Thiết kế bền vững trở thành một xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại, nhằm mang đến cho xã hội một nền kinh tế phát triển và một môi trường xanh sạch. Nhà thiết kế với vai trò của mình là sáng tạo nên những sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững trong các ngành nghề thiết kế như kiến trúc, nội thất, thời trang, đồ họa… Qua đó, người thiết kế đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng và hướng đến một tương lai bền vững.
1. Tổng quan
Ngày nay, những vấn đề về môi trường ngày càng được nhận thức rõ nét và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe. Những thuật ngữ phát triển bền vững và thiết kế bền vững được áp dụng rộng rãi và được nhắc đến nhiều trong các hội thảo trong tất cả các ngành nghề thiết kế như kiến trúc, nội thất, thời trang, đồ họa...
Nếu như trước đây trường phái Bauhaus có tiêu chí form follows function (hình dáng theo công năng) thì ngày nay thiết kế bền vững có tiêu chí form follows environment (hình dáng theo môi trường). Tất cả các thiết kế đều đặt yếu tố thân thiện môi trường lên hàng đầu. Chính các chức năng sử dụng của sản phẩm góp phần vào sự phát triển bền vững vì nó giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm dễ dàng hơn với thời gian, mức tiêu thụ năng lượng, và chất thải ít hơn.
Nhà thiết kế với vai trò cung cấp các giải pháp sáng tạo thông qua sản phẩm và dịch vụ, đóng góp một phần quan trọng trong việc giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu, tăng vòng đời của sản phẩm, thay thế các sản phẩm lỗi thời bằng những sáng tạo mới mang tính bền vững. Tất cả những nỗ lực này nhằm đem đến sự phát triển kinh tế hiệu quả, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sống.
Phát triển bền vững
Năm 1987, trong báo cáo Our Common Future của ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới đã ghi rõ: “Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Đó là sự đầy đủ về vật chất, giàu có về tinh thần và văn hóa, sự hài hòa giữa con người với tự nhiên.
Khái niệm này được các tổ chức và quốc gia thừa nhận, đây cũng chính là mục tiêu của các quốc gia trên thế giới đang hướng đến trong đó có Việt Nam. Phát triển bền vững nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao dựa trên việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái, không để lại hậu quả về môi trường cho thế hệ sau.
Để tiến đến một xã hội bền vững chính là thách thức đặt ra cho hệ thống luật pháp, quy hoạch, giao thông, lối sống và đạo đức của con người. Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự ý thức về vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường sống.
Thiết kế bền vững
Thiết kế bền vững (sustainable design) là xem xét các tác động môi trường trong tất cả các giai đoạn của sản phẩm, mà không làm ảnh hưởng bất lợi đến các tiêu chuẩn khác như chi phí, chức năng và độ tin cậy (1).
Thiết kế bền vững được xem là một triết lý được áp dụng trong các công ty, cơ quan chính quyền và các tổ chức phi chính phủ, nhằm đạt được một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại bằng cách tiêu thụ một cách khôn ngoan các nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất.
Việc sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió cần được áp dụng rộng rãi thay thế cho các nguồn năng lượng khác. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu cũng đóng một vai trò không nhỏ trong thiết kế bền vững, các vật liệu hỗn hợp và tái chế giúp giảm chi phí sản phẩm, vừa giảm đi sự phụ thuộc vào vật liệu gỗ truyền thống - một loại vật liệu mà phải mất một khoảng thời gian dài để phát triển trong các khu rừng.
2. Vai trò của ngành thiết kế trong phát triển bền vững
Mục đích của thiết kế bền vững là phải loại bỏ các tác động tiêu cực về môi trường thông qua thiết kế. Biểu hiện của thiết kế bền vững đòi hỏi nguồn tài nguyên phải được tái tạo, ít tác động đến môi trường và kết nối con người với môi trường tự nhiên.
Đối với các sản phẩm mang tính bền vững ngày nay thì chi phí là một rào cản ngăn khách hàng quyết định sử dụng sản phẩm này. Vì thế, vai trò của nhà thiết kế là phải làm sao sáng tạo ra một sản phẩm mang tính bền vững, vừa hợp lý về chi phí để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.
Đã có rất nhiều công ty như IKEA, Apple, Lego, Starbucks và Tetra Pak đã thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua các sản phẩm của họ, nhằm giảm sự tiêu thụ tài nguyên và tập trung vào việc tái chế các sản phẩm hiện có. Với mỗi ngành thiết kế khác nhau thì có các phương pháp và công cụ phát triển bền vững khác nhau.
Kiến trúc
Sharlyn Underwood - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thiết kế nội thất ở Mỹ đã nhận định về thiết kế bền vững trong lĩnh vực kiến trúc như sau: “Thiết kế bền vững là việc thiết kế các tòa nhà để họ tồn tại trong sự hài hòa với thiên nhiên”. Một yếu tố qua trọng trong thiết kế kiến trúc bền vững là chất lượng của môi trường trong công trình bao gồm chất lượng không khí, chiếu sáng, điều kiện nhiệt độ và âm thanh. Kiến trúc bền vững tạo nên những tòa nhà bền vững, nhằm giảm sự tác động môi trường trong quá trình xây dựng cũng như trong suốt vòng đời của tòa nhà (2).
Kiến trúc sư xác định phát triển bền vững là sự thay đổi quan trọng nhất trong tương lai nghề nghiệp của họ. Thiết kế kiến trúc bền vững giúp lập kế hoạch xây dựng một môi trường tương thích với mô hình kinh tế, xã hội và sinh thái của khu vực. Nguyên liệu đóng vai trò thiết yếu trong thiết kế bền vững, mỗi nhà thiết kế nên tìm kiếm những vật liệu có thể dễ dàng tái chế hoặc có thể tái tạo lại trong một thời gian ngắn. Chính các vật liệu hỗn hợp và tái chế cũng có thể giúp giảm đi chi phí sản phẩm, đưa sản phẩm tới gần người tiêu dùng hơn.
Một công trình xanh không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với công trình bền vững, tính bền vững có yêu cầu cao hơn so với công trình xanh bởi nó tạo ra các điều kiện để con người và thiên nhiên tồn tại hài hòa với nhau, đáp ứng được các nhu cầu xã hội và kinh tế không chỉ trong ngày nay mà còn phải tiếp tục phát triển tốt ở tương lai.
Nội thất
Trước khi bắt đầu công việc của mình, nhà thiết kế nên đặt câu hỏi về hình dạng của sản phẩm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mức tiêu thụ năng lượng, kích thước của sản phẩm ảnh hưởng đến bao bì, chi phí vận chuyển và khả năng tái sử dụng của sản phẩm dưới một hình thức khác hoặc tái chế (3). Các chức năng sử dụng của sản phẩm góp phần vào sự phát triển bền vững vì nó giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm dễ dàng hơn với thời gian, mức tiêu thụ năng lượng và chất thải ít hơn.
Công ty IKEA đang từng bước tiến tới xây dựng các sản phẩm nội thất và đồ dùng gia đình mang tính bền vững. Chiến lược bao bì đóng gói phẳng của IKEA giúp làm giảm không gian lưu trữ, chi phí vận chuyển, sử dụng nguyên liệu và lượng khí thải carbon. Để đạt được chất thải bằng không, thì sản phẩm phải đủ bền để sử dụng trong một thời gian dài, hoặc có thể tái chế và chuyển hóa thành các sản phẩm mới. Điều đó giúp cho sản phẩm tái chế được nhiều hơn và giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Một sản phẩm bền vững phải có trách nhiệm với môi trường và giảm thiểu tác động của nó tới môi trường. Những sản phẩm bằng tre và gỗ là những sản phẩm xanh nhưng chưa chắc đã bền vững, nếu như không có sự sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý và tốn quá nhiều chi phí vận chuyển đến các nơi trên thế giới gây ra sự ô nhiễm không khí và nhiên liệu tiêu thụ. Chính vì vậy, sản phẩm bền vững ưu tiên sử dụng nguyên liệu tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và thúc đẩy kinh tế tại địa phương.
Thời trang
Nhà thiết kế thời trang phải đối mặt với những thách thức đối với các vấn đề của con người ngày nay. Ngành công nghiệp dệt may và thời trang sản xuất hàng triệu tấn chất thải rắn mỗi năm thông qua nhiều quá trình từ việc sản xuất sợi, dệt, đan, nhuộm và hoàn thiện.
Ngành công nghiệp thời trang cũng đang sử dụng một số phương pháp thiết kế bền vững và thân thiện với môi trường, nhằm thay đổi tương lai của ngành công nghiệp dệt may. Việc tái sử dụng quần áo, sử dụng các vật liệu dệt để giảm thiểu tác động đến môi trường, ưu tiên sử dụng các thuốc nhuộm thực vật thay cho các hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên vải vóc, khai thác các vật liệu bền vững hoặc các kỹ thuật mới như vải tái chế từ chai nhựa PET hoặc sản phẩm dệt may từ tre (4).
Người thiết kế có đạo đức và trách nhiệm xã hội để bảo vệ sức khỏe, an toàn, phúc lợi của con người cũng như môi trường sống. Vai trò của nhà thiết kế nên bắt đầu suy nghĩ về những bản vẽ thiết kế đầu tiên trong quá trình phát triển và đánh giá sản phẩm, phân tích thông tin phản hồi của người tiêu dùng. Cứ qua mỗi một quá trình, nhà thiết kế xem xét tính bền vững lại một cách cân nhắc và hữu ích.
Đồ họa
Ngành công nghiệp thiết kế đồ họa góp phần cực kỳ quan trọng trong việc tiếp thị và quảng cáo sản phẩm cho các ngành công nghiệp khác, vì vậy để đạt đến một thiết kế bền vững càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những yếu tố cần chú ý trong thiết kế đó là việc sử dụng có cân nhắc về chất liệu, hình khối, hình ảnh thiết kế và in ấn.
Sản phẩm in ấn vẫn là một phần quan trọng thiết yếu của quá trình thiết kế đồ họa. Ngành công nghiệp sản xuất giấy đã làm giảm đi năm mươi phần trăm diện tích rừng của cả thế giới, với vai trò của một nhà thiết kế đồ họa thì việc sử dụng nguyên liệu chính là giấy, nhà thiết kế cần sử dụng giấy khôn ngoan sao cho vừa hiệu quả, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường. Bởi vì giấy làm từ bột gỗ, bột gỗ được lấy từ cây và phải cần một lượng lớn tiêu thụ nhiên liệu, điện, thép và nước để tạo ra bột gỗ. Sau khi giấy được sản xuất, nhà thiết kế sử dụng nó cho việc in ấn và cũng cần nước, năng lượng, mực in để tạo ra sản phẩm đồ họa (5).
Một số loại mực in bao gồm các chất dễ bay hơi hữu cơ (VOC) góp phần vào sự ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Mực in có thể chứa các kim loại nặng độc hại như bari, cadmium và chì. Do vậy, nhà thiết kế cần sử dụng mực in một cách có cân nhắc để giảm chất thải. Rõ ràng những công việc của một nhà thiết kế đồ họa ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. Trong khi ngành công nghiệp in ấn gây ô nhiễm thông qua việc sử dụng giấy và mực in, thì thiết kế đồ họa truyền thông đa phương tiện góp phần thay đổi khí hậu thông qua việc sử dụng điện. Công ty Apple đã ngừng hoạt động phần mềm Adobe Flash Player - phần mềm hỗ trợ các hình ảnh động trên các thiết bị điện tử, để tránh tiêu thụ lớn nguồn pin và CPU. Các công nghệ mới được sử dụng trong đồ họa đa phương tiện nên có mức tiêu thụ điện năng ít hơn. Ngoài ra, các phiên bản mới của các ứng dụng đồ họa phải được thiết kế sao cho tích hợp với các thiết bị điện tử cũ, nhằm tránh được các chất thải điện tử do đã lỗi thời.
Thiết kế đồ họa bền vững vạch ra mối quan hệ mật thiết giữa thiết kế đồ họa với sản xuất và tiêu dùng, minh chứng rõ cho việc thiết kế không chỉ góp phần đáp ứng giải pháp định hướng tiêu thụ sản phẩm. Việc sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường là cần thiết góp phần giảm thiểu tác hại đến môi trường sống và sức khỏe con người, dễ phân hủy và có thể tái sử dụng, tái chế (6).
3. Kết luận
“Để đảm bảo có một tương lai an toàn hơn, phồn vinh hơn, chúng ta chỉ có một con đường là giải quyết một cách cân đối các vấn đề môi trường và phát triển cùng một lúc”.
Thế giới ngày nay đang dần tẩy chay những sản phẩm, dịch vụ gây hại cho môi trường sống. Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền để sử dụng những sản phẩm xanh, sạch và thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng hiểu rõ nếu môi trường khỏe mạnh thì sức khỏe của họ mới được đảm bảo, không chỉ dừng lại ở đó, người tiêu dùng khôn ngoan luôn hướng đến một xã hội tốt hơn cho các thế hệ tương lai. Hơn bao giờ hết, vấn đề phát triển bền vững lại nóng như hiện nay, các hội nghị và diễn đàn của các tổ chức cũng như của các quốc gia trên thế giới luôn quan tâm đến phát triển bền vững giúp bảo đảm cho kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường phát triển hài hòa cân đối. Điều này giúp tăng trưởng kinh tế hiệu quả, giảm hao hụt tài nguyên và môi trường. Vì vậy, thiết kế bền vững hoàn toàn thiết thực cho các ngành nghề thiết kế để hướng con người đến một tương lai bền vững và duy trì những gì tốt nhất cho cuộc sống. Thiết kế bền vững cũng là một trách nhiệm với môi trường của các nhà thiết kế.
______________
1. Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Delft Hà Lan và Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, Sổ tay hướng dẫn thiết kế hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam, 2006.
2. Daniel E.Williams, Sustainable Design: Ecology, Architecture, and Planning, Published by Wiley, 2007.
3. Susan M.Winchip, Sustainable Design for Interior Environments, Published by Fairchild Books, 2011.
4. Matilda McQuaid, Susan Brown, Scraps: Fashion, Textiles, and Creative Reuse: Three Stories of Sustainable Design, Published by Cooper Hewitt, 2016.
5. Josep Maria Minguet, Ecologicals: Bottles, Boxes, Bags, Monsa, Publishing Company, Sant Adrià de Besòs, 2015.
6. Kaoru Takahashi, New Eco Style Graphics, Published by PIE International, 2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ THU HUYỀN