Đó là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Và nội dung này đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh triển khai một cách đồng bộ, toàn diện trong thời gian qua góp phần hình thành nên diện mạo mới của Lai Châu.
Thực trạng khó khăn...
Lai Châu là tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, dân cư sống không tập trung, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về văn hóa nói chung còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh có địa bàn rộng, với 20 dân tộc cùng sinh sống, phong tục tập quán đa dạng... Đó vừa là sự thuận lợi song cũng trầm tích những khó khăn trong việc quản lý, định hướng, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa. Chưa nói đến thời gian qua, một số kẻ xấu vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, nhân quyền, tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước. Một bộ phận đồng bào do trình độ nhận thức hạn chế đã bị chúng lợi dụng, lôi kéo gây mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ các dân tộc.
Những cách làm đột phá mới
Thực hiện nội dung Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “phải tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch; công tác tư tưởng; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình... nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Để các nội dung của nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp các ngành tham mưu thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể với nhiều giải pháp và các chỉ tiêu chủ yếu như: số hộ được công nhận gia đình văn hóa, số bản khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, số đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên; số quy ước, hương ước được xây dựng và áp dụng thực hiện ở địa bàn dân cư; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, cũng như các giải thi đấu thể thao...
Đội kèn Pí Kẻo dân tộc Giấy bản San Thàng 1 xã San Thàng thường xuyên tổ chức luyện tập, giao lưu, biểu diễn
“Đặc biệt để cho môi trường văn hóa thực sự lành mạnh, phong phú... ngoài việc thường xuyên đa dạng các hình thức tuyên truyền (trong đó chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới) thì các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của từng dòng họ, tộc người cũng được chú trọng bảo tồn thông qua từng chương trình dự án cụ thể. Việc bảo tồn không chỉ thực hiện qua sưu tầm, thu âm, băng, đĩa hình, sách... mà còn được phục dựng nguyên gốc phong tục, tập quán, lễ hội đó ngay tại mỗi làng bản, cộng đồng dân cư - bà Tẩn Thị Quế, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu chia sẻ.
Cần phải nói thêm là mỗi huyện, thành phố ở Lai Châu đều có những cách làm riêng, hiệu quả. Nếu như huyện Tân Uyên xác định việc xây dựng phát triển văn hóa con người đi đôi xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thì huyện biên giới Mường Tè lựa chọn việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với giữ vững biên cương; thành phố Lai Châu đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị...
... và môi trường văn hóa lành mạnh được hình thành trong cộng đồng
“Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người Si La chúng tôi ngày càng no ấm, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang đã được loại bỏ, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được quan tâm, bảo tồn, phát huy như: lễ hội mừng cơm mới; những làn điệu dân ca, dân vũ đang ngày càng nhận được sự quan tâm của thế hệ trẻ và không thể thiếu được trong các dịp lễ tết, ngày hội của bản” - bà Hù Cố Xuân nghệ nhân dân gian dân tộc Si La xã Can Hồ (Mường Tè) cho biết.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 82,5% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 78,2% bản, khu phố, 95,3% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 149.263 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 21.750 dòng họ được bầu chọn “Dòng họ học tập”, 3.303 thôn, bản đạt “Cộng đồng học tập”. Trong đó tiêu biểu phải kể đến dòng họ Vương (dân tộc Thái) ở phường Đoàn Kết thành phố Lai Châu; dòng họ Tống ở xã Mường Tè (Mường Tè); dòng họ Mùa ở thị trấn Sìn Hồ (Sìn Hồ)... Các gia đình thuộc các dòng họ đều tích cực thi đua phấn đấu trong học tập, công tác, lao động sản xuất và có những đóng góp tích cực trong công tác khuyến học khuyến tài ở địa phương.
Một góc huyện biên giới Mường Tè hôm nay
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, bà Mai Thị Hồng Sim chia sẻ: “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng lớn thu hút mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện cùng tham gia. Các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc nếp sống văn hoá nơi công sở, các đơn vị thuộc lực lượng Công an thì thực hiện Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ; các Đồn, Trạm Biên phòng thì gắn với xây dựng điểm sáng văn hoá nơi biên giới. Ở các trường học, môi trường văn hoá lành mạnh được thể hiện rõ nét qua Cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực, phong cách giao tiếp ứng xử giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau”.
Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các xã, bản diễn ra thường xuyên
Chưa hết, nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc được khôi phục gìn giữ và tổ chức hàng năm với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Thông qua lễ hội, người dân đã được thoả mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, đồng thời tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng thông qua từng trò chơi dân gian, những bài hát, điệu múa cũng như những môn thể thao truyền thống của mỗi tộc người. Điều đặc biệt hơn cả là từ việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhiều bản làng của đồng bào các dân tộc đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm những bản sắc văn hóa thông qua những bộ trang phục truyền thống, những nếp nhà sàn, cách xe lanh dệt vải; thưởng thức các món ẩm thực truyền thống như: sôi nếp nương, cá bống vùi tro, thịt hun khói, rượu thóc... Trong số 11 điểm du lịch cộng đồng với 30 hộ kinh doanh dịch vụ homestay tiêu biểu ấy không thể không nhắc đến bản San Thàng 1 (dân tộc Giấy) xã San Thàng thành phố Lai Châu; Điểm du lịch Đồi Thông của người Mông xã Tả Lèng, bản người Dao Sì Thâu Chải xã Hồ Thầu (Tam Đường); bản người Thái Vàng Pheo xã Mường So, bản người Mông, Sin Súi Hồ xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ)... Tính trong khoảng thời gian 2017 - 2019, tổng lượng khách đến Lai Châu đạt 350 nghìn lượt, doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng.
Nhìn chung, mỗi gia đình, thôn bản, thậm chí là mỗi cơ quan, đơn vị đều có những cách làm mới, sáng tạo để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Và chính những cách làm thiết thực, cụ thể ấy đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nên một môi trường văn hóa lành mạnh giầu bản sắc cho Lai Châu hôm nay. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch, đồng thời tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế, đưa Lai Châu vững bức trên còn đường phát triển và hội nhập.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020