1. Về dòng họ của người Dao quần chẹt ở xã Quân Chu, Đại Từ, Thái Nguyên
Dòng họ của người Dao quần chẹt ở Quân Chu đến lập làng đầu tiên là họ Bàn và chi Triệu Mốc của họ Triệu. Các họ, chi họ thường cư trú xen kẽ với tộc người khác như: Kinh, Tày, Sán Dìu... song các gia đình của mỗi dòng họ, chi họ thường quần cư theo từng cụm riêng. Chẳng hạn, ở xóm Cây Hồng, người Dao quần chẹt có 16/60 hộ trong đó chủ yếu là anh em họ Đặng và chi Triệu Mốc vốn là con cháu của ông bà: Triệu Thị An và Đặng Văn Minh. Hình thức cư trú tập trung phần nào phản ánh mối liên kết chặt chẽ trong dòng họ của người Dao quần chẹt ở địa phương và là điều kiện để anh em cùng họ có thể giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, làm nhà mới, cưới xin, tang ma, cấp sắc, duy trì các phong tục tập quán truyền thống của tộc người...
Người Dao quần chẹt ở xã Quân Chu gồm các dòng họ: Bàn, Dương, Đặng, Lý, Phùng, Triệu; trong đó các họ Triệu, Bàn, Đặng chiếm 70% dân số xã. Riêng họ Triệu có sự phân chia thành các chi họ: Triệu Mốc, Triệu Xanh, Triệu Con, Triệu Đỏ. Giữa các chi có sự khác nhau về một số quy định trong phong tục thờ nhà thờ tổ.
Các dòng họ, chi họ phân biệt bằng hệ thống tên đệm riêng để chỉ thứ bậc ở các thế hệ. Theo đó, họ Bàn (do ông Bàn Sinh Toàn làm trưởng họ) trông coi nhà thờ tổ. Chu kỳ hệ thống tên đệm qua 9 đời của họ Bàn theo thứ tự là: Như, Phúc, Tài, Đức, Sinh, Văn, Hữu, Tiến, Quý. Những tên đệm này, được dòng họ sử dụng theo thứ tự từ đầu đến cuối và sau đó quay lại từ đầu. Hệ thống tên đệm đầy đủ của một dòng họ người Dao quần chẹt phải có chu kỳ 12 đời, nhưng nay nhiều nhất thường là 9 đời, có những họ ít hơn như Triệu Mốc (8 đời), Phùng (7 đời). Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do có những đời bị gặp tai họa hay nhiều điều không may mắn, nên dòng họ thường bỏ đi một số tên đệm của đời đó; mặt khác trong quá trình du canh, du cư các thành viên trong dòng họ bị thất lạc nhau, nên một số đời không có trong gia phả dòng họ. Theo quy định, trong cùng một thế hệ, căn cứ theo tên đệm không phân biệt con chú hay con bác, ai đẻ ra trước là anh hoặc chị. Nếu khác thế hệ, thế hệ dưới phải luôn luôn kính trọng thế hệ trên. Điều này phần nào phản ánh tính tôn ti trật tự trong mối quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ.
Mỗi dòng họ, chi họ đều có nhà thờ tổ riêng (tổ piếu). Nhà thờ tổ bao gồm hai loại: nhà thờ tổ gốc và nhà thờ tổ con. Nhà thờ tổ gốc được xem nhà thờ tổ đầu tiên, khi dòng họ lập nên, nhà thờ tổ con là các nhà thờ tổ được tách ra từ nhà thờ tổ cũ. Tuy nhiên, do quá trình phát triển cùng với quá trình di cư qua nhiều địa phương khác nhau, nên việc căn cứ vào nhà thờ tổ gốc để có thể tách tổ là điều không thể. Do đó, người Dao quần chẹt thường xác định nhà thờ tổ đầu tiên khi họ định cư ở một địa phương cụ thể và từ nhà thờ tổ đó, tách ra thành nhiều nhà thờ tổ của các chi họ. Giữa nhà thờ tổ gốc và nhà thờ tổ con đều có chung tổ tiên của dòng họ (ma dòng họ). Tuy nhiên, khi đã tách thành chi họ riêng, thì mọi nghi lễ cúng tế không có sự liên quan giữa nhà thờ tổ gốc và nhà thờ tổ con, cũng như giữa các nhà thờ tổ con với nhau.
2. Một số đặc điểm trong thờ cúng tổ tiên dòng họ của người Dao quần chẹt
Bàn thờ tổ tiên dòng họ
Bàn thờ tổ tiên của dòng họ gọi là bàn ham (tìa dạn), đặt ở nhà trưởng họ hay còn gọi là nhà thờ tổ (tổ piếu), nơi cúng ma tổ tiên của dòng họ, hay tổ chức lễ cấp sắc cho các thành viên trong họ... Bàn thờ đóng bằng gỗ, hình chữ nhật, gồm 3 tầng, mỗi tầng có chức năng và ý nghĩa riêng. Tầng trên cùng dùng để bày các lễ vật khi cúng. Ngoài ra, ở tầng này họ bày các vật dụng thờ cúng khác như: bát hương, bộ ấm chén nhỏ, chai nước lã. Bát hương được người Dao quần chẹt dùng trong thờ cúng khá độc đáo. Việc làm bát hương được đồng bào rất coi trọng, gia chủ phải chọn ngày tốt, nhờ thợ về đúc khuôn. Trong quá trình thực hiện, họ kiêng phụ nữ không được vào sợ làm uế tạp bát hương thờ. Bát hương được đúc bằng chì (theo quan niệm của họ, chì vừa nặng lại mát, nên được tổ tiên thần linh phù hộ). Trong bát hương có tro (hỗn hợp gồm tro lúa nếp, tro đốt từ vỏ và lá quế). Trước khi cho vào bát hương, tro được đặt ở giữa nhà để tổ tiên chứng kiến. Hai tầng còn lại là tầng trung và tầng hạ dùng để đặt các vật dụng cần thiết cho việc thực hiện nghi thức thờ cúng: thẻ âm dương, tiền vàng, đối với các gia đình thày cúng có thêm dấu triện, sách cúng.
Trước đây, để đóng được một bàn thờ tổ tiên dòng họ ưng ý, chủ gia đình phải vào tận những khu rừng già, tìm loại gỗ tốt như nghiến, sến và phải chọn cây không được cụt ngọn: “cây có gốc có ngọn tượng trưng cho việc thờ cúng tổ tiên là mãi mãi, tồn tại qua các thế hệ không bao giờ chấm dứt” (theo lời thày cúng Bàn Đức Lợi, 83 tuổi, xóm Hòa Bình 2, xã Quân Chu) và cây không có dây leo quấn quanh thân để chặt hạ. Sau khi chặt thành khúc, họ thường xẻ thành tấm gỗ, vác về chứ không được sử dụng trâu kéo, vì sợ bị bẩn đất bùn, ma tổ tiên dòng họ phật ý. Đây cũng là quan niệm và cách thực hành, thể hiện tình cảm, đạo đức và nghĩa cử cao đẹp của người sống đối với người đã khuất.
Đối tượng thờ cúng
Các thành viên quá cố trong dòng họ: gồm những người thuộc các thế hệ có quan hệ huyết thống (7, 8 hay 9 đời) của dòng họ. Ngoài ra, còn bao gồm cả những người không cùng huyết thống của dòng họ, nhưng đã đổi sang họ mình như: người về làm con nuôi, chàng rể đời của các gia đình trong một dòng họ nhưng đã quá cố. Hai thành phần này do đã chuyển từ họ gốc sang họ của cha mẹ nuôi, bố mẹ vợ, nên khi chết sẽ trở thành lớp ma tổ tiên của dòng họ và là đối tượng được các thành viên dòng họ thờ cúng.
Bàn Vương: trong văn hóa tộc người Dao nói chung, Bàn Vương được xem là thủy tổ - tổ tiên của tộc người. Đối với người Dao quần chẹt ở xã Quân Chu, Bàn Vương không chỉ là tổ tiên tộc người mà còn được xem như một loại ma dòng họ, nên được thờ cúng ở nhà thờ tổ của dòng họ.
Tam Thanh: bao gồm ba vị thánh trong thần điện của Đạo giáo: Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Người trông giữ nhà thờ tổ thường treo tranh 3 vị thánh này, nhưng với điều kiện người đó đã trải qua cấp sắc - tức gia nhập vào Đạo giáo, nên trên bàn thờ tổ họ, có thờ cả các vị thánh Tam Thanh gọi là thánh sư. Thông thường, phía bên trong bàn thờ tổ thường có bài vị của Tam Thanh và Bàn Vương, tượng trưng bằng hai tờ tranh gọi là sấu au phảng. Ba vị thánh Tam Thanh có vai trò phù trợ cho người trông giữ nhà thờ tổ khi họ hành nghề, phù trợ các nghi lễ thờ cúng tổ tiên dòng họ, thậm chí có nhiều nghi lễ thờ cúng tổ tiên phải gắn liền với việc thả tranh thờ thánh. Do đó, họ xem các vị thánh này như tổ tiên của dòng họ.
Như vậy, bên cạnh tổ tiên tộc người (Bàn Vương) và tổ tiên dòng họ, đối tượng được thờ cúng trên bàn thờ tổ tiên của người Dao quần chẹt còn bao gồm cả ba vị thánh nằm trong thần điện của Đạo giáo. Đây là yếu tố biểu hiện về sự ảnh hưởng của Đạo giáo trong tín ngưỡng của người Dao quần chẹt nói riêng. Yếu tố Đạo giáo này đã có sự hòa quyện với tín ngưỡng dân gian, tạo ra nét riêng trong văn hóa của họ.
Không gian thờ cúng
Trong cách bố trí ngôi nhà truyền thống của người Dao quần chẹt, gian chính (gian khách) thường có hai cửa song song, nhìn từ ngoài vào, cửa bên phải là cửa ở chính giữa ngôi nhà, cửa bên trái đối diện với bàn thờ dòng họ, chi họ. Theo quan niệm, cửa phải là cửa dương, hàng ngày được đóng mở, tượng trưng cho mặt trời lên xuống; cửa bên trái tượng trưng cho cửa âm, nơi tổ tiên, thần linh ra vào. Cửa này chỉ được mở khi gia đình có người mất, khi thực hành các nghi thức cúng tế tổ tiên, thần linh (các dịp lễ tiết trong năm, làm nhà, cưới xin, giải hạn...) với mục đích để cho tổ tiên đi về.
Người chủ trì thờ cúng tổ tiên
Mỗi một dòng họ đều có trưởng dòng họ - người trông giữ nhà thờ tổ. Hầu hết các dòng họ người Dao quần chẹt không có sự phân biệt giữa con cả và con thứ, nếu ai có đủ điều kiện tách khỏi tổ có thể đảm nhận vai trò trông giữ nhà thờ tổ, thì các anh em khác phải thực hiện tách tổ và trở thành người trông giữ các nhà thờ tổ con. Để trở thành trưởng họ, phải đảm bảo các điều kiện về tài chính, am hiểu và biết chú tâm lo liệu các công việc quan trọng của dòng họ và là người đã được cấp sắc. Trách nhiệm của người trông giữ nhà thờ tổ là: thông báo, triệu tập đại diện các gia đình để bàn bạc và đưa ra quyết định cuối cùng trong mọi việc, sau khi thống nhất ý kiến, tộc trưởng là người điều hành, giám sát quá trình thực hiện. Người trông giữ nhà thờ tổ, đồng thời là người thực hiện nghi lễ cúng bái tổ tiên dòng họ trong các dịp lễ tiết hàng năm, cũng như những nghi lễ liên quan thờ cúng tổ tiên theo quy định của từng họ. Tuy nhiên, nếu người trông giữ nhà thờ tổ chưa có khả năng tiến hành các nghi lễ quan trọng trong thờ cúng tổ tiên dòng họ, thì họ phải mời thày cúng cao tay về thực hành. Theo quan niệm của người Dao quần chẹt, chỉ có những người thày cao tay, biết rõ các nghi thức cúng tế theo phong tục tập quán của dân tộc, mới có thể giao tiếp được với tổ tiên và thần linh. Như vậy, trưởng họ theo quan niệm của người Dao quần chẹt không nhất thiết phải là con trai trưởng, mà điều kiện quan trọng là thông qua cơ chế tách tổ.
Tục tách tổ
Tách tổ là nghi lễ lớn bao gồm các nghi thức nhỏ, nhằm tách tổ tiên ở bàn thờ tổ gốc về các nhà thờ tổ con để thờ cúng. Sau khi con cái lập gia đình, tách ra ở riêng nhưng nếu chưa làm lễ tách tổ thì không được thờ cúng tổ tiên chung của dòng họ, mà chỉ được phép thờ đến ba đời, gồm: cụ, ông bà, bố mẹ. Do đó, nhà thờ tổ khi đã tách chỉ có thể thực hiện những nghi lễ cúng tế bình thường trong các dịp lễ tiết. Đối với các nghi lễ quan trọng như: tết nhảy, cấp sắc và các lễ cúng tổ tiên dòng họ khác phải tổ chức ở nhà tổ (bàn thờ dòng họ). Chính vì vậy, hầu hết các gia đình đều mong muốn làm lễ lo piếu để lập bàn thờ tổ riêng. Điều kiện để thực hiện nghi lễ tách tổ là những gia đình ngành trên đã có bàn thờ tổ hoàn chỉnh, gia chủ là người đã lập gia đình ra ở riêng, trải qua nghi lễ cấp sắc và thành tâm trong việc thờ cúng tổ tiên, có phẩm hạnh tốt. Đặc biệt, gia đình đó phải có điều kiện về kinh tế mới có thể tiến hành nhiều nghi thức theo quy định của luật nhà tổ.
Việc lập bàn thờ tổ tiên được người Dao quần chẹt rất coi trọng, khi muốn tiến hành nghi lễ tách tổ, gia đình phải mời thày cúng làm lễ báo tổ tiên, cầu xin tổ tiên chấp thuận cho việc tách tổ, che chở bảo vệ cho con cháu được yên lành. Thày cúng lựa chọn ngày tốt và xem tuổi chủ gia đình để tiến hành nghi lễ. Trong trường hợp, tuổi gia chủ không hợp phải tiến hành lễ giải cho gia chủ đến khi được tổ tiên chấp thuận mới tiếp tục thực hiện nghi lễ. Nếu thày cúng không hóa giải được phải đợi đến khi gia chủ được tuổi mới tiến hành tách tổ.
Qua khảo sát nghi lễ tách tổ của người Dao quần chẹt ở Quân Chu, chúng tôi thấy về cơ bản hầu hết các dòng họ đều giống nhau trong nghi thức thực hiện. Tuy nhiên, ở chi Triệu Mốc của họ Triệu so với các dòng họ khác như: Bàn, Dương, Phùng... có nét đặc trưng riêng.
Thứ nhất, đối tượng thực hiện nghi thức tách tổ: theo quy định của những dòng họ khác và các chi của họ Triệu, người nào đủ điều kiện, muốn lập bàn thờ tổ đều có thể tiến hành các nghi thức tách tổ, không phân biệt con thứ hay con trưởng. Song chi Triệu Mốc, con trưởng được nối đời thờ phụng (thờ tổ tiên tại nhà tổ gốc) không phải tách tổ tiên, chỉ các con thứ muốn trở thành người trông giữ nhà tổ thì phải thực hiện các nghi thức trong lễ tách tổ.
Thứ hai, quy trình các nghi lễ thực hiện trong tách tổ: ở các dòng họ và chi họ Triệu khác, thực hiện lễ tết nhảy thay lễ tầm đàng và không thực hiện nghi lễ đám úp lại. Sở dĩ có sự khác biệt đó trước hết là do quy định trong luật nhà tổ của mỗi dòng họ; hơn nữa theo lời của các già làng và các thày cúng người Dao quần chẹt ở địa phương cho biết, luật nhà tổ quy định thực hiện nghi lễ tết nhảy hay tầm đàng trong thờ cúng tổ tiên dòng họ, là do trước đây khi di cư sang Việt Nam bằng đường biển, trong lúc gặp nạn người Dao quần chẹt cầu khấn Bàn Vương, tổ tiên giúp đỡ và hứa nếu thuyền đến bờ an toàn sẽ làm lễ tạ ơn. Tuy nhiên, các dòng họ khác đều hứa tổ chức tết nhảy, riêng chi Triệu Mốc hứa thực hiện tầm đàng. Từ đó về sau, các nghi lễ này trở thành tục lệ trong các dòng họ và chi họ Triệu Mốc của người Dao quần chẹt ở xã Quân Chu.
Thứ ba, quy định trong lễ tách tổ: luật nhà tổ của chi Triệu Mốc quy định, mỗi một người nam giới bắt buộc phải thực hiện 5 nghi lễ, được gọi là miền sảy (đám đời), gồm: tần dần đàng, chày peèng đàng, chày phí đàng, tầm đàng, đàng câm. Theo quan niệm của những người thuộc chi Triệu Mốc, việc thực hiện 5 nghi lễ này không chỉ là quy định của dòng họ mà còn mang ý nghĩa cầu mong tổ tiên, thần thánh chứng giám lòng thành và luôn theo sát, phù hộ cho bản thân người được thực hiện miền sảy và gia đình mình. Nếu người đàn ông đó khi còn sống không đủ khả năng tổ chức được 5 lễ này, khi chết con cháu cũng phải thực hiện. Năm nghi lễ trên nằm trong quy trình các công đoạn của tách tổ. Và theo quy định đời nào phải thực hiện đời đó, không được hưởng chung. Chẳng hạn đời bố hoàn thành nghi thức tách tổ, khi bố chết đi nhà tổ cũ được truyền lại cho con trưởng nối đời thờ phụng. Người con trưởng, lúc này chỉ thực hiện 5 nghi lễ của miền sảy cho đời mình hoặc đời bố mà không phải thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình tách tổ. Các con thứ không được hưởng nhà tổ, mà phải tách tổ ra riêng để có thể cấp sắc cho con mình, đồng thời để đời mình được hưởng miền sảy. Theo ông Bàn Đức Lợi (83 tuổi, xóm Hòa Bình 2, xã Quân Chu) cho biết: đời nào làm riêng đời đó là để được hưởng phúc cho mình. Trong trường hợp, nếu đời bố chưa hoàn thành nghi lễ tách tổ, các con trai tiếp tục thực hiện thì tất cả những người con trai trong gia đình đều được hưởng chung nhà tổ, có nghĩa họ có thể cấp sắc cho các thành viên trong gia đình tại nhà tổ đó. Tuy nhiên, trường hợp thứ nhất rất hiếm bởi do điều kiện kinh tế nên trong một đời không thể hoàn thành được các nghi lễ tách tổ, mà phải từ hai đến ba đời mới có thể hoàn thành. Đối với các dòng họ khác không có những quy định chặt chẽ như vậy, nếu đời bố đã hoàn tất các nghi lễ tách tổ, không kể con trưởng hay con thứ đều được hưởng nhà tổ gốc, chỉ khi họ muốn tách tổ ra riêng mới phải tiến hành các công đoạn trong lễ tách tổ.
Cho đến nay, các nghi thức thờ cúng tổ tiên dòng họ vẫn tồn tại khá đậm nét trong đời sống của người Dao quần chẹt ở Quân Chu với những đặc trưng riêng mang tính tộc người, góp phần giáo dục sâu sắc chữ nhân, lễ, hiếu đối với thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại. Đồng thời, tạo nên sức sống bền vững để người Dao quần chẹt có sự biến đổi thích ứng với hoàn cảnh mới, nhưng không bị hòa tan trong tộc người khác hay đánh mất những bản sắc văn hóa tộc người.
Thông qua nghi lễ tách tổ cho thấy, có sự khác biệt trong quy định của từng dòng họ, chi họ đó là một biểu hiện của tính chặt chẽ trong cấu trúc của từng dòng họ người Dao quần chẹt ở địa phương. Việc lập bàn thờ tổ cứ kế tục như vậy trong suốt vòng đời của họ, tạo không gian tâm linh giữ vị trí cốt lõi, quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi gia đình, trong sự nối tiếp, biết nguồn cội, công lao sinh thành nuôi dưỡng của tổ tiên.
Trong đời sống của người Dao quần chẹt, mối quan hệ cộng đồng trong dòng họ được biểu hiện ở các sinh hoạt tín ngưỡng có sự tác động, chi phối mọi mặt đến đời sống từng thành viên, gia đình và cũng là nền tảng để xây dựng nên hệ thống tổ chức xã hội của tộc người. Việc duy trì các nghi thức thờ cúng tổ tiên dòng họ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của thờ cúng tổ tiên của người Dao quần chẹt ở địa phương trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017
Tác giả : ĐÀM THỊ UYÊN - MAI THỊ HỒNG VĨNH