VÕ NGHIỆP CỦA TẢ TƯỚNG LÊ VĂN DUYỆT

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam trung đại, công lao của Lê Văn Duyệt luôn được ghi nhận trên nhiều lĩnh vực như nội trị, ngoại giao, chiến lược, chiến thuật quân sự. Sử sách ca ngợi ông là danh tướng tinh thông võ nghệ, tài trí hơn người và mệnh danh là hổ tướng. Hơn 2 thế kỷ trôi qua, những đóng góp của ông vẫn có giá trị to lớn, để lại bài học sâu sắc về vai trò của cá nhân trong lịch sử.

1. Khái quát về võ tướng Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt quê gốc ở Sơn Tây, Vĩnh Yên, sinh ra và lớn lên tại Mỹ Tho năm 1764. Từ nhỏ ông đã bộc lộ ý chí làm việc lớn, thường than phiền: “Sinh ở thời loạn, không kéo cờ gióng trống làm đại tướng để tìm công danh lưu sử sách thì không xứng là tài trai” (1). Năm 1780, Lê Văn Duyệt được tuyển vào làm công việc phục dịch trong dinh chúa Nguyễn. Năm 1788, ông được Nguyễn Ánh cho phép cầm quân, lập nhiều công lao hiển hách trong cuộc chiến với Tây Sơn. Sau khi Nguyễn Ánh xưng vương, Lê Văn Duyệt nghiễm nhiên trở thành một khai quốc công thần. Những đóng góp của ông đã khắc họa lên chân dung một tả tướng trượng nghĩa, khí phách hơn người, công tư phân minh và quyết liệt với nịnh thần.

Năm 1802, khi Gia Long vào Quảng Nam, Lê Văn Duyệt thay mặt vua trấn giữ đế kinh, hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách trọn vẹn. Trong nội trị và ngoại giao ông đều có những đóng góp xuất sắc. Võ nghiệp và uy danh của Lê Văn Duyệt còn góp phần vào việc bảo đảm an ninh, ổn định vững chắc cho Việt Nam trong quan hệ với nhiều lân bang nửa đầu TK XIX. Vua Minh Mạng thừa nhận: “Nắm giữ biên cương Tây Nam, không ai oai bằng Duyệt. Uy lực đối với Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng không ai hơn Duyệt. Duyệt ngồi đó trẫm yên lòng” (2).

2. Võ nghiệp của Lê Văn Duyệt từ cuối TK XVIII đến đầu TK XIX

Thời cơ để Lê Văn Duyệt tỏ rõ tài năng quân sự là bối cảnh chiến tranh với Tây Sơn. Thời gian đầu đi theo Nguyễn Ánh ông đã trải qua nhiều gian lao, “có lần đã bị quân Tây Sơn bắt, nhưng ông tìm kế trốn thoát, vượt biển ra Phú Quốc tìm chúa…” (3). Từ năm 1782 - 1787, ông cùng gia đình chúa Nguyễn bôn ba. Hai năm ở Xiêm, ông được chúa cử trông coi toán quân đốn cây trong rừng đóng thuyền độc mộc đem bán để lấy tiền nuôi quân.

Năm 1787, Nguyễn Ánh đã hỏi ông có dám cầm binh không thì Lê Văn Duyệt không do dự mà đồng ý ngay. Đây là thời điểm Nguyễn Ánh cho ông đứng ra mộ binh theo về cánh tả. Ông đã được “Nguyễn Ánh phong làm tướng từ năm mới 17 tuổi. Khi chưa đầy 30 tuổi, Lê Văn Duyệt đã là tướng cao cấp và đến năm 1802, Lê Văn Duyệt là một trong năm tướng lĩnh cao cấp nhất…” (4). Như vậy, võ nghiệp của Lê Văn Duyệt bắt đầu phát triển trong thời chiến, cụ thể là trong cuộc nội chiến ở Việt Nam cuối TK XVIII.

Năm 1790, Nguyễn Ánh huy động khoảng 6.000 binh thủy bộ đánh Bình Thuận, trong trận chiến này, Lê Văn Duyệt đã lập được công lớn. Cuối năm 1792, Quang Trung mất, Tây Sơn bắt đầu tàn bại, Nguyễn Ánh mở chiến dịch tấn công Thị Nại. Năm 1793, trong vòng một tháng, quân Nguyễn đã chiếm một nửa phần đất thuộc quyền Nguyễn Nhạc, sử sách có ghi công của Lê Văn Duyệt. Ông được Nguyễn Ánh thăng Thuộc nội vệ úy thuộc đạo Thần sách quân.

Năm 1795, Lê Văn Duyệt theo đại quân cứu viện thành Diên Khánh, ông chia lính thành 2 đạo từ 2 phía (trước, sau) cùng với Nguyễn Đức Xuyên tiến đánh và hạ được đồn Trung Hội. Với chiến công này ông được cử trấn giữ thành Diên Khánh, được phong Chánh thống Tả đồn của đạo quân Thần sách. Năm 1799, ông được phong làm Chưởng tả quân, quan hàm đầy đủ là Khâm sai Chưởng tả quân Đô thống phủ phủ sự. Ông được xem là viên Chưởng tả quân giỏi nhất trong quân đội của Nguyễn Ánh đầu TK XIX.

Năm 1799, quân Nguyễn đánh thành Quy Nhơn lần thứ tư, gồm có 3 đạo quân, Lê Văn Duyệt và Võ Tánh nắm quyền chỉ huy một đạo đánh chặn nhiều đội quân cứu viện của Tây Sơn. Cuối cùng, nhà Nguyễn lấy được thành Quy Nhơn, đổi tên thành Bình Định giao cho tướng Võ Tánh giữ thành. Năm 1800, Tây Sơn vây thành Bình Định, các tướng giải vây nhiều lần không thành công. Trước tình hình đó, Nguyễn Ánh đã chuyển hướng tấn công từ Quy Nhơn ra Phú Xuân, trước mắt là phá hủy thủy quân Tây Sơn ở Thị Nại. Kế hoạch quân sự cần 1 viên tướng thực hiện kế hỏa công lợi dụng gió Đông Nam để đốt cháy, tiêu hủy thủy quân Tây Sơn. Lúc đó tướng Tống Viết Phúc xin đi, nhưng đình thần mật tâu: “Phúc không bằng Lê Văn Duyệt vừa khỏe vừa lắm mưu cơ. Nếu Duyệt đi thì chắc việc phải xong” (5).

Sau trận Thị Nại, thế lực Tây Sơn đi xuống, quân Nguyễn mở đường thẳng tiến Phú Xuân. Trước những do dự về kế hoạch đánh Phú Xuân, Lê Văn Duyệt đã bày tỏ: “Nên lợi dụng cuộc thắng trận ở Thị Nại, lòng quân đang hăng hái mà tiến ra đánh úp Phú Xuân. Phú Xuân vào tay ta thì Quy Nhơn không cần giải tỏa cũng sẽ vỡ. Đánh cờ có khi cần phải thí xe là như vậy” (6). Với sách lược sáng suốt, ông đã giúp Nguyễn Ánh có thêm quyết tâm thống lĩnh quân đội đánh Phú Xuân. Trong trận đánh này, ông dẫn đầu đội quân tiên phong gồm 43 chiến thuyền lớn, 1.200 chiến thuyền nhỏ, 15.000 Thần sách quân tinh nhuệ. Đây là trận đánh bất ngờ của quân Nguyễn, làm cho Tây Sơn rối loạn và thiệt hại lớn. Tháng 6 - 1801, Nguyễn Ánh đi vào đại nội Huế sau 26 năm lưu lạc. Lê Văn Duyệt dự đoán quân Tây Sơn sẽ từ Quy Nhơn ra Phú Xuân ứng cứu nên đã đón đầu ngăn chặn ở Quảng Nam. Thế cùng, một bộ phận quân Tây Sơn ra hàng, số còn lại bị quân Nguyễn Ánh tiêu diệt cả.

Lê Văn Duyệt tham gia chỉ đạo cuộc chiến kết thúc số mệnh quân Tây Sơn và khôi phục thành Bình Định. Khi nghe tin Võ Tánh tử tiết ở Bình Định, ông cùng với Tống Viết Phúc đưa quân vào Quy Nhơn cùng với đội quân của Nguyễn Văn Thánh đánh tan đội quân Tây Sơn do tướng tài Trần Quang Diệu chỉ huy. Ông sử dụng trống trận, kèn trận để đốc thúc ba quân xung trận, uy hiếp tinh thần đối phương. Lê Văn Duyệt hoàn thành nhiệm vụ cứu viện xuất sắc, trợ giúp quân Nguyễn thu nhiều thắng lợi quân sự quan trọng. Sau trận đánh Quảng Nam và khôi phục thành Bình Định, ông được Nguyễn Ánh thưởng 1.000 lượng bạc và phong tước Quận công.

Khi biết vua Quang Toản của Tây Sơn có dự định đem đại quân vào đánh thành Phú Xuân, Lê Văn Duyệt đã đưa ra nhận định: “… dẫu có thành vàng ao lửa mà nếu không có lúa thì cũng không thể nào giữ được… Quy Nhơn chỉ có vài huyện, của cải dùng được bao nhiêu mà giữ lâu được? Tôi chắc không sớm thì muộn, chúng nó cũng liều chết đánh một trận ở Quảng Ngãi… Nếu ta đưa binh ra đánh cho kịch liệt, chắc thế nào chúng cũng thua. Tuy vậy, ta vẫn phải giữ lấy phần chắc, trong lúc này chỉ cốt đào hầm sâu, lũy cao cố thủ mà chờ chúng nó động quân. Lúc ấy tôi sẽ chận chỗ hiểm yếu mà đánh, thế nào cũng toàn thắng…” (7). Những đề nghị trong tấu sớ của ông được nhà Nguyễn chấp nhận, năm 1801, Lê Văn Duyệt đánh bại tướng Tây Sơn là Từ Văn Thiện, vây hãm Bình Định, 3 vạn quân Tây Sơn ra hàng.

Sau nhiều chiến công, năm 1802, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Trương được phong tướng, một người đứng đầu lục quân, một người đứng đầu thủy quân hợp thành đại binh chuẩn bị Bắc tiến. Tháng 5 - 1802, Lê Văn Duyệt là Khâm sai Chưởng tả quân Bình Tây tướng quân nhận nhiệm vụ thống lĩnh bộ binh tiên phong khôi phục Bắc Hà. Tháng 10, Bắc Hà bị quân Nguyễn chinh phục. Tả quân Lê Văn Duyệt hộ giá ban bố tình hình, Bắc Hà từ đó được đổi thành Bắc thành, kết thúc nội chiến mở ra thời kỳ mới trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

3. Đóng góp của tả tướng Lê Văn Duyệt từ góc độ giá trị trong lịch sử văn hóa Việt Nam đầu TK XIX

Cuộc đời và võ nghiệp của Lê Văn Duyệt là một trang sử đặc biệt trong giai đoạn đầu triều Nguyễn, ảnh hưởng xuyên suốt lịch sử và lịch sử văn hóa Việt Nam thời trung, cận đại trên nhiều phương diện. Trong đó, đạo đức võ thuật ông đã để lại nhiều bài học cho người đời sau. Dù còn có những nhận định đánh giá khác biệt về ông, nhưng những đóng góp của ông trong tiến trình lịch sử là điều không thể phủ nhận.

Những giá trị mà võ nghiệp của Lê Văn Duyệt để lại trong lịch sử văn hóa Việt Nam, có thể định hướng về mẫu hình nhân vật nhiều tham vọng trong những hoạt động đóng góp cho đất nước. Qua võ nghiệp của ông, có thể mỗi người chúng ta tìm ra những bài học về giá trị phù hợp cho mình trong hoạt động xã hội. Những thách thức và tình huống quân sự, tư tưởng quân sự… mà ông thực hiện như minh chứng cho giá trị văn hóa Việt ngay cả trong thời hiện đại.

Giá trị về văn hóa đạo đức của võ tướng Lê Văn Duyệt

Theo sử liệu thì Lê Văn Duyệt là một người có đủ vũ, dũng: ông không cao lớn nhưng có sức mạnh hơn người, “thân hình thấp bé, nhưng cường tráng, có sức khỏe hơn người” (8). Từ nhỏ ông chỉ thích học võ, săn bắn, không ưa học chữ, dũng mãnh nhưng không vô mưu. Những chiến thắng quân sự quyết định mà ông cầm quân đã chứng minh điều đó.

Trong nhiều trường hợp Lê Văn Duyệt bày mưu tự quyết khi còn chưa có lệnh. Chẳng hạn như trong trận hạ đồn Trung Hội (1793), Nguyễn Đức Xuyên không dám đánh nhưng ông quả quyết “nếu có tội vạ gì thì tôi xin chịu cả”. Trận này quân Nguyễn thắng, Nguyễn Ánh khen “lâm trận biết liệu mưu thủ thắng thì nên công chớ tội gì” (9).

Vũ lực phải kết hợp với trí mưu, “biết dùng đức lấy uy, lấy nhân làm gốc” (10). Trong một số trường hợp chúng tôi nhìn nhận Lê Văn Duyệt có tầm nhìn sâu sắc và nhạy cảm chính trị. Ông luôn nghĩ đến những người dân nghèo khổ. Khi đến Nghệ An ông thấy rõ: “Dân Nghệ An nghèo khổ thái quá. Xét coi vì sao mà nông nỗi, thời thấy có hai nguyên nhân. Thứ nhất, quân vô tài cai trị. Thứ nhì, lại thuộc quá tham tàn. Dân vì đó mà nghèo. Nghèo thời sinh ra trộm cắp. Vậy xin thay đổi quan trấn thủ khác, bớt thuế thì dân được an” (11).

Sau khi thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, cho sửa sang thành lũy vì vậy chậm trễ việc giải binh. Lê Văn Duyệt khẳng khái: “Ngày nay bệ hạ đã khắc phục được kinh thành, định được Bắc Hà, mà năm quân vẫn phải lưu tại các trấn, hoặc túc trực kinh thành, tháng năm dồn dập, mà chưa biết ngày nào được về thăm cố hương. Thử hỏi như vậy thì tín lệnh của triều đình ra sao?” (12). Dù nhà vua đã thuyết phục được ông chưa nên bãi binh nhưng thái độ ứng xử kiên quyết của võ quan này đối với vua đã thể hiện tấm lòng cảm thông và yêu thương của ông đối với binh lính. Ông mong muốn binh lính được nghỉ ngơi, dưỡng sức. Đó là bài học về chữ tín trong võ nghiệp của ông cũng như làm sâu sắc thêm nội hàm ý nghĩa của chữ nhân trong lịch sử văn hóa Việt. Ông không đánh kẻ thù cùng đường, không trừng phạt nặng những người ra đầu thú, mà dùng kế sách chiêu dụ theo từng thời điểm thích hợp…

Năm 1819, Lê Văn Duyệt theo lệnh vua đi dẹp loạn trong nước, ông chủ yếu dùng lời chiêu dụ, khuyên bọn cướp ra đầu thú. Ông chủ trương không động binh, mở rộng dung tha, lấy đức sửa cho bọn chúng bỏ tà theo chính (13). Theo đó, đã có 1.000 tên trộm cướp ở Thanh - Nghệ - Tĩnh ra đầu thú, ông đã tha tội và thu nạp họ làm lính. Ngay cả với các tộc người khác như người Thổ (người Miên), khi đi dẹp loạn ông cũng dùng kế chứ không dùng đại binh: “đem đại binh đi tất dẹp yên ngay, nhưng sẽ phải diệt rất nhiều dân Thổ. Như thế vừa hao binh tổn tướng, vừa sát hại sinh linh” (14). Ông kiên quyết, dứt khoát nhưng cũng rất thận trọng và khoan hồng trong ứng xử với người dân. Với chính sách “duy trì phong tục hay, bảo vệ người lương thiện, nghiêm khắc với bọn bất lương, phiến loạn, tham nhũng, sách nhiễu dân” (15), ông đã thể hiện sự nhân nghĩa với dân, với binh lính dưới quyền. Nhân nghĩa trong văn hóa đạo đức của ông là bài học luôn có ý nghĩa thực tiễn cao.

Giá trị về văn hóa ứng xử

Lê Văn Duyệt đã để lại những giá trị về văn hóa ứng xử trong quan hệ vua - tôi. Đối với vua, ông là một bề tôi trung thành được vua tin dùng, luôn có những ý kiến, quan điểm độc lập. Đại Nam liệt truyện có nhiều ghi chép nhận định đa chiều về Lê Văn Duyệt, ông là “huân cựu đại thần được dự nhận lời vua dặn lại, triều đình dựa làm trọng. Nhưng tính táo nóng, lúc chầu vua nói năng nhiều không theo lễ độ”(16). Lê Văn Duyệt có lẽ là nhân vật bề tôi hiếm hoi trong lịch sử triều Nguyễn nói riêng và lịch sử phong kiến nói chung được phép hay tự cho mình cái quyền chỉ cúi đầu chứ không lạy vua. Văn hóa ứng xử của ông biểu hiện tinh thần mạnh mẽ, không nao núng trước cường quyền dù ông vẫn luôn một lòng trung với vua, Minh Mạng cũng thừa nhận: “Duyệt trung thuận, nghĩa thờ vua vẫn giữ được” (17). Với đối tượng nịnh thần, gian phi, Lê Văn Duyệt kiên quyết loại trừ nhằm giúp dân chúng yên ổn làm ăn. Ứng xử của ông mang màu sắc phóng túng, đặc trưng của chủ thể vùng văn hóa Nam Bộ.

Có sử liệu ghi lại rằng: “Duyệt chỉ thừa hành những chỉ dụ của Minh Mạng mà Duyệt thấy có lý và bác bỏ những chỉ dụ mà Duyệt không tán thành” (18); “Con người này không biết có uy lực gì mà hoàng đế của ông cũng phải nể. Nhiều chỉ dụ của nhà vua, không hợp lẽ đời đều bị ông xé đi hoặc không thi hành” (19). Ứng xử của Lê Văn Duyệt chắc chắn có lý do, quan hệ giữa ông và vua Minh Mạng tồn tại những khó khăn cần có sử liệu để tìm hiểu nghiêm túc. Nhưng, từ góc độ văn hóa ứng xử, chúng tôi vẫn ghi nhận đây là sự phá bỏ giới hạn của ràng buộc phong kiến, không sợ cường quyền. Đây có thể gọi là một nỗ lực hiếm hoi của một bề tôi nhằm bảo vệ công bằng xã hội. Ông cũng không tham quyền cố vị, đã 2 lần xin từ chức quan Tổng trấn Gia Định nhưng vua không đồng ý.

Với dân chúng, binh lính và các tộc người khác, Lê Văn Duyệt luôn yêu thương, gần gũi, trợ giúp, trị dân có ân có uy. Ông khôn khéo trong cách ứng xử nên được nể phục. Ở miền Nam, sau này thờ trọng nhất là Thượng công Lê Văn Duyệt, cho đến nay Lăng Ông vẫn là một địa chỉ thiêng liêng trong đời sống văn hóa của cư dân Nam Bộ.

 Với các lân bang và phương Tây, ông linh hoạt trong ứng xử, vừa cứng rắn vừa mềm dẻo. Với nước Xiêm, ông vừa răn đe vừa phủ dụ, với Chân Lạp, Vạn Tượng ông lại thể hiện uy thế của nước Nam. Ông được ca ngợi là nhà ngoại giao đại tài ở phương Nam dưới triều Nguyễn. Bên cạnh đó, Lê Văn Duyệt còn thể hiện tầm nhìn qua chính sách cởi mở về kinh tế và tôn giáo. Năm 1818, ông đã để các giáo sĩ tự do truyền đạo ở Gia Định, song song với việc mở rộng buôn bán với bên ngoài. Chủ trương bế quan tỏa cảng cùng thái độ khắt khe với đạo Kitô từ đó đã được xóa bỏ.

Có thể nói, Lê Văn Duyệt là một tài năng đặc biệt trên lĩnh vực cầm quân, điển hình cho đạo đức con nhà võ: cương trực, thẳng thắn, quyết đoán, ngang tàng. Ông có đủ vũ dũng, mưu trí, nhân nghĩa để cho hậu thế nghĩ suy về những bài học mang tính giá trị trong mọi bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa ở nước ta.

______________

1, 3, 5, 7, 8, 9, 15. Phạm Trung Việt, Khuôn mặt Quảng Ngãi, Nxb Nam Quang, 1973, tr.28, 31, 36, 41-42, 28, 33, 46.

2, 16, 17. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.386, 369, 398.

4, 11, 12, 13, 14, 18. Nhiều tác giả, Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ, Nxb Xưa & Nay, 2008, tr.93, 187, 186, 188, 200, 87.

6, 10. Phạm Văn Sơn, Việt sử Tân biên, quyển 4, Tủ sách sử học Việt Nam, 1961, tr.231, 359.

19. Hoàng Lại Giang, Lê Văn Duyệt - từ nắm mồ oan khuất đến Lăng Ông, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2007, tr.255.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : ĐINH THỊ DUNG

;