Những vấn đề chung
Thương hiệu
Thương hiệu (brand) là một khái niệm khá mới mẻ trong marketing hiện đại và được nhiều học giả nghiên cứu. Theo Phillip Kotler, thương hiệu là liên tưởng khác biệt có tính chất lý tính hoặc cảm tính trong tâm trí khách hàng về một công ty hoặc một sản phẩm cụ thể. Đồng quan điểm, Datzira-Masip và Poluzzi (2014) cho rằng thương hiệu là khái niệm nhằm để chỉ sự khác biệt, còn theo Person (1996) thương hiệu là sự kết nối giữa tính năng của sản phẩm với lợi ích của khách hàng và giá trị mà khách hàng nhận được từ sản phẩm. Thương hiệu được tạo ra khi hoạt động tiếp thị làm gia tăng giá trị đối với sản phẩm và trong quá trình khác biệt hóa sản phẩm đó với các sản phẩm khác có cùng tính năng và lợi ích. Simoes và Dibb (2001) lại cho rằng thương hiệu không chỉ là một cái tên để đặt cho sản phẩm mà là toàn bộ những đặc tính về vật chất, tâm lý - xã hội và niềm tin. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng hầu hết các tác giả đều khẳng định thương hiệu là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Vì vậy, việc tạo dựng thương hiệu rất quan trọng, đặc biệt đối với những lĩnh vực mà sản phẩm chủ yếu là dịch vụ như du lịch.
Xây dựng thương hiệu điểm đến
Khái niệm thương hiệu điểm đến du lịch xuất hiện từ cuối những năm 1990 và nhận được sự quan tâm rộng rãi của các học giả về du lịch trên thế giới (Baker và Cameron, 2008; Cai, 2002). Các tác giả đều khẳng định rằng một điểm đến muốn cạnh tranh được với các điểm đến khác cần phải sở hữu một thương hiệu riêng. Mặc dù tất cả các điểm đến đều có tên riêng để phân biệt, tuy nhiên điều đó không đủ để tạo nên sự khác biệt so với các điểm đến khác. Theo UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới), thương hiệu điểm đến là đặc tính độc nhất mà điểm đến có được giúp tạo sự khác biệt so với các điểm đến khác. Nó còn là điều tạo nên đặc tính, sự đáng nhớ và sự nổi bật của một điểm đến giúp thu hút được sự chú ý của khách hàng tiềm năng trong quá trình cạnh tranh với đối thủ (Anholt S, 2009). Thương hiệu điểm đến du lịch còn được miêu tả là những cảm xúc, suy nghĩ và kỳ vọng của con người về một địa điểm nào đó. Nó có thể là danh tiếng và những giá trị cốt lõi bền vững của điểm đến, là đại diện của một lời hứa đặc biệt về giá trị giúp tạo nên lợi thế cạnh tranh (Baker, 2012).
Xây dựng thương hiệu cho điểm đến là một quá trình phức tạp, nó không đơn giản chỉ là đưa ra những câu khẩu hiệu (slogan), biểu tượng (logo) như hầu hết các điểm đến đang làm hiện nay (Kavaratzis và Hatch, 2013). Nó là tập hợp các hoạt động marketing nhằm tạo ra tên, biểu tượng, ký hiệu để nhận biết một điểm đến, để truyền tải kỳ vọng về trải nghiệm đáng nhớ mà chỉ có duy nhất tại điểm đến, ngoài ra nó có giúp củng cố sự kết nối giữa khách du lịch và điểm đến, giúp làm giảm chi phí tìm kiếm và những rủi ro có thể có. Tuy nhiên, trong thực tế việc xây dựng thương hiệu đang bị giới hạn bởi việc tạo nên những logo mới, những câu slogan hấp dẫn và tiếp theo đó là quá trình tiếp thị quảng bá cho điểm đến. Điều này là không đủ cho việc xây dựng thương hiệu, nó cần phải vượt ra ngoài các hoạt động quảng bá về những yếu tố hữu hình như logo, khẩu hiệu mà nó phải tạo nên giá trị đích thực của điểm đến, hình ảnh cảm nhận tích cực của du khách về điểm đến và phải phát triển được bản sắc của điểm đến trong quá trình xây dựng thương hiệu (Cai, 2002; Qui và Kim, 2011).
Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch MICE
MICE là viết tắt của 4 chữ trong tiếng anh (Meeting, Incentive, Conferrence/Convention, Exhibition/Event). Du lịch MICE là loại hình du lịch kết hợp các hoạt động hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, hội thảo và triển lãm với các hành vi tiêu dùng các dịch vụ du lịch khác tại nơi đến. Theo ICCA (2014), nếu như du lịch thông thường (leisure tourism) là hoạt động kinh doanh hướng tới khách hàng, thì MICE lại được cho là kinh doanh hướng tới các hoạt động kinh doanh, những người ra quyết định, và người tham gia sẽ quan tâm nhiều hơn đến các tiện ích phục vụ trong hội nghị, phát triển cơ sở hạ tầng, sự nổi tiếng của các thành phố, sự dễ dàng trong việc tiếp cận (Hankinson, 2005). Hankison cho rằng việc xây dựng thương hiệu cho một điểm đến đạt được thông qua việc phát triển hình ảnh thương hiệu tích cực kết nối với những đặc điểm như lịch sử và di sản, tính cách của người dân địa phương, sự kết nối với người nổi tiếng và danh tiếng của điểm đến. Việc xây dựng thương hiệu điểm đến MICE về bản chất cũng tương tự như những điểm đến thông thường khác, đó là sự kết nối, tạo ra hình ảnh thương hiệu dựa vào hai thước đo: chức năng và biểu tượng. Thương hiệu điểm đến MICE được tạo ra khi tập trung vào các nhu cầu khác ngoài nhu cầu giải trí thông thường của những người lập kế hoạch và người tham gia hội nghị (Buhus, 2002) đó chính là tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm hội nghị, xây dựng danh tiếng về sự an toàn và có nhiều cơ hội trong kinh doanh, các tiện nghi cơ sở vật chất phục vụ hội họp, hội nghị…
2. Tiềm năng phát triển du lịch MICE và thực trạng xây dựng thương hiệu điểm đến MICE tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc
Tiềm năng phát triển du lịch MICE
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đi vào ổn định và phát triển sẽ làm cho các cuộc hội thảo, hội nghị, hội chợ, khuyến thưởng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch MICE. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam liên tục được lựa chọn để tổ chức các sự kiện quốc tế tầm cỡ như: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC); Hội nghị thượng đỉnh ASEAN; Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2019), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều và Đại lễ Phật đản Vesak 2019… Đây có thể coi là cơ hội “vàng” để phát triển loại hình du lịch MICE, thúc đẩy việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng tới phân khúc thị trường cao cấp hơn.
Là loại hình du lịch mới có ở Việt Nam từ khoảng năm 1990, song MICE đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển du lịch. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam lượng khách MICE ở các công ty lữ hành tăng từ 10% đến 15% mỗi năm và chiếm khoảng 20% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, doanh thu từ MICE mang lại có giá trị cao hơn 5-6 lần doanh thu từ các loại hình du lịch khác. Khách du lịch công vụ chủ yếu là đối tượng khách có chi trả cao nên chi tiêu của họ cũng cao hơn đối tượng khách thông thường, trung bình mỗi khách MICE châu Âu tiêu 700-1.000 USD/ngày, khách châu Á trên 400 USD/ngày. Nhận biết được tiềm năng của loại hình du lịch này, Việt Nam đã và đang từng bước chú trọng và mở rộng phát triển dịch vụ để thu hút khách du lịch MICE. Năm 2012, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Chính phủ đã xác định MICE là một trong những loại sản phẩm du lịch mới cần được quan tâm, đồng thời MICE cũng nằm trong định hướng phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc (Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, gồm: Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh).
Trên thực tế có thể thấy khách du lịch MICE thường chọn những điểm đến là những thành phố có hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú sang trọng, có sân khấu, hội trường đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, khách công vụ thường lựa chọn những nơi có các trung tâm mua sắm cao cấp, hệ thống siêu thị thuận tiện, dịch vụ spa, resort cao cấp để có thể đáp ứng nhu cầu giải trí và mua sắm khi họ kết thúc các cuộc họp hoặc hội nghị. Khách MICE cũng rất chú trọng đến hạ tầng giao thông, những thành phố có sân bay quốc tế, sân bay quốc gia, cảng biển, giao thông đường bộ thuận lợi luôn được khách MICE đánh giá cao và dành sự ưu tiên hơn. Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc là một trong bảy vùng du lịch của Việt Nam bao gồm các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình… là những điểm du lịch nổi tiếng của khu vực phía Bắc, nơi đây có những điều kiện khá thuận lợi cho việc phát triển du lịch MICE. Đây là vùng du lịch có hệ thống giao thông thuộc diện phát triển nhất cả nước với đa dạng các loại hình giao thông: đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường không thuận lợi cho việc di chuyển và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Các tuyến đường bộ đều chủ yếu được bắt đầu từ thủ đô Hà Nội đến các trung tâm hành chính của các tỉnh trong vùng. Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động được xem như yếu tố phá tan “bức tường” cô lập 3 thành phố này. Tuyến đường này giúp tạo đà cho sự phát triển du lịch ở 3 địa phương, tạo nên chuỗi liên kết vùng hiệu quả hơn, thời gian di chuyển được rút ngắn gần một nửa điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, đặc biệt đối với đối tượng khách đòi hỏi dịch vụ cao và có rất ít thời gian cho hoạt động tham quan như khách MICE. Với 3 sân bay: Nội Bài (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng) cũng là điểm nhấn trong việc thu hút khách công vụ MICE. Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc có hệ thống cảng biển nối liền với miền Trung và miền Nam cùng với nhiều cảng biển quốc tế như: cảng tàu du lịch Hòn Gai (Hạ Long), Tuần Châu… tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch bằng tàu biển đang được du khách thương nhân ưa chuộng hiện nay. Hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng, phong phú của vùng là điều kiện để đón những đoàn khách có số lượng lớn như đoàn khách MICE. Số lượng khách sạn 4 đến 5 sao đạt chuẩn quốc tế như Hilton, Sofitel, Sheraton, Melia, Pullman, Lotte, Marriott, Movenpic, Crown Plaza, FLC grand hotel Halong, Mường Thanh luxury Quảng Ninh, Hải Phòng… với hệ thống phòng tổ chức hội nghị, hội thảo lớn, hiện đại bậc nhất như: Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Trung tâm Hội nghị FLC (Quảng Ninh) cũng là một lựa chọn lý tưởng cho các đoàn khách MICE quốc tế. Ngoài ra, với hệ thống di tích đa dạng chiếm 70% di tích của cả nước, thiên nhiên phong phú, hệ sinh thái rừng rậm nhiệt đới điển hình có thể thỏa mãn nhiều nhu cầu của du khách: du lịch tâm linh, lễ hội gắn với lễ hội chùa Hương, chùa Yên Tử, chùa Bái Đính…; cảnh quan thiên nhiên gắn với các vườn quốc gia, khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển, đồng bằng châu thổ sông Hồng; biển và đảo các tỉnh duyên hải Đông Bắc, nổi bật là vịnh Hạ Long. Nguồn tài nguyên du lịch phong phú này góp phần tạo nên những tour du lịch MICE đặc sắc, độc đáo thu hút du khách. Bên cạnh đó, việc giảm tải các thủ tục xuất nhập cảnh như miễn visa cho một số quốc gia trên thế giới cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc nói riêng. Cùng với đó là rất nhiều trung tâm mua sắm cao cấp đạt chuẩn như: Tràng Tiền Palaza, Lotte Centre, Royal city, Vincom… và hệ thống siêu thị, dịch vụ spa, resort cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và mua sắm của du khách.
Thực trạng xây dựng thương hiệu du lịch MICE tại vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc
Loại hình du lịch MICE đã và đang từng bước được chú trọng tại Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc nói riêng. Khách du lịch trong nước và quốc tế đã đến những thành phố của vùng là những nơi chuyên nghiệp dành cho việc tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và định vị thương hiệu điểm đến dành cho các tour du lịch MICE còn có nhiều bất cập:
Trước tiên, có thể khẳng định rằng cơ sở vật chất là yếu tố đầu tiên và quan trọng cho các tổ chức lựa chọn điểm đến để tổ chức tour du lịch MICE nhưng việc đầu tư, phát triển cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt là vào mùa cao điểm. Hiện, Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều khách sạn nhất cả nước, trong đó có 66 khách sạn từ 3 đến 5 sao, tuy nhiên đa phần là những khách sạn dưới 300 phòng. Điều này gây khó khăn trong việc đón khách vào mùa cao điểm. Cả vùng cũng chỉ có Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình đón được 5000 khách và Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC (Hạ Long), Trung tâm Thông tin và Hội chợ (Quảng Ninh) đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể đón được các đoàn khách từ 1.500 khách, còn lại mặc dù ngày càng nhiều khách sạn 5 sao được xây dựng nhưng quy mô cũng chỉ đón được các đoàn khách tầm trung. Các phòng hội họp còn thiếu, nhất là phòng cỡ lớn, trong khi các khách sạn hạng sao lại thường chỉ thiết kế phòng họp có diện tích nhỏ và vừa. Do đó, mỗi khi có sự kiện hội nghị lớn được tổ chức tại các tỉnh trong vùng, nhà điều hành luôn phải đau đầu với việc di chuyển khách từ khách sạn trung tâm đến nơi hội họp. Không chỉ mất nhiều thời gian đi lại, việc di chuyển này cũng như di chuyển khách đến điểm mua sắm, giải trí là một vấn đề nan giải do hạ tầng giao thông kém và tình trạng quá tải giao thông diễn ra hằng ngày. Đồng thời, không gian để tổ chức các buổi tiệc Gala Dinner, tiệc khen thưởng quy mô 1.000-1.200 người quá ít, các chương trình biểu diễn phục vụ khách trong các buổi tiệc chỉ giới hạn ở loại hình múa dân tộc, biểu diễn âm nhạc truyền thống, biểu diễn thời trang mà chưa được đầu tư sâu, cải tiến và đa dạng hóa để đáp ứng thị hiếu du khách trong thời đại mới.
Thứ hai, nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch MICE cho vùng. Khách du lịch MICE thường đòi hỏi chất lượng phục vụ cao, không sơ suất, chính xác và chuyên nghiệp. Trong khi đó, thực tế cho thấy đội ngũ này còn thiếu và chưa đảm bảo chất lượng. Công tác đào tạo chưa được chú trọng, đội ngũ nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm… còn thiếu chuyên nghiệp, chưa có hệ thống, chưa có một nơi nào đào tạo chuyên sâu về đội ngũ nhân lực dành cho du lịch MICE, nguồn nhân lực phục vụ đối tượng khách này chủ yếu là do doanh nghiệp tự đào tạo sau khi tuyển dụng hoặc sinh viên tốt nghiệp từ các ngành tổ chức sự kiện và đạo diễn sự kiện.
Thứ ba, sản phẩm dịch vụ chưa phong phú không kích thích được nhu cầu tiêu dùng của du khách. Ngoài những chi tiêu cho các dịch vụ chính thì cả vùng chưa có nhiều sản phẩm bổ sung, quà lưu niệm, sản phẩm đặc thù, chương trình trải nghiệm văn hóa, truyền thống… để có thể níu chân du khách. Về trung tâm mua sắm đạt chuẩn quốc tế có khả năng phục vụ khách hạng sang chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như: Vincom, Lotte, Tràng Tiền Plaza… Song, ngay cả các trung tâm này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về sản phẩm khi mà khách MICE thường đòi hỏi sự phong phú, đa dạng của đồ lưu niệm và chất lượng tuyệt đối của các mặt hàng. Thiếu những dịch vụ giải trí về ban đêm, các nhà hát khổng lồ để phục vụ nghệ thuật cho du khách, các công viên giải trí…
Thứ tư, công tác quảng bá du lịch MICE còn hạn chế, đang tập trung chủ yếu cho loại hình du lịch vui chơi, giải trí vì đây là loại hình chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam (trên 50%), chưa có các chiến dịch quảng cáo cho du lịch MICE. Đặc biệt, văn phòng đại diện quảng bá du lịch ở nước ngoài hầu như không có, ngân sách dành cho quảng bá rất hạn chế (chỉ 2 triệu USD cho toàn ngành Du lịch Việt Nam trong khi các nước láng giềng như Singapore và Thái Lan con số này lên đến 100 triệu USD).
Thứ năm, việc liên kết vùng để xây dựng và định vị thương hiệu điểm đến còn thiếu đồng bộ, các tỉnh/thành phố trong vùng đang hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm” mà chưa có sự thống nhất một chiến lược chung cho cả vùng. Do đó, chưa tạo nên được một hình ảnh thương hiệu du lịch MICE đủ mạnh để có thể thu hút khách hàng. Hơn nữa, trong chiến lược phát triển du lịch của vùng, loại hình du lịch này đã được đề cập đến là một trong những loại hình ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, chưa có một kế hoạch cụ thể, chuyên biệt, chưa có định hướng rõ ràng phải phát triển như thế nào, cho thị trường khách nào và làm những gì để thu hút được khách MICE.
3. Giải pháp xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch MICE cho vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc
Xây dựng thương hiệu ngoài việc tạo ra những hình ảnh hữu hình như logo, khẩu hiệu, ký hiệu… việc quan trọng hơn cả là tạo ra hình ảnh tích cực có thể tác động đến việc lựa chọn điểm đến của du khách, đó chính là việc tạo nên những giá trị cốt lõi của một vùng, một địa phương hay một điểm đến. Do đó, để vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc trở thành điểm đến MICE cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Về cơ sở hạ tầng, vật chất và kỹ thuật du lịch
Cần quy hoạch lại hệ thống đường bộ để giao thông thông thoáng, thuận tiện. Mở thêm nhiều đường bay thẳng quốc tế, tạo sự thuận lợi tối đa cho các khách du lịch công vụ. Nâng cấp và mở thêm các khách sạn, trung tâm hội nghị có phòng ốc tiện nghi, sang trọng, đạt tiêu chuẩn quốc tế với hệ thống trang thiết bị hiện đại: phòng họp cách âm, máy vi tính kết nối internet, projector, máy fax, điện đàm, các thiết bị trực tuyến... Ngoài ra, cần đầu tư đồng bộ các điểm mua sắm cao cấp, spa, resort, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, thể thao... nhằm đáp ứng nhu cầu tổng hợp của du khách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động du lịch để đáp ứng yêu cầu cao của khách công vụ.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ du khách MICE
Một trong những yêu cầu của du lịch MICE là điểm đến phải hội tụ đủ các yếu tố như cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa. Các sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm sắc thái địa phương có khả năng đặc biệt trong việc mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch MICE. Vì vậy, cần chú trọng phát triển các sản phẩm vốn là lợi thế du lịch vùng như tạo ra những tour du lịch MICE kết hợp du lịch văn hóa, du lịch biển hay du lịch nông nghiệp hay có thể đưa khách đến thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, xem nhiều vở diễn thực cảnh về cuộc sống của người Hà Nội xưa... Ngoài ra, cần phát triển những dịch vụ bổ sung phục vụ nhu cầu khách MICE như: mua sắm, xem phim, sân tennis, golf, hồ bơi, massage và các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến
Để công tác xúc tiến quảng bá du lịch đạt hiệu quả cao, mỗi vùng, mỗi địa phương cần có chiến lược riêng cho du lịch MICE, phải xác định thị trường trọng điểm; không đầu tư dàn trải; từng bước chuyên nghiệp hóa và huy động ngày càng nhiều các nguồn lực trong xã hội, phát huy mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong xúc tiến du lịch. Cần đầu tư nhiều hơn cho quảng bá, xây dựng những clip hay, chất lượng để quảng bá trên các kênh truyền hình nước ngoài, trong đó nhấn mạnh lợi thế trong việc thu hút khách du lịch MICE. Tận dụng những đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh của vùng như một điểm đến lý tưởng để tổ chức hội nghị, hội thảo lý tưởng của khu vực và thế giới, chủ động tham gia một cách thường xuyên vào các diễn đàn, hội nghị, hội chợ du lịch và hội chợ thương mại trong nước và tiến tới các hội chợ quốc tế ở các khu vực thị trường trọng điểm như các nước ASEAN, Trung Quốc, Tây Âu… Các thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc nên phấn đấu trở thành thành viên của các tổ chức có uy tín để có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn, đồng thời cũng là một hình thức quảng bá hiệu quả hình ảnh của quốc gia đến với bạn bè thế giới. Các mạng xã hội có thể coi là “mảnh đất vàng” cho việc quảng bá. Cần có trang web hấp dẫn, phong phú, và cập nhật, quảng bá qua các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Youtube... Bên cạnh đó, các hoạt động quảng bá bằng hàng không phải được tăng cường và thu hút các hãng hàng không bay đến Việt Nam - đây cũng là một kênh quảng bá hiệu quả. Ngoài ra, tại những khách sạn, công ty du lịch, nhà cung cấp nơi thường xuyên đón khách MICE, tổ chức sự kiện lớn của thành phố cũng nên có các tờ rơi, tập gấp, brochure… để giới thiệu về điểm đến lý tưởng cho du lịch MICE.
Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Khách du lịch MICE thường là người có yêu cầu cao hơn nhiều so với khách du lịch thông thường do đó để làm hài lòng đối tượng khách này cần có một đội ngũ nhân lực thực sự chuyên nghiệp cả về chuyên môn lẫn kỹ năng.
Tại các cơ sở đào tạo về du lịch, nên có ngành học, môn học về du lịch MICE, đào tạo những hướng dẫn viên chuyên phục vụ khách MICE với đội ngũ giảng viên chuyên môn vững vàng cả về học thuật lẫn kinh nghiệm thực tế để đảm bảo đầu ra của người học đạt tiêu chuẩn theo khung tiêu chuẩn nghề quốc tế VTOS. Tại các doanh nghiệp, các khách sạn nên có kế hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch MICE một cách cụ thể, rõ ràng trong từng giai đoạn; nên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo bổ sung để nâng cao chuyên môn đội ngũ nhân viên phục vụ khách MICE; mời các chuyên gia trong nước và quốc tế đến đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên, đặc biệt về kỹ năng phục vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, làm việc nhóm; thường xuyên tổ chức cho cán bộ, nhân viên học tập thực tế, trao đổi kinh nghiệm về du lịch MICE ở những nước dẫn đầu về công nghiệp MICE như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, công ty tổ chức sự kiện… nên liên kết với nhau trong việc đưa ra một nội dung đào tạo chung sao cho đáp ứng được yêu cầu của cơ sở đào tạo và thực tế tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên có thể thực tập ngắn và dài hạn, có như vậy, sinh viên sau khi ra trường mới có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách MICE.
Sự quản lý, định hướng từ phía các cơ quan nhà nước
Sở Du lịch các tỉnh, thành có nhiều tiềm năng phát triển du lịch MICE như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình nên chủ động đưa ra những chiến lược cụ thể để thu hút khách du lịch MICE trong giai đoạn tới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể đón tiếp đối tượng khách này. Phải định vị thương hiệu điểm đến du lịch MICE cho toàn vùng bằng truyền thông, sản phẩm, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… Không thu hút một cách dàn trải, cần tập trung vào một số thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Tây Âu. Nới lỏng các điều kiện về visa và tinh giản các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để thu hút khách du lịch. Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm tổ chức sự kiện, phát triển du lịch MICE từ các nước như: Thái Lan, Singapore, Nhật Bản…
Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, các tỉnh trong vùng
Cần thiết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch như các công ty lữ hành, vận chuyển, lưu trú, công ty tổ chức sự kiện… để tạo ra sự khép kín chương trình về thời gian, sự hài hòa giữa không gian, sự trộn lẫn giữa nhu cầu hưởng thụ vật chất và nhu cầu thưởng ngoạn tinh thần một cách thoải mái cho du khách. Sự liên kết này là xu thế tất yếu, tạo nên sự hài hòa về lợi ích kinh tế cho các bên. Khi tất cả các bên tham gia cùng có lợi thì việc xây dựng thương hiệu sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương thuộc vùng cũng phải có sự liên kết về chiến lược phát triển vùng, tận dụng thế mạnh của mỗi địa phương có thể kết hợp lại để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo chỉ riêng có ở vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc.
Kết luận
Qua khảo sát, phân tích, vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc hội tụ nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành điểm đến du lịch MICE trên cả nước. Do đó, việc cần thiết và quan trọng nhất hiện nay là xây dựng một hình ảnh thương hiệu điểm đến đủ mạnh để có thể khai thác được thị trường tiềm năng này. Hy vọng, cùng với sự thống nhất và liên kết chặt chẽ giữa các bên hữu quan, du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó.
Tài liệu tham khảo
1. TTCP, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, 2013.
2. Luật Du lịch, Nxb Chính trị quốc gia, 2017.
3. Steven Pike, Destination marketing organization (Tổ chức marketing điểm đến), 2004.
4. Richie & Crouch, The competitive destination - sustainable tourism perspective (Điểm đến cạnh tranh - hướng phát triển du lịch bền vững), CABI Publishing, 2003.
5. Liping A.Cai, William C. Garner, Ana Maria Murna, Destination branding (Xây dựng thương hiệu điểm đến), Emernald Publishing Limited, 2009.
Tác giả: Ths Trương Thúy Mai - Ths Phạm Thị Hải Yến
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021