Theo tâm thái tự nhiên thì động tác vỗ tay có nguyên nhân xuất phát từ sự phấn chấn tức thời về mặt tâm lý của con người do tác động của ngoại cảnh như: Vỗ tay hoan hô một sáng kiến táo bạo bất ngờ nào được ai đó đề xuất; vỗ tay tán thưởng một nghệ sĩ nào vừa trình bày xuất sắc một tác phẩm nghệ thuật; vỗ tay cổ súy cho vận động viên có hành động đẹp bất ngờ trong hoạt động thể thao; vỗ tay chào mừng sự xuất hiện của một vị khách quý mà lâu nay mọi người vẫn ngưỡng mộ về đức độ và tài năng... Đó là những tràng pháo tay được diễn ra hoàn toàn tự nguyện do một hoặc nhiều người cùng cảm thấy phấn khích và đồng loạt hưởng ứng một cách nhiệt tình.
Thực tế hiện nay, khi mà hoạt động của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội của ta hiện có nhiều dạng sinh hoạt tập thể như: giao ban, hội báo, hội nghị, hội thảo, liên hoan, diễn đàn (sau đây gọi chung là họp) thì chuyện vỗ tay cũng góp phần tạo không khí sôi động cho cuộc họp hoặc ngược lại có khi “hành hạ” những người dự họp!.
Mong muốn chung của người được phân công làm công tác tổ chức các sự kiện họp là không khí của cuộc họp phải thật rôm rả, hoành tráng. Do đó, chuyện vỗ tay cũng được chú ý cẩn thận mở “ngoặc đơn ngoặc kép” trong chương trình họp và như thế, cuộc họp có nhiều quan khách cấp trên dự thì các cử tọa cũng phải vỗ tay “mệt nghỉ” theo đề nghị hết sức “tế nhị” của người làm công tác tổ chức. Cho nên, thường xảy ra tình trạng vài ba cán bộ cấp trên được giới thiệu đầu tiên thì được cử tọa “cho một tràng pháo tay tay để hoan nghênh” theo gợi ý trước cho không khí rôm rả, còn những đại biểu được giới thiệu càng về sau thì nhận được những tràng vỗ tay lấy lệ, nên tiếng vỗ tay lẹt đẹt mang tính bắt buộc trông chẳng ra làm sao, vô hình trung lại làm cho không khí cuộc họp kém nghiêm túc.
Vốn được dự nhiều cuộc họp ở một số ban, ngành, đoàn thể ở nhiều địa phương, tôi nghiệm ra rằng: ở cuộc họp nào mà người làm công tác tổ chức không làm tốt khâu giới thiệu đại biểu theo hướng vừa gọn vừa đầy đủ thì chuyện vỗ tay lấy lệ sẽ không tránh khỏi. Những đại biểu được giới thiệu sau cũng khó tránh chuyện “bẽ mặt” do cử tọa hết muốn vỗ tay!Tôi cũng từng chứng kiến nhiều cuộc họp mà người làm công tác tổ chức “ép” cử tọa vỗ tay, hễ giới thiệu đại biểu nào dự họp là đề nghị “quý vị đại biểu” cho tràng pháo tay hoan nghênh, trông rất là… xin xỏ!.
Chuyện tuy không lớn, nhưng nó lại là cái “mở đầu” cho không khí của cuộc họp. Qua đó, cũng phần nào đánh giá được năng lực điều hành hoạt động của một sự kiện. Rõ ràng, và cũng là một nét văn hóa ứng xử, vậy nên chuyện vỗ tay cũng đáng bàn lắm chứ!
Tác giả: Mai Mộng Tưởng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020