Tây Nguyên là vùng đất chung sống của hơn 47 cộng đồng các dân tộc. Sự đa dạng của các dân tộc đem đến cho Tây Nguyên nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Sự phát triển nhanh chóng của du lịch Tây Nguyên trong thời gian qua góp phần tích cực vào việc phát triển môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, môi trường tự nhiên, biến đổi văn hóa bản địa, phá vỡ bản sắc văn hóa…
1. Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển du lịch
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mà sự tồn tại và phát triển của nó tác động qua lại tới nhiều lĩnh vực như: môi trường, pháp luật, kinh tế đến văn hóa xã hội… Quan hệ giữa du lịch và môi trường là quan hệ đặc biệt, gắn kết hữu cơ với nhau. Môi trường, bao gồm trong đó những tài nguyên du lịch. Tài nguyên du lịch ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, lẫn môi trường văn hóa, xã hội cùng tất cả các yếu tố hợp thành. Do đó, có nhiều hình thức du lịch như: du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch hành hương tín ngưỡng, tâm linh, du lịch tìm hiểu văn hóa, du lịch tìm về cội nguồn, lịch sử, cách mạng… Các yếu tố địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa xã hội nhiều mặt như: các yếu tố văn hóa truyền thống, diễn xướng, văn nghệ dân gian, nghề truyền thống, di tích lịch sử cách mạng, khảo cổ học, các công trình kiến trúc, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể… đều được khai thác để phục vụ cho mục đích phát triển du lịch.
Tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa nhân văn cùng tồn tại trong những môi trường nhất định. Môi trường, tài nguyên giữ vai trò chủ đạo, là cơ sở cho phát triển du lịch. Sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường. Ngược lại, khi du lịch được quy hoạch, kiểm soát để phát triển bền vững sẽ tác động tích cực đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, phục hồi những giá trị truyền thống. Tìm hiểu về mối quan hệ tương tác giữa môi trường với du lịch, tiềm năng khai thác cũng như ảnh hưởng qua lại giữa môi trường với du lịch cùng những vấn đề có liên quan để có những biện pháp thích hợp cho sự phát triển của du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung là việc làm cần thiết. Việc khai thác hợp lý, phục hồi, cải tạo và tái tạo tài nguyên du lịch sẽ làm chất lượng môi trường du lịch tốt lên, làm tăng sức hấp dẫn tại các điểm, khu du lịch. Ngược lại, việc khai thác không đồng bộ, không có các biện pháp phục hồi, tái tạo tài nguyên du lịch sẽ dẫn đến việc phá vỡ cân bằng sinh thái, gây nên sự giảm sút chất lượng môi trường, sự đi xuống của hoạt động du lịch cũng như chất lượng của môi trường du lịch.
2. Môi trường phát triển du lịch của Tây Nguyên
Với diện tích tự nhiên hơn 50 ngàn km2, Tây Nguyên được chia là hai vùng. Vùng Bắc gồm hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum, vùng Nam gồm ba tỉnh: Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Địa hình Tây Nguyên đa dạng, từ các vùng núi cao đến những cao nguyên, bình nguyên rộng lớn, kết hợp với những thung lũng giữa các dãy núi cùng với 4 hệ thống sông chính gồm: thượng sông Xe Xan, sông Ba, sông Serepok và sông Đồng Nai. Kiến tạo địa chất đã tạo nên cho vùng đất này nhiều sông, hồ và đặc biệt là các thác nước hùng vĩ giữa những cánh rừng xanh bát ngát như: thác Trinh Nữ (Đắc Nông), thác Thủy Tiên, Đray Nur, Đray Sáp (Đắc Lắc)… Một hệ thống các hồ nước tự nhiên trải khắp khu vực, kết hợp với những cánh rừng tạo khung cảnh thơ mộng như: Biển Hồ hay còn gọi là hồ Tơ Nưng (Gia Lai), hồ Lắc, hồ Ea Nhai, hồ Ea Súp... Ngoài ra còn có 6 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quý giá như: Vườn quốc gia Kon Ka King, Chư Mom Ray, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidup - Núi Bà, Cát Tiên; các khu bảo tồn: Ngọc Linh, Đắk Uy, Nam Ka, Ea Sô, Nam Nung... hấp dẫn những du khách ưa chinh phục và khám phá. Bên cạnh đó, Tây Nguyên có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm và đặc trưng thổ nhưỡng của một vùng đất đỏ bazan rộng lớn, màu mỡ tạo nên những vùng chuyên canh cây công nghiệp rộng lớn. Từ tháng 11 đến tháng 3 hằng năm là thời điểm Tây Nguyên đẹp nhất, thi vị nhất, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
Về môi trường văn hóa, xã hội, Tây Nguyên là vùng đất chung sống của hơn 47 cộng đồng các dân tộc. Cùng với sự đa dạng của các tộc người là kho tàng các giá trị văn hóa đặc sắc như: âm nhạc dân gian, những bản trường ca, làn điệu dân ca, kho tàng truyện cổ, truyện ngụ ngôn… Qua hệ thống luật tục, các lễ hội sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng, cùng các nghi lễ tiêu biểu như bỏ mả, đâm trâu, trang phục, ẩm thực, nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ, đàn đá, không gian văn hóa cồng chiêng… đều hấp dẫn du khách. Đặc trưng quan trọng, cơ bản nhất của buôn làng là chế độ tự quản vận hành theo luật tục. Đây là một dạng thức văn hóa pháp luật có tính lịch sử nhất định và luôn có giá trị cao trong các buôn làng. Vì thế, luật tục cũng được coi là di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh những quan niệm, luật lệ, quy tắc của xã hội tộc người… Tất cả những giá trị của môi trường sinh thái, văn hóa đặc sắc đều là những thế mạnh để Tây Nguyên khai thác, phát triển du lịch.
3. Ảnh hưởng từ hoạt động du lịch đến môi trường của Tây Nguyên
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch thời gian qua đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội. Đối với môi trường tự nhiên, nó giúp bảo tồn cảnh quan, giảm sức ép do khai thác tài nguyên quá mức từ các hoạt động dân sinh, kinh tế tại các khu vực nhạy cảm (vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...). Tăng thêm mức độ đa dạng sinh học tại những điểm du lịch nhờ những dự án có các công viên cảnh quan, khu nuôi chim thú... hoặc bảo tồn đa dạng sinh học thông qua nuôi trồng nhân tạo phục vụ du lịch. Bổ sung vẻ đẹp cảnh quan cho khu vực phát triển du lịch nhờ các dự án thường có yêu cầu tạo thêm các vườn cây, công viên cảnh quan, hồ nước, thác nước nhân tạo.
Đối với môi trường xã hội nhân văn, nó góp phần tăng trưởng kinh tế như: tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận cộng đồng dân cư địa phương, cải thiện điều kiện về hạ tầng và dịch vụ xã hội cho địa phương kèm theo các hoạt động phát triển du lịch. Bảo tồn, nâng cao giá trị và khôi phục các di sản kiến trúc, nghệ thuật, vật thể và phi vật thể, văn hóa, thủ công mỹ nghệ, trang phục, phong tục truyền thống… bằng các nguồn kinh phí thu trực tiếp hay gián tiếp từ hoạt động du lịch.
Phát triển du lịch tạo tiền đề cho việc khôi phục các sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng vốn đã bị mai một, đặc biệt là các lễ hội. Lễ hội truyền thống của địa phương riêng lẻ được nâng cấp thành các lễ hội du lịch, thu hút số lượng lớn khách từ các vùng miền khác cùng tham gia. Nhiều lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên được đầu tư khai thác, phục vụ du khách như đặc sản không thể thiếu trong bữa tiệc du lịch văn hóa đầy sắc màu. Các lễ hội đương đại được xây dựng, hoàn thiện như: festival cồng chiêng Tây Nguyên, festival trà ở Bảo Lộc, festival hoa Đà Lạt được tổ chức thường xuyên 2 năm một lần. Thông qua các festival, chính quyền và những người làm du lịch địa phương đã biết kết hợp hài hòa với nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu (đua voi, cúng bến nước, ăn cơm mới, diễn tấu cồng chiêng...) nhằm tập hợp, thu hút các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia cùng du khách, tạo điều kiện và cơ hội để tất cả thành viên đoàn kết, gắn bó và giao lưu văn hóa với nhau, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên.
Bên cạnh những tác động tích cực, thực tế cho thấy phát triển du lịch thường đi kèm với tác động tiêu cực đến môi trường. Đối với môi trường sinh thái, tự nhiên, tốc độ phát triển quá nhanh trong khi điều kiện phương tiện xử lý môi trường còn yếu dẫn đến gia tăng áp lực lên môi trường tại các khu du lịch. Do tính chất mùa vụ của hoạt động du lịch, các nhu cầu tại thời kỳ cao điểm có thể vượt quá khả năng đáp ứng về dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng của địa phương. Ách tắc giao thông, các nhu cầu về cung cấp nước, năng lượng của hệ thống xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn vượt quá khả năng của các điểm du lịch. Mức độ ô nhiễm đáng báo động của nguồn nước, nguồn đất và không khí cùng với sự khai thác, sử dụng quá tải các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các khu du lịch đã đặt chính những khu du lịch này trước nguy cơ cảnh quan bị tàn phá. Các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như: các khu rừng nhiệt đới, thác nước, hang động, cảnh quan… thường hấp dẫn đối với du khách, nhưng cũng dễ bị tổn thương nếu phát triển du lịch đến mức quá tải.
Đối với văn hóa xã hội, hoạt động du lịch làm tăng cường giao lưu, tiếp xúc văn hóa, giao thoa văn hóa rộng khiến cho việc tiếp nhận văn hóa ở cả hai phương diện, tích cực và tiêu cực, làm phong phú văn hóa địa phương nhưng đồng thời cũng làm biến đổi văn hóa bản địa, phá vỡ bản sắc hóa… Các giá trị văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng dân cư trên các vùng núi cao rất dễ bị biến đổi do tiếp xúc với các nền văn hóa xa lạ. Di sản xuống cấp, giá trị văn hóa truyền thống biến đổi theo chiều hướng tiêu cực… Di sản văn hóa vật thể như: cồng chiêng, ché, nhà cổ… đã phần nào bị thương mại hóa, bị mang bán để lấy tiền sinh sống. Không gian văn hóa cồng chiêng bị thu hẹp, nghệ nhân sản xuất cồng chiêng, người sử dụng cồng chiêng ngày càng ít. Văn hóa nhà rông, nhà dài, nhà sàn đang ngày càng mai một. Những mái nhà dài của người Ê đê, nhà rông của người Ba na, Xê đăng, Cơ tu với những nét kiến trúc riêng dần dần biến mất ở các buôn làng. Một số lễ hội như đâm trâu, năm mới, lễ hội cồng chiêng… chỉ còn xuất hiện trong các festival, hay các hoạt động văn hóa do nhà nước tổ chức... Một bộ phận không nhỏ thanh niên Tây Nguyên ít quan tâm đến văn hóa truyền thống, gây ra một sự đứt gãy về văn hóa...
Trong phát triển du lịch, chúng ta không chủ trương khai thác nguồn lợi kinh tế cao bằng bất cứ giá nào mà không tính đến mặt trái của du lịch, để lại hậu quả về môi trường và văn hóa xã hội. Chỉ trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa du lịch và bảo vệ môi trường với bảo tồn, làm giàu và phát huy di sản văn hóa thì mới có du lịch bền vững. Về phía quản lý, trong quá trình phát triển du lịch cần có các giải pháp về bảo vệ môi trường ngay từ khâu lập quy hoạch, xây dựng các chiến lược phát triển đến triển khai các dự án, thiết kế sản phẩm du lịch cụ thể; phải biết gìn giữ, tôn tạo và khai thác đúng mức những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú khi phát triển du lịch sinh thái; cần quan tâm gìn giữ phát triển vốn rừng. Vì những cánh rừng đại ngàn, vốn là linh hồn của đời sống vật chất, đời sống tâm linh, là nền tảng vững bền và thiêng liêng gắn liền với đời sống cộng đồng và văn hóa của người Tây Nguyên; cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng Tây Nguyên thực sự có sức lan tỏa, có sức thu hút du khách.
Vấn đề bảo vệ gìn giữ môi trường sinh thái trong thiên nhiên, bảo tồn phát huy những giá trị di sản văn hóa, chính là mục tiêu then chốt, rường cột để phát triển du lịch bền vững. Vấn đề này không chỉ có ý nghĩ sống còn trong phát triển du lịch bền vững mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa của Tây Nguyên.
Tác giả: Vũ Thị Minh Phượng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018