Đàn Đó - Ngân vang thanh âm của cây tre Việt Nam

Niềm say mê và trân trọng những giá trị truyền thống đã thôi thúc nhóm nhạc Đàn Đó sáng tạo nên những loại nhạc cụ mới, cách chơi nhạc mới trên chính những chất liệu thân quen, gần gũi với đời sống người Việt Nam, mà tiêu biểu nhất là tre.

Các nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Quang Sự và Đinh Anh Tuấn hoà mình vào thanh âm của đàn đó

Từ vở diễn Làng tôi đến nhóm nhạc Đàn Đó

Câu chuyện của nhóm Đàn Đó trước tiên chấp bút từ vở xiếc Làng tôi, là vở diễn được thực hiện bởi các nghệ sĩ xiếc Việt Nam, nhằm tôn vinh nét văn hóa của làng quê Việt Nam. Anh Nguyễn Quang Sự, một thành viên trong nhóm Đàn Đó kể lại, vở diễn đã để lại trong mỗi người tham gia biểu diễn cùng với các khán giả thật nhiều cảm xúc, từ thích thú, tự hào cho tới xúc động, nhớ quê hương. 3 năm đồng hành, gắn bó với vở Làng tôi ở các nước châu Âu là khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh, 2 diễn viên xiếc Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự, cùng một nghệ sĩ nữa thấu hiểu nhau và kết thành những người tri kỷ trong hoạt động nghệ thuật. 

Trở về nước vào năm 2012, vẫn ấp ủ trong mình ước mơ viết tiếp hành trình lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống sau thành công của Làng tôi, 4 nghệ sĩ đã bàn bạc với nhau để tìm hướng đi mới, nhằm bứt phá năng lực sáng tạo của bản thân. Chưa có không gian sáng tạo nghệ thuật, các anh đã cùng thuê một xưởng tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) để mày mò, nghiên cứu ra những loại nhạc cụ mới. Mỗi hành trình mà các người nghệ sĩ đi cùng với nhau khi về nước, cũng như những khi sáng chế nhạc cụ, rồi những khi thử nghiệm có cả thành công và thất bại, đều được họa sĩ Nguyễn Đức Phương, em trai nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh ghi lại bằng ngôn ngữ của hội họa. Tranh của Nguyễn Đức Phương thiên về trừu tượng, thay vì đi sâu vào tả thực, nhằm thể hiện tinh thần khoáng đạt, hồn nhiên và có phần dí dỏm, đúng với tinh thần của cả mấy anh em. Cho đến nay, nhóm đã có sự cố định về số lượng thành viên với 3 nhạc công gồm Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Quang Sự, Đinh Anh Tuấn và họa sĩ Nguyễn Đức Phương. 

Hơn 10 năm miệt mài bên những cây tre

Vậy tìm hướng đi mới mẻ như thế nào, mà vẫn có thể tôn vinh được những giá trị văn hóa truyền thống như Làng tôi đã làm, là điều khiến các nghệ sĩ luôn trăn trở. Trong vở diễn năm đó, tre là chất liệu chủ đạo được các diễn viên kết hợp biểu diễn. Từ đó, lóe lên trong suy nghĩ của các chàng nghệ sĩ là ý tưởng tiếp tục tận dụng những giá trị mà cây tre mang lại. Bởi đây là chất liệu mộc mạc, gần gũi với đời sống tinh thần, vật chất của người Việt Nam.

Chân dung nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương

Thân thuộc là vậy, nhưng hành trình tìm được loại tre ưng ý quả thực không hề đơn giản. Không biết bắt đầu với loại tre nào, nên cứ tìm được loại tre nào, các anh cũng đều thử nghiệm bằng hết. Trước tiên là với loại tre gai trồng phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, âm thanh mà những thanh tre gai phát ra vẫn chưa được như ý muốn của các anh. Qua quá trình thử nghiệm hết cây tre này đến cây tre khác, các nghệ sĩ rút ra kinh nghiệm là tre phải già mới tạo ra âm thanh hay. May mắn sao, một thời gian sau, các nghệ sĩ được một người quen ở trên vùng cao phía Bắc giới thiệu tại đây có những loại tre đẹp, có tuổi đời lên tới 15 đến 20 tuổi. Chưa biết loại tre này có đem đến kết quả thành công hay không, nhưng mới nghe thấy tre già là các nghệ sĩ đã thấy rất vui mừng rồi. Thế là các anh liền ngược lên trên miền núi để chặt tre đem về. Sau bao nhiêu vất vả, nhóm nhạc đã tìm được chất liệu như ý muốn. Cây đàn hoàn thiện với 5 nốt cùng với bản dây dẹt và mỏng được làm từ cật tre. 

Trước đây, dân gian cũng sáng tạo ra không ít loại nhạc cụ từ tre, nhưng phần lớn người ta đều sử dụng dùi gõ vào để tạo ra âm thanh. Một thử thách nữa dành cho các nghệ sĩ là phải làm sao để tạo ra âm thanh, và tạo cho cây đàn mình làm ra có nét riêng biệt, không trở thành bản sao của tiền nhân. Các anh đã thử nghiệm sử dụng đôi bàn tay để vỗ vào dây đàn. Việc vỗ đôi tay trần như vậy được các nghệ sĩ lý giải sẽ giúp cho âm thanh phát ra mềm mại, thanh thoát và tinh tế hơn. Khi chơi đàn bằng tay như vậy cũng khiến cho người chơi có cảm giác như mình đang được vuốt ve, nâng niu những thanh âm đáng trân quý.

Nhạc cụ chủ đạo đã hoàn thiện nhưng vẫn biết gọi ra sao, nên các nghệ sĩ muốn tìm cái tên nghe cho thuần Việt nhất. Dựa theo hình dáng giống với cái đó, dụng cụ đánh bắt cá quen thuộc trong đời sống lao động của nông dân, các nghệ sĩ đã gọi là đàn đó. “Đó” cũng là một từ thuần Việt với nhiều sắc thái biểu thị khác nhau. “Đó” linh hoạt về vị trí khi vừa có thể đứng đầu câu làm đại từ thay thế cho một cá nhân, tập thể, nơi chốn, khoảng thời gian,… cũng vừa có thể lui xuống cuối câu để thể hiện sắc thái biểu thị. Sự linh hoạt của từ này cũng phảng phất tinh thần của nhóm, bởi các nghệ sĩ đã rất khéo léo, tài tình khi tận dụng những nguyên liệu rất đỗi đời thường, mộc mạc, chân chất, để tạo nên những nhạc cụ chuyên chở những rung động trong trái tim người yêu nhạc. Và rồi, Đàn Đó cũng chính thức trở thành tên gọi cho nhóm nhạc. 

Chân dung nghệ sĩ Nguyễn Quang Sự

Dù đã chế tạo được nhạc cụ cho ra âm thanh đã tai, nhưng do những nhạc cụ này đều là lần đầu sáng tạo, nên trên thân cây đàn vẫn còn lưu lại nhiều dấu vết đục, đẽo, khoan, cắt. Các nghệ sĩ vẫn mong muốn trong thời gian chế tác nhạc cụ sắp tới, các cây đàn sẽ được hoàn thiện hơn, đạt đến độ thẩm mỹ cao hơn. Tuy nhiên, từ góc độ là một khán giả, có thể thấy, chính những dấu vết của của công việc mà các anh đánh giá là chưa thẩm mỹ ấy hằn trên thân đàn, lại toát lên vẻ đẹp của sự cần mẫn, kỳ công và hăng say trong sáng tạo nghệ thuật ở những nghệ sĩ nghiêm túc cống hiến cho người yêu âm nhạc. 

Hoàn thiện đêm nhạc hội tụ cả thính giác và thị giác

Có nhạc cụ để chơi rồi, nhóm vẫn cảm thấy tiết mục thiếu đi dải âm trầm. Trong khi chưa biết tìm đâu cho ra chất liệu tạo ra âm trầm, các anh mới thử tận dụng dây song buộc các đoạn tre. Khi kéo căng ra gảy thử, thanh âm từ dây song nảy lên một tiếng nghe rất bắt tai. Vô tình thấy ở xưởng có một cái chum đựng thóc cho gà, các anh mới đặt thử dây song lên miệng chum và gảy. Khi đó, họ đã vỡ òa trong cảm xúc vì cuối cùng cũng đã tìm thấy thứ thanh âm tuyệt mỹ. Bên cạnh đó, còn phải kể tới các nhạc cụ với những cái tên thú vị như đàn niêu được chế tạo từ một miếng da bò úp lên chiếc niêu cùng các sợi dây cước, hay trống chum với hộp cộng hưởng là sành, màng rung là săm xe máy, tạo ra âm thanh vừa trầm vừa sâu…

Trong hơn 10 năm miệt mài với những nguyên vật liệu sần sùi, thô sơ, nhóm nhạc đã sáng tạo cho mình các loại nhạc cụ với bộ dây gồm đàn đó, đàn niêu, bộ gõ có trống chum, trống lãng, trống lợn,… Không chỉ du dương những giai điệu thân thương nơi đồng bằng, âm nhạc mà các anh chơi cũng có sự mở rộng về không gian địa lý, khi hòa điệu cùng với những nhạc cụ tự tay mình sáng tạo là những nhạc cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số như trống ghi-năng của người Chăm, chiêng của người Êđê, đàn tính của người Tày, Nùng, Thái, sáo pí của người Thái,… 

Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn cùng cây đàn tính

Khi đã có nhạc cụ và cách chơi, các nghệ sĩ bắt đầu xây dựng chương trình biểu diễn. Không giống như những chương trình nghệ thuật khác, đêm diễn của Đàn Đó không chơi theo những bản nhạc được ghi chép lại bài bản và biểu diễn thường xuyên, mà biểu diễn theo sự sáng tạo và ngẫu hứng của người làm chủ sân khấu. Trước những buổi diễn, các nghệ sĩ cũng chỉ tập tiết tấu với nhau. Rồi từ những tiết tấu đó, các anh tự biết tương tác với nhau trên sân khấu để chiều lòng khán giả. Bởi với những con người giàu sức sáng tạo này, nếu có một bài bản cố định sẽ kìm hãm các anh không có cảm hứng trong âm nhạc được. Và như thế, tiết mục trong các đêm diễn sẽ có phần lặp lại. 

Nếu chỉ chú trọng về âm thanh, mà quên đi hình ảnh, đêm nhạc vẫn chưa thực sự có sức lôi cuốn sự tập trung của người xem. Với kinh nghiệm thâm niên trong nghề xiếc, các nghệ sĩ cũng thử nghiệm những chuyển động về hình thể để kết hợp sao cho nhuần nhuyễn với những giai điệu do mình sáng tác nên, sao cho tiết mục trình diễn hài hòa giữa phần nghe và phần nhìn. Cùng với đó, những bức họa của Nguyễn Đức Phương được trưng bày trong các buổi biểu diễn. Điều này vừa giúp giới thiệu các tác phẩm của anh đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật, đồng thời, vừa tạo ra sự truyền cảm hứng hai chiều giữa nhạc và họa, tăng thêm tính hứng khởi trong buổi diễn cho các nhạc công trên sân khấu.

 NAM PHONG

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

 

;