Sáng 15-4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện). Đây là hoạt động nằm trong chương trình Ngày Văn hóa dân tộc Việt Nam (19-4) năm 2023.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn văn hóa
Tham dự Diễn đàn có: Ủy viên BCH Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch; đại diện các vụ của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Bộ Tư pháp, Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ; Lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk; Ủy ban Dân tộc; cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành T.Ư, Sở VHTTDL và nghệ nhân đồng bào các dân tộc.
Văn hóa của các dân tộc Việt Nam đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết vào những ngày tháng 4 lịch sử này, cả dân tộc Việt Nam đang sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hướng về nguồn cội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đó là chúng ta đang tiến hành chuẩn bị tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng vương và các hoạt động để kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong các chuỗi hoạt động này, những người làm văn hóa trong cả nước lại đặt lên vai trách nhiệm của mình, cùng với nhân dân nhìn lại sức mạnh của văn hóa Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Đảng. Trong quá trình đó, tùy theo góc độ tiếp cận của giới nghiên cứu, của những người thực hành văn hóa và sâu xa hơn là nhân dân Việt Nam, với tư cách là chủ thể sáng tạo trong dựng xây và bảo vệ, trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chúng ta đều thấy được sức mạnh nội sinh của văn hóa, động lực của sự phát triển bền vững. Vì vậy, chúng ta luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Gần đây nhất, chúng ta lại tiếp tục phát triển sâu sắc phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 21-11-2021. Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL nói riêng, ngành Văn hóa nước nhà nói chung đã nhận được rất nhiều sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân để nỗ lực xây dựng và chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam. Chỉ cách đây 2 tháng, toàn ngành Văn hóa đã tham mưu đúng và trúng cho Đảng để tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam- văn kiện đầu tiên của Đảng văn hóa. Trong đó Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam- khơi nguồn và động lực phát triển”. Từ hội thảo này, toàn ngành đã có nhận thức đầy đủ hơn khi chúng ta thấm nhuần những quan điểm của Đảng, chủ trương, đường lối đúng đắn, tư tưởng của Bác Hồ về lĩnh vực văn hóa và gắn với thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay, để chúng ta tổ chức thực hiện có trọng tâm trọng điểm 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa của các dân tộc Việt Nam đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: Đất nước Việt Nam hết sức tươi đẹp, có nền văn hóa lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển. 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất hình chữ S, đã đồng lòng tạo nên lịch sử dựng nước, giữ nước qua hàng nghìn năm và có sự gắn kết cộng đồng, đồng hành rất chặt chẽ. Trong đó, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển của văn hóa nước nhà; đó là yếu tố để làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Di sản văn hóa vừa được hiểu là các thành tố, vừa là phương tiện để biểu đạt các giá trị văn hóa, nó thể hiện sâu sắc bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn con người Việt Nam. Chính vì lẽ đó, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc để tạo nên sức mạnh của văn hóa dân tộc giàu bản sắc. Những thành quả của văn hóa và nghệ thuật, của sáng tạo luôn luôn được giữ gìn, trao truyền để trở thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú và đồ sộ.
Bộ trưởng cho biết, theo thống kê của ngành Văn hóa, Việt Nam đã có trên 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, chúng ta còn có 468 di sản phi vật thể quốc gia, 238 bảo vật quốc gia và gần 9.000 lễ hội dân gian. Dẫn lại các con số này để thấy, tài nguyên văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và đồ sộ.
Cùng với đó, các dân tộc Việt Nam vốn có tinh thần khoan dung, sáng tạo để thúc đẩy hòa bình và chia sẻ tình đoàn kết nhân ái, vì cuộc sống tốt đẹp của đồng bào và nhân loại. Con người Việt Nam lại có khả năng thích ứng, bản lĩnh vững vàng khi đối mặt với những thử thách, khó khăn. Những phẩm chất đáng quý ấy là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng giúp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia, dân tộc và giải quyết tốt những thách thức của thời đại.
“Trong thời gian qua, với việc phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân, đội ngũ văn nghệ sĩ là những người làm công tác văn hóa nghệ thuật, giữ vai trò quan trọng, sáng tạo hàng triệu công trình văn học - nghệ thuật, đã trở thành phương tiện truyền tải, phổ biến những thông điệp, tư tưởng, giá trị mới; phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào về dân tộc, với tấm lòng nhân ái, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo, dũng cảm của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Văn hóa của các dân tộc Việt Nam đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước, là một trong 4 trụ cột quan trọng của phát triển cùng với kinh tế, xã hội và môi trường. Thực tiễn cho thấy, văn hóa là yếu tố quyết định đến sự phát triển con người, tạo nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc; chống lại sự đồng hóa về văn hóa. Văn hóa giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Hơn ai hết, chúng ta đều ý thức đầy đủ rằng một quốc gia không chỉ cần quân đội hùng mạnh, nền kinh tế vững mà cần mạnh cả về văn hóa. Bởi lẽ, chính văn hóa đã tạo ra môi trường cho sự dân chủ phát triển, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc. Một xã hội văn minh là một xã hội xây dựng được nền tảng văn hóa tinh thần xã hội tiên tiến, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đẩy mạnh, phát triển văn hóa trong chính trị, kinh tế để nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lớn mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa và đạo đức; hướng đến vì con người, vì cộng đồng và vì dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, Việt Nam đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra với thế giới; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa để thể hiện sức mạnh và khả năng chuyển hóa các nguồn lực, tài nguyên văn hóa dồi dào của cộng đồng các dân tộc; phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc là việc cần phải làm theo hướng bền vững, thực hiện theo từng bước, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm.
Để khai thác các nguồn lực văn hóa, phát triển con người, Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn ngành Văn hóa phải quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng, làm tốt công tác quản lý của nhà nước, trong đó nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng và huy động sự tham gia của tất các bên liên quan, đóng góp vào sự phát triển nguồn lực văn hóa các dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước.
Các đại biểu và khách mời tại Diễn đàn văn hóa
Cũng theo cách tiếp cận này, ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng mong muốn các Ban, Bộ, ngành, chính quyền địa phương phải nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt đầu tư, khai thác nguồn lực văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, phát triển du lịch gắn với tăng cường quảng bá văn hóa, đào tạo nhân lực văn hóa cũng phải được chú trọng. Đồng thời, các Ban, Bộ, ngành, địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Bộ VHTTDL để đánh giá tổng thể về tiềm năng, trữ lượng nguồn tài nguyên văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hoá những di sản đang có nguy cơ mai một và thất truyền; triển khai thực hiện chiến lược đề án quy hoạch, chương trình phát triển các loại hình du lịch văn hóa, dịch vụ văn hóa ở cộng đồng các dân tộc; biến những giá trị văn hoá trở thành tài sản về văn hóa, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Về phía cộng đồng các dân tộc, với tư cách là chủ thể sáng tạo, Bộ trưởng yêu cầu đồng bào phải đề cao trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; tham gia tích cực vào các hoạt động sáng tạo, truyền dạy, thực hành văn hóa; kế thừa, phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; tiếp thu và bổ sung những giá trị mới để xây dựng con người Việt Nam với những giá trị phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ VHTTDL mong muốn các doanh nghiệp thông qua diễn đàn sẽ phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, chủ động xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng để nuôi dưỡng và tạo ra nguồn lực phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa công tác đầu tư cho văn hóa; khai thác các yếu tố văn hóa để nâng cao tính sáng tạo, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách và nhân dân; các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mang bản sắc văn hóa Việt Nam để phục vụ công chúng và đưa ra bạn bè quốc tế. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân hãy phấn đấu để trở thành đại sứ quảng bá các giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra với thế giới.
Các tổ chức chính trị và xã hội nghề nghiệp tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình cần tổ chức thêm các hoạt động sáng tạo phù hợp với phát triển văn hóa; phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong xã hội, của cộng đồng nhân dân trong tuyên truyền, quảng bá văn hóa và phản biện xã hội.
Bộ trưởng mong muốn Diễn đàn sẽ đón nhận được nhiều ý kiến, thảo luận tâm huyết, phát biểu để làm rõ hơn, nâng cao hơn nữa về mặt nhận thức, để chúng ta đưa văn hóa của Việt Nam ngày càng phát triển, văn hóa của các dân tộc Việt Nam sẽ trở thành nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó cũng chính là khát vọng mà toàn ngành VHTTDL mong muốn truyền đạt thông qua Diễn đàn này.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Diễn đàn
Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số trong sự phát triển đất nước
Tại phiên tham luận, Diễn đàn đã nhận được 56 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tại Diễn đàn, GS, TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã trình bày tham luận “Đa dạng văn hóa ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra hiện nay”, theo ông, vấn đề đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng chính là đề cập đến vấn đề đặc trưng, thuộc tính của văn hóa ở bất kỳ dân tộc nào, đặc biệt là ở các quốc gia đa dân tộc, trong đó có Việt Nam. Ông nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em với hơn 700 người địa phương, trên tiến trình xây dựng đất nước, các dân tộc vừa xây dựng, vừa trao truyền, bảo vệ cho tộc người mình một nền văn hóa mang bản sắc riêng, vừa chung tay xây đắp một nền văn hóa đa dân tộc, tạo nên bức tranh toàn cảnh nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Đó là sự tổng hợp để nhân lên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần vào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở... Một trong những đặc trưng cư trú của các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam là định cư đan xen, chính vì vậy văn hóa của các dân tộc luôn có sự giao lưu, giao thoa, thậm chí có sự biến đổi, tiếp biến cái mới, cái khác lạ để phát triển, chính vì vậy, đã tạo ra tính đa dạng văn hóa trong từng khu vực; Nhiều năm trở lại đây, do có sự biến động về kinh tế, cư trú và sự tác động sâu rộng của các phương tiện truyền thông đại chúng, văn hóa tộc người đã và đang có sự biến đổi, tiếp biến sâu sắc theo chiều hướng vừa tích cực, vừa hạn chế, tiêu cực. Nhiều di sản văn hóa truyền thống tộc người đang đứng trước nguy cơ bị biến đổi và biến mất, các chiến dịch di dân đang là một trong những nguyên nhân gây tác động hai mặt đến văn hóa tộc người và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc.
GS, TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn
Cùng với đó, trên thực tiễn đang đặt ra một số vấn đề, đó là hiện đã và đang có sự tác động đa chiều đối với hệ thống di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, trong đó có một số dân tộc đang có nguy cơ biến mất tiếng nói và chữ viết; hệ thống làng nghề thủ công của các dân tộc cũng có nguy cơ biến mất...
PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm với tham luận “Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số trong sự phát triển đất nước hiện nay”
Với tham luận “Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số trong sự phát triển đất nước hiện nay”, PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Việt Nam là đất nước có nền văn hóa đa dạng, xuất phát từ sự đa dạng về sinh thái, về tộc người, đi kèm với đó là sự đa dạng về các biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng đó có thể nhìn nhận với nhiều góc độ khác nhau, văn hóa các tộc người thiểu số có sự đa dạng về nguồn lực văn hóa vật chất, nguồn lực văn hóa tinh thần và nguồn lực văn hóa cá nhân, nguồn lực văn hóa cộng đồng, nguồn lực văn hóa truyền thống, nguồn lực văn hóa hiện đại... Nguồn lực văn hóa của các tộc người thiểu số được nhìn nhận thông qua hệ thống các di tích: di tích lịch sử, di tích tôn giáo tín ngưỡng, di tích nghệ thuật, bảo tàng... Nhìn vào sự đa dạng văn hóa của các tộc người thiểu số có thể thấy không có nguồn lực văn hóa nào có thể xem là quan trọng nhất, cốt lõi nhất hay có thể chi phối, lấn át các nguồn lực khác. Mà văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ tùy từng thời điểm, từng bối cảnh cụ thể sẽ được huy động với từng mức độ khác nhau trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của mỗi tộc người. Điều đó cho thấy, nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số không bao giờ là đơn nhất, sẽ luôn là một tổng thể, không có nguồn lực nào tồn tại độc lập mà luôn tồn tại trong một hệ thống. Và chỉ khi chúng được kết nối thành hệ thống, trong quá trình thực hành văn hóa, kết hợp với nhiều yếu tố mới trở thành nguồn lực văn hóa.
PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng, các chủ thể văn hóa phải nhận thức rõ về giá trị văn hóa của mình, có ý thức đưa văn hóa của mình vào các quá trình sản xuất để tạo nên các sản phẩm văn hóa. Họ phải liên tục sáng tạo và tạo nên các thực hành văn hóa, đưa đến sự vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn cho các dòng chảy kinh tế cũng như quan hệ xã hội của cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội cũng tham gia vào quá trình này với vai trò thúc đẩy nhận thức của các chủ thể văn hóa. Khuyến khích sự tự tin, tự hào về văn hóa của họ, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất về thể chế, môi trường, chính sách để nguồn lực văn hóa của các tộc người được định hình, lan tỏa, phát huy tốt nhất trong quá trình phát triển. Sự phát triển ở đây không chỉ là phát triển kinh tế, mà còn là phát triển xã hội, con người theo hướng nhân văn, thân thiện với môi trường, hài hòa với tự nhiên...
PGS, TS Trần Bình - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề “Đẩy mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong bối cảnh phát triển hiện nay”
PGS, TS Trần Bình - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trình tham luận với chủ đề “Đẩy mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong bối cảnh phát triển hiện nay”. Ông cho rằng: Nhiều năm qua, hàng loạt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách, chương trình, dự án bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được ban hành và triển khai rất tích cực, thông qua các dự án, chương trình đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Nhiều lễ hội cổ truyền được phục dựng; tập tục cổ của các tộc người được chú ý khai thác vận dụng. Vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ được phát huy; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng của các dân tộc thiểu số được phát sóng; nhiều tài liệu tuyên truyền, cổ động bằng chữ viết của các dân tộc thiểu số được phát hành. Những cố gắng đó đã góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi và dân tộc trong nhiều năm qua. Tuy vậy, do tác động của hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, hiện nay bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn.
Theo PGS, TS Trần Bình văn hóa các tộc người đang bị đẩy đến nguy cơ tiêu vong, nhất là về ngôn ngữ. Phạm vi giao tiếp của các ngôn ngữ đó ngày càng bị thu hẹp dần, thậm chí nhiều ngôn ngữ chỉ còn được sử dụng trong gia tộc, gia đình... Tình trạng song ngữ, đa ngữ phổ biến trong tất cả các dân tộc thiểu số. Hiện tượng này đang gây sự bất ổn đối với sự sinh tồn tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số...
Các chuyên gia, khách mời trong phiên thảo luận bàn tròn
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ về các giải pháp để phát huy nguồn lực nhằm phát triển văn hóa
Tại phiên thảo luận bàn tròn, trả lời câu hỏi của BTV Hoàng Trang: “chúng ta sẽ có những giải pháp gì mang tính vĩ mô để có thể phát huy được nguồn lực nhằm phát triển văn hóa?”, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, muốn tìm ra giải pháp tổng thể thì phải nhận thức được thế nào là nguồn lực văn hóa. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, vì thế văn hóa có sự đa dạng. Toàn bộ những gì tạo nên sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc ở Việt Nam nó sẽ bao trùm và tạo ra nguồn lực văn hóa. Những chỉ số đánh giá được nguồn lực văn hóa gồm 8 trụ cột, trong đó các giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể của các cộng đồng dân tộc hay các cơ sở hạ tầng, sinh kế sản xuất, môi trường sinh thái, tập quán, thói quen… tất cả những điều đó sẽ tạo thành nguồn lực về văn hóa. Nhưng để phát huy được thì phải có giải pháp mang tính bao trùm, tổng thể. Qua sự trình bày tham luận của các đại biểu, cho thấy những thách thức không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới đó là vẫn còn những định kiến về văn hóa… Điều đó cho thấy, các giải pháp đều phải hướng tới mục tiêu là phá vỡ định kiến và nâng cao nhận thức, tôn trọng sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; sẽ phải có những mô hình thí điểm để có thể kết nối được sự đa dạng của đồng bào các dân tộc với nhau ở các vùng, miền, địa phương…
Giám đốc Công ty TNHH Sáng tạo Văn hóa Nguyễn Huyền Châu chia sẻ về cách thức thể hiện các họa tiết của đồng bào dân tộc trong sản phẩm văn hóa
Công ty TNHH Sáng tạo Văn hóa, là một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa nhằm phát huy được giá trị văn hóa dân tộc. Trả lời câu hỏi “Lý do vì sao lại lựa chọn những chi tiết, họa tiết văn hóa dân tộc để sáng tạo ra các sản phẩm?”. Giám đốc Công ty TNHH Sáng tạo Văn hóa Nguyễn Huyền Châu chia sẻ, đối với một doanh nghiệp để thuyết phục cộng đồng thì việc đầu tiên là sẽ phát triển sản phẩm trong đó bao gồm chất lượng và giá thành. Là một đơn vị làm về thiết kế đồ họa nằm trong mỹ thuật ứng dụng, nên chúng tôi tìm cách làm thế nào để có thể dễ ứng dụng nhất. Một đất nước hay một dân tộc đều có những sản phẩm văn hóa đặc trưng và trở thành những món quà lưu niệm có ý nghĩa đối với người dân và du khách. Mà với sản phẩm lưu niệm của các bà con dân tộc, nếu làm bằng tay thì chi phí rất cao. Trong khi đó, có câu chuyện là phải mang sản phẩm lưu niệm từ vùng này sang vùng khác bán và nếu chỉ sử dụng làm bằng tay thì không bảo đảm được năng suất sản xuất, giá thành không cạnh tranh. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy rằng biểu tượng là một điều rất quan trọng để duy trì văn hóa, và trong mỗi biểu tượng còn có cả lịch sử, bối cảnh và cả quy tắc. Chính vì thế chúng tôi đã lựa chọn sản xuất các sản phẩm này. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng phải đi tìm hiểu ở nhiều địa phương, nhiều dân tộc khác nhau và sẽ áp dụng mỹ thuật ứng dụng để phân tích các thành tố sau đó sẽ ứng dụng nhiều hơn vào các sản phẩm như in ấn, làm họa tiết…
Ths Cao Chu Vinh chia sẻ về quá trình phục dựng các lễ hội
Chia sẻ về những ấn tượng trong quá trình phục dựng một lễ hội truyền thống ở Việt Nam, Ths Cao Chu Vinh – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2005 tôi là một thành viên trong nhóm triển khai việc phục dựng lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), từ quá trình nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu cùng cộng đồng để xây dựng kịch bản của lễ hội, sau đó thực hiện lễ hội trong thực tế… Trong khoảng hai năm, chúng tôi huy động được gần 900 người dân ở vùng Lạc Kinh, Thọ Xuân để thực hành toàn bộ quá trình lễ hội. Trước đó, lễ hội Lam Kinh cũng đã được thực hiện với việc các ban, ngành tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ hội bằng cách đưa diễn viên, văn công, sinh viên trường văn hóa… trình diễn các quy trình của lễ hội và người dân là khán giả. Nhưng sau khi thực hiện phục dựng lễ hội Lam Kinh, chúng tôi thấy rằng đây là mô hình tốt để chuyển giao lại cho cộng đồng và đã được người dân thực hành rất tốt. Sau Lam Kinh, chúng tôi đã tiếp tục phục dựng khá nhiều lễ hội khác. Trong quá trình, chúng tôi thấy rằng có hai vấn đề quan trọng, đó là tái khẳng định lại về vai trò chủ thể lễ hội, đó là lễ hội là của cộng đồng chứ không phải của các cấp ban, ngành quản lý; các giá trị di sản phi vật thể không “đứng nguyên” như chúng ta hình dung mà nó thay đổi, biến đổi không ngừng trong cuộc sống và chúng ta phải có những lựa chọn, biện pháp để bảo tồn những di sản đó…
Phát biểu tổng kết Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được 56 bài tham luận với nội dung phong phú và đa dạng theo các chủ đề Diễn đàn đã đặt ra. Sau một buổi sáng làm việc hiệu quả, khẩn trương và thảo luận nhiệt tình, sôi nổi của các nhà khoa học, các vị khách mời, các nghệ nhân, Diễn đàn đã thành công tốt đẹp. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã tổng kết một số kết quả từ Diễn đàn văn hoá với chủ đề “Văn hoá các dân tộc Việt Nam - nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”:
Thứ nhất, có thể khẳng định, văn hoá các dân tộc là một nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nguồn lực văn hoá các dân tộc là “tất cả các yếu tố văn hoá tộc người tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội duy trì sự ổn định và phát triển theo sự lựa chọn riêng của mỗi tộc người”. Nguồn lực văn hóa đặt ra thách thức mới, cần giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn văn hoá - địa lý tự nhiên, xã hội và nghệ thuật dân gian của đồng bào với phát triển kinh tế, văn hoá du lịch bền vững.
Thứ hai, nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát huy. Với nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp, sự chung tay góp sức của cộng đồng, nguồn lực tài nguyên văn hóa vùng dân tộc thiểu số những năm qua không những được quan tâm giữ gìn, vun đắp, mà bước đầu còn được phát huy, khai thác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Khung chính sách dân tộc từng bước được hoàn thiện, các chính sách về văn hóa bước đầu góp phần bảo tồn và phát huy được giá trị cho phát triển.
Thứ ba, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thời kỳ chuyển đổi số ngành Văn hoá, phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác hiệu quả các chất liệu đa dạng của văn hóa truyền thống, kế thừa và sử dụng sáng tạo các giá trị di sản văn hóa các tộc người thiểu số là một cách thức bảo tồn và phát huy các di sản mới mẻ, nhiều triển vọng.
Thứ tư, để phát triển kinh tế, xã hội thông qua nguồn lực văn hóa các dân tộc cần phải thay đổi nhận thức, thiết lập chiến lược, chính sách cũng như tổ chức áp dụng các chiến lược, chính sách ấy trong thực tiễn cho mục đích phát triển bền vững đất nước.
Thứ năm, cần tiếp tục đề xuất các mô hình và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng nguồn lực văn hoá cho sự phát triển bền vững đất nước. Trong đó, cần củng cố lòng tin và niềm tự hào của đồng bào các dân tộc về các giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức của các chủ thể văn hóa, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và tầng lớp trí thức người dân tộc, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch, phát huy tối đa sự đa dạng các biểu đạt văn hóa.
Thứ trưởng nhận định, quá trình nhận diện các giá trị văn hóa, nguồn lực, vai trò của văn hóa các dân tộc giúp xã hội hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu đầy đủ hơn về nguồn lực văn hoá, từ đó phát huy tốt nguồn lực này trong phát triển bền vững đất nước. Các ý kiến quý báu trong Diễn đàn ngày hôm nay, góp phần triển khai, thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24-11-2021), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, hướng tới bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các bài trình bày và thảo luận ở Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đã đưa ra những vấn đề lý luận, khoa học và thực tiễn quan trọng về nghiên cứu văn hóa các dân tộc Việt Nam. Những thành quả nghiên cứu này đóng góp thiết thực cho khoa học nghiên cứu liên ngành và trong thực tiễn phát huy nguồn lực văn hóa dân tộc ở Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ Ngày văn hóa các dân tộc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã cắt băng Khai mạc Triển lãm "Một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với tộc người".
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt và các đại biểu cắt băng Khai mạc Triển lãm
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan Triển lãm
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH