Với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - duyên muộn và đôi điều mong ước!

GS, TS Bùi Quang Thanh tới dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (22/11/2023) - ảnh: NVCC

 

1. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, từ những mối quan hệ xã hội trong những hoàn cảnh của các cuộc hội thảo khoa học của Viện Dân tộc học, Viện Văn học và Viện Văn hóa Thông tin… mà tôi may mắn được làm quen rồi kết thân với các anh Nguyễn Hữu Thu, người về sau được “mặc danh” là chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc dân gian, trong đó có hát ru, đồng dao qua nhiều bài viết thú vị và Nguyễn Huy Hồng, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về rối nước sau này… Cũng nhờ đó, qua những lần đi lại học hỏi các bậc đàn anh, tôi dần dần được may mắn cầm trên tay những số tạp chí nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật ở chính địa chỉ 32 Hào Nam (Hà Nội) quen thuộc, gắn bó với quãng đời hai chục năm của tôi sau này. Mặc cho những trang giấy xỉn vàng chữ in khó đọc, hàng loạt tên tuổi nổi danh trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các bài báo khoa học vẫn hấp dẫn, cuốn hút lứa cán bộ giảng dạy đại học trẻ tuổi chúng tôi. Không thể quên được những bài viết về mỹ thuật cổ truyền của Thái Bá Vân. Không thể quên được những tiểu luận sâu sắc về văn hóa, nghệ thuật, về địa văn hóa, về văn hóa dân gian, văn hóa tộc người… của những tên tuổi lừng danh như: Trần Quốc Vượng, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đức Từ Chi, Trương Chính, Nguyễn Hồng Phong, Lê Văn Lan, Trần Lâm Biền… Và những tên tuổi khác: Tô Ngọc Thanh, Trần Trọng Đăng Đàn, Lê Anh Trà, Trường Lưu, Hồ Sĩ Vịnh… Chính những tên tuổi và những bài báo khoa học ấy trên các số Tạp chí quen thuộc này (cùng các tạp chí khoa học khác như Văn học, Sử học, Dân tộc học…) đã dần dần trở thành những người thày, những ngọn nguồn tri thức khai minh sáng trí cho cá nhân tôi cùng đồng nghiệp trẻ khi chập chững bước chân vào ngôi đền khoa học thần thánh - là những tạp chí khoa học của các viện thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội đương thời - với những khám phá kho tàng di sản văn hóa dân gian đồ sộ do các thế hệ cha ông các dân tộc sáng tạo, gìn giữ và trao truyền cho hậu thế hàng nghìn năm qua. Có lẽ cũng do sự hiện diện của một rừng đại thụ tài năng và đức độ cùng những khám phá khoa học gửi gắm trong những tiểu luận khoa học cao siêu ấy mà với lớp cán bộ trẻ như chúng tôi lúc bấy giờ, người nào có đôi ba bài được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó có Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, là dường như sẽ được nổi danh và được thế hệ các thày cô, các bậc học giả đàn anh quan tâm, chú ý khen ngợi.

2. Cuối hè năm 2003, sau chặng đường dài tầm sư học đạo và lo chuyện sinh kế nơi đất khách quê người, tôi trở về nước và được tiếp nhận vào Viện Văn hóa Thông tin, sau này đổi tên thành Viện Văn hóa Nghệ thuật rồi Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bây giờ. Để bù đắp và bổ khuyết cho vốn tri thức văn hóa còn quá ư nghèo nàn của mình sau những năm tháng cách xa đất nước, tôi tập trung kiên tâm ngồi đọc hàng trăm số tạp chí gắn với phần chuyên môn nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) của mình, từ tạp chí Văn học đến Dân tộc học, Sử học, Nghiên cứu Đông Nam Á… và tất nhiên có cả Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Vẫn hiện ra những bài viết của những bậc thày, những tên tuổi lẫy lừng trong ngành khoa học xã hội, nhân văn của Việt Nam, với hàng trăm tiểu luận khoa học đặc sắc và bổ ích cho tôi. Sau một năm tạm yên với vốn tri thức mới nạp từ các nguồn tạp chí phong phú mà mình đã đọc và học vừa qua, tôi bắt tay thực hiện các nhiệm vụ khoa học do lãnh đạo cơ quan giao phó và cũng đồng thời bắt tay kỳ cạch “gõ” những dòng đầu tiên cho các bài báo khoa học của mình. Giữa năm 2005, tôi hoàn thành bài viết về sinh hoạt văn hóa Tết của cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga và gửi theo địa chỉ email của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Bẵng đi mấy tháng, bất chợt nhận được điện thoại của một biên tập viên có giọng nói trong veo, âm lượng quen thuộc, liên hệ trao đổi về đôi ba chữ trong bài viết tôi đã gửi tạp chí cách đây vài tháng. Sự cẩn trọng và ý thức trách nhiệm của biên tập viên đã giúp tôi chỉnh lại đôi ba hạt sạn trong bài viết, và thầm cảm ơn biên tập viên - người cũng đã từng có những tháng năm lăn lộn với sinh kế tại xứ sở bạch dương như tôi nên đã có những góp ý biên tập lại một cách chí lý và kịp thời. Vậy là, bài báo khoa học đầu tiên của tôi mang tên Văn hóa Tết của người Việt tại Liên bang Nga đã được công bố trên số báo Tết đầu năm 2006, của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật danh tiếng lâu nay!

3. Vậy là, từ mối nhân duyên khoa học ban đầu, dẫu muộn màng nhưng đầy thiện cảm và thân tình ấy, tôi đã có được động lực tự thân tiếp tục say mê ngồi “gõ” ra liên tiếp các bài báo khoa học của mình, trong số đó luôn dành gửi những tiểu luận phù hợp về văn hóa, nghệ thuật dân gian cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật mà tôi luôn có ấn tượng tốt đẹp và trân trọng lâu nay. Ngót hai chục năm qua, gần như đều đặn hằng năm, tôi đều được Ban Biên tập lựa chọn cho công bố những bài báo khoa học mà tôi gửi đến. Những năm gần đây, ngoài những bài báo khoa học do tôi tự viết và gửi in, tôi còn thường xuyên được Tổng Biên tập gọi điện đặt bài mỗi khi gặp các sự kiện đặc biệt trong năm hoặc chuẩn bị nội dung cho số báo Tết của Tạp chí. Cũng từ gần hai chục năm qua, nhờ mối thân tình và hữu duyên trong khoa học với tờ Tạp chí bao quát phạm vi văn hóa, nghệ thuật thân thiết và gần gũi đó, gia tài khoa học của tôi dẫu còn khiêm tốn nhưng cũng góp được hàng chục bài báo khoa học vào đội ngũ của các đồng nghiệp chuyên ngành Văn hóa dân gian đã và đang cộng tác thường xuyên, bền vững với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

…Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, để Tạp chí ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, tôi luôn ước mong, bên cạnh các số Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật như đang hiện hữu để đảm nhiệm các chức năng và nhiệm vụ được cấp trên giao phó, Lãnh đạo tạp chí và Ban Biên tập cần xúc tiến hằng năm xây dựng một vài số chuyên đề, tăng số trang từng bài để có điều kiện bàn sâu và có hệ thống về những vấn đề văn hóa nghệ thuật nóng hổi, đã và đang đặt ra trong đời sống xã hội, cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, hoặc những hệ thống bài báo giới thiệu thành tựu nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật nước ngoài, chú trọng đến giới thiệu các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu hiện đại… mang lại những nhận thức khoa học có ý nghĩa thiết thực, phục vụ sự nghiệp chấn hưng văn hóa Việt Nam, hiện tại và lâu dài như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đảng ta nêu ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021.

Ước mong cá nhân trên đây cũng thay cho lời chúc tốt đẹp đến tờ Tạp chí có 50 năm cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển văn hóa của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng chính là sự bày tỏ niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên của tờ Tạp chí mà tôi luôn có ấn tượng tốt đẹp và trân trọng!

GS, TS. BÙI QUANG THANH

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

________________

Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

;