sườn của người Đông Bắc thật tuyệt vời, vừa tươi thịt vừa thơm gia vị núi rừng. Từ gạo nếp, đồng bào ở vùng Đông Bắc làm ra nhiều loại bánh, đối với người Tày, Nùng, Tết tháng Giêng có bánh chưng tròn, món khẩu sli và pẻng khô; tháng 3 có bánh ngải, xôi nghệ, xôi trứng kiến; tháng 5 có bánh gio chấm mật mía tháng 6 có xôi cẩm, xôi lá gừng; tháng 7 có pẻng tải; tháng 8 có xôi trám đen vừa béo vừa thơm mà không ngấy; món cơm lam thì đồng bào có thể dùng quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa có cây tre non. Ngày nay, du khách đến Cao Bằng, Lạng Sơn không ai lại không muốn thưởng thức món vịt chao, lợn quay cùng lá mác mật…

     Những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc đã nuôi dưỡng vô tận đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc. Đó là nền tảng bền vững của bản sắc dân tộc, là động lực nội sinh để phát triển địa phương, phát triển đất nước. Thời gian qua, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đã được bảo tồn, phát huy, tạo sức lan tỏa và khẳng định giá trị trong đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được quảng bá rộng khắp ở trong và ngoài nước, được cộng đồng đón nhận và tôn vinh. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã và đang biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, một bộ phận văn hóa truyền thống đang dần bị lãng quên, biến dạng, bản sắc dân tộc dần mai một.

     Để phát huy những biến đổi tích cực, hạn chế những biến đổi tiêu cực, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc, cần thực hiện đồng thời một số giải pháp:

     Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số trong vùng. Từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác. Đặc biệt, cần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học cho các đối tượng, làm cho thế hệ trẻ hiểu và từng bước thấm nhuần bản sắc văn hóa của quê hương mình. Chỉ có như vậy cốt cách dân tộc, lòng tự tôn dân tộc mới luôn giữ vai trò hạt nhân trong quá trình toàn cầu hóa. Đây là một quá trình cần được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, trong đó có giáo dục và tự giáo dục tại các địa phương trong toàn vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố cấu thành văn hóa biến đổi theo chiều hướng tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

     Hai là, tăng cường nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Cần đầu tư nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và sâu sắc các giá trị văn hóa. Trên cơ sở đó để xây dựng chiến lược bảo tồn, phát huy và phát triển phù hợp hơn. Tập trung đầu tư khôi phục, tái hiện những lễ hội truyền thống vừa bảo đảm sắc thái dân gian, cốt cách dân tộc, vừa chứa đựng những yếu tố hiện đại. Chú trọng lồng ghép, cải biến những giá trị văn hóa truyền thống trong các sinh hoạt cộng đồng; phát huy vai trò của những hạt nhân văn hóa, văn nghệ trong giữ gìn, phổ biến, nhân rộng các giá trị văn hóa tốt đẹp.

     Ba là, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số. Cần thúc đẩy, nâng cao nội lực các yếu tố văn hóa của vùng, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các chương trình cụ thể. Có chính sách, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa thật bài bản, chuyên nghiệp, với chiến lược, lộ trình để tạo nên hiệu quả lâu dài cho sự phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng tính chuyên nghiệp đối với truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa vùng Đông Bắc ở trong nước và quốc tế. Các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần xác định giao lưu văn hóa là một trong những trụ cột của hội nhập, nên có quy định, cơ chế, chính sách chủ động mở rộng giao lưu văn hóa, đa dạng hóa nội dung, hình thức, quy mô giao lưu văn hóa. Kết hợp giữa xâychống trong quá trình đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện văn hóa ngoại lai hoặc phục hồi một các máy móc văn hóa truyền thống không còn phù hợp.

 

Tác giả: Nguyễn Huy Phụng - Trần Ngọc Ngân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

;