Các ẩn phẩm của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - ảnh: Tuấn Minh
1. Một di sản không kém phần đồ sộ
Trong 50 năm qua, có thể nói Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã làm tốt sứ mệnh của mình, khi vừa tạo dựng và giữ được bản sắc là cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu về văn hóa, nghệ thuật và gia đình; vừa đa dạng nội dung thông tin chuyên ngành, chuyên sâu, tư vấn, phản biện chính sách; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về lĩnh vực chuyên ngành, luôn “vừa hồng vừa chuyên”. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng là một trong những ấn phẩm hàng đầu về văn hóa, nghệ thuật hiện nay, với sự phản ánh sâu sắc các chủ đề và bài viết có chiều sâu, cách tiếp cận vấn đề đa dạng, mang đến lượng thông tin, kiến thức phong phú. Dù là một tạp chí nghiên cứu, lý luận, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn đề cao tính khoa học, chỉn chu và kỹ càng trong cả nội dung lẫn hình thức.
Vì vậy, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tạo nên giá trị và sự khác biệt so với nhiều ấn phẩm khác. Trong xu hướng chung là thay đổi, tự làm mới và dù có thay đổi nhất định qua từng giai đoạn, về cơ bản, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã và đang làm được một trong những điều khó khăn nhất là giữ được cá tính, bản sắc, sự ổn định và tạo nên, lan tỏa được ấn tượng sâu sắc trong các thế hệ độc giả.
Tính đến 2023, sau nửa thế kỷ, nếu nhìn lại những điều đã làm được từ góc nhìn di sản, cần thiết phải tổng hợp lại và có thể có những thống kê đầy đủ để chứng minh điều đó. Chẳng hạn, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã xây dựng, trưởng thành và phát triển qua từng thời kỳ ra sao; Tạp chí có thể in ấn và phát hành tới gần cả triệu bản (tất cả các ấn phẩm) hay không; phản ánh sâu sắc và chuyên sâu bao nhiêu vấn đề; xây dựng và tổ chức thực hiện bao nhiêu loạt bài, tuyến bài; bao nhiêu thế hệ tác giả trong và ngoài nước đã cộng tác, viết bài; giới thiệu bao nhiêu vùng văn hóa, bao nhiêu nhân vật trong và ngoài nước; mỗi năm có bao nhiêu bài giới thiệu, phản ánh văn hóa truyền thống, văn hóa đương đại, 7 loại hình nghệ thuật…; tiếp cận bao nhiêu lượt độc giả…
Trong Ba mươi năm, nhìn lại và hướng tới, số 12 (234), 2003, tác giả Phạm Vũ Dũng đã khái quát thành tựu, tổng quan số liệu và nhìn nhận, đánh giá chính xác, khách quan thông qua sự “nhìn lại” đó. Và từ 2003 đến 2023, trong 20 năm, những con số thống kê đó đã và đang tiếp tục được nhân lên, chắc chắn góp phần khiến Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tạo nên cả một di sản không kém phần đồ sộ.
Góp phần tạo nên di sản đó, đội ngũ tác giả cũng là một thế mạnh, tạo nên bản sắc cho Tạp chí. Trong lực lượng hùng hậu đó, có nhiều nhà quản lý, hoạch định chính sách; các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu; nhiều tác giả gắn bó với Tạp chí như một người bạn thủy chung; chưa kể các chuyên gia, cây bút, phóng viên bài - ảnh được phân công phụ trách các lĩnh vực văn hóa, loại hình nghệ thuật…
Riêng ở loại hình nghệ thuật điện ảnh, có những tác giả là nhà quản lý kiêm nghệ sĩ như: Bành Bảo, Phim truyện với những nhiệm vụ chính trị trước mắt, số 1 (36), 1981; Hải Ninh, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VIII và những tín hiệu đổi mới, số 3 (80), 1988; Khắc Lợi, Xuân Sơn, Nghĩ về nghề (Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật), số 2 (85), 1989; Bùi Đình Hạc, Chất lượng phim truyện Việt Nam năm 1992, số 1 (115), 1994; Đặng Nhật Minh, Điện ảnh Việt Nam được và mất, số 6 (114), 1993… Có những tác giả viết cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong nhiều năm, nhiều giai đoạn khác nhau; có những tác giả người Việt ở nước ngoài và có những tác giả nước ngoài; có nhiều tác giả là chuyên gia hàng đầu, xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn.
Bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã xây dựng được Tủ sách Văn hóa nghệ thuật. Trong Điểm một số cuốn sách do Tạp chí xuất bản, số 12 (234), 2003, tác giả Nguyễn Đăng Nghị đã tổng quan và nhấn mạnh về giá trị của nhiều tác phẩm do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản hoặc phối hợp xuất bản. Theo đó, trong giai đoạn từ 1973- 2003, có nhiều cuốn sách, công trình đạt giá trị trên nhiều phương diện. Trong giai đoạn từ sau 2003 đến nay, cũng có nhiều cuốn sách, công trình tương tự được Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản hoặc đồng xuất bản, có thể kể các tác phẩm như: Nhiều tác giả, Hành trình nghiên cứu điện ảnh Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2007, 880 trang, khổ lớn 16x24cm, được xuất bản lần đầu với hai ngôn ngữ Việt và Anh (gồm 6 phần: Điện ảnh Việt Nam: một chặng đường sử liệu; Điện ảnh Việt Nam: diện mạo một loại hình; Điện ảnh Việt Nam: phương pháp và phong cách; Điện ảnh Việt Nam: những tương tác loại hình; Điện ảnh Việt Nam: Phê bình sự phê bình; Điện ảnh Việt Nam: phụ lục ảnh, tư liệu); GS Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, Nxb Thời đại - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2014, 745 trang (gồm 76 tiểu luận, chuyên khảo về văn hóa, từ 1994 - 2000); Tadao Sato (Đặng Minh Liên dịch, Điện ảnh Nhật Bản, Nxb Văn học - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2015, tác giả viết về lịch sử điện ảnh Nhật Bản, tức lịch sử tư tưởng điện ảnh, với cách viết hiện đại, đề xuất cho một lối viết lịch sử điện ảnh Việt Nam, có tác dụng lớn đối với độc giả Việt Nam)…
Những tác phẩm nói trên, cùng nhiều cuốn sách, công trình ở giai đoạn trước, đa phần đều là những ấn phẩm có hàm lượng khoa học cao; được biên soạn, biên tập và tổ chức xuất bản công phu; được đánh giá cao, hội tụ nhiều giá trị; đặc biệt là được tìm đọc và trích dẫn nhiều khi thực hiện các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ… Ở phương diện là một di sản, nhiều tác phẩm đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác lý luận - thực tiễn điện ảnh nói riêng, văn hóa nghệ thuật nước nhà nói chung và tiếp tục làm phong phú Tủ sách Văn hóa nghệ thuật, được xem như một “đặc sản” của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
2. Phản ánh sâu sắc vấn đề với các bài viết chuyên sâu
Việc phản ánh sâu sắc các vấn đề văn hóa, nghệ thuật với các bài viết chuyên sâu của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật không chỉ tạo nên chất lượng, hàm lượng khoa học của các bài viết mà đã và sẽ góp phần tạo nên giá trị và sự khác biệt của Tạp chí so với nhiều ấn phẩm văn hóa, nghệ thuật khác.
Trong 50 năm qua, ở mỗi tháng, năm, giai đoạn khác nhau, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã đăng tải những bài viết chuyên sâu. Gần đây, có thể kể tuyến bài về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Dân tộc - khoa học - đại chúng (nhóm các tác giả: Phạm Lan Oanh, Nguyễn Hữu Thức, Hoàng Hà, Bùi Việt Thắng, số 524, tháng 2-2023).
Riêng về loại hình nghệ thuật điện ảnh, đơn cử, có thể kể các tác giả - tác phẩm như: Lê Châu, Về cái gọi là “tính văn học” trong điện ảnh, số 6 (59), 1984; loạt bài Vấn đề “bản sắc dân tộc” trong điện ảnh, số 1 (127), số 3 (129), 1995; loạt bài Cái hài trong điện ảnh Việt Nam trong quan hệ với văn học dân gian và sân khấu, số 1 (139), số 2 (140), 1996; Miacova Irina, Điện ảnh Việt Nam: Những đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực, số 2 (79), số 3 (80), 1988; Phạm Vũ Dũng, Từ sân khấu nghĩ về điện ảnh (mấy nét tương đồng và dị biệt), số 2 (152), 1997; Mấy vấn đề của điện ảnh Việt Nam, ấn tượng và suy ngẫm, số 2 (164), 1998; Phim truyện đề tài đương đại từ nhu cầu đến hiện thực, số 6 (228), 2003; Đặng Minh Liên, Một số vấn đề về nghệ thuật sáng tác phim truyện, số 7 (181), 1999; loạt bài Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện, số 2 (224), 4 (226), 5 (227), 7 (229), 9 (231), 2003, và nhiều bài, nhiều tác giả - tác phẩm khác trong những năm gần đây.
Về nhóm tác giả, đơn cử: Vũ Quang Chính, Trần Luân Kim, Lưu Danh Hùng, Đặng Vũ Thảo, Nhu cầu và thị hiếu khán giả điện ảnh, trên 3 số: 5 (155), 6 (156) và 7 (157), 1997. Về bài dịch, chẳng hạn: I. Vaixphen, Về bản chất của hình ảnh điện ảnh, số 4 (63), 5 (64), 1985; Tính cách điện ảnh và điện ảnh tính cách, số 6 (65), 1985; Bố cục là một quá trình, số 1 (72), 1987; Tính hình tượng của bố cục, số 2 (73), 1987; Về tác giả nước ngoài viết về điện ảnh Việt Nam, đơn cử: Tomczak Rudiger, Về phim của Đặng Nhật Minh, số 8 (230), 2003; Miacova Irina, Điện ảnh Việt Nam: Những đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực, số 2 (79), số 3 (80), 1988; và nhiều nhóm tác giả khác trong những năm gần đây.
Ở bình diện khác, việc phản ánh sâu sắc vấn đề với các bài viết chuyên sâu còn thể hiện nhiệm vụ và định hướng quan trọng của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là cơ quan nghiên cứu - lý luận hàng đầu. Sự chuyên sâu không chỉ góp phần tạo nên giá trị nhiều mặt, mà còn xây dựng một hệ tiêu chí mang tính định hướng của Tạp chí, nhằm phản ánh sâu sắc các vấn đề được chọn lựa. Theo đó, chuyên sâu và sâu sắc và mối quan hệ biện chứng (nhờ chuyên sâu mà sâu sắc, muốn sâu sắc phải chuyên sâu, không thể sâu sắc nếu không chuyên sâu, càng chuyên sâu càng cần sâu sắc…). Để làm được mối quan hệ đó, cần thực hiện đồng bộ các yếu tố (đăng loạt bài, tuyến bài về một vấn đề; đăng bài của tác giả, nhóm tác giả chia thành nhiều kỳ; có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu; kiến giải kịp thời và thuyết phục những vấn đề còn đang tranh cãi; có nhiều tác phẩm gây tiếng vang trong dư luận; có nhiều bài mang tính phản biện cao, có tác dụng tích cực về nhiều phương diện; có nhiều bài mang tính đúc kết, dự báo...
Về đầu tư cho tác giả, để thực hiện việc phản ánh sâu sắc các vấn đề văn hóa nghệ thuật với các bài viết chuyên sâu, có thể đề cập, đề xuất đến một hệ thống chính sách thực sự khoa học, thiết thực, giúp các tác giả có điều kiện cần thiết để thâm nhập đời sống thực tế, nghiên cứu và viết nên những tác phẩm có giá trị. Ðó là các chính sách về đầu tư sáng tạo tác phẩm có giá trị, chế độ nhuận bút, các hoạt động nghiên cứu, phê bình, các giải thưởng...
Về nội dung, có thể đề cập đến những chủ đề có tính đa dạng hóa, thông qua thực hiện các tuyến bài, loạt bài về các vùng văn hóa và các thực hành văn hóa khác nhau.
Để tiếp tục phản ánh sâu sắc vấn đề với các bài viết chuyên sâu, có thể tạo ra các phiên bản đa dạng hơn trong việc tiếp cận nội dung, từ các tuyển tập ấn phẩm hoặc số theo chủ đề hoặc các bảng biểu thống kê, tổng kết dựa trên các nội dung đã xuất bản; tiến tới tạo ra một kho dữ liệu như một dạng tủ sách hướng dẫn nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật chuyên sâu, có thể trở thành nguồn khảo cứu cho các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam và thế giới.
3. Một số đề xuất
Tăng cường những bài, loạt bài, tuyến bài chuyên sâu: Tiếp tục phản ánh sâu sắc những thành tựu, vấn đề lý luận và thực tiễn văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, các thành tựu, vấn đề văn hóa, nghệ thuật quốc tế. Đổi mới, tăng cường những bài chuyên sâu, không chỉ những bài trong chuyên mục Văn hóa nghệ thuật nước ngoài.
Tạp chí cần làm tốt hơn công tác truyền thông, dựa trên các kết quả nghiên cứu trong nước và so sánh quốc tế, tập trung vào các vấn đề, thách thức, thành tựu lớn của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Gia đình.
Đội ngũ biên tập viên: Hiện nay, có nhiều thông tin trên mạng internet nên để tiếp tục hấp dẫn độc giả, đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải nỗ lực trải nghiệm sâu hơn về một chủ đề; hội đủ các điều kiện cần và đủ để tổ chức tốt nhất các bài viết mang tính chuyên sâu.
Điều tra xã hội học: Thông qua điều tra xã hội học, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật bình chọn chuyên mục nào hấp dẫn nhất, từ đó, xác định được đối tượng phục vụ rộng lớn, quan trọng, xứng tầm hơn với một cơ quan nghiên cứu - lý luận hàng đầu; truyền thông khoa học, chính sách của Bộ chủ quản.
Tổ chức các chuyên đề, với sự cộng tác của nhiều tác giả: Không phải/ không chỉ là các chuyên đề về văn hóa, nghệ thuật các địa phương. Ví dụ: Sự sáng tạo văn hóa (văn hóa luôn cần được các thế hệ không chỉ bồi đắp mà còn phải biết sáng tạo không ngừng); hoặc Chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh: vấn đề và kinh nghiệm…
Xây dựng kế hoạch nội dung và tổ chức thực hiện: Một mặt, cần phải sát sao với diễn biến của hoạt động báo chí cũng như nắm bắt nhanh chóng sự quan tâm của độc giả, giới nghiên cứu trước các vấn đề văn hóa, nghệ thuật của đất nước và thế giới. Mặt khác, các ấn phẩm của Tạp chí vẫn luôn phải giữ được tôn chỉ, mục đích trong nội dung là phản ánh sâu sắc các vấn đề văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và thế giới; giữ vững vai trò và đóng góp quan trọng của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong công tác nghiên cứu, thông tin lý luận, tuyên truyền các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và gia đình; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình qua 50 năm xây dựng và phát triển
Một số sự kết hợp: Kết hợp nhiều yếu tố: giữa nội dung và hình thức, giữa các vấn đề học thuật khô khan và tính giải trí. Kết hợp giữa bác học và đại chúng: xây dựng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật thành một ấn phẩm vừa mang tính học thuật vừa mang tính văn hóa đại chúng.
Cầu nối văn hóa nghệ thuật: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần là cầu nối văn hóa, nghệ thuật giữa Việt Nam và thế giới; quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam… Riêng về văn hóa, cần giới thiệu theo cách riêng và sâu sắc các di sản văn hóa UNESCO (gồm di sản thiên nhiên, vật thể và phi vật thể); di sản văn hóa UNESCO ở Việt Nam.
Số hóa: Trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay, mọi thứ đều cần thay đổi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật càng không ngoại lệ; cần bắt nhịp ngay cùng thời đại, thậm chí phải thể hiện vai trò tiên phong. Trong đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quy trình quản lý và cung cấp thông tin, phù hợp với xu hướng phát triển chung của báo chí hiện đại. Vì vậy, ngoài bản giấy, cần đầu tư hơn nữa về bản số, đó cũng là tương lai của Tạp chí. Mặt khác, cần có cách triển khai tiếp cận độc giả trực tuyến thông qua các nền tảng digital.
Tổ chức bình chọn, trao giải thưởng thường niên cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc: Hoạt động này vừa là sự tôn vinh, vừa là sự kích cầu, tạo động lực cần thiết; cũng là công việc, nhiệm vụ vừa theo thông lệ (như tổ chức liên hoan phim, liên hoan các loại hình nghệ thuật khác…) và góp phần tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa đội ngũ tác giả với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
4. Kết luận
Trong nhiều yếu tố góp phần làm nên thành tựu của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong nửa thế kỷ qua, chúng tôi chọn 3 vấn đề mà Tạp chí đã làm tốt sứ mệnh của mình, có được đội ngũ tác giả có tâm, có tầm, có tài, thủy chung và đã xây dựng được Tủ sách Văn hóa nghệ thuật đạt hiệu quả về nhiều phương diện. Đồng thời, mạnh dạn xem xét khối lượng công việc to lớn và ý nghĩa của việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong 50 năm như một di sản đáng ghi nhận, thậm chí không kém phần đồ sộ. Di sản này chắc chắn cần được bồi đắp trong những năm tiếp theo.
Trong các giá trị làm nên sự khác biệt, đặc trưng và bản sắc của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong 50 năm qua, chúng tôi chọn sự phản ánh sâu sắc vấn đề với các bài viết chuyên sâu. Giá trị này chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy, được làm giàu có thêm, để cùng với các giá trị khác, góp phần khiến Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tạo dựng diện mạo, tầm vóc; khẳng định vị trí, vai trò không thể thay thế là ấn phẩm hàng đầu về văn hóa nghệ thuật của quốc gia.
PGS, TS. VŨ NGỌC THANH
Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
_________________
Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023