Thiết chế bảo tàng, với tư cách là cầu nối giữa người dân và di sản đang ngày càng trở nên quan trọng và gắn bó mật thiết hơn với đời sống xã hội. Trước xu thế phát triển phong phú, đa dạng của nhu cầu văn hóa trong xã hội, hệ thống bảo tàng tư nhân (BTTN) đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt gia tăng nhanh chóng về số lượng. Điều này đòi hỏi các quốc gia, các cộng đồng phải quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa này. Trên tinh thần đó, bài viết tìm hiểu kinh nghiệm quản lý hệ thống BTTN ở Anh và Hoa Kỳ, nơi có số lượng BTTN lớn và hoạt động khá hiệu quả nhằm rút ra bài học kinh nghiệm đối với công tác quản lý BTTN ở Việt Nam hiện nay.
Glenstone Museum - Bảo tàng nghệ thuật đương đại tư nhân lớn nhất ở Hoa Kỳ - Nguồn: The New York Times
1. Khái quát về BTTN
Khác với những bảo tàng công thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước, BTTN (private museum) là những bảo tàng được thành lập, quản lý, sở hữu bởi một hoặc một số cá nhân, tổ chức tư nhân, hoạt động vì lợi ích công cộng. Do đó, BTTN vẫn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như một bảo tàng theo định nghĩa của Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) là: “Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, thường trực phục vụ xã hội nhằm nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, diễn giải và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể. Mở cửa cho công chúng, dễ tiếp cận và toàn diện, các bảo tàng thúc đẩy sự đa dạng và bền vững. Họ hoạt động và giao tiếp có đạo đức, chuyên nghiệp và có sự tham gia của cộng đồng, mang lại những trải nghiệm đa dạng về giáo dục, sự thích thú, suy ngẫm và chia sẻ kiến thức” (1).
Theo số liệu một cuộc khảo sát 56 quốc gia trên thế giới do Liên Hợp quốc tiến hành, các BTTN đã chiếm 34% tổng số bảo tàng vào tháng 9-2018 (cuộc khảo sát này chỉ bao gồm 57% trong số 55.000 bảo tàng trên toàn thế giới vào năm 2019) (2). Sự phát triển của các BTTN có thể bổ sung cho những khoảng thiếu hụt trong hệ thống bảo tàng công lập. Chẳng hạn, BTTN có thể giúp công chúng được tiếp cận thêm những bộ sưu tập có giá trị, tạo điều kiện bảo tồn di sản văn hóa. Nhiều BTTN có điều kiện và tự do hơn trong việc mua lại và quản lý những bộ sưu tập có giá trị, trong khi các bảo tàng công cộng do hạn chế về ngân sách hoặc vướng mắc về thủ tục mua sắm sẽ khó có thể sở hữu được. Bên cạnh đó, các BTTN có thể hỗ trợ tích cực việc giáo dục công chúng và phát triển khả năng thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của họ. BTTN cũng có thể thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, việc làm ở địa phương. Ví dụ, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Hoa Kỳ, ước tính đã giúp tạo ra doanh thu 946 triệu USD từ khách du lịch đến New York vào mùa hè năm 2015, chiếm 1,5% tổng chi tiêu của khách du lịch trong năm đó (3).
Mặc dù có nhiều tiềm năng và đang có xu hướng phát triển mạnh, nhưng so với bảo tàng công thuộc quản lý, sở hữu của nhà nước thì BTTN trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn không nhỏ về tổ chức, nhân sự, chuyên môn và nhất là tài chính. Do đó, nhà nước và xã hội cần phải có những hành động thiết thực hơn nữa để hỗ trợ việc thành lập và duy trì sự vận hành bền vững và hiệu quả của BTTN.
2. Quản lý BTTN ở Anh
Ở Anh, bảo tàng (cả bảo tàng công và tư nhân) được Chính phủ tạo môi trường thuận lợi để thực hiện các chức năng văn hóa, xã hội như hỗ trợ học tập, gắn kết cộng đồng và phát triển kinh tế. Chính phủ Anh không trực tiếp can thiệp, gây ảnh hưởng hoặc chỉ đạo các viện bảo tàng thực hiện chức năng nhiệm vụ của họ, nhưng đã và đang nỗ lực tạo ra một môi trường cho phép các viện bảo tàng của Anh thực hiện tốt nhất công việc của họ. Một thống kê gần đây cho thấy, hơn một nửa số người trưởng thành ở Anh đến thăm bảo tàng mỗi năm, tăng trong thập kỷ vừa qua từ 42% vào năm 2005-2006 lên 52% vào năm 2016-2017. Năm 2015, có 71 triệu lượt du khách đã tới các bảo tàng ở Anh, trong đó 22 triệu lượt là du khách nước ngoài (4). Điều này chứng tỏ bảo tàng ở Anh đã tạo được sức hút đối với công chúng, đồng thời cũng cho thấy hiệu quả trong cách quản lý, điều hành của Chính phủ đối với lĩnh vực này.
Trước tiên, Chính phủ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các BTTN tự quản lý, điều chỉnh, bằng các đạo luật điều chỉnh trực tiếp như: Luật Bảo tàng Anh (1963), Luật Thư viện và Bảo tàng Công cộng (1964). Ngoài ra, còn có các đạo luật gián tiếp điều chỉnh hoạt động của BTTN như: Luật Phân biệt Người tàn tật (DDA) được ban hành năm 1997, Luật Lao động, Luật Thuế, Luật Bảo vệ dữ liệu, Luật Kho báu...
Thứ hai, Chương trình Công nhận Bảo tàng (MAS): Chương trình được đưa ra từ năm 1988 để giúp tất cả các bảo tàng đạt tiêu chuẩn chất lượng trong cách tổ chức vận hành, chăm sóc, quản lý bộ sưu tập và tương tác với công chúng trải nghiệm, sau đó sửa đổi vào tháng 11-2018. Thời hạn hiệu lực theo MAS được gia hạn từ 3-5 năm. Chương trình mở rộng quy mô để các bảo tàng thuộc nhiều loại hình và quy mô khác nhau đều có thể nỗ lực đạt được tiêu chuẩn chứng nhận thống nhất này. Tiêu chuẩn cho thấy các yếu tố xây dựng và duy trì bền vững một bảo tàng là: 1) Năng lực/ điều kiện của tổ chức (kỹ thuật, chuyên môn, tài chính); 2) Bộ sưu tập (chất lượng/ giá trị của nó); 3) Công chúng và trải nghiệm của họ. Theo số liệu từ Hội đồng Nghệ thuật Anh (tháng 9-2017), có hơn 2.600 bảo tàng ở Anh, với 1.312 bảo tàng được công nhận theo chương trình MAS. Trong số bảo tàng được công nhận có 639 bảo tàng độc lập (5). Chương trình Công nhận Bảo tàng đã hỗ trợ quảng bá và giúp các bảo tàng củng cố niềm tin của công chúng.
Thứ ba, tài trợ công: Hiện tại có khoảng 16 nguồn tài trợ khác nhau của Chính phủ đã được cấp thường xuyên đến lĩnh vực bảo tàng. Tính trong khoảng 10 năm (2007-2017), trung bình mỗi năm có 844 triệu bảng từ 11 nguồn của Chính phủ, bao gồm nhiều nguồn tài trợ và cả các biện pháp về thuế đã được hỗ trợ cho toàn bộ lĩnh vực bảo tàng ở Anh (5 nguồn khác chưa có số liệu thống kê bao gồm: giảm giá kinh doanh, hỗ trợ quà tặng, nguồn tài trợ của châu Âu, chương trình bồi thường của Chính phủ, các khoản trợ cấp cá nhân của kho bạc HM) (6). Mặc dù Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) không tài trợ trực tiếp cho các BTTN, nhưng các nhà khai thác có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các cơ quan hoạt động theo nguyên tắc “độ dài cánh tay” (arm’s length principle) của DCMS như Hội đồng Nghệ thuật Anh, Quỹ Xổ số và di sản. Những cơ quan của Chính phủ đã và đang hỗ trợ các BTTN (đạt tiêu chuẩn) thông qua các khoản tài trợ dựa trên các dự án cụ thể.
Khấu trừ thuế cho các nhà tài trợ: Người nộp thuế cá nhân hoặc doanh nghiệp được khấu trừ thuế từ việc tặng tác phẩm nghệ thuật quan trọng hoặc các di sản cho các bảo tàng dưới sự chấp nhận của cả hai bên. Cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cũng đã đề xuất đơn giản hóa và cải thiện các thủ tục xử lý những món quà từ thiện. Những thay đổi đã được thực hiện, một phần nhằm khuyến khích hỗ trợ tư nhân, bổ sung lượng tiền công cộng dành cho nghệ thuật, bảo tàng và di sản, và gia tăng lượng tiền dành cho từ thiện. Theo đó, từ năm 2002, lĩnh vực từ thiện và tình nguyện phải quan tâm đến tiêu chí “hành động cá nhân, lợi ích công cộng”. Các tổ chức từ thiện cần chứng minh rằng tất cả các hành động của họ phù hợp với nguyên tắc “cung cấp lợi ích công cộng” và phải đăng ký với những bằng chứng cho việc này. Nếu các tổ chức từ thiện (bao gồm các công ty nghệ thuật) bị phát hiện không đưa ra những lợi ích công cộng, Ủy ban có quyền thi hành thay đổi, kể cả đến khi tài sản trực tiếp của các tổ chức dành cho mục đích từ thiện (7).
Hợp tác làm việc trên các bộ sưu tập và bồi thường: Một số chương trình hỗ trợ được tổ chức gần đây để giúp các bảo tàng chia sẻ các bộ sưu tập và một phần kiến thức chuyên môn. Chương trình Sẵn sàng cho vay đã đầu tư 3,6 triệu bảng Anh để giúp các bảo tàng nâng cấp không gian triển lãm của họ, để quản lý những đồ vật quan trọng. Quỹ Nghệ thuật và Quỹ Garfield Weston triển khai chương trình đào tạo và tài trợ trị giá 750.000 bảng Anh để hỗ trợ chia sẻ rộng rãi hơn các bộ sưu tập quốc gia với các bảo tàng trên toàn nước Anh (8). Bên cạnh đó, dưới sự quản lý của Chính phủ, Chương trình Bồi thường (GIS) được đưa ra từ năm 1980 cho phép viện bảo tàng nhận được bảo hiểm bồi thường miễn phí cho các khoản vay vào và ra (vay, mượn đồ vật, tác phẩm nghệ thuật để trưng bày tạm thời), cung cấp sự bảo đảm rằng nếu đồ vật bị hư hỏng hoặc bị thất lạc/ phá hủy, Chính phủ Anh sẽ hoàn trả cho người cho vay (9).
Chương trình Chấp nhận quà tặng văn hóa và thay thế (AIL and CGS): tổ chức từ năm 1947, cho phép người có trách nhiệm trả thuế thừa kế, thuế chuyển đổi vốn hoặc thuế bất động sản có thể sử dụng các đồ vật, bộ sưu tập, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật để thay thế thanh toán một phần, hoặc toàn bộ khoản nợ. Những đối tượng này sau đó bổ sung vào các bộ sưu tập bảo tàng phù hợp, cho sở hữu công cộng. Để đủ điều kiện miễn trừ, các đồ vật thay thế phải có giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử và kiến trúc, phải là lợi ích quốc gia. Những đồ vật này thường là đồ cổ, các tác phẩm nghệ thuật và cũng có thể là các lưu trữ. Chương trình này giúp Chính phủ thu thập được nhiều đồ vật, bộ sưu tập có giá trị từ các cá nhân, tổ chức để bổ sung vào di sản văn hóa Anh. Chúng được quản lý trên danh nghĩa của Chính phủ bởi Hội đồng Bảo tàng, Thư viện và Lưu trữ (MLA).
Với phương thức quản lý gián tiếp theo nguyên tắc “độ dài cánh tay”, Chính phủ Anh đã bảo trợ cho các BTTN tự quản lý, duy trì hoạt động một cách tự chủ. Ngoài các cơ quan của Chính phủ và các chính quyền khu vực, địa phương, Hiệp hội Bảo tàng độc lập (AIM) và các hiệp hội bảo tàng địa phương, các tổ chức từ thiện, tình nguyện trên khắp nước Anh đều tham gia hỗ trợ, cung cấp thông tin giúp các BTTN được thành lập và phát triển thuận lợi. Vì thế, số lượng BTTN ở Anh đã tăng 45% từ những năm 1990 đến hiện nay (từ 1.100 lên 1.600 bảo tàng) (10).
3. Quản lý BTTN ở Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng bảo tàng lớn nhất thế giới, từ 17.500 vào những năm 1990 lên 35.144 vào những năm gần đây (11). Toàn bộ ngành Bảo tàng cung cấp 726.200 việc làm và tạo ra doanh thu thuế 12 tỷ USD (năm 2016) (12). Trong đó, phân khúc BTTN chiếm phần lớn, khoảng 71% tổng số bảo tàng (13). Cũng giống như ở Anh, Chính phủ Hoa Kỳ không trực tiếp quản lý mà chỉ tạo điều kiện để các bảo tàng tự quản lý, chủ động điều chỉnh các hoạt động của mình. Viện Dịch vụ Bảo tàng và Thư viện (IMLS) - một cơ quan độc lập của Chính phủ Hoa Kỳ có nhiệm vụ thúc đẩy, hỗ trợ và trao quyền cho các bảo tàng Hoa Kỳ thông qua việc tài trợ, nghiên cứu và phát triển chính sách. Điểm khác biệt lớn là ở Hoa Kỳ không cung cấp đạo luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực này (Đạo Luật Dịch vụ Bảo tàng và Thư viện thông qua năm 1996 để chuyển các quỹ công sang tư nhân và bảo tàng công cộng thông qua các chương trình tài trợ khác nhau của OMS nhưng không có điều khoản điều chỉnh hoạt động của BTTN). Các BTTN ở Hoa Kỳ đang hoạt động trên cơ sở tự điều chỉnh thông qua sự tạo điều kiện của Chính phủ, cụ thể như:
Các chương trình kiểm định và đảm bảo chất lượng: Từ năm 1971, Liên minh Bảo tàng Hoa Kỳ (AAM) đã triển khai việc kiểm định bảo tàng dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng cũng như các chương trình đảm bảo chất lượng khác (như Cam kết xuất sắc và Chương trình đánh giá bảo tàng) để công nhận tiêu chuẩn và chất lượng của bảo tàng, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của công chúng đối với bảo tàng. Tính đến tháng 3-2020, trên 4.800 (14%) bảo tàng Hoa Kỳ tham gia vào các chương trình này, khoảng 4/5 số bảo tàng được công nhận này là BTTN (14).
Tài trợ công trực tiếp: Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang cung cấp tài trợ cạnh tranh cho lĩnh vực bảo tàng ở các mức độ khác nhau của các cấp hành chính thông qua các nguồn như: Văn phòng Dịch vụ bảo tàng (OMS) thuộc Viện Dịch vụ Bảo tàng và Thư viện của Chính phủ Hoa Kỳ; Quỹ Nhân văn quốc gia (NEH) và Quỹ Nghệ thuật quốc gia (NEA). Để có được nguồn tài trợ như vậy, các bảo tàng phải gửi đề xuất phù hợp với các loại dự án được chỉ định (ví dụ như các hạng mục dự án trong chương trình Trao quyền cho các bảo tàng: công nghệ số, tính đa dạng và hòa nhập, đánh giá, quản lý tổ chức) và gửi báo cáo hiệu suất hằng năm. Như vậy, cũng giống như ở Anh, các BTTN ở Hoa Kỳ muốn có được nguồn tài trợ trực tiếp từ các cơ quan của Chính phủ phải đạt tiêu chuẩn kiểm định. Tuy nhiên, tổng quỹ công chỉ chiếm khoảng 7-24% doanh thu hằng năm của các BTTN (15), còn phần lớn doanh thu của bảo tàng đến từ các nguồn tài trợ, quyên góp của khu vực tư nhân.
Khấu trừ thuế cho việc quyên góp cho bảo tàng: Luật Thuế của Hoa Kỳ cho phép việc miễn giảm thuế đối với những khoản đóng góp cho các quỹ từ thiện hay phát triển văn hóa. Những người góp tiền cho tổ chức văn hóa, nghệ thuật không chỉ được khấu trừ thuế, mà còn được hưởng miễn thuế tài sản và những quyền lợi miễn thuế thu nhập khi đóng thuế cho địa phương và cho bang. Do đó, khoảng hơn 90% các bộ sưu tập nghệ thuật được trưng bày ở các bảo tàng công cộng đã được quyên góp bởi các cá nhân. Ước tính, hoạt động từ thiện hiện nay chiếm khoảng 1/3 kinh phí hoạt động và 80% bộ sưu tập của tất cả các viện bảo tàng ở Hoa Kỳ (16).
Tư vấn kỹ thuật về quản lý bộ sưu tập và chia sẻ chi phí bồi thường: OMS hợp tác với cơ quan chuyên môn để tư vấn việc chăm sóc bộ sưu tập cho các bảo tàng ở hơn 40 bang. Quỹ Nghệ thuật quốc gia (NEA) chịu trách nhiệm cung cấp bảo hiểm cho BTTN theo Chương trình Bồi thường nghệ thuật và hiện vật từ năm 1975, ước tính con số phí bảo hiểm đã lên tới 1 tỷ USD từ năm 1975 trở lại đây (17).
Như vậy, mặc dù không trực tiếp quản lý nhưng với việc cung cấp những điều kiện thuận lợi về tài chính và pháp lý, Chính phủ Hoa Kỳ đã thúc đẩy các BTTN phát triển mạnh mẽ và thực hiện tốt chức năng xã hội của mình.
4. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong những năm gần đây, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho bảo tàng ngoài công lập được thành lập và phát triển, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và giáo dục công dân. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quản lý BTTN ở Anh và Hoa Kỳ có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý BTTN ở Việt Nam như sau:
Một là, Nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo, “cầm lái” trong việc xây dựng và phát triển hệ thống BTTN. Nhà nước không làm các công việc cụ thể mà tập trung vào hoạch định chính sách vĩ mô, tạo ra “chất xúc tác” và môi trường thuận lợi để bảo tàng tự điều chỉnh, nâng cao năng lực tổ chức, tìm cách thích ứng tốt với sự biến đổi của đời sống xã hội. Cụ thể, Nhà nước cần tập trung bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo tàng ngoài công lập như: nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo; nghiên cứu đề xuất ban hành luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực bảo tàng; nghiên cứu sửa đổi, cập nhật quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng nói chung, bảo tàng ngoài công lập nói riêng; chương trình công nhận bảo tàng; hướng dẫn thành lập Hiệp hội Bảo tàng tương ứng.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, ngoài việc đổi mới cách thức, nâng cao mức đầu tư, tài trợ công cho lĩnh vực bảo tàng nói chung, Nhà nước cần tập trung vào các chính sách xã hội hóa để huy động, thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển thiết chế bảo tàng ngoài công lập như: miễn, giảm thuế, ghi công cho các khoản đóng góp, tài trợ; ưu đãi, ưu tiên cho các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân tham gia đầu tư phát triển bảo tàng ngoài công lập trong các hoạt động và phát triển thương hiệu riêng của họ; chính sách về đất đai để tạo điều kiện cho các BTTN có những địa điểm trưng bày phù hợp, thu hút công chúng; chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho các bảo tàng ngoài công lập; các chính sách hỗ trợ hợp tác phát triển bảo tàng như: hợp tác, liên kết giữa các nhà tài trợ; hợp tác công - tư (hợp tác giữa các bảo tàng công với các nhà sưu tập cá nhân để các bộ sưu tập có giá trị thuộc sở hữu tư nhân được triển lãm công cộng, phục vụ lợi ích công cộng; chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ về chuyên môn, nhân sự và các hiện vật giữa bảo tàng công và các bảo tàng ngoài công lập…); hợp tác giữa các bảo tàng ngoài công lập với nhau và với các tổ chức, dự án khác trong, ngoài nước.
Hai là, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động, khả năng tự chủ của các bảo tàng ngoài công lập để phát triển bền vững đồng thời giảm gánh nặng cho Nhà nước. Điều này đòi hỏi các bảo tàng phải biết tận dụng các điều kiện thuận lợi về thể chế, chính sách và nguồn lực, đồng thời luôn chủ động, sáng tạo, thích ứng để phát triển. Các bảo tàng ngày nay không chỉ thực hiện các chức năng xã hội truyền thống mà còn có thể trở thành biểu tượng, thương hiệu của nơi nó xuất hiện, thành địa điểm thu hút khách tham quan du lịch, là một mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, các bảo tàng ngoài công lập cần chú trọng đến các tiêu chuẩn để xây dựng và phát triển bền vững như:
Có kế hoạch, chiến lược lâu dài: Phải thể hiện rõ ràng mục đích thành lập; những giá trị, lợi ích mà bảo tàng mang lại; lý do thuyết phục người dân đến thăm quan, trải nghiệm, học tập và tham gia hoạt động, tài trợ và hỗ trợ cho bảo tàng; các hoạt động cụ thể để thực hiện mục đích của bảo tàng.
Huy động, phát triển nguồn kinh phí hoạt động bền vững: Bảo tàng phải tìm kiếm được nhiều nguồn thu nhập: có đủ các điều kiện để được hưởng nguồn tài trợ công; kinh doanh (thu vé vào cửa, kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ liên quan, cho thuê cửa hàng…); gây quỹ thông qua hoạt động từ thiện, quyên góp, ủng hộ, tài trợ.
Thu hút công chúng: Lấy công chúng làm trung tâm, bảo tàng phải nghiên cứu, tiếp cận, hiểu các đối tượng công chúng và nhu cầu của họ để xây dựng các chương trình phù hợp, hấp dẫn, thu hút được số đông người dân/ du khách đến trải nghiệm.
Quản lý tốt: Bảo tàng nghiên cứu vận dụng các quy chế, quy định của Nhà nước liên quan đến quản lý bảo tàng và tham khảo các quy tắc quản trị tốt của các Hiệp hội BTTN trên thế giới để xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn quản lý phù hợp.
Lực lượng lao động chất lượng: Đội ngũ nhân sự tham gia xây dựng, phát triển bảo tàng không chỉ là những người có chuyên môn, nghiệp vụ tốt mà còn cần là những người có kỹ năng và chiến lược kinh doanh giỏi.
Quản lý bộ sưu tập hiệu quả: Việc sử dụng các bộ sưu tập rất đa dạng. Tất cả bảo tàng nên có kế hoạch quản lý bộ sưu tập mạnh mẽ và tích cực phản ánh điều này, bao gồm việc xử lý, mua lại, tiếp cận và sử dụng đối tượng, để tối đa hóa hiệu quả và mục đích.
Quan hệ hợp tác: Các bảo tàng phải thiết lập được quan hệ hợp tác tốt với bảo tàng công lập, với các bảo tàng trong hệ thống, các cơ sở văn hóa, giáo dục khác ở địa phương, trong nước và có thể vươn ra quốc tế. Điều này có thể giúp các bảo tàng cải thiện, nâng cao chất lượng những chương trình mà bảo tàng cung cấp cho người dân/ du khách; chia sẻ, trao đổi các bộ sưu tập, kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản lý.
_______________
1. ICOM, Museum difinition (Định nghĩa bảo tàng), icom.museum, 2022.
2, 3, 10, 13, 16, 17. Sunny LAM, Policy support for private museums in selected places (Hỗ trợ chính sách cho bảo tàng tư nhân ở những nơi được chọn), legco.gov.hk, 5-6-2020.
4, 5, 6, 8, 9. Neil Mendoza, The Mendoza Review: an independent review of museums in England (Đánh giá Mendoza: Độc lập, tổng quan về bảo tàng ở Anh), assets.publishing.service.gov.uk, 2017.
7. Thu Hiền lược dịch, Vương quốc Anh: Luật pháp trong lĩnh vực văn hóa, bvhttdl.gov.vn, 2017.
11. Institute of Museum and Library Services, Government Doubles Official Estimate: There Are 35,000 Active Museums in the U.S (Ước tính chính thức của Chính phủ tăng gấp đôi: Có 35.000 bảo tàng đang hoạt động ở Hoa Kỳ), imls.gov, 2014.
12. Oxford Economics, Museums as Economic Engines (Bảo tàng là động cơ kinh tế), aam-us.org, 2017.
14. Liên minh Bảo tàng Hoa Kỳ, Accreditation by the Numbers(Chứng nhận bằng những con số), aam-us.org, 2020.
15. Institute of Museum and Library Services, Exhibiting Public Value: Government Funding for Museums in the United States (Thể hiện giá trị công cộng: Tài trợ của Chính phủ cho bảo tàng ở Hoa Kỳ), imls.gov, 2008.
TS LƯƠNG HUYỀN THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023