Phê bình mỹ thuật ở Việt Nam, thực trạng hoạt động và giải pháp thay đổi

Trong bối cảnh đất nước mở cửa giao lưu quốc tế, thực tiễn sáng tác mỹ thuật đặt ra nhiều vấn đề cần phải có sự đúc kết, lý giải, đánh giá. Tuy nhiên, phần lớn các bài viết lý luận, phê bình mới dừng ở mức độ mô tả, thông tin giới thiệu mà thiếu tính lý luận hay những kiến giải sâu sắc, đóng góp cho sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam. Phê bình mỹ thuật ở Việt Nam thực sự chưa là một nghề mặc dù Viện Mỹ thuật (nay trực thuộc Đại học Mỹ thuật Việt Nam) được thành lập từ năm 1962, khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật cũng đã được thành lập tại một số trường đào tạo về mỹ thuật trên cả nước. Đây là điều thiệt thòi cho chính mỹ thuật Việt Nam. Thực tế này phần nào được giải thích bởi những khoảng trống trong ngành nghiên cứu và phê bình mỹ thuật ở Việt Nam, như kiến giải khái lược trong bài viết dưới đây.

Thuật ngữ phê bình thì phức tạp và có nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong ngôn ngữ của những nhà mỹ học, những nhà triết lý về nghệ thuật và những nhà phê bình nghệ thuật, phê bình thường được gợi ý là một loạt hoạt động rộng lớn hơn nhiều so với cái hành động có tính chất kết án. Morris Weitz, một nhà mỹ học quan tâm đến phê bình nghệ thuật, đã tìm kiếm để khám phá nhiều hơn về nó bằng cách nghiên cứu những gì mà nhà phê bình làm khi họ phê bình nghệ thuật. Ví dụ, ông từng khảo sát tất cả những phê bình về tác phẩm Hamlet của W.Shakespeare và đúc kết rằng, những nhà phê bình làm một hay nhiều hơn trong số bốn việc sau: miêu tả, diễn giải, đánh giá và phát triển lý luận về tác phẩm nghệ thuật. Theo ông, một số nhà phê bình chỉ phê bình miêu tả; một số khác miêu tả nhưng có diễn giải; số còn lại miêu tả, diễn giải, đánh giá và phát triển lý luận. M.Weitz suy ra nhiều kết luận về phê bình, đáng chú ý hơn cả là bất cứ cái nào trong bốn hoạt động này đều là thành phần cấu thành phê bình nhưng sự đánh giá thì không phải là một thành phần cần thiết của phê bình. Ông đã tìm thấy nhiều nhà phê bình tác phẩm Hamlet mà không đánh giá nó. Khi những nhà phê bình làm công việc phê bình, họ không làm gì nhiều hơn việc bày tỏ những điều thích và không thích của họ, ủng hộ hay không ủng hộ những tác phẩm nghệ thuật. Những nhà phê bình đánh giá những tác phẩm nghệ thuật, và đôi khi chê bai, những ý kiến của họ thường khen ngợi hơn là chê bai và thường mỗi nhà phê bình đều biết một bài phê bình có thiện chí với một nội dung nào đó thì khó viết hơn nhiều với sự chỉ trích gay gắt.

Edmund Feldman, nhà sử học và giáo dục nghệ thuật, đã viết nhiều về phê bình nghệ thuật và định nghĩa nó như là “cuộc nói chuyện có cơ sở hay hiểu biết về nghệ thuật”. Ông cũng giảm đến mức tối thiểu hành động đánh giá nghệ thuật; cho rằng nó ít quan trọng nhất trong quy trình phê bình. Hay M.Weitz định nghĩa phê bình như là một hình thức đàm luận có nghiên cứu về những tác phẩm nghệ thuật. Nó là một sự sử dụng ngôn ngữ được thiết kế để làm cho thuận lợi và làm phong phú sự hiểu biết về nghệ thuật (1). Từ đây, có thể định nghĩa: Phê bình là cuộc đàm luận có cơ sở hay hiểu biết về nghệ thuật nhằm gia tăng sự hiểu biết và đánh giá nghệ thuật. Một cách để hiểu biết về nghệ thuật là suy nghĩ về nó theo cách phê bình. Phê bình là phương tiện nhằm vào mục đích hiểu biết và đánh giá những bức tranh. Phê bình không phải là một nỗ lực thuộc về lý trí một cách lạnh lùng.

Ngoài văn học, một số loại hình nghệ thuật khác, như sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, ít nhiều đều phải sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải ý tưởng tác phẩm, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật của loại hình đó. Cụ thể, sân khấu và điện ảnh phải có kịch bản, lời thoại; âm nhạc (ca khúc) phải có ca từ... Chỉ có mỹ thuật, kiến trúc và nhiếp ảnh là không cần dùng đến ngôn ngữ văn học để cấu thành ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Đặc biệt, đối với mỹ thuật là ngôn ngữ tạo hình như hình khối, đường nét và màu sắc. Chính vì vậy, hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào, vai trò của lý luận phê bình mỹ thuật càng trở nên cần thiết và là cầu nối không thể tách rời giữa tác phẩm với người xem. Ở một góc độ nào đó, có thể hiểu lý luận phê bình mỹ thuật như công việc của dịch giả, dịch từ ngôn ngữ tạo hình sang ngôn ngữ văn học để mọi người đọc hiểu được ngôn ngữ mỹ thuật. Đứng trước các tác phẩm mỹ thuật, đối với phần lớn công chúng Việt Nam, nếu không có người dịch từ ngôn ngữ tạo hình sang ngôn ngữ văn học để người xem hiểu được thì không khác nào bắt người chỉ đọc được tiếng Việt phải đọc tác phẩm bằng tiếng Anh.

Nếu lấy mốc từ năm 1925, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ở Việt Nam, mỹ thuật hiện đại bắt đầu hình thành và phát triển, thì phải đến những năm 50 của TK XX, mới có một số bài viết giới thiệu về phê bình mỹ thuật Việt Nam trên báo chí. Trước đó hầu như chỉ có những điểm tin về triển lãm mỹ thuật. Sự ra đời của Viện Mỹ thuật, năm 1962, và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với Giám đốc đầu tiên là họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung, đã đặt nền móng xây dựng nền lý luận phê bình mỹ thuật nước nhà. Một số sinh viên khoa lịch sử, ngữ văn đã bước đầu nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam như Trần Lâm Biền, Nguyễn Bích, Nguyễn Du Chi, Chu Quang Trứ, Trần Thức, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Đỗ Bảo... Ấn tượng hơn cả, với sự xuất hiện của Thái Bá Vân, tác giả nhiều bài viết xuất sắc, mới mẻ về mỹ thuật Việt Nam. Kể từ đó, vai trò của lý luận phê bình và sáng tác mỹ thuật đã trở thành người bạn đồng hành có tác động thúc đẩy cho quá trình sáng tạo từ tư duy lý luận đến nhận thức, đánh giá tác phẩm. Sau này, có thêm Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng, Bùi Như Hương, lý luận phê bình mỹ thuật đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam.

Năm 1978, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mở khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật. Từ đó đến nay, hơn 10 khóa được đào tạo ra trường và lực lượng này đã ngày một đông hơn về số lượng, đáp ứng được một phần của nhu cầu nghiên cứu, lý luận và phê bình trong đời sống mỹ thuật hiện nay. Tuy nhiên, nền lý luận, phê bình mỹ thuật hiện nay không những không đi lên được mà xem ra còn bị thu hẹp tầm ảnh hưởng trong giới nói riêng, trong xã hội nói chung. Dấu hiệu dễ thấy nhất là khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng có ít thí sinh đăng ký thi tuyển vào khoa này, thậm chí trong quá trình học, một số tiếp tục từ bỏ hoặc chuyển đổi, có những lớp học chỉ còn lại một vài sinh viên.

Ở Việt Nam, việc người xem tiếp cận và thưởng thức các loại hình nghệ thuật phần lớn vẫn phải thông qua hình thức nghe và đọc, vì thế, các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh (có lời thoại) vẫn là những ngành nghệ thuật chiếm ưu thế. Tuy mỹ thuật là một ngành nghệ thuật có trường đào tạo ở cấp cao đẳng đầu tiên tại nước ta, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng mỹ thuật vẫn là ngành nghệ thuật ít công chúng và ít người quan tâm hơn cả. Hầu hết các triển lãm mỹ thuật vẫn chỉ có trong người trong ngành thưởng thức là chính. Kể cả các triển lãm mang tính toàn quốc rất quy mô trang trọng cũng thưa thớt khách thưởng lãm là người ngoài ngành, phải chăng bởi họ sợ và có lẽ sẽ không hiểu được tác phẩm nói gì? Ngay cả những người trong ngành, đôi khi còn cảm thấy bế tắc trong việc tiếp cận, cảm và hiểu trước nhiều tác phẩm.

Có thể thấy, các nhà lý luận phê bình mỹ thuật và giới truyền thông có vai trò rất lớn để đưa mỹ thuật đến với công chúng. Những năm qua, với một số công trình nghiên cứu dưới dạng sách, bài viết, chương trình truyền hình, các nhà lý luận phê bình cũng đã ít nhiều góp phần làm cầu nối giữa tác phẩm mỹ thuật và người xem. Có rất nhiều hội thảo, tọa đàm, nói chuyện giữa nhà nghiên cứu, phê bình, nghệ sĩ và công chúng, đưa tác phẩm mỹ thuật tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng và xã hội. Một số cuốn sách nghiên cứu phê bình có giá trị được giới mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật ghi nhận như Mỹ thuật Lý Trần - Lê sơ của Viện Mỹ thuật; Con mắt nhìn cái đẹp Mỹ thuật Việt Nam TK XX của Nguyễn Quân; Mỹ thuật của người ViệtMỹ thuật ở làng của Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật Việt Nam hiện đại và một loạt kỷ yếu của Viện Mỹ thuật từ đầu TK XXI đến nay như Điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại, Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, 20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới, Về bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật TK XX...

Năm 1980, nhà nghiên cứu phê bình Thái Bá Vân cho rằng: hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng con mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng. Quan niệm này khi được đưa ra đã tạo nên nhiều tranh luận sôi nổi. Những ý kiến có tính xác lập một quan niệm nghệ thuật như vậy thật hiếm hoi trong lý luận phê bình mỹ thuật hiện nay. Nhìn lại hoạt động lý luận phê bình mỹ thuật giờ đây, có thể thấy sự thiếu và yếu về đội ngũ và chuyên môn, cụ thể là phương pháp luận và lý thuyết. Vì vậy, phê bình mỹ thuật mang tính học thuật còn rất ít. Trong bối cảnh mỹ thuật hội nhập sâu rộng với thế giới, sáng tác mỹ thuật đặt ra những vấn đề cần lý giải, đánh giá, nhưng phần lớn các bài viết đều theo cách khen một tí, chê một tí, chê nhiều thì bị gạt đi dù tác phẩm đấy có xấu cỡ nào đi chăng nữa và chẳng thể hiện nội dung gì. Phê bình mới dừng ở mức mô tả, thông tin giới thiệu, thiếu tính nghiên cứu lý luận và kiến giải sâu sắc. Đây là kiểu phê bình giao đãi.

Có thể thấy hiện nay, nhiều người viết lý luận phê bình mỹ thuật yếu về khả năng đọc tác phẩm, không cảm nhận được tác phẩm, tư duy ngôn ngữ tạo hình theo tư duy văn học cho nên không đưa ra được những đánh giá, nhận định thuyết phục; không dẫn dắt người xem tiếp cận được với tác phẩm mỹ thuật, không có con mắt tinh tường để nhìn ra những vấn đề mới, có tính phát hiện. Phần lớn những người làm công tác lý luận phê bình hiện nay hoặc chuyên chú nghiên cứu mỹ thuật cổ hoặc trở thành những người viết báo, đưa tin về hoạt động mỹ thuật theo xu thế báo chí. Chỉ còn thiểu số ít ỏi dành sự quan tâm thực sự đến đời sống mỹ thuật hiện đại và vì thế, tiếng nói của họ thật khó để gây chú ý trong bối cảnh xuất bản và truyền thông hỗn mang như hiện tình lâu nay ở Việt Nam.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thanh Mai đọc tham luận tại Hội thảo

Ảnh tư liệu Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Không có nhà phê bình mỹ thuật, vẫn có thể vẫn có tác phẩm mỹ thuật xuất sắc, nhưng sẽ không có đông đảo công chúng và khó có thị trường mỹ thuật phát triển. Thực trạng của phê bình mỹ thuật hiện nay ra sao, chỉ những người làm lý luận phê bình mỹ thuật và nghệ sĩ hiểu hơn cả. Và đặc biệt, Viện Mỹ thuật còn hiểu rõ điều này khi mà cả một cơ quan nghiên cứu từng rất lớn được tách, nhập và bây giờ chỉ còn lại hơn mười nhân viên, đảm đương tất cả các chuyên ngành từ mỹ thuật hiện đại, mỹ thuật cổ, mỹ thuật ứng dụng đến phục vụ tư liệu. Trong số đó, hiện nay lại chẳng còn được vài cái tên để lại trong lòng công chúng. Nhưng vấn đề ở đây là khi thực sự làm lý luận phê bình thì công chúng hay chính họa sĩ có đón nhận họ hay không? Chặng đường để các bài lý luận, phê bình có được tiếp nhận, xuất bản và đến tay công chúng thưởng ngoạn là một vấn đề hết sức nan giải.

Một khi nhà phê bình đọc được ngôn ngữ tác phẩm (dù còn ít và ở mức sơ đẳng) thì cũng giúp người xem hiểu được phần nào giá trị tác phẩm phần nào là giá trị đúng của tác giả. Nhà phê bình nghiêm túc, có trình độ, có thể giúp phát hiện ra tác giả tiềm năng (cũng có nhiều bài phê bình đề cập vấn đề này, nhưng luôn luôn kết luận chung chung, một vài câu mở đầu như: hy vọng rằng, mong sẽ, chúng ta sẽ chờ xem,...). Nhà phê bình có con mắt sâu sẽ cổ vũ cho xu hướng mới, hoặc tiên đoán được một sự phát triển tương lai của cả một nền nghệ thuật. Phê bình không chạy theo, nó đứng ngang hay đi trước một tác giả, một cộng đồng nghệ thuật. Điều này, phê bình phương Tây đã làm được. Nhưng ở Việt Nam, oái oăm là điều này còn phụ thuộc vào cả suy nghĩ của nghệ sĩ, nếu không vừa lòng họ sẽ gạt phăng và vì thế, phê bình ở Việt Nam đến hiện nay là rất khó sống và tồn tại.

Phê bình là một nghề có lẽ và được cho là vất vả. Phê bình mỹ thuật cũng vậy; ngôn ngữ phải sống động, biểu lộ sự nồng nhiệt, cuốn hút người viết như thế nào thì họ mới trở thành nhà phê bình thành công? Niềm say mê tự thân và môi trường làm việc tử tế là hai yếu tố song hành giúp họ thành công. Phê bình mỹ thuật là trải nghiệm cả thế giới như một người khác, với đôi mắt và suy nghĩ của một người khác trong một khoảnh khắc nào đó. Phê bình không dành cho ai có một lý trí lạnh lùng hay nói cách khác là tàn nhẫn với tác phẩm của nghệ sĩ. Sự đắm chìm trong những hình thức nghệ thuật khác nhau là cách rèn luyện tốt nhất cho con mắt cũng như tư tưởng của người cầm bút. Một điều quan trọng nữa là nhà phê bình nên độc lập với nghệ sĩ, chứ không phải cứ hỏi nghệ sĩ, nghe nghệ sĩ nói rồi viết nương theo, không tạo nên chính kiến của bản thân. Nhà phê bình không phải là một phát ngôn viên cho một ai đó. Điều này hẳn là khó khăn với thực trạng phê bình nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam, vì một vài lý do, như nếu không viết theo ý tưởng hay suy nghĩ của nghệ sĩ thì nhà phê bình khó mà có thể cho công bố những bài viết của mình, còn nếu chỉ viết ra suy nghĩ của người nghệ sĩ thì dần các bài phê bình lại không trở thành của cá nhân mà người viết mà chỉ là dành riêng cho một nghệ sĩ hay một triển lãm nào đó, rồi dần đi vào quên lãng. Nhà phê bình dần quên mất là họ viết cho độc giả thưởng thức và cảm nhận chứ không phải chỉ viết cho nghệ sĩ hay tác phẩm.

Điều cuối cùng cần phải nhấn mạnh là sự trung thực trong đánh giá, cũng như sự trong sáng trong từng câu chữ rất quan trọng đối với một bài phê bình mỹ thuật. Thái Bá Vân từng viết: sự gặp gỡ phải có và phải chờ đợi giữa nghệ sĩ và công chúng là đặt cược hoàn toàn trên sự rung cảm chân thành, hướng theo một nhận thức thẩm mỹ vô tư và nhất định, nơi chỉ có tôn trọng và ưa mến lẫn nhau (2).

_______________

1. Terry Barett, Phê bình ảnh, do Ngô Đình Trúc dịch và đăng tải trên trang tin điện tử của cá nhân: ngodinhtruc.com. Theo trang này, Terry Barrett là giáo sư môn Giáo dục mỹ thuật, Đại học tổng hợp bang Ohio (The Ohio State University), Hoa Kỳ. Ông đã nhận được giải thưởng Giảng dạy xuất sắc dành cho những giáo trình dạy về phê bình của mình.

2. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Viện Mỹ thuật, 2007, tr 35.

 

Tác giả : Mai Loan

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

 

;