Nhà văn Bùi Việt Thắng (bìa phải) trong ngày vui kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (22/11/2023) - ảnh: Tuấn Minh
Phi lộ về “ngũ thập tri thiên mệnh”
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước (XX), TS, VS Hồ Sĩ Vịnh, đương kim Tổng Biên tập đã có nhã ý mời tôi về làm việc ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Lúc ấy, tôi còn trẻ (mới ở độ tuổi tam thập nhi lập), cũng thích bay nhảy, thay đổi. Nói rõ hơn đương thì, là giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng, không ít người cùng trang lứa cho rằng đó là vị trí làm việc tốt, không còn gì phải băn khoăn. Nhưng nội tình thì không hẳn đơn giản như 1+1=2. Thực lòng, tôi cũng muốn xê dịch, thử vận hội mới. Ban lãnh đạo Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có công văn đến Trường và Khoa. Nhưng Ban Giám hiệu Nhà trường và Ban Chủ nhiệm khoa Ngữ văn không phê duyệt. Lý do là cần cán bộ trẻ để xây dựng lực lượng kế cận. Lý là hoàn toàn đúng. Tình thì chưa thể nói thấu triệt. Rốt cuộc thì tôi cứ “định vị”, “định cư” ở ngôi trường này cho đến lúc nghỉ hưu (11-2011). Sau này, khi gặp lại TS VS, Hồ Sĩ Vịnh, ông thường nhắc lại như một kỷ niệm tốt đẹp có nhiều lưu luyến. Ông và tôi có vẻ như cùng thuộc phạm trù hoài cổ (!?). Đến tận hôm nay, ông vẫn thường xuyên động viên, cả khen ngợi tôi làm việc. Gần đây, tôi cộng tác thường xuyên với Thời báo Văn học Nghệ thuật (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; tòa soạn đóng tại 32 Hào Nam, Hà Nội, trong khuôn viên của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam). Gặp lại TS, VS Hồ Sĩ Vịnh vào tuổi 90 nhưng nhiệt huyết với chữ nghĩa thì không giảm sút. Tôi càng kính phục bậc trưởng lão. Trong các buổi sáng thứ năm hằng tuần, diễn ra gặp gỡ các cộng tác viên thường xuyên, thân thiết của Thời báo Văn học Nghệ thuật, tôi gặp ông lúc nào cũng như đang ấp ủ một ý tưởng khoa học nào đó. Ông vẫn thường hỏi thăm, động viên, tin tưởng tôi. Tôi rất phấn khởi trong công việc vì có người giỏi thế hệ đàn anh khích lệ.
Tuy không trở thành người của Tạp chí (cũng vì cái duyên chưa chạm) nhưng nhiều năm nay, tôi là cộng tác viên tích cực của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Trong Hội thảo khoa học Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn (tổ chức tại Hà Nội, ngày 27-9-2023 vừa qua), chưa tính đến dịp tham gia trực tiếp và trình bày tham luận, tôi có cơ hội gặp lại các học trò cũ của mình là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (bây giờ là Đại học Quốc gia Hà Nội). Thật vui mừng khi người của ngôi trường danh tiếng đi đâu, làm gì, lúc nào cũng giữ gìn thanh danh của một trường đại học có truyền thống lâu đời. Vui nhất là học trò cũ của mình, nay là Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Ths Hoàng Hà và từ 15-10- 2023 đã được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập. Nhưng niềm vui nào cũng chỉ có thể phát khởi và bền vững khi gắn với hiệu quả của việc làm, của lao động nghề nghiệp hết mình vì công việc chung. Các bài viết (hình thức tiểu luận) của tôi gửi đến Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật thường được đăng vào Kỳ 1 (Nghiên cứu, thông tin lý luận). Đây không hẳn là việc “xếp chỗ”, “ưu tiên”. Tôi hiểu, thực sự là công bằng trong văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn, vì cả uy tín của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, cả uy tín của cộng tác viên - được quan niệm như một điều kiện quan trọng phát triển bền vững của một ấn phẩm văn hóa tầm cỡ quốc gia có lịch sử nửa thế kỷ. Chỉ xem Tổng mục lục Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong 5 năm (2018-2022) đã thấy sự tồn tại và phát triển bền vững của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật được quyết định và kiến tạo bởi một đội ngũ các nhà khoa học có uy tín, các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong cả nước. Danh sách này sẽ rất dài nên tôi không viện dẫn cụ thể.
Kỷ niệm nửa thế kỷ (50 năm) Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tôi không nghĩ mình “đến” dự sự kiện trọng đại này, mà nghĩ sâu xa hơn, tình cảm hơn là mình “trở về” một ngôi nhà ấm cúng đáng lẽ mình là thành viên ít nhất vài ba chục năm nếu cơ duyên đến. Vì thế, bài viết của tôi nhân sự kiện này nghiêng về hồi ức, kỷ niệm; nghiêng về cảm xúc phát khởi từ đáy lòng giống tâm thế của người... làm thơ dù không... viết nổi một câu thơ.
Tột cùng văn hóa là con người
Chiến lược văn hóa suy cho cùng là chiến lược con người. Tột cùng văn hóa là con người. Văn hào Nga thời hiện đại M.Gorki viết: “CON NGƯỜI - hai tiếng ấy vang lên biết bao niềm tự hào”. Tinh thần căn cơ này thể hiện khá đầy đủ trong Hội thảo khoa học do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn (đã in Kỷ yếu). Trong bất kỳ lĩnh vực nào, điều kiện cần và đủ để phát triển bền vững, ngoài chiến lược thì chính sách đóng vai trò quan trọng. Ví dụ chính sách Khoán 10 trong nông nghiệp đã là giọt nước làm tràn ly nước, đẩy nông nghiệp nước nhà vượt lên vào giữa những năm 80 của TK XX, biến Việt Nam từ một nước “đói gạo” trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện nay. Không có gì là huyền thoại, cổ tích. Chỉ do con người (nông dân) được làm chủ trên mảnh đất của mình, chính sách tỏ tõ tính ưu việt so với hình thức “hợp tác hóa nông thôn” (Hợp tác xã) đã đẩy người nông dân vào tình cảnh “cha chung không ai khóc” (!?). Chính sách tiến bộ đã giải phóng năng lượng nhân lực và tạo tiềm năngvật lực trên mặt trận nông nghiệp. Nếu nói có một “văn hóa tam nông” thì cơ bản cũng xuất phát từ những con người cụ thể (nông dân) được giải phóng, được hiến kế, được thụ hưởng trên chính mảnh đất của mình.
Văn hóa là một phạm trù phổ quát, gắn với tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người. Văn học nghệ thuật được coi là bộ phận tinh tế nhất của văn hóa. Nhưng lý thuyết và thực tiễn hiện nay ở ta có độ chênh rất lớn, theo cách diễn đạt của đại thi hào Đức TK XIX J. Gớt (Goethe): “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi tươi xanh”. Về phương diện này, theo tôi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, xét về chức năng hoạt động, có vai trò quan trọng như là cầu nối, tạo sự liên thông giữa “vĩ mô” và “vi mô”, giữa “nói” và “làm”, giữa “chiến lược” và “sách lược”, giữa “trong” và “ngoài”, giữa “hiện tại” và “tương lai”... (có tính lý tưởng). Không có gì là không đúng khi nhắc lại các danh ngôn thế giới: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên” (Archimedes) và “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên” (V.I. Lênin).
Tồn tại trong cơ chế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa), báo chí cũng như các lĩnh vực sản xuất (tinh thần và vật chất) khác phải chịu nhiều áp lực, phải “vượt vũ môn”, phải vừa “đúng” vừa “hay”... Khác nào một bài toán hóc búa khi tìm lời giải. Ở đây có vấn đề “tiến độ” và “chất lượng”. Với yêu cầu đầu, thiết nghĩ, không có gì quá khó khăn khi thực hiện. Nhưng yêu cầu thứ hai mới là thử thách tất cả Tạp chí, từ người phụ trách chung đến từng người làm việc các khâu, công đoạn cụ thể. Ai hay nỗi đoạn trường để một số Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ra mắt, đến tay độc giả, vừa đẹp về hình thức, vừa hay về nội dung. Nói thì dễ, làm thì khó. Ai làm người trong cuộc mới thấu cảm, còn “lườm nguýt”, “chỉ trích” thì bất luận ai cũng có thể dễ như trở bàn tay. Làm báo chí phải hết sức nhạy cảm chính trị. Tất nhiên, cũng vì thế đôi khi ai đó có bài viết công phu nhưng có thể vì những lý do khách quan, chủ quan chưa đăng Tạp chí được thì cũng nên hiểu và chia sẻ với đồng nghiệp. Ở đây tôi muốn nói về mối quan hệ bình đẳng, thân thiện giữa chủ (Tạp chí) và khách (cộng tác viên) vì lợi ích chung.
Lời kết
Dẫu có viết nhiều bao nhiêu thì vẫn chưa đủ lời (chữ) để nói về tuổi 50 của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Nửa thế kỷ đâu là ít. Nhưng nhìn về tương lai thì lại chưa nhiều. Ôn cố là để tri tân. Có quá khứ mới có hiện tại. Và tương lai bắt đầu từ hiện tại.
Kính chúc Tạp chí Văn hóa nghệ thuật vững bước trên con đường thiên lý!
BÙI VIỆT THẮNG
Nhà văn
_______________
Tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023