“Hạnh phúc là cống hiến”

“Hạnh phúc là cống hiến”, đó không chỉ là một thông điệp mà còn là một phương châm sống của Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hiếu Nhân. Quý trọng tấm lòng của ông, nhiều người sau khi được ông chữa bệnh miễn phí đã đặt tên cho con của mình là Hiếu Nhân.

Bác sĩ “đa năng”

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế, nhưng bác sĩ Hiếu Nhân lại tình nguyện đi vùng sâu, vùng xa và nhận nhiệm vụ tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) từ năm 1984, rồi ở lại đây cho đến nay. Bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân được biết đến không chỉ vì ông “mát tay” trong khám - chữa bệnh mà còn là một  nhà quản lý tài năng.

Năm 2005, được tín nhiệm phân công giữ chức Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông, bác sĩ Hiếu Nhân đã cùng các cộng sự xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông đạt chuẩn y tế cấp quốc gia. Các khoa được trang bị đầy đủ y cụ, giường bệnh, quạt máy, khu vệ sinh, hệ thống cung cấp nước sạch, lò đốt chất thải rắn… Đáng chú ý là nhiều trang thiết bị y tế hiện đại đã được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh cho người dân. Bác sĩ Hiếu Nhân phấn khởi bày tỏ: “Việc nối mạng hệ thống máy vi tính đã giúp việc khám - chữa bệnh được tốt hơn. Các bác sĩ trực tiếp khám bệnh không phải viết toa thuốc bằng tay như trước mà chỉ thao tác trên máy tính, vừa tiết kiệm thời gian - vừa giúp bệnh nhân xem toa thuốc dễ dàng, khám bệnh nhanh, công bằng, trật tự, không bị đọng bệnh nhân; việc làm của y bác sĩ nhờ đó cũng công khai, minh bạch hơn; giúp bác sĩ theo dõi chặt chẽ, chính xác ngày, giờ khám bệnh, số thuốc đã phát cho bệnh nhân”.

Chưa bằng lòng với những gì đã có, bác sĩ Hiếu Nhân còn kêu gọi được tài trợ để xây dựng công trình nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh đang nằm điều trị nội trú  có nơi ở, sinh hoạt thoải mái giúp chăm sóc người bệnh được thuận tiện hơn. Khu nhà nghỉ này có 7 phòng lớn, nhỏ, với  trên 30 giường; các phòng được trang bị đầy đủ máy điều hòa, quạt máy, khu vệ sinh giúp thân nhân người bệnh đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông. Hơn thế nữa, bác sĩ Hiếu Nhân còn xuất tiền cá nhân để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và trực tiếp đến nhà người bệnh nghèo khám, chữa bệnh miễn phí, tổ chức nhiều đợt cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện xuống tận vùng sâu,vùng xa trong huyện khám bệnh, phát thuốc, điều trị miễn phí, tặng quà cho bệnh nhân nghèo… Đã nhiều năm, bác sĩ Hiếu Nhân thường xuyên xuất tiền cá nhân và vận động các Mạnh Thường Quân đóng góp tài trợ cả chục tỷ đồng để khám bệnh, phát thuốc, giúp đỡ phẫu thuật tim, mổ cườm mắt miễn phí cho người nghèo, cấp xe lăn, xe lắc cho người tàn tật trong huyện.

Bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân tặng và hướng dẫn người dân đeo khẩu trang y tế đúng cách

 

Hạnh phúc là cống hiến

Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hiếu Nhân là bác sĩ đầu tiên được phân công làm việc tại huyện vùng sâu này và gắn bó luôn với người dân nơi đây. Ông không quên những chuyến khám bệnh ở cơ sở phải đi bằng xe cộ trâu băng qua những cánh đồng lầy lội hay bằng xuồng ba lá luồn lách qua các tuyến kênh rạch ngoằn ngoèo, những ca cấp cứu thủng ruột do thương hàn, vỡ lách, vỡ bàng quang, áp - xe gan, thai ngoài tử cung… tưởng chừng không thể giải quyết được trong hoàn cảnh, điều kiện y tế còn nhiều thiếu thốn. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, ông và các cộng sự đã  nhiều lần cứu chữa kịp thời, giúp nhiều người bệnh vượt qua cơn thập tử nhất sinh… Bác sĩ Hiếu Nhân còn nhớ như in trường hợp của một cháu bé mới 6 tháng tuổi bị lồng ruột và đang hôn mê, khó thể chữa trị trong điều kiện thiếu thốn lúc bấy giờ. Ông quyết định chuyển cháu lên tuyến trên. Mọi thứ đã sẵn sàng thì cha cháu bé buồn bã van xin: “Con tôi chuyển lên trên sẽ được cứu, nhưng nếu tôi đi thì 9 đứa con tôi ở nhà không có ai lo và sẽ bị chết đói!” Trong cơn nguy kịch đó, ông quyết định xin lãnh đạo cho phép thực hiện phẫu thuật ngay tại chỗ. Đêm ấy, ca mổ được thực hiện dưới ngọn đèn bình ắc -quy mượn của người đi soi ếch. Vậy mà ca mổ thành công. Đứa bé bây giờ đã ở tuổi trung niên, khỏe mạnh, gọi ông là ba Nhân.

Với những thành tích như vậy, bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng III, danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”; Bộ Y tế tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua của ngành; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; UBND tỉnh Đồng Tháp, Sở Y tế tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cùng nhiều Bằng khen về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bây giờ khi đã về hưu, bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân vẫn mang tấm lòng thiện nguyện, vận động các Mạnh Thường Quân, tìm đến những bà con nghèo khó để làm các ông việc có ích. Đây cũng chính là hạnh phúc mà người thầy thuốc của nhân dân đặt ra làm đích đến của cuộc đời mình. Với chiếc xe gắn máy hiệu Future cùng chiếc máy ảnh… bác sĩ Hiếu Nhân thường xuyên rong ruổi trên các nẻo đường quê, cánh đồng lúa, vạt rừng tràm, triền đê, dòng kênh… gặp gỡ những nông dân, trẻ em, cụ già, nhà sư… để ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống thường ngày. Bác sĩ Hiếu Nhân còn dùng tiền lương hưu hằng tháng của mình để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ… Ông xem đó là niềm vui và hạnh phúc của bản thân mình. Mới đây, ông còn mua cả nghìn chiếc khẩu trang y tế phát tặng miễn phí và trực tiếp hướng dẫn mọi người đeo khẩu trang đúng cách để phòng ngừa Virus Corona.

Bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân tặng quà cho bà con nghèo

 

Khi được hỏi: “Vì sao ông lại chọn huyện Tam Nông - trung tâm vùng Đồng Tháp Mười để sinh sống và làm việc ?”, bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân trả lời rất chân thành: “Thật sự tới giờ phút này, tôi cũng không hiểu sao lại chọn Tam Nông là quê hương thứ 2. Khi tôi về xin việc ở Đồng Tháp thì chú Hai Sơn - Giám đốc Sở lúc đó là đại biểu Quốc hội đã hứa với dân Tam Nông là sẽ đưa bác sĩ về. Khi tôi về, chú Hai Sơn mới nói với tôi là sẽ đưa tôi về đây trong vòng 1 năm trước khi quay lại tỉnh. Và đúng sau 1 năm , chú Hai Sơn về lại đây thực hiện lời hứa thì tôi lại không về nữa. Thời điểm đó,  năm 1985, Tam Nông vẫn còn cực khổ, nhưng tôi nhận ra một điều là mọi người cần mình. Nếu không có mình thì chắc chắn bệnh nhân chết còn ở thành phố Cao Lãnh thì không có mình bệnh nhân chưa chắc đã làm sao bởi nơi ấy có quá nhiều bác sĩ.

Thứ hai là có những hình ảnh tôi rất xúc động, tôi thường kể với bạn bè tôi nghe: “Tao làm dưới đó không có phong bì, nhưng mà tao lại có những tình cảm của người dân; ví dụ như là buổi chiều tôi mổ 1 em bé bị ruột thừa. Cái cuộc mổ đó nó tốt đẹp, tối tôi về tôi ngủ rất là sướng. Đến 12 giờ đêm cửa nhà tôi đập kêu bác sĩ, bác sĩ… Tôi giật mình không biết có chuyện gì xảy ra ở Bệnh viện hay chăng hay có 1 trường hợp nào đang gặp khó khăn họ tới nhà mình (?). Tôi ra mở cửa, gặp chính cha của đứa bé đó… Tôi hỏi anh cần gì ? Dạ, tôi chính là cha của đứa bé mà bác mới mổ hồi tối. Nó mổ xong rồi tôi thấy yên rồi tôi gửi cho những người gần bên cho họ coi giùm, còn tui phải đi soi cá để tui còn nuôi mấy đứa ở nhà. Và đây con cá lớn nhất mà tui mới soi được tặng bác sĩ. 12 giờ đêm, 1 người tới tặng 1 con cá, bởi vì họ thấy rằng là mình làm được cho họ một cái điều mà họ đang mơ ước là được chữa bệnh ở tại gần nhà để họ có thể mưu sinh. Tôi nghĩ có những hình ảnh mà tôi không thể nào tôi quên. Đến khi chú Hai Sơn về nói là “có đi nữa không, có lên tỉnh nữa không ?, tôi trả lời: Thôi, con xin phép con ở đây, đến khi nào muốn đi, có thể con về Cao Lãnh xin chú, còn đi chỗ nào thì tính sau. Và tôi cũng không ngờ những công việc đã cuốn hút đến khi tôi về hưu”. 

 

Tác giả: Trần Trọng Trung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

;