Sáng tác minh họa trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội những năm gần đây

Tạp chí Văn nghệ Quân đội  (1), ngay từ khi ra đời, năm 1957, đã sử dụng tranh minh họa như là mảnh ghép nghệ thuật hoàn hảo cho những sáng tác được lựa chọn giới thiệu. Đến nay, những minh họa trên tạp chí này vẫn có nội dung bám sát, bắt kịp thời đại, đặc biệt những tác phẩm dành riêng cho từng chuyên mục như bìa, mục thơ, truyện ngắn… Minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội từng bước được thay đổi về kỹ thuật và bút pháp thể hiện. Trong sự phát triển của đất nước, trên con đường toàn cầu hóa, công nghệ thông tin tác động tích cực đến quá trình sáng tác của các họa sĩ vẽ minh họa. Bài viết tập trung bàn về tính thời đại trong sáng tác minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội thông qua một số chuyên mục tiêu biểu.

Phần minh họa trang bìa của tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn bám sát với nội dung của các chuyên mục được chuyển tải, tùy từng số phát hành. Những số mang dấu ấn kỷ niệm ngày lễ hay tết thường được minh họaấn tượng nổi bật hơn so với những số phát hành định kỳ. Tuy nhiên, các họa sĩ minh họa cũng vẫn có không gian sáng tạo đủ để giữ được phong cách và tư duy thẩm mỹ cá nhân, tạo nên sự phong phú về kỹ thuật, đa dạng về bố cục cho toàn bộ phần minh họa này.

Nếu các chuyên mục có lời văn cần có sự thống nhất giữa hình minh họa và nội dung thì ở trang bìa, họa sĩ lại thỏa sức sáng tạo theo tổng thể nội dung. Trước đây, trên các trang bìa số tết, thường thấy xuất hiện minh họa chuyển tải hình ảnh hiện thực, nhằm ca ngợi vẻ đẹp của con người và quê hương đất nước, trong các kiểu bố cục cơ bản theo dạng hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tháp… Nhìn chung, minh họa bìa trong giai đoạn đầu của tạp chí thường thể hiện hình ảnh con người vươn lên trong khó khăn của cuộc sống chiến tranh, hoặc những khát khao hòa bình và niềm vui trước sự đổi mới của đất nước. Những chị giao liên, anh bộ đội, em bé đội mũ liên lạc, quàng khăn đỏ, biểu tượng lá cờ… tùy theo từng yêu cầu nội dung và tính chất dịp kỷ niệm, được họa sĩ thể hiện theo nhiều cách thức khác nhau song rất sinh động, mang tính thẩm mỹ cao.

Những năm gần đây, minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội nói chung và minh họa trang bìa nói riêng đã được các họa sĩ bám sát với tình hình thực tế, với thời đại bằng những biến chuyển về phong cách sáng tác. Nhiều họa sĩ đã chọn cách thể hiện mang tính khái quát nhưng tạo ra sự ấn tượng chứ không nhất thiết phải tỉ mỉ hiện thực như giai đoạn trước và sau thời kỳ Đổi mới. Nếu ở thời kỳ đầu, trang bìa tạp chí thường sử dụng những ảnh chụp làm trang trí thì giai đoạn sau Đổi mới và đặc biệt là gần đây, minh họa trang bìa được sử dụng bằng hình vẽ nhiều hơn. Cụ thể là những tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc của các nghệ sĩ trong nước, hoặc là những minh họa mang phong cách nghệ thuật đương đại như bìa tạp chí số tháng 9-2015 có sử dụng hình ảnh tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương, bìa số tháng    7-2016 là tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, bìa số tháng 6-2018 có minh họa bằng tranh của họa sĩ Tào Linh. Nếu trước đây, minh họa bìa thường là những tác phẩm mang tính hiện thực thì những năm gần đây, đã có sự thay đổi về việc chọn lựa những hình minh họa mang sắc thái của mỹ thuật đương đại. Điều đó cho thấy, vai trò và tính thẩm mỹ tiên phong của bức minh họa bìa được Ban biên tập Tạp chí hết sức chú trọng, khẳng định sức truyền tải tích cực của chúng đến bạn đọc dù ở trong hay ngoài lực lượng vũ trang nhân dân.

Các minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần các chiến sĩ cũng như các nhà văn và bạn đọc. Vì thế, trang bìa được xem là trang mang tín hiệu thể hiện cho toàn bộ nội dung của cả số tạp chí. Nhiều số tạp chí có minh họa phần nội dung với hai màu đen, trắng, nhưng riêng trang bìa luôn được quan tâm đến hình thức trình bày và thường in màu, tạo sự hấp dẫn cho người đọc. Mặt khác, hình ảnh in trên trang bìa thường được thể hiện với kích thước thường lớn  hơn so với minh họa ở các chuyên mục trong phần nội dung. Đó cũng là điểm nhấn cho sự thu hút người đọc, đồng thời tạo ra không gian nghệ thuật đủ lớn cho họa sĩ thể hiện ý niệm sáng tạo của họ.

Minh họa truyện ngắn có sự đa dạng về phong cách cũng như sự phong phú về đề tài sáng tác, chuyển tải từ văn chương thành hình tượng nghệ thuật thị giác với kỹ thuật và bút pháp riêng. Chuyên mục truyện ngắn luôn xuất hiện trên mỗi số của tạp chí Văn nghệ Quân đội, kể từ khi ra đời cho đến nay. Thông thường, những truyện ngắn có nội dung khắc họa một hiện tượng, phát hiện sự vật, sự việc hay mối quan hệ trong đời sống thường nhật của con người được nhà văn xâu chuỗi thành lời văn mang ẩn ý hoặc gợi đến những suy nghĩ mang chiều sâu chưa nói hết. Từ đó, họa sĩ minh họa truyện ngắn phải hiểu rõ cốt truyện để chắt lọc, hệ thống khoảnh khắc điển hình mang tính biểu trưng cao nhất rồi lại diễn giải bằng nét, bằng hình. Mặc dù diện tích thực cho các hình vẽ minh họa của chuyên mục truyện ngắn khá khiêm tốn nhưng họa sĩ đã biết chọn lựa những hình tượng nghệ thuật đặc sắc nhất, đem đến cho độc giả sự háo hức và thích thú về thị giác. Mang thông điệp khắc họa một hiện tượng hay mối quan hệ nhân sinh của đời sống con người, hầu hết truyện ngắn thường có ít nhân vật, các sự kiện xảy ra trong nội dung của từng truyện ngắn không quá phức tạp. Không gian và thời gian của truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn có sự tiết chế, cô đọng và thường, các sáng tác minh họa cũng trực tiếp hướng vào nội dung cốt truyện.

\

Một minh họa truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 6-2018

Tiêu chí sáng tác minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội những năm gần đây không còn quá quan trọng vào việc xây dựng hình tượng thật hiện thực nữa, mà nhấn mạnh yếu tố ấn tượng thị giác thông qua màu, nét, mảng. Có thể kể đến một số minh họa của họa sĩ Thành Chương cho các truyện ngắn Người về đường còn dài (tác giả Lê Hoài Lương, số tháng 5-2016), Bà cô bên chồng (tác giả Vũ Thanh Lịch, số tháng 6-2016), Quay một vòng tin (tác giả Y Ban, số tháng 3-2015). Lối vẽ minh họa của họa sĩ Thành Chương mang phong cách riêng, gắn với tên tuổi của ông, khá gần với xu hướng nghệ thuật lập thể; đó là quy các nhân vật thành các hình, khối và đặt những mảng màu mạnh/nguyên chất cạnh nhau làm cho tác phẩm nổi bật giữa bề mặt của phần truyện ngắn cũng như của tổng thể trang báo. Họa sĩ Đào Quốc Huy lại sử dụng sở trường của mình để thể hiện các minh họa với kỹ thuật kéo dài hình thể, gần với phong cách hội họa siêu thực. Anh đã gây ấn tượng với các minh họa truyện ngắn Trôi giữa cuộc chiến (tác giả Đinh Phương, số tháng 11-2016), Hành trình bất tận (tác giả Trịnh Minh Hiếu, số tháng 4-2016). Trong những minh họa này, Đào Quốc Huy dù sử dụng màu hay nét là chủ đạo thì người xem vẫn cảm nhận thấy lối nhìn vừa hiện thực vừa bay bổng của riêng anh.

Mỗi họa sĩ đều có phong cách nhất định nhưng vẫn đảm bảo khả năng chuyên chở nội dung của cốt truyện thông qua chỉ một minh họa nhỏ bé. Để thuận mắt người xem, các họa sĩ thường nghệ thuật hóa hình ảnh nhân vật bằng cách tạo sự hấp dẫn về ngoại hình, trang phục, tính cách được thể hiện bằng biểu cảm khuôn mặt hoặc động tác cơ thể. Đặc biệt là biết khai thác những vẻ đối lập của tính cách nhân vật như thiện - ác, chính - tà, hiền lành - gian xảo… giúp cho người đọc dễ hiểu và sớm hình dung được nội dung câu chuyện. Có thể việc minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội không hẳn là công việc chính của từng họa sĩ, nhưng là những tài năng và tên tuổi đích thực, họ đã làm công việc này với tất cả tâm huyết và trách nhiệm trước bạn đọc. Đó là các họa sĩ Lê Trí Dũng, Lê Anh Vân, Nguyễn Duy Quang, Minh Quang, Nguyễn Đăng Phú, Đỗ Dũng, Ngô Quân Khôi, Nguyễn Đình Tuấn, Nguyễn Nghĩa Phương… (2). Mỗi bức minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội mang đặc điểm của tác phẩm mỹ thuật, gắn liền với tài năng của họa sĩ và đồng hành được với sự sáng tạo của nhà văn. Mỗi bức minh họa đều chứa đựng thông điệp về giải trí, biểu cảm và giáo dục, góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của bạn đọc.

Minh họa trang thơ xuất hiện khá đều đặn trên các số tạp chí, kể cả trong giai đoạn hiện nay, khi mà đây đó trên truyền thông và dư luận xã hội, luôn xuất hiện các ý kiến bi quan về sự tồn tại của thơ đích thực trong đời sống đương đại, mặc dầu tiếng Việt là ngôn ngữ đậm đặc tính thi ca. Minh họa thơ mang sắc thái riêng bởi sự hạn chế về bề mặt trang giấy, hơn nữa những đoạn thơ thường ngắn nên cần cân nhắc, chắt lọc những hình ảnh tiêu biểu. Việc minh họa bài thơ hoặc cả một trang thơ là nơi để các họa sĩ sáng tác biểu cảm bay bổng theo cảm xúc của nhà thơ. Người xem nhìn vào đó mà có sự đồng cảm, kích thích trí tưởng tượng phong phú, vượt ra ngoài không gian hữu hạn vốn đã có. Chính vì hình vẽ minh họa thơ rất nhỏ nên chỉ cần gợi nét hoặc hình tiêu biểu nhất... Mỗi bản minh họa thơ cũng thuộc nghệ thuật thị giác, được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Cái đẹp trong các tác phẩm minh họa cho các bài thơ hay truyện ngắn thường đem đến cho người thưởng thức sự hướng thiện và tác động một cách tự nhiên vào tâm hồn con người. Các minh họa thơ đóng vai trò như điểm nhấn, nét chấm phá cho các trang nội dung của tạp chí. Bên cạnh đó, tương tự như minh họa cho các tác phẩm văn học, chúng luôn tạo ra sự kết nối bền chặt giữa văn học và mỹ thuật, hài hòa giữa nội dung và hình thức.

Không chỉ đảm bảo việc đồng điệu với nội dung văn chương, các minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội còn phải được đảm bảo tuân theo tiêu chí về kỹ thuật thiết kế trình bày. Đó cũng là tiêu chí đi tìm cái đẹp, độc đáo, sáng tạo và đổi mới. Đi cùng với đó là những đòi hỏi vừa phải phù hợp với tính chất quân đội, không màu mè, ủy mị, có sự nghiêm túc ngay ngắn của tinh thần người lính nhưng vẫn chứa đựng tính thẩm mỹ cùng giá trị nghệ thuật.

Về cơ bản, các tác phẩm minh họa Văn nghệ Quân đội trong hơn 60 năm qua nổi bật với phong cách vẽ nét và chia mảng đen - trắng song gần đây, tạp chí đã chuyển hướng khuyến khích họa sĩ thể hiện bằng màu, vừa tạo ấn tượng vừa làm sinh động hơn cho nội dung được minh họa. Minh họa thuộc thể loại nghệ thuật đồ họa, nên họa sĩ thường kết hợp giữa nét và màu hoặc nét và mảng. Ngôn ngữ đồ họa mang tính khái quát cao mà giản dị, có khả năng đối thoại với bạn đọc.

Các tác phẩm minh họa vừa có chức năng như một tác phẩm mỹ thuật, vừa có chức năng thẩm mỹ làm rõ thêm nội dung của một truyện ngắn, bài thơ, phóng sự… Các minh họa trên tạp chí Văn nghệ Quân đội giai đoạn 2007 - 2016 vẫn duy trì vai trò làm sáng tỏ nội dung của văn bản bằng hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, theo thời gian, các minh họa đã được họa sĩ sáng tác vừa theo lối hiện thực vừa mang tính chắt lọc, khái quát, hiện thực biểu hiện, ấn tượng… chứ không đơn thuần một màu hiện thực nữa. Sự thay đổi này thể hiện tư duy cởi mở, khuyến khích đa chiều cảm nhận, suy nghĩ về cuộc sống, mang tính thời đại rõ nét của một tờ tạp chí vốn được coi là nghiêm ngắn, mực thước, trước sự vận động đi lên của xã hội, đất nước.

_______________

1. Tạp chí Văn nghệ Quân đội thành lập ngày 1-1-1957, là cơ quan tạp chí chuyên giới thiệu các sáng tác văn học nghệ thuật và bình luận sự kiện văn học nghệ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tạp chí trực thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

2. Tạp chí Văn nghệ quân đội, 60 năm - minh họa Văn nghệ Quân đội, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2016.

 

Tác giả: Nguyễn Thu Nguyệt

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;