Người ta coi phim hoạt hình là một dòng phim riêng biệt với cách thể hiện riêng. Về hình thức, phim hoạt hình là nghệ thuật của những hình nét chuyển động; về bản chất, gắn bó mật thiết với nghệ thuật tạo hình (1). Vì hoạt hình gắn bó nhiều với nghệ thuật tạo hình nên về hình thức sẽ có những ảnh hưởng từ nghệ thuật tạo hình của tranh dân gian như các dòng tranh cổ Việt Nam (tranh Đông Hồ, Hàng Trống...). Còn về nội dung, các bộ phim khai thác khá đa dạng và phong phú những nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ cách ứng xử, sinh hoạt, phản ánh những quan niệm đạo đức, quan niệm sống, ca ngợi lòng yêu nước và sự hướng thiện, tinh thần bất khuất, luôn vươn lên trong mọi khó khăn, gian khổ, khả năng chinh phục thiên nhiên... Trong cách thể hiện của phim hoạt hình, những yếu tố hư và thực luôn đan xen, kết hợp với nhau tạo nên một phong cách riêng. Chính những đặc điểm nghệ thuật vốn có ấy đã đưa phim hoạt hình gắn bó mật thiết với sáng tác dân gian trong đó quan trọng nhất là văn học, nghệ thuật tạo hình và sân khấu dân gian (2).
Lịch sử Việt Nam có hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, là một nguồn tư liệu khổng lồ để các nhà làm phim nói chung và các nhà làm phim hoạt hình nói riêng khai thác, đưa lên màn ảnh các tác phẩm nghệ thuật phục vụ khán giả. Những bộ phim hoạt hình được các nhà làm phim chuyển thể từ nhiều dạng văn học khác nhau giúp cho nhiều lớp khán giả hiểu biết sâu sắc và sinh động hơn những gì cha ông chúng ta đã trải qua trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Bộ phim Âu Cơ - Lạc Long Quân (1980) do các đạo diễn Nghiêm Dung, Mai Long thực hiện đã thể hiện khá tinh tế truyền thuyết Con rồng cháu tiên của dân tộc Việt. Từ câu chuyện mang màu sắc huyền thoại về nguồn gốc của giống nòi được sinh ra từ cái bọc trăm trứng, đạo diễn đã diễn tả được hình tượng người Việt cổ đầu đội trời chân đạp đất, hiên ngang, dũng mãnh làm chủ cuộc sống thủa hồng hoang. Những bối cảnh phim lãng tử lung linh mờ ảo như tranh lụa gợi nên bức tranh đất nước Việt xa xưa quyến rũ và tươi đẹp. Và cái triết lý mang tinh thần Á đông thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn được đạo diễn khai thác triệt để, hiệu quả, tạo nên nhiều hình ảnh đẹp, hư ảo đầy vẻ hoang đường mà vẫn chân thật, sát thực với văn hóa tinh thần của dân tộc (3).
Mặc dù đất nước ta là vùng mưa thuận gió hòa, rừng vàng biển bạc nhưng trên thực tế những truyền thuyết như Sơn tinh, Thủy tinh… có trong kho tàng văn học cổ cho ta thấy ông cha ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn mà thiên nhiên mang lại, cũng như cách thức mà người dân Việt chinh phục thiên nhiên ra sao. Với cách tìm về vốn nghệ thuật cổ đại, dựa theo phong cách tạo hình của văn hóa Đông Sơn nổi tiếng khai thác những hình nét trang trí, những đồ án hoa văn tạo nên nhân vật và bối cảnh của thời xa xưa (4), đạo diễn Trương Qua đã tạo nên phim hoạt hình Sơn tinh, Thủy tinh (1972) mang tính cách điệu, ẩn dụ nhưng sinh động và chân thực về cuộc sống của ông cha thời mở nước. Cho đến nay bộ phim vẫn giữ nguyên tính thời sự khi mà những thảm họa thiên nhiên luôn rình rập và sự biến đổi khí hậu cũng như sự vô tâm của con người đã khiến thế giới đối diện với lũ lụt, cháy rừng, sóng thần, động đất...
Bên cạnh cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên, người Việt Nam không ngừng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, viết nên trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam đã đưa lên màn ảnh nhiều truyền thuyết lịch sử chống giặc ngoại xâm: Thánh Gióng, An Dương Vương - Mỵ Châu Trọng Thủy... trong đó điển hình là phim hoạt họa Chuyện ông Gióng (1970). Thông qua hình tượng của nhân vật mang tính thần thoại, đạo diễn Ngô Mạnh Lân đã thực hiện bộ phim hoạt hình ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, đức hy sinh, ý chí và sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, qua cách thể hiện dung dị lối trang phục dân gian truyền thống, màu sắc nền nã ngả về màu nóng đã tạo nên những hình ảnh tạo hình hài hòa và trang trọng, đằm thắm mà bay bổng (5) của bộ phim. Ngoài những bộ phim trên, còn có một số bộ phim hoạt hình khác lấy đề tài dựng nước và giữ nước để lại dấu ấn như: Yết Kiêu (1975) của đạo diễn Hoàng Thái nói về nhân vật lịch sử kỳ tài Yết Kiêu, Ông trạng thả diều (1977) đạo diễn Đinh Trang Nguyên nói về nhân vật lịch sử là Trạng nguyên Nguyễn Hiền... và gần đây nhất là bộ phim truyện hoạt hình đầu tiên của Việt Nam dài 90 phút làm bằng công nghệ 3D Người con của Rồng (2010) của đạo diễn Nguyễn Minh Trí (Hãng Phim Truyền hình) nói về thời niên thiếu của vua Lý Thái Tổ; và bộ phim hoạt hình đoạt giải Bông sen vàng Cậu bé cờ lau của đạo diễn Phùng Văn Hà (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), nói về thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh. Các bộ phim 3D mới này cho thấy những cố gắng bứt phá của một thế hệ mới đạo diễn phim hoạt hình Việt Nam. Với những tính cách đặc trưng của người Việt như: yêu nước, hiếu học, trượng nghĩa, hình ảnh bắt mắt của phong cảnh làng quê, cách tạo hình nhân vật giống với hình ảnh của những chú tễu trong rối nước truyền thống và rất tinh tế trong cách lồng ghép các yếu tố văn hóa thuần Việt xuyên suốt bộ phim qua các bài hát đồng dao, làn điệu dân ca, tiếng trống đặc trưng của các trò chơi dân gian (6)… khiến người xem yêu thích.
Mảng đề tài liên quan đến văn hóa ứng xử và nền tảng đạo đức được xây dựng và kết tinh từ hàng ngàn năm của người Việt như: coi trọng tình làng nghĩa xóm, sống thiên về tình cảm hơn lý trí, có những quan niệm rõ ràng về cái thiện và cái ác… cũng được các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam nghiên cứu và thể hiện rất tốt qua nhiều tác phẩm như: Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Trê cóc... Cách tạo hình các nhân vật trong phim được các họa sĩ thể hiện sinh động từ vẻ mặt, cử chỉ đến dáng dấp, toát lên được thần thái từng nhân vật chỉ bằng vài nét bút đôi khi khá đơn giản.
Vì phần lớn phim hoạt hình làm cho đối tượng là trẻ em nên số lượng các bộ phim mang tính giáo dục đạo đức khá nhiều. Từ những bộ phim hoạt họa của các đạo diễn gạo cội trong làng điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu như như Mèo con (1965 - đạo diễn Ngô Mạnh Lân), Dế mèn phiêu lưu ký (1980 - đạo diễn Trương Qua), Giai điệu (1982 - đạo diễn Đặng Hiền), Ông tướng canh đền (1993 - đạo diễn Minh Trí)... cho đến các bộ phim hoạt hình thời kỳ mới của lứa đạo diễn trẻ hiện nay đều có nội dung mang tính giáo dục nhân sinh quan và giá trị đạo đức Việt Nam. Tuy nhiên ngoài một số ít phim hay, nhiều phim vẫn làm theo một khuôn mẫu cứng nhắc, không phóng khoáng, thiếu sự hài hước, chân thật. Một loạt các bộ phim hoạt hình gần đây có hình thức khá bắt mắt, màu sắc rực rỡ, cách tạo hình hiệu quả nhưng vẫn mang yếu điểm về kịch bản và cốt truyện làm giảm tính hấp dẫn về nội dung. Trong thời gian gần đây, một trong những bộ phim hoạt họa 3D được coi hot trên mạng là Dưới bóng cây của đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn do Hãng phim Colory Animation Studio sản xuất năm 2013 đạt gần hai triệu lượt truy cập. Bộ phim có sự tạo hình nhân vật 3D tốt, với hình thức thể hiện sinh động và màu sắc tươi sáng. Các nhân vật trong phim được tác giả khắc họa với tính cách riêng: chuột hay khoe khoang nhưng nhát gan, hay do dự; ếch dễ tin người nhưng can đảm, tốt bụng; cua thì ba phải và ích kỷ; rắn hung dữ và độc ác... Vì là phim cho trẻ em nên các tác giả xây dựng hình ảnh các nhân vật khá phù hợp với tư duy trẻ em. Tuy nhiên các nhân vật không thực sự sắc nét và không có sự tương tác phù hợp, thiếu đi nét vui tươi, hài hước làm mất đi phần nào sức lôi cuốn của câu chuyện phim. Mục tiêu giúp khán giả tự cảm nhận nội dung phim và rút ra bài học vì thế chưa đạt. Phim có ưu điểm là lời thoại ngắn gọn và vừa phải, nhạc nền và tiếng động được chọn lựa kỹ càng, phù hợp ngữ cảnh. Bên cạnh đó, những nét chấm phá trong tính cách nhân vật là người phương nam được thể hiện rõ nét qua lời thoại với giọng nói âm sắc vùng miền cũng tạo nên ưu điểm cho phim. Riêng cốt truyện phim nếu được xử lý một cách hợp lý, cô động và với nhịp điệu nhanh hơn, bộ phim sẽ đạt tới thành công về cả hai mặt hình thức và nội dung.
Một điểm nữa cũng cần bàn là với công nghệ 3D và vô số các phần mềm hiệu quả cũng như các trang thiết bị hiện đại được sử dụng để làm phim hoạt hình hiện nay, việc tạo hình nhân vật và bối cảnh mang các đặc điểm riêng đậm bản sắc dân tộc lại phụ thuộc vào khả năng của các họa sĩ tạo hình phim rất nhiều. Bởi một số các bộ phim 3D hiện nay thường có hình thức thể hiện nhân vật hay phong cảnh khá giống nhau, đôi khi có cảm giác là chúng ra từ cùng một lò, mà thiếu đi sự đặc sắc riêng. Trong một bài báo phê bình cách tạo hình bộ phim 3D Cậu bé cờ lau nhiều ý kiến cho rằng tạo hình quá xấu và “các chú nhóc trong truyện đều có hình hài khá kỳ dị với môi đỏ, má hồng, bụng ỏng...”(7). Tuy nhiên, về phương diện nào đó chính cách tạo hình mang dáng dấp hơi giống chú Tễu trong rối nước truyền thống như thế mới tạo nên phong cách riêng của các nhân vật trong phim, khiến nhân vật phim không giống bất cứ nhân vật phim hoạt hình 3D nào khác. Vì thế, việc ứng dụng phần mềm và trang thiết bị 3D vào làm phim chỉ là công cụ thực hiện, còn phong cách và tài năng tạo hình riêng của từng họa sĩ, đạo diễn mới là yếu tố chính tạo nên bản sắc riêng của bộ phim.
Thêm một điều đáng suy nghĩ là nếu như các nhà làm phim hoạt hình phải làm một bộ phim hoàn toàn hiện đại, không dựa theo những câu chuyện cổ tích hay lịch sử đặc trưng của Việt Nam; không có những tạo hình mang nặng tính dân tộc; thậm chí yêu cầu một phương pháp tạo hình hiện đại, thực tế, không sử dụng những thủ pháp biểu hiện của nghệ thuật tạo hình dân gian, thì cần phải làm gì để người xem vẫn nhận biết đó là phim của Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta nên tham khảo cách Nhật Bản đang làm với phim hoạt hình của họ. Có thể Nhật Bản đã rất may mắn khi sản sinh ra manga và anime của riêng họ với các tạo hình vô cùng đặc trưng và độc đáo. Nhưng có lẽ văn hóa Nhật lại thể hiện đặc sắc và đậm đà nhất ở những chi tiết tưởng như nhỏ xíu nhưng lại vô cùng đáng giá trong những bộ phim của họ. Ví như trong phim Totoro của Studio Ghibli, chỉ một chi tiết vô cùng nhỏ có thể hoàn toàn bị bỏ qua như cảnh cô bé đi bằng đầu gối trong ngôi nhà mới, đã khắc họa được văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Người Nhật vốn có truyền thống cởi dép khi vào nhà, nên khi quá hào hứng với quả hạt dẻ nhìn thấy trong nhà, cô bé Satsuki đã vội vàng gập chân và đi bằng đầu gối vì cô không muốn mất thời gian cởi giày... Quay trở lại với những bộ phim hoạt hình Việt Nam gần đây, nếu tắt bỏ âm nhạc hoặc lời thoại, một số bộ phim như Dưới bóng cây, Cậu bé bong bóng… sẽ không thể biết được là của nước nào và mang văn hóa gì. Đây có lẽ là điều các nhà làm phim Việt Nam nên để tâm đến nhiều hơn để có một bộ phim thực sự mang tính cách Việt.
Bài viết này chỉ đưa ra một vài nét chấm phá về việc các nhà làm phim hoạt hình khai thác bản sắc văn hóa dân tộc Việt vào dòng phim hoạt hình. Có lẽ chính nền tảng văn hóa, tài năng và thế giới quan mỗi người nghệ sĩ đã làm nên sự độc đáo của mỗi tác phẩm điện ảnh mà họ mang lại cho người xem.
_______________
1, 2. Ngô Mạnh Lân, Bàn về chất dân tộc trong phim hoạt hình, Điện ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc, Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, 1994, tr.104.
3. Chu Thu Hằng, Âu cơ - Lạc Long Quân, Phim hoạt hình Việt Nam, Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh, 1997, tr.60.
4. Ngô Mạnh Lân, Yêu cầu cấp bách nâng cao chất lượng, Hoạt hình nghệ thuật thứ tám, Nxb Văn hóa thông tin, 1999, tr.166.
5. Trương Qua, Từ Phù Đổng Thiên Vương đến phim Chuyện ông Gióng, Phim hoạt hình Việt Nam, Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh, 1997, tr.41.
6. Như Quỳnh, Cậu bé cờ lau - nỗ lực đưa hoạt hình Việt gần hơn với khán giả trong nước, cmavn.org.
7. Kandy K, Cậu bé cờ lau - phim hoạt hình 3D Việt Nam bị chê vì quá... “xấu”, gamek.vn.
Tác giả : Phạm Hoàng Mai
Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018