Nhà quay phim, NSƯT Trần Hùng: Vẽ bằng ánh sáng

Không ồn ào, hối hả, ở nhà quay phim, NSUT Trần Hùng mọi thứ đều thong thả, chậm rãi. Anh yêu cổ vật, thích hội họa, chụp ảnh và mê đắm với văn hóa truyền thống.

Sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ khi có cha là chủ nhiệm phim Trần Cam, ngay từ nhỏ Trần Hùng đã được tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ, những cây đa, cây đề trong điện ảnh. Ngôi nhà thủa nhỏ của anh cũng nằm trong hãng phim truyện Việt Nam, nơi anh đã tiếp xúc với những nhà quay phim, đạo diễn kỳ cựu như Trần Khánh Dư, Nguyễn Hữu Tuấn… Chính những bác, những chú đạo diễn, quay phim đã ảnh hưởng và hướng Trần Hùng đến với điện ảnh. Tốt nghiệp khoá quay phim Trường Ðại học sân khấu - Ðiện ảnh, Trần Hùng về đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam. Không biết là may hay xui khi thời điểm anh về hãng, số đầu phim ít dẫn tới việc các nghệ sĩ phải thay phiên nhau để ai cũng có cơ hội làm nghề. Chính thời gian rảnh giữa các bộ phim đã đưa anh tới với hội họa, chụp ảnh và cả thú say mê đồ cổ. Với chiếc máy ảnh trên vai, có lẽ không một góc phố, một con ngõ nào của Hà Nội mà anh chưa đặt chân tới. Những ngày lang thang chụp ảnh, săn tìm cổ vật đã đưa bước chân anh tới với nhiều vùng miền để rồi những cảm nhận, trải nghiệm đó ùa vào các bức ảnh, những góc máy khi làm phim. Với hơn 6 chục đầu phim video và gần chục phim điện ảnh, Trần Hùng đã hai lần giành giải quay phim xuất sắc nhất tại giải Cánh diều - một giải nghề nghiệp của Hội Ðiện ảnh. 

Quay nhiều nhưng có một thứ chính Trần Hùng cũng không lý giải được khi anh rất có duyên với phim chuyển thể dù là phim truyện điện ảnh hay phim truyện truyền hình. Cả hai bộ phim Sóng ở đáy sông (phim truyền hình) và Thời xa vắng (phim điện ảnh) được chuyển thể từ hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu đều do Trần Hùng đảm nhiệm phần hình ảnh. 

Cảnh làng quê Bắc Bộ thời gian khó

Với Trần Hùng thì cái đẹp trong phim phải đến từ chính cuộc sống. Ðể tạo ra vẻ đẹp thuần Việt, quay phim và đạo diễn phải tính từng khung hình, vừa giải quyết câu chuyện trong phim, vừa giữ được dấu ấn bản sắc. Muốn vậy, người quay phim phải am hiểu sâu về văn hóa, hội họa, âm nhạc… Sự cộng hưởng đó tạo nên chiều sâu của cảm xúc. Khi quay phim Thời xa vắng - tác phẩm tâm đắc nhất của Trần Hùng, anh và cố đạo diễn Hồ Quang Minh đã thống nhất với nhau ngay từ đầu Thời xa vắng sẽ là một bức tranh làng quê mang tính thẩm mỹ khác biệt, không phải là khai thác vẻ đẹp bên ngoài như những series phim về du lịch, khám phá.

Với Trần Hùng khi đứng sau máy quay thì mỗi bối cảnh khi lên phim cũng đều là nhân vật. Thông qua các khuôn hình, người xem như cảm nhận được cả không khí, mùi vị. Thậm chí, người xem còn có thể ngửi thấy cả hơi nước, mùi của gỗ đá hay chạm được vào từng hơi thở qua những chi tiết, những cú cận cảnh. Theo Trần Hùng: Ðiểm làm nên sự khác biệt trong mỗi bộ phim của từng dân tộc chính là màu sắc riêng được thể hiện qua từng bối cảnh, thiên nhiên, nếp nhà… Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì chúng ta đang xóa dần nét riêng biệt của từng ngôi làng. Một số đình chùa cũng chẳng còn nguyên vẹn và đang mất dần bản sắc vùng miền.

Cảnh Hương lên thăm Sài tại đơn vị

Bao năm lăn lộn với nghề quay phim, đi nhiều, biết nhiều nhưng với Trần Hùng mọi thứ như lặn sâu vào trong. Anh quan niệm: Với một nghệ sĩ, biết nhiều không bao giờ là đủ. Tôi có thể ngồi hàng giờ nhìn một chiếc bình gốm cổ, trò chuyện với nó. Nhiều người bảo tôi điên, nhưng cuộc trò chuyện với chiếc bình ấy là lúc tôi chạm được vào biết bao số phận. Cảm giác đỡ mệt mỏi, thanh thản hơn nhiều. Ngay cả những chiếc bật lửa đã qua tay nhiều người dù méo mó, sứt mẻ cũng gợi lại cho tôi bao kỷ niệm. Tôi nghĩ chuyện bản sắc, suy cho cùng là tình yêu, là đam mê với cái đẹp của con người mình, dân tộc mình, ẩn giấu trong từng đồ vật, từng lá cây, ngọn cỏ. Ðó là một “bảo tàng sống” hiện hữu trong mình, như những người bạn gần gũi, chân thành. Có lẽ vì thế mà tôi yêu tất cả những cái gì đã cũ, ở đó có cuộc sống, có bao câu chuyện thú vị. Ðồ cổ không cần nhiều tiền mới mua được. Có những vật ít tiền nhưng rất độc đáo, kỳ lạ. Thời gian giống như con người, cứ bào mòn đi những gì hỗn tạp, để những gì còn lại chính là cái đẹp.

Chính vì mê đắm cái đẹp đến từ những ngôi làng cổ hay một vệt chiều buông trên những mái chùa, một ánh bình minh nhô lên bên sông nên Trần Hùng cũng khao khát, mong muốn đem những cái đẹp đó vào phim ảnh. Xem lại bộ phim Thời xa vắng, tác phẩm ưng ý nhất của Trần Hùng, bộ phim giúp anh giành được một trong hai giải cánh diều vàng cho quay phim, khán giả cũng mê mẩn trước vẻ đẹp của làng quê Bắc Bộ một thời gian khó. Ở đó có bờ ao, nếp nhà, rặng cây mang theo văn hóa, linh hồn của người Việt suốt mấy ngàn năm. 

Cảnh gia đình đi hỏi vợ cho cậu bé Sài

Mong muốn bê được không khí, tinh thần ấy lên phim, Trần Hùng cũng là người rất chịu khó học hỏi. Anh xem nhiều phim, nhất là các phim của nước ngoài với mong muốn tìm ra những bài học cho mình. Anh chia sẻ: mỗi phim đều có cái hay để bản thân học hỏi. Có một thời gian tôi xem rất nhiều phim để rèn luyện thẩm mỹ, bố cục, hình ảnh và nhất là không khí dựng lên của một bộ phim qua cách bố cục ánh sáng, khuôn hình.

Xem nhiều và chọn một nét riêng cho mình, Trần Hùng quan niệm: Quay phim là họa sĩ vẽ bằng ánh sáng. Mỗi nhà quay phim có một thế mạnh riêng, người thì mạnh về bố cục, người thì mạnh về đường nét, người lại mạnh về góc độ... Với Trần Hùng thì là ánh sáng. Với anh thì cảnh quay không chỉ là “sáng mặt đặt tên” mà quan trọng nhất phải tải được không khí của từng cảnh quay, không khí ấy lại phải là điểm nhấn ấn tượng trong cả mạch cảm xúc chung.

Trong phim Thời xa vắng, có nhà phê bình nổi tiếng đã gọi cho quay phim: Tôi đọc được rất rõ cảm xúc, ánh mắt của Sài trong đêm khi đi cùng thủ trưởng, trước khi anh ta buộc phải hiểu rằng mình không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải “yêu vợ”.

Cảnh Sài và Hương trong Thời xa vắng

Khi một quay phim thắc mắc: dường như trong Thời xa vắng thiếu cận cảnh. Trần Hùng đã chia sẻ lý lẽ của riêng mình: Phim là sự kiệm lời về hình ảnh, chứ không phải sự độc diễn tài năng của người quay phim. Nếu toàn cảnh đủ tải được không khí của phim rồi thì cần gì phải đặc tả hay cận cảnh nữa. Bạn hãy để ý cảnh chân dung tập thể: cả gia đình Sài ngồi trong ánh đèn dầu để bàn về chuyện một thằng bé con “phạm lỗi” là không biết yêu vợ. Bao nhiêu con người là bấy nhiêu cặp mắt cùng nhìn về một hướng, lột tả hết được cái quan niệm sống của thời bấy giờ. Không ai được phép sống riêng cho cá nhân mình, cái bản ngã phải giấu kín. Nhưng cái giỏi của cảnh quay ấy là không mang lại cảm giác bi lụy về nhân tình, thế thái một thời cho người xem mà chỉ mang lại cảm giác là sự cảm thông sâu sắc về lối suy nghĩ của một thời khuôn phép. Ðó là thời của những suy nghĩ ngây thơ và ấu trĩ. Ðó cũng chính là cảm giác chung mà đông đảo khán giả cũng như giới trong nghề cảm nhận được ở phim. Phim đã thoát ra khỏi được đường dây vốn rất chênh vênh, rất dễ rơi vào cái không gian nặng nề, bế tắc... của nông thôn Việt Nam một thời.

Với mấy chục phim ngồi sau tay máy, có lẽ chỉ cần một phim như Thời xa vắng cũng đủ làm nên một phong cách quay rất riêng của Trần Hùng. Ngoài những lúc đi quay, thời gian rảnh rỗi anh chúi đầu vào vẽ và chính hội họa giúp anh sống lại những trải nghiệm khi làm phim hay những ngày lang thang chụp ảnh. Và một ngày nào đó, khi đủ duyên thì chính cách bố cục, mầu sắc, ánh sáng của hội họa, của những bức tranh anh vẽ lại giúp Trần Hùng làm nên những thước phim khác biệt cho riêng mình.

PHI YẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;