Vai trò của tranh cổ động chính trị hiện nay

Ở nước ta, tranh cổ động chính trị được phát triển và thực sự đi vào cuộc sống xã hội đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Ngay từ khi ra đời, nó đã đóng góp vai trò to lớn và phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị, xã hội và xây dựng cuộc sống của nhân dân, thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Tranh cổ động chính trị đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

     Năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra ác liệt, trong Thư gửi các họa sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thâu tóm đầy đủ bản chất của nghệ thuật xã hội chủ nghĩa là nghệ thuật vị nhân sinh. Tranh cổ động chính trị Việt Nam không phát triển như một loại hình nghệ thuật thuần túy mà nó phản ánh tính chính trị, tính giai cấp, tính nhân dân và khẳng định sứ mệnh của người nghệ sĩ đối với vận mệnh dân tộc.

     Để phát huy vai trò xung kích của tranh cổ động chính trị trên mặt trận văn hóa tư tưởng hiện nay, cần đảm bảo các nguyên tắc thực hiện công tác tư tưởng thời kỳ mới.

     Tranh cổ động chính trị phải mang tính kịp thời, nhạy bén

     Tính kịp thời có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong thời đại bùng nổ thông tin bởi nó đem lại những nhận thức mới nhất cho quần chúng nhân dân về các sự kiện, hiện tượng, sự việc xảy ra trong nước và trên thế giới, để hình thành dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực. Tính kịp thời yêu cầu tranh cổ động chính trị xã hội phải lựa chọn những sự kiện có ý nghĩa nhất, được xã hội quan tâm nhiều nhất, những sự kiện hiện tượng mới nhất để thông tin và cổ động thông qua các hình ảnh thị giác.

     Tính kịp thời không những yêu cầu tranh cổ động chính trị phải thông tin nhanh nhạy mà còn đòi hỏi tranh cổ động luôn đảm bảo yếu tố mới, chỉ có tính mới mẻ của thông tin và cách thức thể hiện mới tạo ra khả năng kích thích nhân dân, cán bộ, chiến sĩ theo dõi, suy nghĩ về các sự kiện, hiện tượng đang diễn ra và điều chỉnh hành động của mình cho phù hợp với những thông tin mới và có ích đó.

     Tính kịp thời còn đòi hỏi tranh cổ động phải được thay thế thường xuyên, liên tục trong hoạt động cổ động. Hiện nay, nhân dân tiếp thu và chịu tác động của nhiều nguồn thông tin khác nhau, kể cả thông tin chính thống và thông tin không chính thống. Nếu như công tác thông tin cổ động không được tiến hành thường xuyên, liên tục sẽ tạo ra những khoảng trống, kẻ thù dễ dàng lợi dụng để loan truyền những thông tin thất thiệt, lừa gạt nhân dân, đe dọa dến an ninh, sự ổn định bình yên của đất nước.

     Tính kịp thời không chỉ trái ngược với tính hấp tấp, vội vã, cẩu thả mà còn đặt ra yêu cầu tranh cổ động chính trị phải luôn gắn chặt với nhiệm vụ chính trị cụ thể, trước mắt và lâu dài. Vì vậy, khi sử dụng tranh cổ động phải luôn đặt ra và trả lời các câu hỏi: cổ động cái gì, cổ động cho ai, cổ động ở đâu... có như vậy mới đáp ứng được mục đích của công tác cổ động là cổ vũ, hướng dẫn hành động.

     Tranh cổ động chính trị phải đảm bảo tính chân thực và tính chiến đấu

     Đây là nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất đảm bảo cho việc thực hiện thành công chức năng thông tin cổ động của tranh cổ động.

     Trước hết là tính chân thực. Tranh cổ động chính trị là một hình thức tiêu biểu của công tác thông tin cổ động bằng hình thức trực quan nên tính chân thật trở thành một nguyên tắc khách quan, do chính chức năng, nhiệm vụ của hoạt động này quy định. Tính chân thực yêu cầu tranh cổ động chính trị phải xuất phát từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn ở cơ sở, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

     Tính chân thực cũng đòi hỏi tranh cổ động chính trị phải gây ấn tượng bằng những hình ảnh tiêu biểu, mang tính khái quát, phục vụ tập trung cho chủ đề cổ động. Cần tránh khuynh hướng chạy theo thị hiếu tầm thường, tránh sa vào các thủ thuật kỹ thuật đơn thuần, tránh gây ấn tượng một chiều hoặc cổ động theo kiểu giật gân, sử dụng những hình ảnh phản cảm, gây khó chịu cho người xem. Đồng thời, họa sĩ vẽ tranh cổ động chính trị phải luôn cảnh giác với những lời lẽ kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tránh đưa ra những thông điệp cổ động mơ hồ, không sát thực để chúng lợi dụng cho mục đích phá hoại.

     Tính chân thực đòi hỏi tranh cổ động chính trị phải thể hiện mọi lĩnh vực đời sống xã hội một cách trung thực, khách quan. Nội dung tuyên truyền, cổ động phải đúng sự thực, không tô hồng, bôi đen, nhưng cũng không rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, thiếu định hướng. Phải tỏ rõ chính kiến trước những sự kiện, hiện tượng tiêu cực của xã hội cũng như phê phán những luận điệu của các thế lực thù địch, ảnh hưởng tới lợi ích của quốc gia, dân tộc.

      Thứ hai là tính chiến đấu. Tính chiến đấu chính là bản chất của công tác tuyên truyền, cổ động chính trị. Tính chiến đấu biểu hiện ở sự nhạy bén chính trị, tinh thần tiến công cách mạng trong thực hiện tuyên truyền, cổ động. Tính chiến đấu còn thể hiện ở việc kiên quyết phê phán các luận điệu tuyên truyền phản động, phản khoa học, trái với quan điểm, đường lối của Đảng.

     Tính chiến đấu yêu cầu tranh cổ động chính trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay phải phản bác kịp thời những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của toàn xã hội.

     Tranh cổ động chính trị cần đảm bảo tính phổ thông, đại chúng

     Tuyên truyền, cổ động phải đến với toàn dân, muốn vậy hình thức, nội dung của tranh cổ động phải linh hoạt, sáng tạo, bám sát đối tượng phục vụ, phù hợp với đặc điểm thị hiếu của họ. Tình cảm, tâm trạng, thói quen, phong tục tập quán... của con người nảy sinh ra trực tiếp dưới ảnh hưởng của những điều kiện sinh hoạt đời sống hằng ngày và đóng vai trò to lớn trong việc hình thành ý thức, tư tưởng của họ. Hơn nữa, niềm tin của con người trở nên chắc chắn và sâu sắc hơn nếu như trong quá trình tiếp nhận thông tin, họ được bổ sung bằng những xúc cảm, tình cảm cao đẹp. Vì vậy, khi sáng tác tranh cổ động, các họa sĩ phải biết tác động vào tình cảm đối tượng bằng cách nghiên cứu đặc điểm tâm lý từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để tìm ra cách thể hiện ý tưởng tối ưu nhất.

     Nội dung tuyên truyền, cổ động có tác động rộng lớn, động viên nhiều người, nhiều lực lượng, cụ thể như: ca ngợi những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, những thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh... cũng như tuyên truyền về những nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tự giác, sáng tạo thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để nhân dân có niềm tin tất thắng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và chủ nghĩa xã hội; tuyên truyền về quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, ý thức cảnh giác cách mạng; ngăn chặn, đầy lùi những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

     Nội dung tuyên truyền, cổ động phải gắn liền với phong trào, có tác dụng định hướng, hướng dẫn phong trào, cụ thể như: tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân phát huy tính tự lực, tự cường, như: phong trào xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần; tuyên dương các gương điển hình, nhân tố mới; cổ vũ những giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống; cổ vũ, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Tuyên truyền gương người tốt việc tốt, nhân điển hình tiên tiến, phê phán những thói hư tật xấu cũng như mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

     Tranh cổ động chính trị cần đảm bảo tính nghệ thuật

     Tranh cổ động chính trị phải đảm bảo nguyên tắc này thì mới lôi cuốn các tầng lớp nhân dân. Khi sử dụng tranh cổ động phải có tính khái quát cao và đảm bảo tính mỹ thuật, chống kiểu vẽ cầu kỳ, rườm rà làm cho người xem khó theo dõi, khó nắm bắt được chủ đề tư tưởng. Để đảm bảo tính hấp dẫn với đối tượng cổ động, ngoài việc đảm bảo tính cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ của thông tin cổ động, tranh cổ động phải chống lối mòn trong biểu đạt nội dung, những môtip quen thuộc, kể cả trong khái niệm hình thức lẫn chi tiết, tạo hình nhân vật. Người họa sĩ phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa sáng tạo ý tưởng với kỹ thuật sáng tác (qua các phương tiện kỹ thuật thiết kế, thể hiện, chế bản, in ấn). Kết hợp với vẽ bằng máy để khẳng định giá trị biểu cảm ở từng khía cạnh của tác phẩm và phát huy hiệu quả trong thực tế sáng tạo, tạo thuận lợi cho nhân bản, in phóng, tuy nhiên phải có sự quản lý và giám sát chặt chẽ hình thức vẽ này...

      Để nâng cao tính nghệ thuật của tranh cổ động chính trị, một điều đáng chú ý là phải quan tâm đến tính hoành tráng của tác phẩm. Tính hoành tráng làm cho bức tranh có tầm vóc, tác động mạnh mẽ, gây ấn tượng sâu sắc hơn. Ngoài nội dung chính trị nghiêm túc, nó có thể kết hợp chất thơ với phương pháp đồng hiện, làm cho nội dung bức tranh được mở rộng, mang tính ước lệ hơn.

     Phát triển kinh tế thị trường là sự chọn lựa tất yếu để đất nước ta tiến tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, sự tác động của nền kinh tế thị trường đối với văn hóa – tư tưởng của các tầng lớp nhân dân đã được bộc lộ khá rõ nét. Phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế có tác động mạnh mẽ tới công tác tư tưởng, đặt ra nhiều thách thức cũng như nhiệm vụ mới đối với công tác tư tưởng, tuyên truyền, cổ động.

      Những mặt trái của kinh tế thị trường mà chúng ta dễ dàng nhận diện được, như làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo, làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội; dễ nảy sinh tham nhũng, tội phạm, bạo lực; kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý; sự phân hóa về cơ hội, điều kiện trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá các giá trị văn hóa thông qua các phương tiện truyền tải ngày càng gia tăng; xuất hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng thấp, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội; ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng; đe dọa việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc... Từ đó, đã làm thay đổi thang giá trị, tác động tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam. Ngoài ra, còn những thách thức trên các lĩnh vực cụ thể khác, như vấn đề sở hữu trí tuệ, chống xâm phạm bản quyền (một thực tế nan giải rất phổ biến đối với các nước đang phát triển); vấn đề dân chủ nhân quyền bị xuyên tạc, bóp méo có thể làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống; vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng bị lợi dụng làm phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

      Những thực tế trên đang đặt ra cho công tác tư tưởng, tuyên truyền, cổ động những nhiệm vụ hết sức cụ thể. Trong đó, tranh cổ động chính trị phải phát huy hơn nữa giá trị lịch sử và thực tiễn, trở thành một phương tiện phản ánh xã hội và định hướng tư tưởng - xã hội.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 20196.

2. GS, TS Nguyễn Chí Bền, GS, TSKH Lưu Trần Tiêu và TSKH Phan Hồng Giang, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.

3. Hoàng Quốc Bảo, Thông tin cổ động, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2011.

Tác giả: Triệu Minh Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

;