Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần tiếp tục đổi mới để phát triển

Các thế hệ cán bộ lãnh đạo và viên chức Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong ngày vui kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí (22/11/2023) - ảnh: Tuấn Minh

 

Chưa bao giờ các loại hình tạp chí ở nước ta lại bùng nổ một cách mạnh mẽ như hiện nay. Trong bối cảnh các loại hình truyền thông phát triển nhanh chóng và nhu cầu của giới nghiên cứu nói riêng, của bạn đọc nói chung có xu hướng tăng lên thì việc các loại hình tạp chí bùng nổ mạnh mẽ cũng là điều có thể lý giải được. Hiện nay, cả nước đã có gần 700 tạp chí, trong đó có hơn 300 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, hơn 70 tạp chí văn học - nghệ thuật… Bên cạnh những tạp chí có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, có uy tín hàng đầu ở nước ta, những tạp chí mà thương hiệu và sức ảnh hưởng rộng rãi của nó là điều không phải bàn cãi thì cũng còn nhiều tạp chí mà hàm lượng khoa học thấp, thông tin không thực sự mới, nhiều bài nội dung và hình thức chưa phải là một sản phẩm nghiên cứu khoa học theo đúng nghĩa của nó. Một số tạp chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thậm chí nội dung không khác nhiều một tờ báo để chạy quảng cáo và tìm kiếm thu nhập không chính đáng, có người vi phạm pháp luật đã bị xử lý hình sự.

50 năm đồng hành cùng sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam, sự phát triển văn học, nghệ thuật của nước nhà, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - cơ quan của Bộ VHTTDL, luôn thuộc top đầu trong số các tạp chí nghiên cứu về văn hóa, văn học, nghệ thuật của đất nước. Mấy chục năm nay, Hội đồng biên tập của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật chỉ gọn nhẹ mấy người thôi, không cần đao to búa lớn, cùng với đội ngũ biên tập trẻ trung đầy tâm huyết, cầu thị đã tạo nên những ấn phẩm phong phú về tri thức, sâu sắc và tin cậy về học thuật, có cả tâm và tầm, có thương hiệu và bản sắc riêng.

Từ góc nhìn mang tính cá nhân của một người có gần 20 năm được tiếp xúc với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, có thể khái quát một số thành tựu quan trọng mà Tạp chí đã đạt được trong quá trình hoạt động như sau:

Một là, nhiều công trình được công bố trên Tạp chí từ lâu đã trở thành căn cứ quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để các cơ quan của Đảng, Nhà nước nghiên cứu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa, con người Việt Nam từ những thập niên bảy mươi của thế kỷ trước đến nay. Yếu tố mở đường đã được một số công trình đề cập đến, chẳng hạn vai trò của văn hóa (nhất là của văn học, nghệ thuật), hệ giá trị của văn hóa, những đức tính và chuẩn mực của con người mới xã hội chủ nghĩa (theo cách nói trước đây), “con người Việt Nam thời đại mới” (1) hiện nay; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Việt Nam, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, văn hóa và đời sống đô thị, văn hóa chính trị, văn hóa của các dân tộc thiểu số, công nghiệp văn hóa…

Hai là, Tạp chí đã nhạy bén đón đầu các sự kiện lớn của đất nước nói chung, của các lĩnh vực hoạt động văn hóa nói riêng. Dường như không có sự kiện quan trọng nào của đất nước, của các lĩnh vực hoạt động văn hóa mà không có bài, nhóm bài nghiên cứu chuyên sâu, mang tính tổng kết để phát triển lý luận. Các vấn đề thuộc về kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, con người, về văn học, nghệ thuật, báo chí, công tác lãnh đạo, chỉ đạo… thường được Tạp chí ưu tiên và chú trọng đặc biệt. Việc này không chỉ làm tăng tính thời sự mà còn góp phần nâng cao uy tín của một tạp chí khoa học, trực tiếp tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch đối với đường lối phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Đảng ta.

Ba là, với thông tin vô cùng phong phú về văn hóa, nghệ thuật và các thông tin đa dạng khác về đời sống, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật trong nước và thế giới, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ lâu đã trở thành cẩm nang không thể thiếu, bổ ích, thiết thực giúp cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa (nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp), giới nghiên cứu, giảng dạy, học viên, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật trong cả nước. Tri thức trong các bài được in trên Tạp chí thường không lan man, kinh viện mà đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm, cốt lõi, lôi cuốn người đọc ngay từ đầu. Không phải tạp chí khoa học cùng làm được điều này.

Bốn là, bên cạnh những bài viết quan trọng của các đồng chí lãnh đạo, đất diễn của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật chủ yếu thuộc về các nhà nghiên cứu (rất nhiều số tạp chí 100% bài viết đều là của các nhà nghiên cứu, giảng dạy hoặc những người hoạt động thực tiễn). Vì vậy, giới học thuật nói riêng, bạn đọc nói chung được tiếp cận với những bài viết chuyên sâu, những bài viết về những phát hiện, những vấn đề mới không dừng ở những phán đoán mà có căn cứ thấu đáo, không phải tra cứu quá nhiều qua những tài liệu khác.

Năm là, việc xuất bản các ấn phẩm “Thế giới nghệ thuật”, “Xây dựng đời sống văn hóa” là bước đi cần thiết trong tiến trình mở rộng phạm vi phản ánh của tạp chí, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành VHTTDL nói chung, của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nói riêng trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu của đội ngũ cán bộ trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần của các tâng lớp nhân dân. Cùng với việc xuất bản thêm các ấn phẩm mới, Tạp chí cũng chủ trì hoặc phối hợp với một số cơ quan khác tổ chức được các cuộc hội thảo khoa học về những vấn đề thời sự được xã hội đặc biệt quan tâm như: Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch, hội thảo Thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn…, khẳng định sự nhạy bén và trách nhiệm xã hội của Tạp chí đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Bên cạnh những thành tựu to lớn, toàn diện góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo dựng chỗ đứng vững chắc và uy tín cao trong số các tạp chí khoa học nghiên cứu về văn hóa, văn học - nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng còn một số hạn chế, bất cập. Chưa nhiều những bài viết thật sự sắc sảo để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (trong khi đây là một trong những vấn đề có tính thời sự, rất được quan tâm), những bài viết mang tính đột phá về tư duy để tư vấn chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo xây dựng chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Sức lan tỏa của giá trị thông tin từ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuống các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tinh hoa văn hóa của thế giới cũng chưa được giới thiệu nhiều trên Tạp chí.

Từ vị trí, vai trò của văn hóa, của việc phát triển toàn diện con người, từ đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đảng ta xác định phương hướng xuyên suốt để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 1991, bổ sung, phát triển năm 2011). Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) khi đề cập các quan điểm phát triển đã nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” (2).

Thực hiện quan điểm trên đây của Đảng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật với tư cách là cơ quan của Bộ VHTTDL, nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật; tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gánh vác một sứ mệnh quan trọng. Với những thành tựu to lớn và kinh nghiệm rút ra được sau chặng đường nửa thế kỷ phát triển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đang đứng trước nhiều thời cơ để tạo ra những đột phá mới, khẳng định vai trò đầu tầu, thế mạnh và đặc thù trong số những cơ quan báo chí về văn hóa, nghệ thuật của đất nước. Có thể tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung nghiên cứu, thông tin lý luận về vai trò của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ chưa từng có. Cần mở chuyên mục về vấn đề này để trở thành diễn đàn rộng rãi của xã hội chứ không chỉ của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành hay của giới nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật. Nghiên cứu làm rõ vai trò của các chủ thể (chủ thể lãnh đạo, chủ thể quản lý, chủ thể sáng tạo và thưởng thụ văn hóa, nhất là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân) trong bối cảnh thực tại của đất nước, của địa phương chứ không phải lập luận chung chung, vô thưởng vô phạt, kinh viện, giáo điều. Cần nhiều hơn những bài viết có so sánh, đối chiếu đa chiều, khách quan, khoa học, tôn trọng yếu tố phản biện để khẳng định thành tựu và bắt đúng “bệnh” (tức là những yếu kém, bất cập) của các chủ thể liên quan trực tiếp đến phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay. Có như vậy mới làm rõ được trách nhiệm cụ thể, trách nhiệm trực tiếp của các chủ thể để biết cần khắc phục cái gì, phát huy cái gì trước mắt và lâu dài và vấn đề nào cần đổi mới. Ở đây, văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm nhiều thành tố, nhiều hoạt động nên chỉ riêng ngành VHTTDL có cố gắng đến đâu, các ngành có liên quan thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất thì khó tạo ra nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, không phát huy được tối đa sức mạnh mềm của văn hóa, nhất là phát huy yếu tố con người - nguồn lực của mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc bằng cách nào cho hiệu quả nhất, khắc phục tâm lý choáng ngợp trước văn hóa nước ngoài; sớm định hình hệ giá trị quốc gia, hệ giáo trị văn hóa, chuẩn mực con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Nếu không tập trung cao độ giải quyết những vấn đề đó thì những tồn tại, hạn chế mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ ra như “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước” (3) sẽ còn kéo dài, chưa rõ hồi kết.

Thứ hai, tổ chức một hệ thống các bài nghiên cứu những vấn đề nóng hiện nay để tạo dư luận xã hội, định hướng, gợi mở các giải pháp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất, đảm bảo thực hiện sáng tạo đường lối văn hóa của Đảng, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11- 2021. Nếu chỉ in một vài bài thì dễ bị quên lãng, chẳng khác gì “ném đá ao bèo”. Chẳng hạn tại sao hàng chục năm qua chúng ta đã chỉ ra tình trạng chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn mà đến nay vẫn chưa giải quyết được; hành lang pháp lý cho nhiều hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật vẫn còn trống dẫn đến tình trạng lùm xùm kéo dài; tiềm năng của đất nước là rất lớn mà tại sao công nghiệp văn hóa ở nước ta phát triển chậm; tình trạng xuất bản ồ ạt và dễ dãi các tác phẩm văn học, nghệ thuật hiện nay khiến cho vàng, thau lẫn lộn, thiên về chức năng giải trí; văn hóa đọc hiện nay đáng vui hay đang buồn?... Trong số các vấn đề nóng, không thể bỏ qua vấn đề xây dựng văn hóa chính trị, vấn đề ô nhiễm môi trường văn hóa, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta hiện nay… Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh từ rất lâu đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là khâu then chốt, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là then chốt của then chốt. Vì thế, văn hóa chính trị, văn hóa công vụ, đặc biệt là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực sự thấm sâu vào từng suy nghĩ, lời nói, việc làm của bộ máy lãnh đạo, quản lý, của mỗi đảng viên, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị; kiên quyết chống lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân. Có như vậy, Tạp chí mới góp phần phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Ô nhiễm môi trường văn hóa thực sự đáng lo ngại đến mức báo động và để lại những hậu quả khó lường cho xã hội. Tạp chí và các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn sẽ làm gì và làm như thế nào để lý giải và giải quyết những hiện tượng bất thường làm ô nhiễm môi trường văn hóa hiện nay? Chẳng hạn như giết người tàn độc, giết nhiều người trong gia đình, họ hàng, làm đảo lộn luân thường đạo lý; tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, thuộc đủ mọi lứa tuổi; nhiều cán bộ cấp cao có học vị cao mà nói không đi đôi với làm, tha hóa, biến chất, gây phẫn nộ trong xã hội; nhiều cán bộ quản lý giáo dục tưởng phải nêu gương mô phạm thì lại chỉ mưu mô tham nhũng, lợi dụng kẽ hở của cơ chế để vơ vét cho cá nhân; nhiều người đẹp đi bán dâm, ăn chơi sa đoạ… Di sản văn hóa (cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể) được xếp hạng, ghi danh với một số lượng khổng lồ mà nhiều di sản xếp hạng xong không phát huy được nhiều giá trị, tình trạng xâm hại tràn lan, có nơi công hay tư còn có điểm nhập nhằng, đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý; du lịch tâm linh có xu hướng lấn át các loại hình du lịch khác…

Thứ ba, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, con người Việt Nam cũng là điều mà Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần phải tập hợp các bài tập trung nghiên cứu chuyên sâu. Ai cũng phải thừa nhận nếu cứ để tình trạng chậm trễ, lạc hậu về cơ chế, chính sách hoặc không có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ thì chủ trương đúng đến đâu cũng khó thành hiện thực một cách tốt nhất. Vẫn còn tình trạng ban hành cơ chế, chính sách tủn mủn, chắp vá, giải quyết nhiệm vụ tức thời nên lạc hậu nhanh. Chúng ta còn thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn dài hạn đối với một số hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, trong đó có cơ chế, chính sách về đào tạo, sử dụng, tôn vinh đội ngũ những người làm công tác văn hóa (bao gồm các nghệ nhân); về bảo hộ quyền tác giả; về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; về phát triển công nghiệp văn hóa; về khuyến khích, đầu tư cho các sản phẩm văn hóa có giá trị; về văn hóa của của các dân tộc thiểu số; về mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa… Trong điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, nếu cứ đầu tư dàn trải như hiện nay, để có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển văn hóa, con người Việt Nam như chúng ta kỳ vọng là điều đáng lo ngại. Rất cần Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật lên tiếng bằng những bài nghiên cứu sắc sảo, lập luận sắc bén, có căn cứ lý luận và thực tiễn phong phú, mang tính xây dựng, đầy sức thuyết phục.

Dĩ nhiên, để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng và tự đổi mới của chính Tạp chí, rất cần cơ quan chủ quản của Tạp chí và các cơ quan có liên quan quan tâm sâu sát hơn nữa, bổ sung cho Tạp chí nguồn lực đủ mạnh, cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, để mỗi người làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật là một cộng tác viên, một bạn đọc trung thành, lan tỏa tri thức mà Tạp chí phải rất công phu mới thu lượm được.

________________

1. Theo cách diễn đạt trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.143.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, Hà Nội, 2021, tr.215-216.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, Hà Nội, 2021, tr.84.

 

TS. NGUYỄN VĂN THẮNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

________________

Tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

;