Hà Nội là vùng địa linh tụ nhân kiệt với bề dày văn hóa, lịch sử hơn một nghìn năm, nơi tích tụ nhiều đặc trưng văn hóa và dấu ấn lịch sử huy hoàng. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, là trái tim, thủ đô của người dân Việt Nam. Một hệ thống tượng đài quy củ, phù hợp, có chất lượng nghệ thuật cao sẽ góp phần tạo nên một diện mạo đô thị đặc trưng và tương xứng với vị thế của thành phố trong tương quan với các tỉnh, thành khác trên cả nước và với các thủ đô trên thế giới.
“Tượng đài, tranh hoành tráng là công trình văn hóa nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu bền vững, là bộ phận cấu thành của không gian kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, có quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, tác động đến nhận thức của xã hội” (1).
Hệ thống tượng đài của Hà Nội được hình thành và phát triển từ thời Pháp thuộc, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây. Người Pháp tận dụng những khoảng trống giữa các giao lộ để làm thành một không gian vườn hoa, cây xanh, trong đó dựng tượng chân dung một số danh nhân. Sau hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc để giành lại độc lập và tái thống nhất đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân kiến thiết lại kinh tế đất nước để vươn tới hình ảnh một Việt Nam thực sự giàu đẹp. Từ nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, các khu đô thị mới được hình thành và phát triển ngày càng nhiều. Do vậy, việc thiếu kiểm soát trong quản lý đô thị, đặc biệt là sự gia tăng dân số cơ học ở tất cả các đô thị trong cả nước, nhất là ở những nơi đầu tàu về phát triển kinh tế xã hội như Hà Nội, TP.HCM, đã gây ra nhiếp áp lực nặng nề lên không gian sống. Thực tế phổ biến là không gian công cộng, đặc biệt là không gian dành cho tượng đài, ít được quan tâm hơn, bị thu hẹp và chiếm dụng cho các mục đích khác.
Thực trạng của hệ thống tượng đài ở thành phố Hà Nội
Có thể nói, các tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế và truyền thống văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Thực tế, việc lựa chọn vị trí đầu tư xây dựng các tượng đài còn thiếu định hướng tổng thể gắn với quy hoạch không gian chung của toàn thành phố. Hiện nay, nhiều tượng đài chưa đạt được các yêu cầu về vị trí, quy mô, không gian, giá trị thẩm mỹ. Vấn đề này hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính quyền, các chuyên gia và nhân dân thành phố. Hơn nữa, cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa có một quy hoạch hệ thống tượng đài nào để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, quản lý thiết kế và đầu tư xây dựng các tượng đài.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 29 tượng đài, chủ yếu tập trung tại khu vực các quận nội thành của Hà Nội (23 tượng đài, chiếm hơn 80%). Riêng quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng có tổng số 12 tượng đài, chiếm 43% tổng số tượng đài trên toàn thành phố. 3 quận (Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân), 12 huyện (Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây chưa có tượng đài.
Nội dung, chủ đề được thể hiện ở các công trình tượng đài thường là về lãnh tụ, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, một số sự kiện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nổi bật của đất nước và địa phương, một số khác có liên quan đến tín ngưỡng và khuyến khích tinh thần lao động, sản xuất... Có thể nhận thấy, chủ đề về lãnh tụ, danh nhân văn hóa và anh hùng dân tộc chiếm ưu thế, gồm 18/29 tượng đài; chủ đề về các sự kiện lịch sử gồm 7/ 29 tượng đài... Trong khi đó, chủ đề về văn hóa, nghệ thuật và tín ngưỡng chỉ được thể hiện ở 3/29 công trình.
Tượng đài có chiều cao lớn (l0m - 15m) và tượng đài hoành tráng (>15m) chiếm số lượng nhỏ, lần lượt là 6/29 và 2/29 công trình. Phần còn lại chia đều cho hai dạng: tượng đài có chiều cao trung bình và nhỏ (2,5m - 5m).
Riêng về quy mô không gian của nơi đặt để tượng đài, nhìn chung còn hạn chế: 4/29 tượng đài được đặt trong không gian có quy mô diện tích lớn, như đại công viên, riêng một đỉnh núi, có diện tích trên 10ha. Đa số tượng đài được đặt trong khuôn viên có quy mô trung bình (l - 3ha) và nhỏ (<l ha, 17 /29 tượng đài).
Nhìn ở góc độ nghệ thuật, xu hướng hiện thực chiếm ưu thế tuyệt đối trong phong cách sáng tác tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc điểm của xu hướng này là dùng ngôn ngữ điêu khắc để mô tả cụ thể nội dung, thể hiện hình ảnh, khắc họa một hoặc nhiều nhân vật. Có thể kể đến các tượng đài thuộc nội dung chủ đề về lịch sử, lãnh tụ, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc như: tượng đài Lý Thái Tổ, Lênin, Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh... Bên cạnh đó, khiêm tốn hơn là xu hướng khái quát hóa bằng hình tượng, biểu tượng như Đài tưởng niệm anh các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, biểu tượng Hòa bình ở công viên Hòa Bình... Đài tưởng niệm Bắc Sơn là một ví dụ tiêu biểu. Công trình này cao 12,6m, được đặt trong khuôn viên rộng 12.000m. Theo tác giả, kiến trúc sư Lê Hiệp, ý tưởng của ông về công trình này thật sự giản dị nhưng gây ấn tượng mạnh bởi ẩn chứa ý nghĩa triết học sâu xa. “Tôi cũng chỉ định làm ra ngôi miếu và tấm bia nhưng không phải bằng cách xây lên hoặc đắp vào mà là đào xuống hoặc khoét đi, khoét sâu đến mức đục thủng. Một số phụ liệu đi kèm cũng là những gì người Việt thường dùng để tưởng nhớ người đã khuất: hoa lá, cỏ cây, mây trời, hương khói, . . . Một thứ điêu khắc không rõ chủ đề, không là cái gì, con gì hoặc ai đó…) (2).
Tượng đài Quang Trung ở Hà Nội
Ảnh: An Trung
Hà Nội có 12 tượng đài được đặt trong không gian công cộng như vườn hoa, công viên, quảng trường, không có hàng rào ngăn cách, dù là mang tính ước lệ bằng cây, bồn hoa, đem tới cảm giác dễ tiếp cận như tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Lênin. Tuy nhiên, do đặc thù quản lý, quy hoạch và xây dựng, đa phần các công trình này lại được đặt trong không gian hoặc khuôn viên công trình công cộng có sử dụng cổng, hàng rào cứng bao quanh, thậm chí còn được đặt trong khuôn viên không gian của các cơ quan hoặc khu vực chuyên ngành, khó tiếp cận như trong các cơ sở bệnh viện, học viện chuyên ngành…
Nhìn chung, các tượng đài tại Hà Nội là sản phẩm nghệ thuật của nhiều tác giả với nhiều phong cách sáng tác xuyên suốt trong quá trình phát triển đô thị, song, chất lượng nghệ thuật tượng đài hiện nay chưa có yếu tố đột phá, thiếu vắng các tượng đài có hình thức nghệ thuật mới. Mặt khác, nhiều tượng đài được đặt trong không gian chưa phù hợp, tầm nhìn bị hạn chế, chưa đạt được hiệu quả thị giác và giá trị thẩm mỹ. Hiện nay, một số khu vực đặt tượng đài bị biến đổi về không gian do việc xâm lấn của các công trình xây dựng cũng như hoạt động buôn bán tự phát, làm giảm đáng kể chất lượng nghệ thuật tự thân của tượng đài và cảnh quan môi trường xung quanh, điển hình là bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 ở kế bên cổng chợ Đồng Xuân.
Nhìn chung, hiệu quả của hệ thống tượng đài ở Hà Nội đã phần nào truyền tải được những thông điệp về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của địa phương, mang lại hiệu quả thẩm mỹ, giá trị cảnh quan cho đô thị, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Một số không gian tượng đài là điểm đến sinh hoạt cộng đồng, nơi tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao lớn của thành phố và cả nước. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống này còn nhiều hạn chế. Đầu tiên phải kế đến tình trạng thiếu quy hoạch tổng thể về tượng đài trong không gian công cộng mặc dù trong các bản quy hoạch đô thị, đều đã có phần đất dành cho văn hóa. Chất lượng nghệ thuật nhìn chung chưa cao, vị trí, không gian cảnh quan tượng đài mới chỉ được xử lý có tính chất tình thế chứ không phải ổn định lâu dài. Một số tượng đài bị vỡ, hoen gỉ, xuống cấp ở các mức độ khác nhau nhưng chưa/không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, gây phản cảm cho mỹ quan đô thị. Dịch vụ công cộng chưa đồng bộ như bãi để xe, thùng rác, ghế ngồi, vòi nước, bồn hoa, cây xanh bao quanh... còn thiếu, xuống cấp hoặc chưa được tổ chức tốt tại nhiều khuôn viên tượng đài, vườn hoa, công viên. Một số khuôn viên vườn hoa có tượng đài bị người dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt cộng đồng.
Sau nhiều năm phát triển quá nhanh về kinh tế, các khu đô thị mới ở Hà Nội ồ ạt ra đời song lại thiếu đồng bộ trong quy hoạch cụ thể. Các tổ chức, cá nhân nhà đầu tư chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực công viên, vườn hoa trung tâm, không gian cho tượng đài nên quỹ đất và tài chính dành cho nó bị thu hẹp, thậm chí là không có.
Giải pháp quy hoạch xây dựng tượng đài ở Hà Nội - một số gợi ý
Theo Quyết định phê duyệt số 4641/QĐ-UBND, ngày17-10-2012 của UBND thành phố Hà Nội và Quyết định số 1185/QĐ-UBND, ngày 19-02-2013, về việc bổ sung đính chính một số nội dung Quyết định số 4641/QĐ-UBND, của UBND thành phố Hà Nội, thành phố phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tại khu vực trung tâm của 5 đô thị vệ tinh, đều có quảng trường, gắn với tượng đài, vườn hoa quy mô phù hợp, tập trung xây dựng mới một số tượng đài như tượng đài An Dương Vương, thuộc khu vực di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, lựa chọn và xây dựng một tượng đài danh nhân văn hóa tại khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, xây dựng tượng đài Độc lập. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện khảo sát mặt bằng, xây dựng tượng một số tượng danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất Thăng Long tại khu vực Hồ Văn, thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, xây dựng Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì; biểu tượng Hà Nội tại 5 cửa ô vào Trung tâm thành phố, giai đoạn 2020-2030.
Theo tôi, cần bổ sung trong định hướng xây dựng tượng đài tương lai của thành phố việc khuyến khích các nhà đầu tư khu đô thị mới dành ngân khoản cho việc nâng cao chất lượng thẩm mỹ của cảnh quan chung, trong đó có hình ảnh tượng đài mang nội dung tư tưởng gắn với địa danh khu vực. Bên cạnh đó, một số giải pháp xây dựng tượng đài dưới đây có thể là tham khảo cho các cơ quan chức năng liên quan của thành phố:
Trước tiên là đào tạo nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cho các nhà điêu khắc và năng lực thiết kế cảnh quan cho đội ngũ sáng tác và đội ngũ lao động kỹ thuật; đào tạo kỹ năng qua thực tế, chuyên môn hóa công tác tổ chức thi công xây dựng công trình tượng đài.
Thứ hai, phải xác định rõ nội dung chủ đề, có quy hoạch chi tiết về địa điểm, không gian cảnh quan môi trường để làm cơ sở xây dựng các tiêu chí, nhiệm vụ thiết kế quy hoạch và xây dựng tượng đài để tổ chức thi tuyển.
Thứ ba, tổ chức thi tuyển rộng rãi để lựa chọn những ý tưởng sáng tạo, những tác phẩm có chất lượng cao nhất; chọn những cá nhân, đơn vị có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm sáng tác và giám sát thi công tượng đài. Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) có trách nhiệm lựa chọn mẫu, tham gia giám sát thi công và nghiệm thu công trình. Hội đồng nghệ thuật cần đảm bảo tỷ lệ theo quy định, trên 2/3 thành viên là chuyên môn về mỹ thuật, kiến trúc và quy hoạch đồng thời hạn chế những can thiệp tùy tiện trong quá trình xây dựng công trình.
Thứ tư, các cơ quan quản lý chuyên ngành và quản lý nhà nước cần huy động nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp… tiến hành xã hội hóa việc xây dựng tượng đài.
Thứ năm, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc xây dựng này theo Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng của Bộ VHTTDL.
Thứ sáu, UBND thành phố Hà Nội nên xây dựng cơ chế, chính sách để các đơn vị, doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng tượng đài ở các khu đô thị mới, trong công viên, vườn hoa.
Thứ bảy, UBND thành phố Hà Nội giao trách nhiệm cho địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nơi có tượng đài hoặc là chủ đầu tư xây dựng tượng đài để quản lý, khai thác, sử dụng cũng như bảo dưỡng, duy tu định kỳ, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của tác động thẩm mỹ của công trình tới dân chúng.
_____________
1. Quy chế quản lý tượng đài, tranh hoàng tráng, ban hành kèm theo Quyết định số 3208/VBHN-BVHTTDL ngày 03/09/2013 của Bộ Bộ VHTTDL.
2. Đào Tuấn Anh (ghi lại), Chuyện ít biết về đài tưởng niệm Bắc Sơn, xuất bản ngày 27 - 7 - 2015, Báo Xây dựng, nguồn: baoxaydung.com.vn.
Tác giả: Nguyễn Văn Dương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019