PGS, TS Phạm Lan Oanh (thứ 2 từ trái sang) và các cán bộ, viên chức hưu trí của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí (11/2023) - ảnh: Tuấn Minh
1. Những thành công của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật qua lăng kính biên tập viên
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, cơ quan nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật, gia đình của Bộ VHTTDL, đã tròn 50 năm hình thành và phát triển. Tạp chí trực thuộc Viện Nghệ thuật (Bộ Văn hóa) từ năm ra đời (1973) rồi có giai đoạn trực thuộc Bộ Văn hóa; năm 1989, trực thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Từ năm 1993, Tạp chí trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL).
Tạp chí ra số đầu tiên vào tháng 11-1973 với tên gọi Nghiên cứu Nghệ thuật. Từ 1987 đến hết 1993, Tạp chí mang tên Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, và từ 1994 đến nay, là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
Về tần suất xuất bản, thời kỳ 1973-1977, Tạp chí ra 3 tháng/kỳ (4 số/ năm). Thời kỳ 1978-1993, Tạp chí ra 2 tháng/kỳ (6 số/ năm). Từ 1994 đến năm 2019, Tạp chí ra hằng tháng (12 số/ năm). Tạp chí tăng kỳ xuất bản lên 2 kỳ/ tháng (7-2020), 3 kỳ/ tháng (từ tháng 9-2020). Từ tháng 8-2021, Tạp chí điện tử tại địa chỉ vanhoanghethuat.vn đi vào hoạt động.
Ở phương diện học thuật, Tạp chí (kỳ 1: Nghiên cứu, thông tin lý luận) vẫn là ấn phẩm báo chí nghiên cứu được tính điểm có uy tín của Bộ VHTTDL theo Danh mục Các tạp chí chuyên ngành được tính điểm của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước.
Trong 50 năm qua, Tạp chí đã xuất bản đến nay hơn 550 số tạp chí, đăng tải đến hơn chục ngàn công trình nghiên cứu, lý luận, trao đổi học thuật... về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, gia đình… trong nước và nước ngoài. Đây thực sự là một nguồn tư liệu lớn, phản ánh nhiều mặt về công tác thông tin lý luận văn hóa nghệ thuật cũng như thực tiễn đời sống văn hóa, nghệ thuật nước ta trong những giai đoạn khác nhau. Để có được thành quả ấy, ngoài những nỗ lực không ngừng của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và cán bộ viên chức nhiều thế hệ của Tạp chí, không thể không nhắc đến một cách trân trọng và đầy lòng biết ơn sự đóng góp to lớn của đội ngũ cộng tác viên khoa học, của bạn đọc gần xa.
Trải qua năm tháng, luôn bám sát những nội dung hoạt động quản lý nhà nước của Bộ chủ quản, các vấn đề lý luận và thực tiễn của ngành được phản ánh kịp thời, nghiêm túc và đảm bảo chất lượng qua các bài nghiên cứu. Các chuyên mục đã thể hiện sự quan tâm của những nhà nghiên cứu chuyên sâu từng lĩnh vực cả trong và ngoài Bộ, cũng như những nhà khoa học, nhà quản lý ở các địa phương và cả ở nước ngoài. Hầu như những vấn đề văn hóa, nghệ thuật nổi cộm đều sẽ xuất hiện trên ấn phẩm với những đánh giá ngày càng mang tính đa chiều. Xu hướng mở rộng đối tượng nghiên cứu các nội dung về văn hóa và nghệ thuật, quản lý đời sống văn hóa từ trung ương tới cơ sở, các đơn vị khác… đã xuất hiện với tần suất dày đặc, rộng rãi hơn trên Tạp chí.
Là một người có thời gian cống hiến tại Tạp chí trong giai đoạn bắt đầu đổi tên thành Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, đến giai đoạn Bộ Văn hóa - Thông tin trở thành Bộ VHTTDL, tôi có những trải nghiệm lưu giữ mãi mãi trong ký ức. Đó là những bước tiến bộ, phát triển của một tập thể trí thức, người lao động từ kỷ niệm 20 năm thành lập (năm 1993) đến kỷ niệm 35 năm thành lập tạp chí (năm 2008). Tuy thời gian chưa đầy hai thập kỷ, nhưng tôi cho rằng, đó là một trong những giai đoạn Tạp chí có những bước đột phá về chất lượng hoạt động. Về thành công đó, thiển nghĩ có mấy nội dung.
Trước hết là về con người, đến giai đoạn đầu những năm 1990, tạp chí đã là nơi quy tụ được rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý lão luyện trong và ngoài Bộ về làm việc. Những tên tuổi đã đi vào lịch sử, được Nhà nước trao tặng và truy tặng các giải thưởng cao quý với những đóng góp nhiều mặt như: nhà lý luận Hà Xuân Trường (chủ nhiệm Tạp chí khi mới thành lập, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, năm 2000, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007); nhà dân tộc học, PGS Nguyễn Từ Chi (biên tập viên, truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, năm 2000); họa sĩ GS Trần Đình Thọ (Tổng Biên tập, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001); những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về nghệ thuật uy tín như Tổng Biên tập Lê Như Dực (tức Kính Dân); Tổng Biên tập, PGS Nguyễn Đức Đàn. Kế tiếp là Tổng biên tập TS, VSKH Hồ Sĩ Vịnh; Phó Tổng Biên tập, họa sĩ, điêu khắc gia Trần Tuy; Tổng biên tập, GS, TS Nguyễn Chí Bền; Tổng biên tập, Ths Phạm Vũ Dũng; PGS, TS Trần Lâm Biền; PGS, TS Nguyễn Thụy Loan; TS Nguyễn Minh San; TS Bùi Khởi Giang; Phó Tổng biên tập PGS, TS Đỗ Lai Thúy; PGS, TS Nguyễn Đăng Nghị; TS Võ Hoàng Lan, thế hệ tuổi chị, tuổi anh như Lương Xuân Thủy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Lự, các em Đào Mai Trang, TS Đinh Đức Tiến (Học hàm, học vị cập nhật tới hiện nay, trước thời điểm có hiệu lực của Luật Giáo dục năm 1998, học vị Tiến sĩ được gọi là Phó tiến sĩ)… Đó là những người đồng nghiệp trân quý tôi được cộng tác trong quãng thời gian đó.
Thứ hai, có thể đánh giá trong gần 20 năm ấy, Tạp chí đã có bước chuyển biến ngoạn mục về số lượng nhân sự làm chuyên môn và từ đó nâng tầm chất lượng chuyên môn sâu gắn với các chuyên ngành. Mục lý luận chung, các chuyên mục văn hóa, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, văn hóa nghệ thuật nước ngoài đều có các biên tập viên, nhà nghiên cứu “cứng cựa” giữ mục. Bằng nhiều nguồn tự đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nước ngoài và trong nước kết hợp theo những giai đoạn cụ thể, các biên tập viên đã không ngừng hoàn thiện học vị, học hàm theo thời gian. Bởi thế, các vấn đề nghiên cứu chuyên sâu và cập nhật luôn được bám sát với tư cách những “người trong cuộc”.
Đây cũng là quãng thời gian nhiều liên kết nghiên cứu với các tỉnh/ thành phố trong cả nước chia theo phân vùng văn hóa được hiện thực hóa bằng sản phẩm các số tạp chí chuyên đề. Nhờ đó, sự kết nối giữa Bộ và Sở VHTTDL các tỉnh/ thành trở nên khăng khít, chất lượng nghiên cứu khoa học đã hỗ trợ chất lượng quản lý văn hóa địa phương một cách trực tiếp và hiệu quả. Tức là, qua các số chuyên đề liên kết, trí tuệ khoa học của các nhà nghiên cứu trung ương và địa phương đã được tập trung để làm rõ những bản sắc/ đặc sắc văn hóa, nghệ thuật, đồng thời góp phần gỡ rối/ giải quyết những vướng mắc căn bản trong nghiên cứu và quản lý văn hóa ở từng nơi. Việc mở rộng liên kết không chỉ ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ mà những tỉnh/ thành phố ở Tây Nguyên và Nam Bộ cũng giữ kết nối rất hiệu quả. Từ đó, những đề tài cấp Bộ, các hội thảo quốc gia, các đợt tập huấn nghiệp vụ liên quan tới nghiên cứu di sản văn hóa, quản lý văn hóa… của Bộ VHTTDL theo ngành dọc đã được giao cho Tạp chí đảm nhiệm. Nói cách khác, những công việc lãnh đạo Bộ tin tưởng giao cho Tạp chí thực hiện đã vượt ra ngoài khuôn khổ công việc thông thường của một tạp chí nghiên cứu.
Thứ ba, một nội dung công việc đã được triển khai rất bài bản và mang lại nhiều giá trị thông qua chủ trương trang bị kiến thức chuyên sâu cho nghiên cứu chuyên ngành đã được đẩy mạnh trong giai đoạn này. Chủ động khắc phục khó khăn về kinh phí, lãnh đạo Tạp chí đã phối hợp với các cơ quan đối tác xin tài trợ từ các quỹ nước ngoài để dịch và in sách.
Tủ sách Văn hóa Nghệ thuật ra đời với những ấn phẩm kinh điển thuộc dạng sách về văn hóa học của các học giả nổi tiếng thế giới, được tuyển chọn, dịch thuật, hiệu đính chu đáo bởi đội ngũ cộng tác viên kỳ cựu, đã đến tay bạn đọc như: Văn hóa nguyên thủy của E.B.Tylor (2000), Tuyển tập V.I.A. Propp, 2 tập (2003), Cành vàng của J. Frazer (2007), Kinh nghiệm thần bí và các biểu tượng ở người nguyên thủy của Lucien Lévy Bruhl (2008)…
Dạng sách lý thuyết và phương pháp nghiên cứu ra đời đã cung cấp kiến thức về các trường phái trên thế giới đến với bạn đọc như: Văn hóa học, những lý thuyết nhân học văn hóa (2000), Sự đỏng đảnh của phương pháp (2004), Theo vết chân những người khổng lồ (2006).
Dạng sách nghiên cứu tổng quát về văn hóa Việt Nam, nghiên cứu văn hóa vùng miền, nghiên cứu theo chuyên ngành được chủ động chọn lọc và giới thiệu thường xuyên ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước như: Tìm hiểu về bản sắc dân tộc của văn hóa (1993), Văn hóa vì con người (1993), Văn hóa Việt Nam - một chặng đường (1993), Đường vào văn hóa (1993), Âm nhạc - lý luận và cây đời (1994), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người (1996), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm (2000), Văn hóa nghệ thuật Nam Bộ (1997), Văn hóa nghệ thuật Trung Bộ (1998), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thực tiễn và giải pháp (1999), Hỏi đáp về văn hóa Việt Nam (1998), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam (2000), Với văn hóa nghệ thuật (2000), Hành trình nghiên cứu điện ảnh Việt Nam (2007), Trước hết là giá trị con người (2008)… Các sách ảnh về Khu di tích Mỹ Sơn, về huyện Hải Hậu điển hình văn hóa, về 50 năm ngành Văn hóa - Thông tin… là những sản phẩm thể hiện trí tuệ, tâm huyết, tài năng của đội ngũ cán bộ, nhân viên Tạp chí đầy bản lĩnh và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc từ cơ chế hoạt động cũ sang giai đoạn mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới.
Các chuyên mục Tạp chí phong phú hơn, ví dụ: mục lý luận chung và có các mục văn hóa truyền thống, văn hóa đương đại, đời sống văn hóa cơ sở, mỹ thuật cổ, mỹ thuật hiện đại, âm nhạc truyền thống, âm nhạc mới, sân khấu truyền thống, sân khấu đương đại, nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật múa, văn hóa gia đình, văn hóa nghệ thuật nước ngoài, hệ thống tin tức chuyên ngành… đều được chủ động xử lý ở góc độ nghiên cứu và quản lý nhằm phục vụ nghiệp vụ nghiên cứu chuyên sâu và công tác quản lý của Bộ.
Trong giai đoạn này cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của Tạp chí được Bộ quan tâm sửa chữa. Điều kiện làm việc của các biên tập viên tốt. Công tác trị sự, chế bản, in ấn, phát hành đều được chăm lo theo hướng đầu tư bài bản...
2. Những chuyện bên lề qua năm tháng
Sau quãng thời gian chứng kiến 3 lần kỷ niệm các mốc tạp chí tròn 20 năm, 30 năm, 35 năm trưởng thành và phát triển trong tư cách người nhà, tôi đã có những trải nghiệm thật vui vì mình là thành viên trong gia đình Tạp chí. Từ khi tốt nghiệp đại học bước chân vào làm cơ quan đầu tiên là Tạp chí, tôi và 2 người đồng nghiệp khác (chị Lan, anh Lự) đã trở thành những người trẻ của cơ quan. Sau này thêm những anh trẻ hơn (anh Nghị, anh Vinh) và những em trẻ hơn nữa (Mai Trang, Đức Tiến, Trần Thị Huệ, Trà My, Trúc Lâm…) làm thành đội ngũ biên tập viên, nhân viên kế nối những kinh nghiệm làm việc của đàn anh kỳ cựu có thâm niên nghiên cứu, quản lý đã cống hiến cho sự phát triển của Tạp chí. Những người trẻ nhìn thế hệ có thâm niên thành tích nghiên cứu đang làm biên tập với lòng ngưỡng mộ. Tuy là người cùng cơ quan nhưng khoảng cách tri thức cách xa khiến chúng tôi luôn có ý thức, thái độ khiêm tốn học hỏi. Nhớ lại mỗi lần cơ quan họp chi bộ, đều thấy các đảng viên có dáng vẻ rất nghiêm túc. Khi họp rút kinh nghiệm mỗi số tạp chí là mỗi lần những người trẻ chúng tôi vừa thích, vừa lo. Thích vì được nghe nhận xét công khai về từng bài ở các chuyên mục - đó là dịp được học thêm kiến thức một cách trực tiếp. Lo là có sơ sót vi phạm gì không? Những người trẻ trong cơ quan đều kiêm nhiệm và thành thạo các công đoạn làm ra một số tạp chí ở những mức độ nhất định trong mối quan hệ tương tác chặt chẽ về trách nhiệm. Đó là lý do vì sao chúng tôi quý hóa nhau như anh em trong nhà, đôi khi tụ tập đàn hát, ăn uống mừng vui vì hoàn thành một số tạp chí không sai sót gì. Nào là chế bản, nào là sửa lỗi, đọc morat, đọc bản can, đi nhà in, đi nộp lưu chiểu, phát hành, báo biếu… Phải đâu chỉ là công việc được giao, nó cao cả hơn nhiều, vì đây là sản phẩm trí tuệ của các tác giả, là công sức chau chuốt nâng niu của các biên tập viên, các kỹ thuật viên, đội ngũ trị sự thạo nghề và trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Tạp chí trước Bộ, trước cộng đồng các nhà khoa học, các nhà quản lý và toàn thể xã hội.
Cơ quan nhỏ với hơn chục cán bộ cứ thế gắn bó nhiều năm, cùng nhau tư duy và làm lụng chăm chỉ. Những người trẻ chúng tôi đều được động viên tự học, tự vươn lên hoàn thiện tri thức, noi gương những người đồng nghiệp đã thành công ngay cạnh mình - mà thực tế chúng tôi đều thừa nhận họ là những người thày, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Có lẽ nhờ đó, chúng tôi có cơ hội tốt để hoàn thiện, làm giàu tri thức và các kỹ năng nghề nghiệp mỗi ngày. Ai chưa có bằng đại học thì yêu cầu học ngay. Ai có bằng đại học rồi thì yêu cầu học sau đại học và các lớp nâng cao nghiệp vụ, đặc biệt là yêu cầu thích ứng với công nghệ ngày càng hiện đại phục vụ nghề báo. Đây chính là lợi lạc từ thương hiệu một tổ chức mạnh - như nguồn vốn tổng hợp đào luyện những cá thể ngày càng có kiến thức phục vụ công việc tốt hơn.
Giờ đây, kỷ niệm 50 năm Tạp chí ra đời và phát triển, quy mô Tạp chí đã mở rộng, nhân sự Tạp chí đã đông hơn nhiều và khối lượng công việc, trọng trách được lãnh đạo Bộ giao phó có phần nặng nề hơn, cập nhật hơn với các hoạt động ngày càng đa dạng của Bộ chủ quản. Những người trẻ và người trẻ hơn thuộc giai đoạn chúng tôi còn công tác tại cơ quan đã hầu như hoàn thành nhiệm vụ, được hưởng chế độ hưu trí hoặc một số chuyển cơ quan. Nhưng thương hiệu tổ chức còn đó, thành tích nỗ lực còn đó với lịch sử, với thời gian không bao giờ phai mờ. Những vị Tổng biên tập kỳ cựu như: TS, VS Hồ Sĩ Vịnh, GS, TS Nguyễn Chí Bền, Ths Phạm Vũ Dũng và những nhà nghiên cứu tài giỏi vẫn tâm huyết với nghề, vẫn nghiên cứu và giảng dạy, viết báo, in sách như: PGS, TS Nguyễn Thụy Loan, PGS, TS Đỗ Lai Thúy, TS Nguyễn Minh San đều đã ngoại lục, thất, bát tuần… vẫn chứng kiến những năm qua Tạp chí đã phát triển, mở rộng quy mô hoạt động ra sao. Cùng với họ, chúng tôi tin và vẫn luôn dành những tình cảm nồng hậu, trân quý về nơi từng làm việc, gắn bó, và cá nhân tôi là cả tuổi thanh xuân được trưởng thành, lớn lên cùng gia đình Tạp chí. Mừng cơ quan Tạp chí đón kỷ niệm 50 năm với nhiều thành công, nhiều cống hiến hiệu quả cao hơn nữa cho Bộ cũng như toàn thể xã hội với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa vì sự trường tồn và hạnh phúc của con người Việt Nam.
PGS, TS. PHẠM LAN OANH
Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nguyên biên tập viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
_______________
Tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023