Văn hóa thẩm mỹ (VHTM), biểu hiện trình độ phát triển cao của văn hóa, phản ánh mối quan hệ thẩm mỹ giữa con người và hiện thực thông qua hoạt động thẩm mỹ. VHTM luôn hiện diện, thẩm thấu trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, chắt lọc những giá trị từ chính đời sống thẩm mỹ để tác động trở lại tâm thức, thói quen của con người, tôn vinh cái đẹp, làm cho các hoạt động hưởng thụ, đánh giá, sáng tạo thẩm mỹ của con người được thực hiện trên nền tảng một chỉnh thể giá trị chân - thiện - mỹ, hướng sự phát triển nhân cách của con người theo chuẩn mực của cái đẹp. VHTM thực sự trở thành tiêu chí tham chiếu, quy tụ thành hướng phát triển chung vì sự phát triển tiến bộ của con người và cộng đồng, xã hội.
VHTM là hướng nghiên cứu còn khá mới mẻ ở nước ta những năm gần đây. Khái niệm VHTM đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ nhiều góc độ và hướng tiếp cận khác nhau, với nội dung rộng, hẹp khác nhau. Việc nghiên cứu bản chất của VHTM sẽ góp phần hiểu sâu hơn về khái niệm VHTM.
Bản chất của VHTM được tiếp cận trên hai bình diện: tiếp cận VHTM với tính cách là bộ phận của văn hóa và tiếp cận VHTM dưới góc độ một thực thể của đời sống thẩm mỹ.
VHTM với tính cách là bộ phận của văn hóa
Ngay từ thuở bình minh lịch sử, khi con người xuất hiện với bước tiến hóa nhảy vọt từ đời sống bầy đàn sang cộng đồng xã hội có nhân tính, văn hóa cũng đồng thời nảy sinh. Trong quá trình phát triển, con người luôn cố gắng ghi lại những dấu ấn văn minh của cộng đồng và thời đại bằng biểu trưng văn hóa, từ những nét vẽ sơ giản trên các hang động, nơi cư trú đầu tiên, đến hệ thống bảng chữ cái gắn liền với sự ra đời của lịch sử thành văn.
Văn hóa đánh dấu sự nỗ lực của con người trong lịch sử nhân tính hóa mọi mặt đời sống vật chất cũng như cách thức tổ chức cộng đồng. Với tư cách là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, mỗi cộng đồng, dân tộc tạo ra và tôn thờ một hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa mang đặc tính riêng, nhưng thống nhất với nhau ở hệ giá trị chung là chân, thiện, mỹ. Thuộc tính sáng tạo và thuộc tính nhân văn là bản chất cốt lõi của văn hóa, đến lượt nó, lại được thẩm thấu vào đời sống con người. Trong đó, văn hóa nói chung được hiểu như là trình độ phát triển nhân tính, phát triển sức mạnh của bản chất người. Vì vậy, “văn hóa thẩm mỹ chính là sự thể hiện và thực hiện các năng lực thẩm mỹ của con người trong toàn bộ các hoạt động xã hội của họ” (1).
Cùng với sự phát triển của xã hội, năng lực sáng tạo của con người cũng ngày càng phát triển. Mức độ đưa cái hay, cái đẹp vào đời sống sẽ đánh giá trình độ VHTM của xã hội cũng như cá nhân. Đây “thực chất là quá trình sáng tạo và tiêu thụ cái đẹp” (2). Do đó, để phân biệt VHTM với các dạng văn hóa khác (văn hóa sản xuất, văn hóa chính trị, văn hóa giao thông…), người ta thường coi cái đẹp là tiêu chí mang tính đặc trưng. Dưới góc nhìn của văn hóa học, các giá trị VHTM hàm chứa trong mọi phương diện đời sống xã hội nói chung, cũng như toàn bộ phương diện văn hóa của đời sống xã hội nói riêng, xét đến cùng, đều thể hiện bản chất của nó với tính cách là một bộ phận của văn hóa và được hiện thực hóa thông qua hoạt động sống của con người trong tiến trình lịch sử. Với tư cách một bộ phận của văn hóa, VHTM là một chỉnh thể bao gồm bên trong nó những năng lực tinh thần - thực tiễn đặc biệt giúp con người có khả năng hoạt động theo quy luật của cái đẹp, nhằm cảm thụ, nhận thức, đánh giá và sáng tạo giá trị thẩm mỹ mới. Vì vậy, việc nghiên cứu VHTM như một thành tố đặc biệt, hữu cơ của văn hóa sẽ giúp chúng ta xác định đầy đủ và toàn diện hơn về khái niệm cũng như các thành tố của nó. Việc nghiên cứu này đồng thời giúp chúng ta có cơ sở để thảo luận sâu hơn vấn đề phát triển và phát huy VHTM trong đời sống cộng đồng.
Trước kia, nhiều nhà nghiên cứu coi VHTM chỉ là hoạt động nghệ thuật, thậm chí đồng nhất giữa VHTM với Văn hóa nghệ thuật (VHNT). Tuy nhiên, những năm gần đây các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam đã nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc, coi VHTM là bộ phận hữu cơ của văn hóa nhân loại (3), biểu hiện trình độ phát triển cao của các quan hệ văn hóa - xã hội, trong đó VHNT chỉ là một thành tố quan trọng của VHTM. Xã hội càng văn minh thì VHTM càng trở thành chìa khóa để sáng tạo ra các giá trị VHTM mới. Bởi, “trình độ phát triển của VHTM cá nhân càng cao thì nhu cầu VHTM, yêu cầu các loại hình nghệ thuật càng rộng, và từ đó, kết quả tham gia hoạt động xã hội, hay có thể nói, kết quả sáng tạo càng lớn” (4). Nhờ có VHTM, con người trở nên người hơn nhờ rung cảm với cái đẹp và sáng tạo cái đẹp, không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn trong toàn bộ hoạt động sản xuất và đời sống. Điều đó cho thấy, do yêu cầu thực tiễn, các nhân tố thẩm mỹ đang gia tăng trong mọi hoạt động của con người và cộng đồng, việc đưa cái đẹp vào cuộc sống đã trở thành đòi hỏi cấp thiết. Việc làm cho VHTM hiện diện và lan tỏa trong tổng thể các quan hệ người (quan hệ với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân mình) cũng như các hình thức truyền bá, phổ biến tri thức VHTM là nhằm xây dựng và phát triển những năng lực phẩm chất người về phương diện thẩm mỹ.
Cũng như văn hóa nói chung, VHTM chỉ chứa đựng cái giá trị, đối lập với tất cả những cái phản giá trị. Tính giá trị của VHTM là tiêu chuẩn để phân định với cái xấu, ngăn chặn, loại trừ cái phản chân, phản thiện, phản mỹ, giúp mỗi cá nhân, cộng đồng lựa chọn, tiếp nhận, sáng tạo giá trị thẩm mỹ một cách tự giác và có chủ đích, bởi xu hướng vươn tới cái đẹp là một trong những quy luật hoạt động của con người. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người luôn phải tạo dựng cho mình những năng lực, cảm xúc thẩm mỹ. Nếu con người không có cảm xúc thẩm mỹ thì không những tự đánh mất sự tồn tại của mình với tư cách chủ thể thẩm mỹ, mà còn làm suy kiệt chính mình với tư cách chủ thể văn hóa. Đúng như Belinski đã viết: “Cảm xúc về cái đẹp là một điều kiện làm nên phẩm giá con người. Phải có nó, con người mới có trí tuệ, phải có nó, nhà bác học mới cất mình lên những tầm cỡ thế giới… phải có nó, người ta mới không quỵ ngã dưới sức đè nặng trĩu của cuộc đời và làm nên những chiến công” (5). Như vậy, “...văn hóa thẩm mỹ là một bộ phận tinh tế, sâu sắc của văn hóa, nó thấm vào toàn bộ các hoạt động của xã hội…” (6), làm cho nền văn hóa dân tộc phát triển và vận hành theo “quy luật của cái đẹp”. Mặt khác, cũng cần thấy VHTM không phải là cái có sẵn mà là cái do con người tạo ra, thông qua các hoạt động thẩm mỹ trong thực tiễn. Cùng với văn hóa, VHTM làm phong phú và phát triển thế giới tinh thần của con người, bồi dưỡng tình cảm, làm gia tăng sự tinh tế, nhạy cảm với cái mới, tăng cường ý chí và nghị lực, hình thành nhân cách và lý tưởng thẩm mỹ.
VHTM với tính cách là một thực thể của đời sống thẩm mỹ
Cách tiếp cận VHTM dưới góc độ một thực thể của đời sống thẩm mỹ tập trung luận giải về bản chất và sự phát triển VHTM trong tính chỉnh thể, nhằm nhận thức và xử lý hiện tượng thẩm mỹ trong đời sống của con người. Theo cách tiếp cận này, bản chất của VHTM là kết quả của quá trình khái quát và trừu tượng hóa, tạm thời tước bỏ những sắc thái riêng của từng hiện tượng thẩm mỹ hoặc sự đan xen, gắn kết, chuyển hóa giữa các yếu tố thẩm mỹ với các phương diện khác trong đời sống xã hội để có cách nhìn tổng thể về VHTM như một thực thể tất yếu trong đời sống thẩm mỹ của con người, gắn chặt với toàn bộ các động thái thuộc lĩnh vực thẩm mỹ.
VHTM, với tính cách là một thực thể của đời sống thẩm mỹ, thường hiện diện như một không gian văn hóa, trong đó bao quát cái tinh túy của mọi động thái thẩm mỹ trong cộng đồng, của từng cá nhân nhằm hướng tới mục đích hoàn thiện con người, làm cho các giá trị VHTM “thâm nhập vào mọi “đường gân thớ thịt” của xã hội; nó vừa là cái “quả” phát triển của thẩm mỹ, vừa là phương tiện để không ngừng nâng cao sự phát triển văn hóa của mỗi con người và cộng đồng” (7). Theo ý nghĩa này, VHTM thường bao quát các hoạt động cảm thụ, nhận thức, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ của con người đồng thời có tính độc lập tương đối so với các hoạt động ấy.
Việc tiếp cận VHTM dưới góc độ một thực thể của đời sống thẩm mỹ có ý nghĩa quan trọng, nhằm nhận thức đúng về VHTM. Song về bản chất, không thể có một không gian VHTM thuần túy, biệt lập mà đó chính là toàn bộ đời sống thẩm mỹ của cộng đồng được nhìn dưới bình diện VHTM. Rõ ràng, VHTM luôn có mặt trong mọi hoạt động và mọi phương diện của đời sống thẩm mỹ, là dấu ấn sáng tạo và nhân văn theo tiêu chí chân - thiện - mỹ của con người trong toàn bộ đời sống và hoạt động, cho nên không gian văn hóa chỉ là sự lược quy toàn bộ chất VHTM từ đời sống và hoạt động thẩm mỹ của con người cũng như cộng đồng.
Đời sống và hoạt động của con người bao giờ cũng là một chỉnh thể thống nhất, có quan hệ hữu cơ, khăng khít với nhau, quy định, chế ước, tương tác lẫn nhau theo những quy luật khách quan và tạo ra hệ thống giá trị VHTM, bao gồm “sự thống nhất biện chứng của các yếu tố trong chỉnh thể. Mỗi yếu tố (tiểu hệ) lại là một thể phức hợp các yếu tố (vi hệ)” (8). Dưới góc độ là một thực thể của đời sống thẩm mỹ, VHTM tồn tại ở nhiều dạng thức, vì thế, có thể cấu trúc bằng nhiều cách, như theo hình thái tồn tại, theo lĩnh vực, chủ thể sáng tạo, theo loại hình sinh hoạt xã hội, các dạng hoạt động, lĩnh vực hoạt động, theo đặc điểm địa lý, môi trường, phương thức sống, tín ngưỡng, tôn giáo… Tuy nhiên, sự phân định này chỉ là tương đối bởi trên thực tế, các dạng thức tồn tại của VHTM luôn đan lồng, gắn bó hữu cơ với nhau.
Hơn nữa, VHTM bao hàm không chỉ thuần túy các yếu tố phản ánh hoạt động và quan hệ thẩm mỹ mà còn cả những yếu tố tự nhiên, khi được xem xét trong quan hệ giữa tự nhiên với con người về mặt thẩm mỹ. Con người chinh phục thiên nhiên, cải tạo và bồi đắp thiên nhiên, cảm thụ cái hay, cái đẹp từ thiên nhiên, đồng thời đưa các giá trị VHTM vào thiên nhiên không chỉ để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, mà còn để lớn lên về mặt văn hóa. Đó chính là dấu ấn sáng tạo VHTM của con người trong hoạt động cải tạo thế giới. Nhờ hoạt động đó, con người không chỉ sáng tạo ra các giá trị VHTM ngày càng nhiều và tinh tế hơn, mà còn tự hoàn thiện, tự phát triển những “năng lực bản chất người”, trong đó có năng lực thẩm mỹ. Bởi vậy, từ chiều sâu bản chất của mình, con người luôn yêu cái đẹp, khát khao cảm thụ, sáng tạo cái đẹp và mong muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống. Cũng nhờ hoạt động thẩm mỹ thực tiễn, những quan hệ nhân tính của con người được nảy nở, phát triển và văn hóa hóa. Con người sáng tạo ra những quan hệ người và tạo cho mình trình độ, năng lực thẩm mỹ để nhận biết được đẹp hay xấu, thuận cảm hay phản cảm, giá trị hay phản giá trị. Đó chính là cách mà “VHTM tham gia vào quá trình định hướng giá trị, xây dựng những yếu tố tích cực của xu hướng cá nhân trong sự phát triển nhân cách” (9).
Như vậy, con người, với toàn bộ hoạt động thẩm mỹ của mình, luôn hướng tới phát triển các giá trị VHTM. Hay cũng có thể nói, con người là nguồn gốc sáng tạo ra các giá trị VHTM, mọi giá trị VHTM đều gắn với con người. Chỉ có các quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực mang tính sáng tạo và nhân văn mới đúc kết nên giá trị VHTM. Do đó, “VHTM, trong tư cách thực thể, lấy sự thể hiện, sự thực hiện cũng như sự đối tượng hóa các sức mạnh bản chất người làm mục đích tự thân” (10) và trở thành nét đặc thù độc đáo, dễ nhận diện nhất của VHTM, xuyên thấm đến con người bằng cái đẹp, thông qua cái đẹp, từ đó đánh thức năng lực thẩm mỹ, làm nảy sinh khát vọng, cảm hứng sáng tạo và phát triển năng lực tiềm ẩn của con người.
Dựa trên cơ sở phương pháp luận Marxist, PGS.TS Tạ Văn Thành khẳng định: “VHTM là sự phát triển năng lực thẩm mỹ của con người (thụ cảm, nhận thức, sáng tạo thẩm mỹ) thể hiện ra trong hoạt động thẩm mỹ (có trong mọi hoạt động của con người) và kết tinh lại ở các giá trị thẩm mỹ” (11).
Từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học với những cách tiếp cận VHTM nêu trên, có thể đưa ra quan niệm: VHTM là một chỉnh thể các giá trị thẩm mỹ được kết tinh từ tất cả các hoạt động thụ cảm, sáng tạo, nhận thức… thẩm mỹ của con người trong một cộng đồng văn hóa nhất định, đồng thời có tác động trở lại đến đời sống thẩm mỹ của con người và cộng đồng theo những thiết chế văn hóa nhất định.
Xã hội càng văn minh thì nhu cầu vươn tới cái đẹp của con người càng cao. Hiểu được bản chất của VHTM sẽ góp phần nâng cao trình độ, khả năng cảm thụ thẩm mỹ tích cực, trí tưởng tượng sáng tạo, xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ, quan điểm và lý tưởng thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Theo đó, mỗi cá nhân biết làm đẹp cho bản thân, cho xã hội, khám phá và sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ cho cộng đồng; đây là một hoạt động giàu tính nhân văn nhất của loài người.
_____________
1, 2, 4. Nguyễn Văn Huyên (chủ biên), Văn hóa thẩm mỹ và sự phát triển con người Việt Nam trong thế kỷ mới, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.51, 62 - 389.
3, 9. Lương Quỳnh Khuê, Văn hóa thẩm mỹ và nhân cách, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.5 - 84.
5. IU.A. Lukin, V.C. Xcacherơsiccốp (Hoài Lam dịch), Nguyên lý Mỹ học Mác - Lênin, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 1984, tr.8.
6. XiLửa BunKhăm, Xây dựng và phát triển nền văn hóa thẩm mỹ ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế, 2001.
7, 8. Lê Huy Hòa (chủ biên), Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.648 - 649.
10. Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Quốc Tuấn, Nghệ thuật với sự phát triển nhân cách người cán bộ lãnh đạo trong công cuộc đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.47.
11. Tạ Văn Thành, Văn hóa thẩm mỹ và văn hóa nghệ thuật trong đào tạo bậc sau đại học, vanhoahoc.vn.
Tác giả: Phạm Văn Xây
Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019