Từ sau cách mạng tháng Tám, văn học Việt Nam định hướng lại với những mục tiêu và định dạng mới. Nguyễn Đình Thi xuất hiện trong một giai đoạn bước ngoặt và đóng vai trò hàng đầu với tư cách một người sáng tác, một nhà lý luận và một nhà lãnh đạo góp phần vào tiến trình văn học. Dù vậy, ở phương diện sáng tác, có lẽ đóng góp lớn nhất, thành công nổi bật nhất của ông là thơ.
Trong tiểu luận nổi tiếng Mấy ý nghĩ thơ được viết từ năm 1949, khi Nguyễn Ðình Thi mới hai mươi lăm tuổi, ông cho rằng: “Những hình ảnh còn tươi nguyên mà nhà thơ tìm thấy bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng. Nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Ðó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhòa của thói quen, không bị rập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước.” Ông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng chúng ta không nên lo thơ đi vào hình thức này hay hình thức khác. Mà trước hết nên lo thơ phải nói lên những tình cảm, tư tưởng mới của thời đại.” Như vậy, rõ ràng, Nguyễn Ðình Thi ngay từ đầu đã mang những quan niệm khoáng đạt, dứt khoát khước từ những lối cảm và nghĩ sáo mòn, những xu hướng lãng mạn rời xa đời sống hoặc những lý thuyết giáo điều. Ông hướng thơ vào đời sống, mở ra những cánh cửa để đời sống ùa vào trong mỗi câu từ, trong mỗi hình ảnh.
Ngay trong kháng chiến chống Pháp, khi còn rất trẻ, Nguyễn Ðình Thi đã tạo nên những đỉnh cao quan trọng bậc nhất của thơ cách mạng và sau khi đất nước hòa bình, ông cũng là người mở rộng những vỉa tầng mới của suy tưởng và rung động thơ, tiếp tục hiện đại hóa thơ trên một chặng đường mới sau chiến tranh.
Tuyển thơ của Nguyễn Ðình Thi chỉ khoảng 120 bài nhưng hàm lượng trí tuệ và cảm xúc, suy tư cũng như những vấn đề bao chứa trong đó thì rất lớn.
Bài thơ Ðất nước của ông là một tổng phổ của những cung bậc phong phú vừa trữ tình, vừa bi tráng với những hình ảnh độc đáo như khắc sâu vào tâm trí người đọc. Nguyễn Ðình Thi đã biểu lộ khả năng chính luận đặc sắc, sự tài hoa và sự dụng công. Ðể sáng tác bài thơ này, Nguyễn Ðình Thi đã trải qua một thời gian nghiền ngẫm khá dài và ông cũng sử dụng những thi liệu trong hai bài thơ từng công bố trước đó như Sáng mát trong như sáng năm xưa, Ðêm mít tinh để cấu tạo nên một tác phẩm bề thế, sâu sắc và đầy ấn tượng.
Năm 1993, Nguyễn Ðình Thi vào khoa Ngữ văn Ðại học Tổng hợp Hà Nội nói chuyện. Tôi đã được nghe ông tâm sự về quá trình làm bài thơ này. Lúc ấy, ông lặng đi vài giây, trầm giọng, ra chiều nuối tiếc, rồi nói: “Cả cuộc đời cũng chỉ có mấy câu thơ hay nhưng khi đưa các thi liệu trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa vào bài Ðất nước, do yêu cầu khác nhau, tôi đã phải cắt đi một câu thơ hay. Và ông nhấn giọng đọc bằng một giọng ngân nga:
“Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.”
Tôi nhớ mãi chi tiết đó. Nhưng tôi nghĩ rằng, thi liệu trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa đưa vào phần đầu của bài Ðất nước đã làm cho phần này có giai điệu trầm lắng, da diết và mang một phong vị trữ tình trầm mặc:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
Bối cảnh chính trong bài Ðất nước là mùa thu Việt Bắc sau những ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ tràn đầy niềm vui, từ đó tác giả ngẫm suy về dân tộc, về kháng chiến, về những năm đau thương và khát vọng của dân tộc. Nhưng trong cái khí thế ngùn ngụt của chiến thắng ấy, nếu thiếu đi cái nỗi buồn như ở đầu bài thơ thì phong vị của bài thơ sẽ không được phong phú và trọn vẹn. Và có lẽ chất trữ tình sâu thẳm ở đầu bài thơ góp phần làm cho những câu thơ chính luận đanh thép ở phần cuối trở nên thuyết phục và cảm động hơn:
“Xiếng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà.”
“Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.”
Tư duy và rung động thơ của Nguyễn Ðình Thi vận động không ngừng. Nếu như thời chống Pháp, thơ Nguyễn Ðình Thi đi vào hình tượng có tính bao trùm, đi vào cái lớn lao, bi hùng của một giai đoạn lịch sử, thì sau năm 1975, thơ ông có những bước chuyển quan trọng, chất trữ tình gắn liền với những ngẫm suy không dứt về thế sự và số phận con người cụ thể trở thành thiên hướng nổi trội hơn.
Tập Tia nắng, tập hợp những bài thơ viết cuối thời chống Mỹ và những năm đầu sau chiến tranh. Ðấy là giai đoạn chuyển đổi, nên các bài thơ ở tập này cũng xen kẽ về đề tài chiến tranh và hòa bình.
Chẳng hạn như bài thơ Lá đỏ để lại một ấn tượng về cảnh hành quân thần tốc:
“Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”
Hay bài Mùa xuân, dù chiến tranh đã là dĩ vãng nhưng vẫn hằn in một ký ức đau đớn:
“Ta không quên
Buổi chiều lầy lội bên bờ cỏ ấy
Bùn bết máu trên mặt người tử sĩ”
Hai tập thơ Tia nắng và Trong cát bụi in vào những năm cuối thế kỷ 20 là những tập thơ hết sức đặc sắc của Nguyễn Ðình Thi, nó cho thấy tầm tư tưởng và những chuyển động đáng kể trong tư duy thơ của ông. Nhìn chung, ở đây, Nguyễn Ðình Thi đi vào ba chủ đề khá điển hình: trăn trở về thế sự, hoài tiếc về cuộc đời và ngẫm suy về cái chết. Nghĩa là, ông đã vượt hẳn qua đề tài chiến tranh, để trở về với những suy tưởng xuất phát từ những rung động riêng tư, sâu thẳm trong trái tim nhà thơ.
Cuộc sống bộn bề và nhiều nghịch lý sau chiến tranh đã đặt ra nhưng mệnh đề để nhà thơ suy ngẫm. Những tâm hồn lớn thường như vậy, không thể xa lìa những điều thiết thân, căn yếu của thời đại mình.
Tôi muốn nhắc đến bài Cách mạng của Nguyễn Ðình Thi được viết vào năm 1982. Ðây được coi là một dấu mốc trên con đường suy tưởng trong tư duy thơ của ông.
“Cái ác của kẻ mạnh
Cái hèn của kẻ yếu
Cái tham của kẻ thừa
Cái thèm của kẻ thiếu
Dân tộc thù dân tộc
Con người sợ con người
Không sao chịu nổi
Lật hết đi
Thử xoay ngược lại
Xem thành cái gì”
Không! Cách mạng không phải là như vậy. Ông khẳng định:
“Ðã bao đời
Bóng đêm xoay ngược
Vẫn là bóng đêm.”
Và ông mang đến một quan niệm mới về Cách mạng:
“Ra khỏi bóng đêm
Ði tới buổi sáng
Không có bóc lột ăn hiếp
Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc
Mỗi con người cần đến mỗi con người.”
Suy tư của nhà thơ thường đi cùng nhịp với thời đại, thậm chí vượt trước thời đại. Những điều mà mấy năm sau, công cuộc đổi mới mở ra, chúng ta phải nhận thức lại nhiều điều đồng thời hướng đến những giá trị mới; chính những điều đó đã được Nguyễn Ðình Thi hé lộ qua những thông điệp chính trong bài thơ Cách mạng. Có lẽ vậy chăng mà hơn 30 năm sau khi xuất bản bài thơ này, năm 2014, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: “Chúng ta hầu như chưa đánh giá hết cái hay, cái lớn của bài thơ Cách mạng. Nó khí phách và thông tuệ, vô cùng vật vã và lo âu. Nó là bão trong bão, than hồng trong lửa đỏ, một đỉnh thơ bất ngờ khi thi nhân không còn trẻ.” Ông nói thêm: “Ðất nước và cách mạng là hai vế đối tài tình của một nhà thơ lớn.”
Tôi thiết nghĩ mình không cần nói thêm nhiều về mảng thơ chính luận của Nguyễn Ðình Thi. Ở đó không chỉ có tụng ca với những hình ảnh thơ ngời chói mà còn biết bao băn khoăn trăn trở:
“Cúc vàng ơi có phải
Công bằng đầu tiên là bát cơm mỗi nhà
Giải phóng đầu tiên là khỏi đói rét và ngu tối
Phẩm giá đầu tiên là có việc làm
Tự do đầu tiên là được lựa chọn
Bình đẳng đầu tiên là ngang nhau nam nữ
Nhân nghĩa đầu tiên là coi trọng mạng sống con người
Hy vọng đầu tiên là ở trong suy nghĩ
Hạnh phúc đầu tiên là yêu và thương.”
(Những câu hỏi)
Trong hòa bình xuất hiện những vấn đề mới phức tạp và gai góc. Ðáng sợ nhất là sự đắc thắng của cái các. Chiến tranh lùi xa nhưng kẻ thù mới ác độc, thâm hiểm đã xuất hiện, gây nên bao thương đau cho cuộc sống con người:
“Thêm một lời phóng
như mũi dao găm tẩm độc
Thêm một hòn đá từ trong bụi rậm
ném vào gáy người kia
Chiều nhập nhoạng dơi bay
Hắn rẽ vào ngõ tối cười gằn
Nhìn những ngón tay hắn mọc vuốt dài”.
(Ngõ tối)
Ngoài mảng thơ thế sự, dần dần, Nguyễn Ðình Thi hướng ngòi bút vào những gì riêng tư nhất trong cõi lòng mình. Ðó là những cảm thức và suy tư về cuộc đời, thân phận của nhà thơ.
Bài Mùa thu vàng để lại một ấn tượng về sự hoài tiếc tuổi trẻ đã vuột qua trong bão tố của chiến tranh:
“Ðã có mùa xuân của đời tôi không nhỉ
Và đã có không cả một mùa hè
Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều mê mải
Năm tháng đêm ngày theo một ánh xa.”
Năm tháng cuộc đời trôi đi, phủ bụi lên tất cả:
“Bao nhiêu chuyện tôi không còn nhớ nữa
Với cả bao nhiêu nét mặt đã mờ”.
Nhưng trong biến thiên của cuộc đời, bao quên lãng phủ xuống dòng đời vẫn không thể xóa hết những gì trong trẻo, thẳm sâu trong tâm hồn con người. Tứ thơ đột ngột thay đổi, nhà thơ viết về một ký ức, gắn liền với một người con gái:
“Bóng áo vải thô một cô gái nhỏ
Hàng trầu cau, đường đỏ, lá vàng hoe
Em tiễn anh lính đi nơi đạn lửa
Môi run run em chúc có ngày về”.
Từ ký ức, nhà thơ trở lại với thực tại:
“Em gái ơi tôi vẫn đây còn sống
Còn em, bây giờ em ở nơi đâu”
Cái cảm giác u hoài, xót xa khi con người lạc nhau trong cuộc đời, và đấy có thể là lạc nhau mãi mãi, khiến cho bài thơ mang một dư âm mênh mang, hụt hẫng, dường như không thể khép lại trong tâm tư người đọc.
Như một lẽ thường, khi người ta đã cao tuổi thì thường nghĩ về cái chết và sự còn mất trong cuộc đời mình. Nguyễn Ðình Thi cũng vậy, ông viết về cái chết với những ngẫm suy mới mẻ và biết bao thảng thốt:
“Từ bên ấy trông về
Ðốm nắng vàng kia
Và mỗi lá cỏ
Nói với anh bao nhiêu điều”
(Từ bên ấy trông về)
“Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Ðến giờ rồi hôm nay”.
(Gió bay)
Dù nói về cái chết nhưng tất cả tâm sự lại hướng về sự sống. Cái chết trong thơ Nguyễn Ðình Thi cũng chỉ là một nguyên cớ để tác giả nhìn lại chính mình và ngẫm suy về kiếp người với những vui buồn, tiếc nuối, cảm thông; với bao ân tình, duyên nợ mà tác giả đã gặp trong cuộc đời giằng giặc, mịt mờ giờ chỉ còn lại trong tâm cảm.
Nguyễn Ðình Thi hiện diện trong lịch sử văn chương với những dấu ấn đa diện và đặc sắc. Từ chủ trương đi vào đời sống, gắn bó với hiện thực lớn lao của dân tộc một thời khói lửa, tìm kiếm vẻ đẹp thơ từ những hình ảnh chân thực phản ánh đời sống, dần dần ông đi sâu vào những suy tưởng thẳm sâu về thế sự và kiếp người với những chuyển động mạnh mẽ trong tư duy và nghệ thuật thơ. Lối ẩn dụ tạo ra sự chồng lớp các tầng ngữ nghĩa, sự hàm súc, sự thay đổi điểm nhìn… tạo cho thơ ông mang một phong vị mới sâu sắc, tinh tế, gợi suy tư không dứt. Và chính ông, bằng những sáng tác của mình, đã đưa thơ vào quỹ đạo mới. Sau chiến tranh, một lần nữa, ông lại là người tiên phong đã mở ra cánh cửa mới cho thơ.
Ðổi mới thơ đã trở thành một đòi hỏi tất yếu những năm tám mươi của thế kỷ 20 khi tư duy và cảm thức của người đọc thay đổi mãnh liệt. Nhiều nhà thơ nổi tiếng thời kỳ trước cũng đã chuyển mình, tìm cách thay đổi cảm hứng chủ đạo, đề tài đến phong cách, trong số đó phải kể đến Chế Lan Viên, Văn Cao và Nguyễn Ðình Thi… Thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập đã nhào nặn lại nhiều mặt trong đời sống tâm hồn của người Việt, một trào lưu đổi mới thơ đã diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng với những tên tuổi như: Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Lãng Thanh, Vi Thùy Linh… Trào lưu ấy đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nền thơ Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 20. Nhưng có lẽ, trước khi trào lưu đổi mới thơ hiện hình thành một dòng chảy mạnh mẽ thì sự khởi phát của nó lại chính từ các nhà thơ lớn lớp trước, trong đó có Nguyễn Ðình Thi.
Không tuyên ngôn như thời còn trẻ, sự đổi mới trong thơ Nguyễn Ðình Thi lặng lẽ nhưng triệt để cả ở phương diên tư duy, đề tài và hình tượng. Chính ông đã góp phần đưa thơ Việt vào quỹ đạo hiện đại. Và cùng với thời gian, chúng ta càng nhận rõ ý nghĩa của những đổi thay mãnh liệt trong sáng tác của ông những năm cuối đời.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024