Với công chúng yêu nhạc thì lâu nay, nghệ sĩ Đức Long đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi, bởi bất cứ lúc nào được hát là anh luôn hết mình, sẵn sàng phục vụ dù sân khấu lớn hay nhỏ, là thánh đường nghệ thuật sang trọng hay chỉ là một khoảng sân trống nơi biên giới, hải đảo... thì anh vẫn hát, hát như lần đầu khát khao được đứng trên sân khấu.
Là một trong 119 nghệ sĩ được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu NSND lần thứ 10, đó là niềm vinh dự với nghề, với đời, nhưng nghệ sĩ Ðức Long vẫn chạnh lòng khi nhắc tới những bạn bè, đồng nghiệp. Nghệ sĩ Ðức Long chia sẻ: “Hơn 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, đồng thời tôi cũng có tới 26 năm giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Và khi nghỉ chế độ ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tôi tiếp tục giảng dạy ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Giải thưởng là niềm vinh dự bởi sự ghi nhận của Ðảng, Nhà nước cho những nỗ lực, cống hiến của mình. Nhưng ở một khía cạnh khác, tôi nghĩ nhiều nghệ sĩ trẻ cơ hội để có được những giải thưởng trong hoạt động nghệ thuật và đủ số năm công tác đáp ứng đủ tiêu chí của việc xét tặng giải thưởng là được phong tặng. Tuy nhiên, với các đồng nghiệp làm việc ở những môi trường ít có cơ hội dự thi để có được giải thưởng, nhưng sức cống hiến của họ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm với những chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa... Sự cống hiến của họ là rất lớn nhưng nếu chỉ quy vào giải thưởng thì đó là một thiệt thòi đối với các nghệ sĩ”.
NSND Đức Long tham gia một chương trình nghệ thuật
Nghệ sĩ Ðức Long cũng là người thường xuyên đi tập huấn chuyên môn cho các đoàn nghệ thuật địa phương: Hà Giang, Lạng Sơn, Dân gian Việt Bắc, Ca múa Thái Nguyên, Hải Dương, Phú Yên, Nhà hát Trưng Vương Ðà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…anh cho rằng: “Có đi thực tế thì mới cảm nhận được sự cống hiến của họ và họ xứng đáng tôn vinh, phong tặng các danh hiệu. Bởi nhiều người cả cuộc đời chỉ đi biểu diễn vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Sân khấu chỉ là bãi đất trống, bên bờ suối, ánh sáng đỏ như đom đóm...Vì thế, tôi thấy mình may mắn. Thiết nghĩ, cần có cơ chế chính sách phù hợp để các nghệ sĩ không bị thiệt thòi, bởi nhiều nghệ sĩ ở các địa phương, họ không có lựa chọn. Còn nhiều nghệ sĩ ở các thành phố thì sân khấu đẹp, cát-xê cao họ nhận. Thậm chí có những nghệ sĩ trẻ khi bị điều động đi công tác tới những vùng khó khăn còn tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm. Trong khi vinh dự của người nghệ sĩ là mang tiếng hát đi tới bất cứ nơi đâu. Vì thế, được phong tặng là vinh dự, nhưng cũng cần phải giữ được ngọn lửa đam mê với nghề cùng với sự tin yêu của nhân dân để luôn xứng đáng với danh hiệu đó”.
Một năm nhìn lại
Nhìn lại năm 2023, sau đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, đặc biệt là hoạt động biểu diễn nghệ thuật gần như đóng băng thì năm 2023, không khí trên các sân khấu biểu diễn đã có nhiều khởi sắc.
Nghệ sĩ Đức Long là một trong 119 nghệ sĩ được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu NSND lần thứ 10
Với nghệ sĩ Ðức Long, năm 2023 là năm được nghỉ chế độ nhưng cũng là một năm có nhiều thành tựu, bởi anh vẫn thường xuyên tham gia các show diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và các chương trình biểu diễn trong và ngoài nước; tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và hướng dẫn cho nhiều lớp học trò cả chuyên nghiệp và không chuyên. Ðặc biệt, đầu năm 2023, Ðức Long đi giảng dạy thanh nhạc dài ngày ở nhiều nước châu Âu và cũng đã quy tụ được 300 nghệ sĩ không chuyên trong Gala âm nhạc tổ chức tại Ðức dành cho các học viên ở châu Âu. Ðiều lớn lao hơn cả là thông qua việc dạy học thanh nhạc, Ðức Long đã quy tụ được cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia xích lại gần nhau và cùng nhau lan tỏa thông điệp về tình đoàn kết, sẻ chia và tấm lòng hướng về nguồn cội. Chính những lời ca, tiếng hát là mạch nguồn cảm xúc gắn kết yêu thương, giúp họ quên đi những nhọc nhằn nơi đất khách quê người, để thấy cuộc đời thật nhẹ, thật gần gũi, thân thương. Việc VOV - Ðài Tiếng nói Việt Nam cử một đoàn công tác sang ghi hình, đưa tin về hoạt động này cũng cho thấy sức lan tỏa và những gì nghệ sĩ Ðức Long đã làm được trong hàng chục năm qua và đã trở thành thương hiệu ghi dấu ấn trong lòng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với đó, Câu lạc bộ thanh nhạc 274 Lê Duẩn tại chính ngôi nhà nhỏ của anh luôn ngập tràn tiếng hát. Người tới tham gia sinh hoạt có cả những Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, sinh viên thanh nhạc các trường và cả những học viên không chuyên do doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc làm Chủ nhiệm. Cái tài của Ðức Long là đã quy tụ được nhiều người và luôn mang niềm vui đến cho người. Không khí của Câu lạc bộ luôn rộn ràng, nhất là việc thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn, giao lưu của Câu lạc bộ với các nghệ sĩ - một hoạt động không dễ gì có được.
Trước thềm Xuân mới, Nghệ sĩ Nhân dân Ðức Long bộc bạch: “Ngay từ những ngày đầu Xuân mới 2024, hoạt động biểu diễn nghệ thuật chào Xuân đã cho thấy sự khởi sắc. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức rầm rộ, quy mô rộng, đem lại sức sống mới cho đời sống của nhân dân. Ðức Long mong bản thân có sức khỏe để tiếp tục cống hiến. Nếu có lời mời đi biểu diễn biên giới, hải đảo, Ðức Long cũng sẵn sàng khoác ba lô lên đường sẵn sảng phục vụ.
Một Đức Long khác biệt
Nghệ sĩ Ðức Long sinh năm 1960 tại Quảng Ninh, nhưng ít ai biết quê gốc của anh lại ở huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Cơ duyên đến với Ðức Long khi anh về làm công nhân ở Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai. Là người có giọng hát, Ðức Long chủ yếu tham gia biểu diễn phục vụ công nhân vùng mỏ. Thế rồi cái nghiệp cứ thế đeo bám như hơi thở cuộc sống, để rồi khát khao cháy bỏng trở thành nghệ sĩ cứ lớn dần khi Ðức Long đánh dấu tên mình bằng Huy chương Vàng ngay lần đầu xuất hiện trong Hội diễn nghệ thuật ngành Than (năm 1978). Năm 1982, bước ngoặt cuộc đời khi anh theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong một buổi giao lưu giữa công nhân mỏ và Ðoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân, Ðức Long thể hiện ca khúc Chiều trên bến cảng và được Ban Lãnh đạo Ðoàn mời về, để rồi anh đã có những năm tháng đi biểu diễn phục vụ bộ đội, chiến sĩ và nhân dân khắp các mặt trận từ chiến trường Vị Xuyên, biên giới phía Bắc, miền Trung và các vùng miền của Tổ quốc. Năm 1989, Ðức Long dành Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và được điều chuyển công tác về Ðoàn Ca múa Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam. Năm 1994, Ðức Long về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho tới khi nghỉ hưu. Anh cho rằng chính môi trường quân đội đã rèn luyện anh có một sự kiên định, bản lĩnh trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống.
Câu lạc bộ thanh nhạc 274 Lê Duẩn tại chính ngôi nhà nhỏ của NSND Đức Long luôn ngập tràn tiếng hát
Sống hồn hậu, giản dị, nhưng ẩn sâu trong anh là một tâm hồn đa sầu, đa cảm song Ðức Long cũng là người vui tính, hay chuyện tếu... Anh chỉ sợ một ngày không được hát, chứ chẳng quan tâm đến những được, mất ở đời. Anh tâm sự: “Tôi hài lòng với những gì mình có và luôn muốn mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc thuần khiết, đẹp ngay cả khi buồn, để ở đó, họ được đi vào thế giới trong trẻo nhất, không vướng bận tị hiềm”.
Trước khi trở thành một nghệ sĩ được đào tạo Opera chuyên nghiệp, Ðức Long hát bằng bản năng của một người yêu, say mê âm nhạc đến tận cùng bằng giọng hát như lửa cháy, hừng hực khí thế và khát vọng của tuổi trẻ. Khi nắm bắt được kỹ thuật Opera, Ðức Long vận dụng khéo léo, xử lý tác phẩm tinh tế ở mỗi dòng nhạc. Nếu như sự tươi mới, hào sảng được thể hiện ở dòng nhạc Cách mạng thì ở thể loại Thính phòng với những Aria, Romance hay những tác phẩm chính ca, Ðức Long lại đưa người nghe vào một không gian âm nhạc đẹp, hoàn hảo, bởi ở đó, Ðức Long phô diễn được những kỹ năng, kỹ xảo của nghệ thuật thanh nhạc đỉnh cao một cách điêu luyện, tinh tế, luôn giữ cho mình một tâm thế quân bình.
Bốn thập kỷ ca hát, Ðức Long luôn giữ được cột hơi thẳng và trường hơi để anh thỏa sức phiêu mà không bao giờ khiến người nghe phải hụt hẫng khi rơi vào sự cố về sức khỏe hay giọng hát. Ðạt tới đỉnh cao của kỹ thuật thanh nhạc nên việc Ðức Long chuyển hóa những kỹ thuật kinh điển để thể hiện những ca khúc thuộc dòng tân nhạc thời kỳ đầu hay những sáng tác mới mang phong cách trữ tình luôn khiến người nghe thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Hát mà như “chơi” không bị bó buộc hay lệ thuộc vào bất cứ điều gì, mà chỉ thấy “phiêu” cùng những thanh âm. Nghệ sĩ Ðức Long tâm sự: “Làm nghệ thuật, bên cạnh niềm đam mê thì người nghệ sĩ phải nỗ lực, hy sinh bản thân để dấn thân cho nghệ thuật, không toan tính. Phải tự nghiêm khắc với chính bản thân mình trên mọi phương diện”.
Là người có giọng hát kén khán giả, nhưng mỗi đối tượng khán giả, anh đều có cách tiếp cận khác nhau, bởi với anh: “Hát là hơi thở cuộc sống, là mạch máu chảy trong huyết quản”. Chính những tháng ngày trong quân đội là những trải nghiệm quý báu đã hình thành trong Ðức Long một lối sống chừng mực, giản dị, một tấm lòng bao dung, độ lượng, luôn yêu tha thiết cuộc đời này. Vì thế, được hát phục vụ công chúng thì dù sân khấu lớn, hay nhỏ, dù là căn nhà tạm hay ở thánh đường nghệ thuật anh đều trút tiếng lòng mình như “con tằm rút ruột nhả tơ” - đó là những kén tơ vàng óng, lấp lánh ánh kim.
Bài học đầu tiên Ðức Long nói với học trò của mình là về đạo đức nghề nghiệp: “Nghệ thuật là món ăn tinh thần sang trọng. Nghệ thuật là khó khăn, là chông gai chứ không hào nhoáng như vẻ bề ngoài ta nhìn. Tiếng hát cất lên từ trái tim đam mê, từ tinh thần cống hiến, mang cái đẹp đến cho đời - đó mới là sứ mệnh của người nghệ sĩ”.
TRẦN LỆ CHIẾN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024